Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Hãy cố yêu người mà sống…

 Hãy cố yêu người mà sống…

 

tbd 220225a

 

Tình yêu thương là điều không thể thiếu trong đời sống của con người. Khi nói tới tình yêu thương, có lẽ không ai trong chúng ta lại không hơn một lần “yêu và được yêu.” Không có tình yêu thương, cuộc sống của con người sẽ chỉ là địa ngục trần gian.

Với Ki-tô giáo, “tình yêu thương” chính là dấu hiệu của người Ki-tô hữu. Điều này đã được Đức Giê-su truyền dạy trong bữa tiệc Vượt Qua, trước sự hiện diện của các môn đệ của mình.

Hôm ấy, Ngài nói rất rõ ràng, rằng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (x.Ga 13, 34-35).

Vâng, Đức Giê-su rất coi trọng tình yêu thương. Tình yêu thương Ngài mời gọi các môn đệ thực hiện cho nhau không phải là thứ tình yêu kiểu người đời thường thực hiện, “Bánh ít đi, bánh quy lại” hoặc là “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Tình yêu thương Đức Giê-su mời gọi các môn đệ thực hiện cho nhau là một thứ tình yêu “mặc dù”. Mặc dù anh không yêu tôi, nhưng tôi vẫn yêu anh. Thậm chí, Đức Giê-su còn truyền dạy “hãy yêu kẻ thù”.

Vâng, Đức Giê-su nói: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” Và rồi sau đó, Ngài đã có những lời truyền dạy thấm đậm sự nhân hậu, lòng bao dung và tha thứ. Những lời truyền dạy này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 6, 27-38).

**
Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại, hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (x.Lc 6, 27-30).

Chưa hết, Đức Giê-su còn nói tiếp rằng: “Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”

Đừng… đừng vội nghĩ rằng, những lời truyền dạy này chỉ làm cho các môn đệ (và chúng ta hôm nay) trở thành kẻ nhu nhược. Trái lại, nó là bước khởi đầu (cho những ai thực hiện) chứng tỏ sự khôn ngoan và mạnh mẽ của mình.

Lý do gì để chúng ta nghĩ như thế? Thưa, bởi vì Đức Giê-su còn cho chúng ta một lời truyền dạy, đầy sự khôn ngoan. Hôm ấy, Ngài tiếp lời dạy rằng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”

Nếu chúng ta thực sự “muốn” và nếu chúng ta “làm” hết lòng... những điều tốt đẹp cho xã hội, cho tha nhân, cho bất cứ ai, thử hỏi, có ai lại đòi “vả má” mình chứ! Lạng quạng một ai đó đòi “hun” chứ chẳng chơi!

Khi chúng ta “nhường cơm sẻ áo” cho một ai đó, thử hỏi, có ai lại đòi “đoạt áo” của chúng ta! Ngại lắm! Phải không, thưa quý vị!

Đây không phải là ngụy biện. Đức Giê-su không đại diện cho một trường phái ngụy biện nào đó. Ngài đại diện cho một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “…là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.” (Tv 103, 8-9).

Thế nên, đừng khổ sở khi Đức Giê-su kêu gọi chúng ta yêu-kẻ-thù. Hôm ấy, Ngài đã từ tốn giải thích với các môn đệ, rằng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế?”

Đức Giê-su còn nói thêm một vài trường hợp rất “hợp” với đời thường. Ngài nói: “Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả sòng phẳng.” Cuối cùng, Ngài thẳng thắn nhắc lại một lần nữa với các môn đệ, rằng: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả”.
***
Hãy-yêu-kẻ-thù… Chữ “yêu” ở đây không hiểu theo chữ “yêu – love” trong tình yêu nam nữ. Chữ “yêu” ở lời khuyên này được hiểu theo chữ “Agape - Tình Bác Ái”.

Agape - Tình Bác Ái thường được dùng trong Kinh Thánh. Và hôm nay, Giáo Hội đã “tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy”, chúng ta có nhớ không?

Chúng ta hãy ghi vào cuốn “sổ tay tâm hồn” của mình những lời Đức Giê-su căn dặn, lời căn dặn rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc, và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Ghi rồi, chúng ta đừng quên, những lời căn dặn này, chính là “tiêu chuẩn để đánh giá”, Agape - Tình Bác Ái, của mỗi chúng ta. Sự đánh giá này sẽ quyết định đến “phần thưởng” mà Đức Giê-su đã phán hứa với các môn đệ năm xưa (và hôm nay là chúng ta), rằng: “Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu cả phường vô ân và quân độc ác.” (x.Lc 6, 37).

