Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

Hãy làm như người Samari...

 Chúa Nhật XV – TN – C

Hãy làm như người Samari

tbd 120725a


Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Na-da-rét, thánh sử Mát-thêu cho biết “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân… Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt v.v… Người đã chữa họ.”
Thế là, danh tiếng của Đức Giê-su được đồn ra mọi nơi, khắp cả “vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan.”

Tại Ca-phác-na-um, khi thấy Đức Giê-su chữa lành “một người bị thần ô uế nhập… mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì?” Và khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, mọi người đã “sửng sốt… vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

Kể từ đó, Đức Giê-su như là cái gai trước mắt các ông kinh sư, các thầy thông luật. Và họ đã tìm mọi cách để hạ bệ Ngài.

Theo các sách Tin Mừng ghi lại, có rất nhiều nhóm đã tìm gặp Đức Giê-su để chất vấn Ngài. Khi thì họ chất vấn Đức Giê-su, rằng: “trong các điều răn, điều nào là trọng nhất?” Khi thì họ lịch lãm “xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ?” v.v…

Nhiều… nhiều lắm. Tuy vậy, tất cả những lần chất vấn, dù có gài bẫy cỡ nào, đều được Đức Giê-su hóa giải. Đã có lần họ phải “tâm phục khẩu phục”. Câu chuyện một thầy thông luật hỏi Đức Giê-su về việc “Ai là người thân cận của tôi?”, được ghi trong Tin Mừng thánh Luca, như điển hình. (x.Lc 10, 25-37).

**
Theo Tin Mừng thánh Lu-ca ghi lại: Một hôm, có người thông luật kia hỏi Đức Giêsu một câu hỏi, rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Vâng, một câu hỏi tưởng là dễ nhưng lại là khó, để trả lời. Khó là bởi: “Do Thái giáo là một tôn giáo lâu đời và có nhiều trường phái tư tưởng khác nhau. Niềm tin về sự sống đời đời không phải là một niềm tin thống nhất trong tất cả các nhánh của Do Thái giáo. Có nhóm như nhóm Sadducee, chủ yếu là các tư tế cấp cao, chỉ tin vào Ngũ Thư (Torah) và không tin vào sự sống lại hoặc cuộc sống vĩnh hằng. Ngược lại, nhóm Pharisees tin vào sự sống lại của thân xác vào ngày tận thế và sự phán xét sau khi chết. Đối với nhiều người Do Thái, trọng tâm là sống một cuộc đời ý nghĩa và tuân theo các giới luật của Torah trên thế giới này, thay vì tập trung vào một cuộc sống sau khi chết.” (nguồn: internet).

Sống-một-cuộc-đời-ý-nghĩa-và-tuân-theo-giới-luật, cũng là người Do Thái, Đức Giê-su thấu hiểu điều cơ bản này. Thế nên, để trả lời ông thông luật, Ngài đã có lời đáp, rằng: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

Ông-đọc-thế-nào? Vâng, thầy thông luật chính là người am hiểu rành rẽ luật. Những điều luật, được ghi trong ngũ thư là những cuốn sách nói rất rõ về Mười Điều Răn, về lề luật, về lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời, ông ta rành “sáu câu”. Do vậy, sau khi nghe Đức Giê-su nói, vị thông luật đã trả lời “ngọt sớt”, rằng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.

Cuộc… cuộc chất vấn tưởng chừng chấm dứt khi Đức Giê-su nói với ông ta rằng: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.

Thế nhưng, ông thầy thông luật này không chịu dừng ở đó. Không dừng ở đó vì thánh sử Luca cho biết việc ông ta hỏi Đức Giê-su là “để thử Người”. Và đây, ông thông luật đã hỏi, một câu hỏi mà ông ta cho là “mình có lý”, câu hỏi rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Ai! “Ai là người thân cận của tôi?” Có phần chắc, ông ta thừa biết! Là thầy thông luật chẳng lẽ ông ta không biết “người thân cận là người ở gần mình, là người anh em cùng tin vào Thiên Chúa!” Chẳng lẽ ông ta không biết, còn là những người “ngoại kiều” như luật Lê-vi (11, 19) đã dạy!