Vâng, rất lớn lao. Thế nên, chúng ta lại càng phải thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su. Chúng ta lại càng phải thiết tha van xin Chúa “cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.”

Hãy-yêu-kẻ-thù. Agape - Tình Bác Ái không chủ trương hận thù, không chấp nhận “mắt đền mắt, răng đền răng”. Agape - Tình Bác Ái thể hiện sự nhân hậu, lòng bao dung và quan trọng hơn cả, đó là tha thứ.

****
Những lời truyền dạy của Đức Giê-su khó thực hiện nhỉ! Thế nhưng, khó cách mấy thì đó cũng là lệnh truyền.

Suốt chiều dài lịch sử con người, đã có không ít người thực thi lệnh truyền này, phản ảnh đúng những gì Thiên Chúa đã thể hiện: “chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.”

Xưa, vào thời Cựu Ước, có một chàng trai tên là David. Vào lúc đó, Israel đang lâm vào một cuộc chiến tranh với Phi-li-tinh. Phi-li-tinh có một mãnh tướng khổng lồ tên là Gôliat. Tên mãnh tướng này mỗi ngày đều ra thách đấu với Israel. Vua Israel là Saul hoảng sợ vì không có vị tướng lãnh nào dám ra đối đầu.

David biết được nguồn tin này. Chàng trai này lập tức gặp vua Saul để xin nghênh chiến. Nhà vua chấp nhận. Kết quả là, chàng trai David đã hạ tên khổng lồ Gô-li-at như trở bàn tay.

Với chiến thắng này, David được toàn thể dân Israel ngưỡng mộ. Những người phụ nữ vui đùa ca hát rằng: “Vua Saul hạ được hàng ngàn, ông David hàng vạn” (x.1Sm 18, 7).

Chuyện này lọt đến tai vua Saul, kể từ đó nhà vua căm ghét David. Ông ta trở mặt coi David như kẻ thù, một kẻ thù đang cố chiếm đoạt ngai vàng của nhà vua. Saul nhiều lần tìm cách giết David, nhưng không thành công.

Ngược lại, David lại có cơ hội giết vua Saul, nhưng chàng trai này đã không hạ thủ. David không hạ thủ vì kính trọng người đã được ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong.

Với hành động này, David, một cách rõ nét, đã thực hiện lời Chúa truyền dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. David thật sự tha thứ cho vua Saul dù cho nhà vua luôn tìm cách truy sát mình.

Ngày nay, ai có thể thực hiện được như David? Có… có một tấm gương mẫu mực để chúng ta noi theo, đó chính là Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II.

Hầu như cả thế giới đều biết câu chuyện vị Giáo Hoàng này đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình, người Thổ Nhĩ Kỳ, tên là Mehmet Ali Agca.

Vâng, chuyện tuy đã cũ, nhưng chúng ta cũng nên đọc lại đôi dòng trong cuốn “Ký ức và Căn Tính - Memory & Identity” do Nhà xuất bản Weidebfeld & Nicolson, UK, ấn hành.

Trang 180, Đức Giáo Hoàng kể: “Đúng, tôi nhớ lại chặng đường tới bệnh viện. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tôi đã bất tỉnh. Tôi có một cảm giác rằng tôi sẽ sống sót. Tôi bị đau và đây đã là một lý do để sợ sệt nhưng tôi có một sự tín thác lạ thường. Tôi nói với cha Stanislaw (vị thư ký riêng của Đức Thánh Cha nay là Tổng Giám Mục tại Krakow, Balan) rằng tôi đã tha thứ cho kẻ sát hại tôi. Những gì đã xảy ra tại bệnh viện, tôi không còn nhớ.” (nguồn: internet).

Vào năm 1983, Đức Thánh Cha đã đến nhà tù Roma thăm và ôm lấy kẻ đã bắn vào mình.

Đây là hai điển hình, (một xưa và một nay), về sự yêu thương và tha thứ. Riêng Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, ngài đã thể hiện rõ nét điều Đức Giê-su đã cầu nguyện trên thập giá tại Golgotha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Luận bàn về sự tha thứ, Mahatma Gandhi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.” Victor Hugo thì nói: “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Còn mục sư Martin Luther, ông ta nói: “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, dẫu cho chúng ta đang phải sống chung với một xã hội thiếu lòng bao dung và tha thứ (trả thù, ăn miếng trả miếng), chúng ta cũng vẫn phải sống theo lời Đức Giê-su truyền dạy: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.”

Hãy-yêu-kẻ-thù, bởi vì “giết người đi thì ta ở với ai”! Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, chúng ta hãy: “Góp hết tương lai vào tiếng. Yêu thương trao (nhau) một đời… Hãy cố yêu người mà sống. Lâu rồi đời mình cũng qua.” (Vũ Thành An).

Vâng, chúng ta phải cố-yêu-người cho tới khi mình thành người-quá-cố. 
Cuộc đời của mỗi chúng ta rồi sẽ “cũng qua”. Bất cứ ai, rồi sẽ “cũng qua.” Nhưng, riêng chúng ta, thì khác với người đời. Khác ở chỗ, khi đời-mình-cũng-qua, mình sẽ phải gặp lại “ông Thầy - Thầy Giê-su”. Gặp để mà lấy “phần thưởng” Thầy Giê-su đã hứa “dành cho” và để được gọi là “con Đấng Tối Cao”, nữa chứ!


Vâng, muốn được vậy… và chắc chắn sẽ được vậy… ngay hôm nay, chúng ta “hãy cố yêu người mà sống”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

Hãy vui thú lời Chúa chúc phúc…

 Hãy vui thú lời Chúa chúc phúc…

tbd 150225b


Chúng ta vừa mới trải qua những ngày đón mừng năm mới. Như một truyền thống lâu đời, nhiều người dân Saigon chọn điểm du xuân là những ngôi chùa, thường họ viếng mười cảnh chùa, được gọi là “du xuân thập tự”. Viếng mười cảnh chùa đầu năm được xem đó như là cơ hội để cầu bình an, cầu may mắn, cầu làm ăn phát tài, v.v...

Còn người Công Giáo thì sao? Thưa, không du-xuân-mười-nhà-thờ, người Công Giáo đi nhà thờ trong ba ngày đầu năm. Trong ba ngày đầu năm, Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành ba thánh lễ để “cầu bình an – kính nhớ tổ tiên – thánh hóa công việc”.

Nếu làm một cuộc phỏng vấn hỏi từng người, điều họ cầu xin cho một năm mới là gì! Có lẽ chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rằng, xin một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Vâng, đúng là vậy. Bởi vì hạnh phúc là “khát vọng” luôn đeo đuổi suốt hành trình cuộc sống con người. Đầu năm mới, không gì tốt hơn là cầu xin gia đình mình tràn đầy hạnh phúc.

Chỉ có điều, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng và đôi lúc nó tạo ra sự mâu thuẫn. Ví dụ: hạnh phúc của ông bác sĩ là có nhiều bệnh nhân, ngược lại hạnh phúc của mọi người là… là gì chúng ta biết rồi!

Nói về sự mâu thuẫn, (cố) Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần có lời nói rằng: “Hạnh phúc là một cõi mơ rất rộng, với một nội dung rất trống. Khi đi vào cụ thể, mỗi người sẽ đi theo những con đường có thể khác nhau, và sẽ có những kinh nghiệm có thể khác nhau.

Thế nên, ngài Giám mục đã có lời khuyên rằng: “Đối với tín hữu (Công Giáo), mọi con đường hạnh phúc đều được chọn trong ánh sáng Lời Chúa, và do đó mọi kinh nghiệm về hạnh phúc cũng được xác nghiệm trên tiêu chuẩn Lời Chúa.” Vâng, đó là một lời khuyên đáng trân trọng.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã soạn thảo một “bộ tiêu chuẩn ISO” đủ đáp ứng cho mọi người phương cách để tìm được hạnh phúc thật, cho cuộc sống của mình. Chi tiết của bộ-tiêu-chuẩn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 6, 17.20-26).

**
Tin mừng thánh Luca ghi lại như sau: Hôm ấy, “Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng”. Sự hiện diện của Ngài đã thu hút “đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền Tia và Si-đôn đến.” Họ đến “để nghe Đức Giê-su giảng và để được chữa lành bệnh tật.”