Mặc cho ông thông luật “đắc ý” về câu hỏi của mình, Đức Giê-su kể một dụ ngôn. Dụ ngôn được Đức Giê-su kể như sau: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô…”

Tưởng chúng ta nên biết, đây là một cung đường dài khoảng 27km, với sự chênh lệch về độ cao vào khoảng 1000m. Giêrusalem nằm ở độ cao 750m trên mặt biển, còn Giêrikhô thấp hơn mặt biển 250m. (nguồn: internet).

Chính vì thế, cung đường này tạo thành một đoạn đường dốc. Với địa hình như thế, nó rất tốt để những toán cướp phục kích tấn công khách bộ hành để cướp bóc.

Mà đúng là vậy. Chuyện kể rằng: “dọc đường (người kia) bị rơi vào tay kẻ cướp”. Rất dã man “Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, mặc người ấy nửa sống nửa chết.”

Nếu câu chuyện này, hôm nay, được đăng trên “phây búc”… có lẽ, sẽ có không ít người bình luận, rằng: “Người kia, đáng thương quá đi!” Đúng không, thưa quý vị!

Ấy thế mà… thế mà có hai người, đi qua thấy… thấy rõ nạn nhân, nhưng lại ca bài “gặp nhau làm ngơ.”

Vâng, hôm ấy, chuyện kể rằng: “Tình cờ có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi”.

Ông tư tế vừa tránh-qua-bên-kia-mà-đi, thì có “một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy…” Ông Lê-vi có thấy nạn nhân không? Thưa, thánh sử Luca cho biết: ông Lê-vi “cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi”.

Buồn nhỉ! Vâng, rất buồn và chắc hẳn chúng ta sẽ tự hỏi: “Tại sao họ lại tránh qua một bên mà đi khi thấy nạn nhân nằm bên vệ đường?”

Tại sao ư! Thưa! Hai người này đều thuộc về những nhóm có chức vụ tại Đền Thờ. Đụng vào người nạn nhân là vi phạm sự thanh sạch theo nghi tiết.

Sách Dân số có lời dạy rằng: “Ai đụng vào người chết, bất cứ người chết là ai, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày.” (Ds 19, 11). Mà, khi đã bị nhiễm uế, “người đó làm cho Nhà Tạm của ĐỨC CHÚA, bị nhiễm uế, người như thế phải bị diệt trừ khỏi Israel” (Ds 19, 13). Còn sách Lê-vi ư! Sách Lê-vi dạy rằng: “Một tư tế không được làm cho mình ra ô uế vì một người chết trong dòng họ nó…” (Lv 21, 1).

Luật là thế! Thế nên, hai vị tư tế lẫn Lê-vi hôm ấy ca rằng: “nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ”, thì cũng đừng “ném đá” họ nhé!

Trở lại câu chuyện. Hai vị tư tế và Lê-vi đi rồi, thì có “một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy (nạn nhân), cũng thấy…”

Vâng, ông ta không-chỉ-cũng-thấy, mà trong con tim ông ta như văng vẳng tiếng nạn nhân nằm bên vệ đường rên rỉ: “Đừng bỏ (tôi) một mình. Đừng bỏ (tôi) một mình. Đường về nghĩa trang lênh đênh đừng bỏ (tôi)…”

Nghe bốn chữ đường-về-nghĩa-trang đã khiến ông ta “chạnh lòng thương xót” chăng! . Có thể là vậy! Và ông ta đã nhanh chóng “Lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.”

Chưa hết, hôm sau, chàng Samari còn “lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, chính tôi sẽ hoàn trả lại bác” (x.Lc 10, 35).

Chính-tôi-sẽ-hoàn-trả! Ông thầy thông luật nghe rất rõ từng chi tiết trong dụ ngôn. Và, đó là lý do, sau khi Đức Giê-su hỏi ông thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Thầy thông luật đã không ngần ngại trả lời rằng “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Vâng, đó là câu Đức Giê-su trả lời cho ông thông luật. Thánh Luca không nói gì thêm ngoài câu trả lời của Đức Giê-su. Nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, trên đường về nhà, ông thông luật, biết đâu lại chẳng vừa đi vừa gật gù nói: Ông Giê-su “có lý”.

***
Qua “dụ ngôn người Samari nhân hậu”, Đức Giê-su không chỉ gửi đến thầy thông luật một “đáp án” cho câu hỏi “ai là người thân cận của tôi” mà còn để lại nơi ông ta một quan niệm mới về “tình người”.