Hôm ấy, ngoài việc chữa lành những người bệnh hoạn, “những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được (Đức Giê-su) chữa lành.” Chứng kiến tận mắt quyền năng của Đức Giê-su “tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (x.Lc 6, 19).

Sau khi công việc chữa bệnh hoàn tất, “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6, 20-23).

***
Có lẽ, có không ít người đã vội nản lòng về những điều Đức Giê-su công bố (nêu trên). Khó thực hiện quá! Khó có thể xem đó như là hành trang cho việc đi tìm hạnh phúc!

Ấy thế mà, thế mà hôm nay, Giáo Hội lại gọi đó là “Các mối phúc thật”. Vâng, nói theo cách nói bình dân học vụ, những điều Đức Giê-su công bố chính là “đầu mối” cho những ai muốn tìm con đường hạnh phúc trong ánh sáng Lời Chúa.

Thế nên, hãy xem những lời công bố của Đức Giê-su như là hành trang cho cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình. Nói cách khác, sử dụng bộ-tiêu-chuẩn-ISO này, chúng ta sẽ “hạnh phúc với sức mạnh và sức sống của Thiên Chúa”. Cha Charles E.Miller, qua một bài giảng, có lời khuyên dạy như thế.

Để củng cố cho lời khuyên của mình, Cha Charles đã dẫn chứng lời ngôn sứ Giê-rê-mi như một cách “giúp chúng ta quán triệt” bộ tiêu chuẩn ISO do Đức Giê-su soạn thảo ra.

Vâng, ngôn sứ Giê-rê-mi có lời viết rằng: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.” Chưa hết! Thiên Chúa, qua môi miệng vị ngôn sứ này, còn có lời khẳng định, rằng: “Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.” (x.Gr 17, 7-8).

Như vậy, đừng nản lòng về những gì Đức Giê-su đã đề ra. Việc thứ nhất và quan trọng nhất, đó là “đặt niềm tin vào Chúa”. Là quay sang (nhìn) Chúa, là để Chúa lấp đầy những thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, và đừng quên “thi hành ý Chúa trong mọi sự”. Cha Charles, với kinh nghiệm trong cuộc sống của mình, có lời chia sẻ như thế.

****
Chữ đầu tiên tác giả sách Thánh Vịnh viết là chữ “Phúc”. Chữ đầu tiên Đức Giê-su viết cho bộ-tiêu-chuẩn-ISO của mình cũng là chữ “Phúc”.

Những nhà chú giải Kinh Thánh nói: trong Kinh Thánh “phúc” được dùng thay cho “hạnh phúc”. Như vậy, điều Đức Giê-su nói phúc-cho-anh-em chẳng phải là điều “Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc”, sao!

Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc. Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, đã vạch ra một lộ trình để chúng ta đi vào và sẽ nhận được hạnh phúc thật, như thế đấy.

Chúng ta sẽ đi và tin vào lời phán hứa của Người? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta, với cái nhìn hạn hẹp, đi tìm hạnh phúc kiểu thế gian… thì hãy coi chừng, vì đó là một chọn lựa nguy hiểm.

Nguy hiểm vì hạnh phúc theo kiểu thế gian là thứ hạnh phúc nay có mai mất. Sách Giảng Viên, chẳng phải là có nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”, đó sao! (x.Gv 1, 2).

Nguy hiểm vì, trước những mối lợi trần thế, (tiền bạc, danh vọng, quyền lực v.v…) và khi chúng ta cho rằng nó đem lại hạnh phúc, thế là, bằng mọi cách, (đôi khi bất chấp thủ đoạn), chúng ta sẽ trở thành hung thần, chúng ta sẽ trở thành bạo chúa, chúng ta sẽ tranh giành, chiếm đoạt, cấu xé, thậm chí giết lẫn nhau, để sở hữu chúng.

Kết quả! Vâng, hãy đến tóa án nhân dân thành phố Saigon, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều kết quả được lưu trữ tại đây, đại loại như: chung thân, tử hình, hai ba chục năm v.v…

Nguy hiểm vì khi chúng ta cố tìm hạnh phúc theo kiểu thế gian, chúng ta sẽ dễ rơi vào bẫy của “bọn ác nhân”, chúng ta sẽ dễ trở thành “phường ngạo mạn kiêu căng”, cuối cùng là chúng ta tự tách mình ra khỏi con đường hạnh phúc trong ánh sáng Lời Chúa, lầm lũi “bước vào đường quân tội lỗi”, mà thôi.

*****
Chúng ta phải nhắc lại lần nữa, rằng: Chúng ta sẽ hạnh phúc khi được Thiên Chúa chúc phúc. Và đó là lý do để chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, những điều Đức Giê-su “cảnh báo” là những lời “chúc dữ”.

Thế nên, đừng khó chịu, khi Đức Giê-su nặng lời cảnh báo, rằng: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi rồi”.

Lời cảnh báo này là một lời cảnh báo của tình yêu thương. Cảnh báo để chúng ta đừng sống một cuộc sống như ông nhà giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó…”

Vâng, rất chính đáng để nói với ông ta rằng “(khốn cho ông là kẻ)… mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, (lại vô tâm trước) một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà ông… thèm được những thứ trên bàn ăn… rớt xuống mà ăn cho no.”

Cảnh báo để chúng ta không bị rơi vào tình trạng bị Áp-ra-ham nhắc khéo: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi…”

Cũng đừng khó chịu khi Đức Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”. Hãy xem lời cảnh báo này như một lời nhắc nhở chúng ta, rằng hãy “vui với kẻ vui, khóc với người khóc” (x.Rm 12, 14).

Làm sao đây, để không bị gọi là “khốn”, nếu chúng ta “đang được no nê”? Thưa, hãy thực thi lời truyền dạy của ông Gio-an Tẩy Giả: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (x.Lc 3, 11).

Con đường tìm đến hạnh phúc trong ánh sáng Lời Chúa là thế đấy. Là “chấp nhận” lời truyền dạy của Đức Giê-su. Là sống theo lối sống của Ngài. Là “vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt ngày đêm.”

Chỉ như thế và có như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy hạnh phúc, một sự hạnh phúc “làm chi cũng sẽ thành”. (x.Tv 1, 2-3).

Thế nên, chúng ta hãy vui thú lời Chúa chúc phúc.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2025

Hãy vâng lời Chúa…

 Hãy vâng lời Chúa…

tbd 080225b


Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô có lời truyền dạy: “Thiên Chúa là thành tín”. Có thể nói, đây là một lời truyền dạy có cơ sở. Chính tác giả sách Thánh Vịnh, qua sự trải nghiệm trong cuộc sống đức tin của mình, cũng đã thốt lên rằng: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng tin cậy.” (Tv 33, 4).

Thiên Chúa luôn nhất quán. Người đã hứa với Ápraham, rằng sẽ cho ông một dòng dõi như sao trên trời, như cát bãi biển. Kết quả đúng là như vậy. Người đã hứa với dân Israel, rằng sẽ cho họ xứ Ca-na-an làm cơ nghiệp. Và rồi, Người đã thực hiện.

Chưa… còn nữa. Một lời hứa được Thiên Chúa hứa ban, đã làm chấn động toàn cõi địa cầu, đó là hứa ban cho thế gian “Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”… Người cũng đã thực hiện, hơn hai ngàn năm trước đây.

Tất cả lời phán hứa của Thiên Chúa đều đã được thực hiện, vì Người không phải là kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên.”

Vua Đa-vít xưa, trải nghiệm được điều này, nên đã nói: “Dù tôi đi trong trũng bóng chết. Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi. Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.” Rồi, ông ta đã lớn tiếng kêu gọi mọi người, rằng: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Mà nào có phải chỉ vua Đa-vít trải nghiệm được điều này! Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử Ki-tô giáo, cũng đã có không ít người Ki-tô hữu “ký thác đường đời cho Chúa”. Trong số không ít người đó, những người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su, có thể nói, đó là những người tiên phong cho sự ký thác đời mình cho Chúa.

Vâng, họ đã nghe Chúa Giê-su giảng dạy. Họ đã tận mắt nhìn thấy quyền năng của Chúa Giê-su. Và rồi họ ký thác đường đời mình cho Chúa Giê-su, qua hành động “bỏ hết mọi sự và đi theo Người”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 5, 1-11).

**
Theo Tin Mừng ghi lại: Hôm ấy, “Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét”. Sự xuất hiện của Đức Giêsu, lập tức được nhanh chóng loan truyền. Và rồi, bờ hồ Ghen-nê-xa-rét đã phải “gồng mình” trước một đám đông người không được trật tự cho lắm.