Đối với thầy thông luật cũng như toàn thể người Do Thái, họ quan niệm rằng “người thân cận” chính là người đồng đạo, đồng hương và đồng chủng tộc. Nhưng với Đức Giê-su, người thân cận (của nạn nhân), chính là người Samari. Và, ngược lại, người thân cận, (của người Samari), chính là nạn nhân. Không ai quen ai cả, nhưng cả hai đều có thể là người-thân-cận của nhau.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng được dạy rằng: “trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

“Yêu người” - người đó là ai? Thưa, “Bẩt cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta đều là người thân cận. Nếu có lòng cảm thương trong con tim, bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai đang cần sự trợ giúp.”

Cố ĐTC Phanxicô đã nói (như thế) với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần. Sau đó, Ngài nói tiếp, rằng: “Sự cảm thương, tình yêu, không phải là một tâm tình mông lung, nhưng có nghĩa là lo lắng cho tha nhân cho tới độ chính mình phải trả giá. Nó có nghĩa là để cho mình bị liên lụy bằng cách làm mọi sự cần thiết để tới gần người khác cho tới độ tự đồng hóa với họ: ‘Hãy yêu tha nhân như chính mình’. Đó là giới răn của Chúa” (nguồn: đài Vatican).

Với lời giáo huấn nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, người thân cận của chúng ta không ở đâu xa, không phải ở tận cung đường “từ Giê-ru-sa-lem lên Giê-ri-cô”, nhưng là ở ngay bên cạnh chúng ta.

Đúng, ở ngay bên cạnh chúng ta. Tạ ơn Chúa, anh Giu-se Vũ Đình Bình, một người anh em trong Chúa, đã tiết lộ cho chúng ta danh sách những người-thân-cận, mà chúng ta cần quan tâm đến. Đó là… “Là ông cụ bán vé số đi ngang trong cơn nắng cháy. Là chị công nhân cặm cụi nuôi con trong xóm trọ nghèo. Là đứa bé hay nghỉ học vì không đủ tiền đóng phí đầu năm. Là người bạn vừa mất việc, đang sống trong lo âu. (Họ) đôi khi không lên tiếng. Họ chỉ lặng lẽ hiện diện bên cạnh cuộc đời ta, với ánh mắt, với vết thương, với những tiếng thở dài mà ta vô tình không để ý.”

Nói cách khác, họ là: “Những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn”. Họ ngồi quanh đây rất nhiều và đó là lý do để chúng ta tự hỏi, hỏi lòng chúng ta có “quặn sôi lên lòng thương xót!”

Có phần chắc, tôi (người viết) nghĩ rằng, chẳng ai trong chúng ta lại không quặn-sôi-lên-lòng-thương-xót, như người Samari tốt lành, đã “chạnh lòng thương xót”.

Thế nên, đừng ngần ngại thể hiện mình là người Samari tốt lành. Chỉ cần: “mỗi chúng ta can đảm bước ra khỏi cái tôi khép kín, vô cảm để thấy nơi mỗi con người, dù lạ hay quen, tất cả đều là anh em.” Vâng, anh Giu-se Vũ Đình Bình, có lời chia sẻ (nên gọi đây là lời khuyên), như thế.

Anh Bình không quên mời gọi chúng ta cùng cầu nguyện, lời nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cho con có trái tim rộng mở, biết rung động để trở nên anh em của những người đang sống chung quanh và là hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa giữa thế giới hôm nay.”

Cầu nguyện xong, chúng ta sẽ làm gì, nhỉ! Phải chăng, hãy thực thi lời Chúa Giê-su truyền dạy: “Con hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”!?

Thưa, đúng là vậy. Hãy làm như người Samari.

Petrus.tran    

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

Tôi là thợ gặt của Chúa..l.

 Tôi là thợ gặt của Chúa

snCN 050725a


“Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành. Để nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông Đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời.”

Những dòng chữ trên đây là nội dung một bài thánh ca có tên: “Lời nguyện truyền giáo”. Bài thánh ca này được sáng tác bởi nhạc sĩ Hoài Chiên.

Đúng! “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt.” đúng là lời Chúa Giê-su đã phán truyền, năm xưa. Lời phán truyền này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 10, 1-12, 17-20).