Rất, rất mất trật tự trước cảnh tượng: “dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài”. Có lẽ ai cũng muốn được đứng gần Ngài, gần Ngài để dễ nghe hơn chăng! Để vãn hồi trật tự, “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-mon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.”

Khi con thuyền của ông Simon được chèo ra xa bờ, chuyện kể tiếp rằng: “Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”

Đức Giê-su đã giảng những gì? Thưa, thánh sử Luca không đề cập đến, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, Ngài giảng “lời Thiên Chúa”.

Nghĩ như vậy đúng thôi! Bởi đó cũng là “nguyện vọng” của dân chúng. Dân chúng tìm đến Ngài, theo lời thánh sử Luca nói, “để nghe lời Thiên Chúa” (x.Lc 5, …1).

“Giảng xong”, Đức Giê-su bảo ông Si-mon “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Lời Đức Giê-su bảo ông Si-mon có gì đó sai sai, chăng! Có thể lắm chứ!

Vâng, rất có thể. Một chút lưỡng lự, ông đáp lời Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.”

“Ban đêm” là một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá. Rất thuận lợi, thế mà không-bắt-được-gì-cả, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi, con-bác-thợ… thợ mộc, lại bảo ngư phủ lão luyện Si-mon ra khơi, có nghịch lý không kia chứ!

Đúng rất nghịch lý. Tuy nhiên, ông Si-mon, (rất có thể), chợt nhớ đến những việc Thầy Giê-su (vừa mới làm) tại nhà bà mẹ vợ của mình, chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ của ông đang bị sốt nặng” ngay lập tức “cơn sốt biến mất”, nên đã mạnh dạn nhìn Thầy mình cất tiếng nói: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”

Thế là, dù lưới đã giặt xong và tuy mệt thì có mệt đấy, nhưng thi hành “mệnh lệnh” của Thầy Giêsu, một lần thôi, thì đã sao! Kệ… Cứ “ký thác” chuyến đánh bắt này cho Thầy Giê-su “Que Sera, Sera! – Có ra sao thì ra sao!”

Họ ra khơi. Và kết quả của sự ký thác là một mẻ lưới đầy cá. Thánh sử Luca kể rằng: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).

Hôm ấy, để có thể đem cá vào bờ “Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5, 7).

Vâng, dấu lạ này đã làm cho “tất cả những người có mặt ở đó… đều kinh ngạc”. Ông Si-mon sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Có lẽ, “cái tội” của ông Si-mon là tội hoài nghi, chăng! Vâng, đó chỉ là sự “đoán mò” của tôi, người viết.

Còn thánh sử Luca, ngài nói cho chúng ta biết một sự thật. Đó là, hôm ấy, Đức Giê-su bảo ông Si-mon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Kể từ lúc đó, các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người.”

***
Isaia, một vị ngôn sứ rao giảng ở xứ Giu-đa vào thế kỷ thứ VIII trước CN, cũng đã trải nghiệm điều ông Si-mon đã trải nghiệm.

Isaia đã được “Chúa Thượng” sai đi đảm nhận vai trò ngôn sứ trước mặt dân Chúa. Ông khước từ vì cảm thấy mình không xứng đáng. Ông tự nhận xét mình chỉ là “một người môi miệng ô uế… ở giữa một dân môi miệng ô uế”.

Thế nhưng, Chúa vẫn chọn ông. “Một trong các thiên thần Xê-ra-phim bay về phía (ông), tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp trên bàn thờ. Người đã đưa hòn than ấy chạm vào miệng (ông) mà nói: Đây, cái này đã chạm vào đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6, 6-7).

Và Isaia đã đáp: “Dạ con đây, xin sai con đi”.

****
Si-mon và Isaia tuy sống ở hai thời đại khác nhau, nhưng lại có cùng chung một chí hướng. Hai vị đã “hướng về Chúa” Hai vị đã ký thác đường đời cho Chúa. Hai vị đã đáp lại “ơn gọi của Người.”

Cuối cùng, một người là “tông đồ trưởng”. Một người là “một trong những ngôn sứ cao cả nhất”. Vâng, giản dị thôi! Hai vị đã “tuân theo đường lối của Thiên Chúa”.

Bây giờ, chúng ta hãy để tâm hồn mình chìm vào thinh lặng và tự hỏi: Có, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, một điều tương tự như thế “đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra” trong cuộc đời mình?

Có đấy! Và, mỗi người là một “kịch bản” khác nhau. Tác giả những kịch bản đó, (theo đức tin) không ai khác chính là Thiên Chúa.

“Thiên Chúa đã hành động trong cuộc sống mỗi người theo cách vượt quá những gì chúng ta dự tính hay mong đợi.” Cha Charles E.Miller trong một bài giảng, có lời chia sẻ, như thế.

Cha Charles nói tiếp rằng: “Thánh Phao-lô nghĩ mình làm đúng khi lùng sục bắt bớ các Ki-tô hữu. Ông cảm thấy đây là bổn phận của một người Do Thái sùng đạo, trong khi Thiên Chúa sắp đặt một chương trình khác cho ông. Ông sẽ là một trong các Tông Đồ và là tác giả của nhiều Thánh thư trong Tân Ước. Ông viết ra một số trong các giáo lý quan trọng nhất của chúng ta. Đường lối của Thiên Chúa tốt đẹp hơn cho Phao-lô”.

Cuối cùng, ngài Chales kết luận: “Đường lối của Thiên Chúa không như đường lối của chúng ta, và đường lối của Ngài luôn tốt đẹp”
Thế nên, nếu chúng ta muốn mình là một bác sĩ, nhưng thực tế mình chỉ là ý tá, thì cũng đừng bi quan, mà hãy nghĩ rằng, đó là một con đường tốt đẹp Chúa gửi đến mình. (Không có y tá, bác sĩ khó mà làm việc nha!)

Có một điều chúng ta thường phàn nàn rằng: tôi đã ký thác cho Chúa, tôi đã tin tưởng vào Chúa… nhưng tại sao Người vẫn “không ra tay!” Tại sao! Thưa, tại vì chúng ta không “tuân giữ các mệnh lệnh của Người”. Ông Si-mon đã tuân mệnh lệnh Chúa nha!

Chúng ta hãy nhớ, Kinh Thánh có lời chép rằng: “Thiên Chúa của (chúng ta) thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành, cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.” (x.Dnl 7, 9).

Thiên Chúa đang chờ chúng ta ký thác vào Người. Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tin tưởng vào Người. Và, Thiên Chúa sẽ “ra tay”, khi chúng ta, như ông Si-mon xưa: “Vâng lời Thầy.”

Chỉ cần thực hiện bốn chữ thôi: “Hãy vâng lời Chúa.”

Petrus.tran

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

Hãy sống công chính và sùng đạo

 

tbd 010225a


Cầu nguyện và đọc kinh - đọc kinh và cầu nguyện, đó là hai việc làm không thể thiếu trong đời sống đức tin của người tín hữu Công Giáo. Gọi là không thể thiếu bởi đó là điều Đức Giê-su đã truyền dạy.

Về cầu nguyện, Ngài đã truyền dạy rằng: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” Còn về đọc kinh! Có… Đức Giê-su có dạy các môn đệ “đọc kinh”.

Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại thì: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: ‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông’. Người bảo các ông: Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển. Triều đại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con, ngày nào có lương thực ngày ấy. Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. (x.Lc 1-11).

Đó… đó chính là nội dung “bài kinh” Đức Giê-su đã dạy các môn đệ. Ngày nay, chúng ta gọi là kinh Lạy Cha, và chúng ta đọc mỗi ngày. Như Đức Giê-su đã dạy các môn đệ đọc kinh Lạy Cha, Giáo Hội dạy chúng ta đọc “kinh kính mừng”.

Kinh kính mừng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, là những lời sứ thần Chúa đã truyền tin cho Đức Maria, cộng với lời chào của bà Elisabet, năm xưa: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” – “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (x.Lc 1, 28&42).

Chưa hết! Đọc kinh kính mừng theo cách thức lần hạt Mân Côi, gợi cho chúng ta nhớ đến những biến cố đã xảy ra cho Đức Giê-su. Từ biến cố “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”, đến biến cố “Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá” và rồi “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh”, qua phần suy niệm “Mầu Nhiệm Vui”.