**
Theo lời thánh sử Luca ghi lại: Một ngày nọ, Đức Giê-su đã “chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”

Chỉ định bảy-mươi-hai-người-khác, trong khi còn đó Nhóm Mười Hai, phải chăng là do nhu cầu nhân sự!

Có… có thể là vậy! Có thể là vậy, bởi sau khi đã chỉ định bảy-mươi-hai-người-khác, Đức Giê-su có lời tiếp rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Vâng, thợ-gặt-lại-ít chẳng phải là nhu-cầu-nhân-sự đang rất khẩn thiết, đó sao!

Thật ra thì, trước đó Đức Giê-su cũng đã “tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.” Sau đó, Ngài sai các ông đi “rao giảng Nước Thiên Chúa”. (Lc 9, 1-2).

Trở lại với nhóm bảy mươi hai. Các ông đã ra đi. Ra đi với nhiệm vụ Đức Giê-su trao phó, đó là loan báo cho mọi người biết: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Các ông đã đi, và rồi các ông trở về, trở về hớn hở nói với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, nghe danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” (Lc 10. 17).

Nghe thế, phản ứng của Đức Giê-su thế nào! Thưa, chúng ta có thể nghĩ rằng, Đức Giê-su không ngạc nhiên cho lắm. Không ngạc nhiên là bởi, Ngài biết mình-là-ai.

Và, đó chính là lý do Đức Giê-su đã bảo các ông: “Thầy đã thấy Sa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.”

Cuối cùng, Đức Giê-su nhấn mạnh: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10, 20).

Dù vậy, sự kiện “ma quỷ cũng phải khuất phục” như một minh định cho lời ngôn sứ Isaia đã nói, năm xưa: “Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ xanh.” (Is 66, 14).

***
Như đã nói ở trên, Đức Giê-su cũng đã “tập họp Nhóm Mười Hai lại…”. Nhóm Mười Hai gồm có các ông: “Đó là An-rê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan, sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông An-phê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot.”

Còn với quý ông ở nhóm Bảy Mươi Hai! Thưa, thánh sử Luca không nói gì đến tên tuổi, quê quán của những vị này.

Điều này có làm cho chúng ta ngạc nhiên! Vâng, đừng ngạc nhiên. Đừng ngạc nhiên vì theo một số nhà thuyết giảng suy luận, không đặt tên một số nhân vật trong một số câu chuyện, là do tác giả có hàm ý muốn nói, rằng có thể nhân vật đó là chúng ta.

Lấy ví dụ, nhân vật ông nhà giàu (không có tên) trong “dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô”. Biết đâu, một lúc nào đó, coi chừng tên của chúng ta được gắn sau danh xưng ông nhà giàu.

Thêm một ví dụ, đó là nhân vật người-con-thứ trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”. Tên của anh ta cũng để trống. Ai biết được, một ngày nắng ấm nào đó, tên của chúng ta sẽ được “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”, chăng!

Trở lại nhóm Bảy Mươi Hai. Tên của họ để trống. Để trống chẳng phải là để mỗi chúng ta điền tên mình vào, đó sao!

Vâng, hãy điền tên mình vào! Vì đó là điều chính đáng, chính đáng bởi: “Theo con số thống kê (năm 2010) thì thế giới hiện có 7 tỷ người; nhưng chỉ có 1,5 tỷ (?) người biết Chúa. Như vậy có 100 đồng lúa chín, chỉ có hơn 2,6 cánh đồng có thợ gặt, còn 97,4 cánh đồng không có thợ. Riêng tại Việt Nam 86 triệu người, chỉ có 6 triệu người Công giáo, được 7% biết Chúa, còn 93 % thì chưa theo Chúa.” (nguồn: vietcatholic.news).

Con số 7%, nếu tôi (người viết) không lầm, có vẻ như là một con số “chết” suốt khoảng năm mươi năm qua, thì phải!

Phó tế GB. Maria Nguyễn văn Định, qua bài viết “thợ gặt lại ít”, nói lên nguyên nhân “còn 93 % thì chưa theo Chúa”, là do: “ít (người) đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong Hội Thánh; hay có chức vụ nhưng ít nhiệt tâm, ít có tư cách đạo đức, ít có tấm lòng, ít xứng đáng để phục vụ con người và ít làm chứng nhân cho Chúa.”