Vâng, thật là vui hơn nữa, vì những biến cố này đã được Giáo Hội kính nhớ đặc biệt, trong những thánh lễ đặc biệt, hằng năm. Chẳng hạn như: Lễ Truyền Tin - Lễ Giáng Sinh. Với Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (02/02/2025), Giáo Hội kính nhớ đặc biệt đến sự kiện “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh”. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 2, 22-40).

**
Tin Mừng thánh Luca ghi lại câu chuyện này, như sau: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được coi là của thánh, dành cho Chúa’ và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.”

Tưởng chúng ta cũng nên biết “lễ thanh tẩy”, được nói ở đây, không phải là Bí tích Thanh Tẩy hay Phép Rửa Tội là một trong 7 Bí tích trong Giáo hội Công giáo.

“Ngày lễ thanh tẩy của các ngài”, nói ở đây, là một ngày lễ “nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môsê, phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái.” (nguồn: internet).

Hôm ấy, có hai người xuất hiện, một người tên là Si-mê-on và một người tên là An-na. Ông Si-mê-on được biết đến là một người “công chính và sùng đạo”. “Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa, rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2,29-32).

Những lời ông Si-mê-on nói đã làm cho “Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời... nói về Người.”

Sau đó, “Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Về phần bà An-na. Âm thầm “bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.”

Và rồi, “Khi hai ông bà hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” (x.Lc 2, 39-40).

***
Như đã nói ở trên, Chúa Nhật hôm nay Giáo Hội cử hành lễ kính “Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh.” Sự kiện này, cũng từng được chúng ta “kính cẩn”, mỗi khi lần chuỗi Mân Côi. Rất, rất trịnh trọng chúng ta lớn tiếng đọc, “thứ tư thì gẫm: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.”

Vâng, rất tuyệt vời cho hành vi đạo đức này. Tuy nhiên, dù chúng ta có thực hiện hành vi đạo đức này, dù chúng ta có “gẫm đi, gẫm lại” hằng ngàn lần, mà chúng ta vẫn không “vâng lời chịu lụy” thì không bao giờ chúng ta “được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Đức Giê-su chỉ một lần “gẫm” thôi, thánh sử Luca nói rồi; Ngài “hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”

Người soạn lời gẫm, khuyên chúng ta “hãy xin cho được”. Mà, làm thế nào để xin-cho-được, đây! Thưa, hãy nhìn cụ Si-mê-on, nhìn cụ như là một tấm gương mẫu mực cho đời sống đức tin của mình.

Cụ Si-mê-on có gì đặc biệt để chúng xem như là một tấm gương mẫu mực! Thưa, thánh sử Luca cho biết “ông là người công chính và sùng đạo”. Chính điểm son này, ông được “Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.” (x.Lc 2, 25-26).

Công chính và sùng đạo, nha! Đó, đó chính là tấm gương mà chúng ta cần noi theo. Đừng quên, một ngày nọ, Đức Giê-su tuyên bố: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (x.Mt 5, 6).

Hãy là người công chính đi! Chúa sẽ cho chúng ta thỏa lòng. Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh Thần Khí để chúng ta có thể “vâng lời chịu lụy”.

Khi đã trở nên người công chính, chúng ta sẽ thấy việc “sùng đạo” là một niềm hạnh phúc, chứ không phải là gánh nặng. Nói rõ hơn, chúng ta sẽ thấy việc “đi nhà thờ” đó là một niềm vui, chứ không phải vì sợ vi phạm luật buộc “giữ ngày Chúa Nhật”.

Thêm một tấm gương về việc sùng đạo, thật đáng để chúng ta khâm phục và noi theo. Đó là bà An-na. Bà ta “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.”

Vâng, hãy theo gương bà, đừng lãng quên sớm-hôm-thờ-phượng-Chúa.

Hôm nay, chúng thấy rồi đó, một thế giới đầy hỗn loạn, một xã hội đấy bất an, nhiều… nhiều người đã “ra đi” không kịp trăn trối, trong nước cũng như ở ngoại quốc, vào dịp tết vừa qua, kể ra không hết.

Thế nên, thật khôn ngoan, khi chúng ta cũng theo gương Mẹ Maria, dâng chính cuộc đời mình cho Chúa. Bởi, như lời Kinh Thánh dạy: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.”

Vâng, muốn được như thế, muốn được Chúa cho “nghỉ ngơi yên hàn” hãy sống như cụ Si-mê-on đã sống. Hãy sống công chính và sùng đạo.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...