Thật đáng trân trọng khi ngài phó tế có thêm lời thú nhận: “Bạn và tôi có thể còn vương vấn tiền bạc, của cải… và nhất là ít có một tấm lòng nhiệt huyết mà Chúa đã ban cho, để đem ra chia sẻ cho người khác. Tôi vẫn còn dùng những phương tiện Chúa cho để hưởng thụ, làm mất tác phong và nhân cách, thoái hoá, tham mê trần tục, làm gương xấu gương mù cho mọi thành phần trong Giáo hội và những người lương dân và các tôn giáo bạn.” (nguồn: vietcatholic.news).

Thông tin do ngài phó tế cung cấp, có làm chúng ta ray rứt? Nếu có, chúng ta hãy cất tiếng hỏi Chúa: “Con phải làm gì ôi Lạy Chúa? Khi quê hương Tin Mừng chưa lớn. Con phải làm gì ôi Lạy Chúa? Khi bao người còn yếu niềm tin. Con phải làm gì, con phải làm gì, con phải làm gì thì Lạy Chúa xin Ngài phán đi.”

****
Vâng, để con số 7%, không-dậm-chân-tại-chỗ, chúng ta hãy tuân theo lời Đức Giê-su truyền dạy, đó là: “Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Nhớ! Khi đến với chủ mùa gặt, hãy đến với một “con tim”, một con tim: bác ái, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường. Nói cách khác, đó là một con tim “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”.

Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội đã cho chúng ta biết rằng, tất cả những sứ giả loan báo Tin Mừng, động lực thúc đẩy các vị đó ra đi đều phát xuất bởi “con tim”. Đức Cha Jean Cassaigne được gọi là “Giám mục của người cùi”, như điển hình.

Đức Giê-su, khi chỉ định “bảy mươi hai người khác”, Ngài đã nói: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”. Trái lại, Ngài đã khuyên những vị sứ giả của mình “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Chúc Bình An, đó chẳng phải là một cử động của con tim, một con tim tràn đầy lòng nhân ái, sao!

Về chuyện “tiền bạc”, tưởng chúng ta nên nhìn tấm gương hai vị sứ giả tiên khởi là tông đồ Phê-rô và Gioan. Ra đi không tiền bạc, nhưng hai vị vẫn được xem là những vị sứ giả đem đến sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân.

Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng: Một hôm, ông Phê-rô và ông Gioan lên Đền Thờ. Cùng lúc đó, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày người ta đặt anh ta bên cửa Đền Thờ, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.

Vừa thấy hai vị tông đồ đi đến, anh ta liền xin bố thí. Hai vị tông đồ nhìn thẳng vào anh ta, và niên trưởng Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây”. Ôi! trời ạ! Tưởng rằng ngư phủ Phê-rô cho anh ta vài ký lô cá, cá khô Biển Hồ, thế nhưng, ai ngờ ông Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây”.

Tông đồ Phê-rô có cái gì? Thưa, “lòng thương xót của Đức Giê-su người Nazareth”.

Hôm đó, ngài Phê-rô lớn tiếng nói với anh ta rằng: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi”. Đẹp thay dấu chân người sứ giả loan báo Tin Mừng. Hôm đó, anh què “đứng phắt dậy, đi lại được” (x.Cv 3, 1-10).

Như… như anh què, “đứng phắt dậy, đi lại được”, hôm nay, chúng ta cũng hãy… “Hãy chỗi dậy mà đi… (đi) gieo Tin Mừng bình an. Hãy chỗi dậy mà đi… (đi) truyền tin vui, Chúa yêu gian trần.” (CON PHẢI LÀM GÌ? – Lm. Paul Xuân Đường).

Có như thế, con số 7%, sẽ trở thành con số lũy tiến, tăng dần theo năm tháng. Và, hơn thế nữa, nó còn bảo đảm “tên chúng ta sẽ được ghi trên trời.”

Trong khi chờ đợi ngày Đức Giê-su xướng danh tên mình, nhớ: truyền giáo phải thật sự là công việc của chúng ta. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, hãy nhớ: Tôi là thợ gặt của Chúa.

Petrus.tran

Hãy làm như người Samari...

  Chúa Nhật XV – TN – C Hãy làm như người Samari Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Na-da-rét, thánh sử Mát-thêu cho biết “Đức Giê-su đi khắp m...