Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT.





*********
“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT…”

Ngày 31.03 năm nay (2013) toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh. Theo thông lệ, trước thánh lễ chính Chúa Nhật Phục Sinh, Giáo Hội còn cử hành một thánh lễ khác nữa, gọi là lễ Vọng Phục Sinh vào chiều ngày thứ bảy trước đó.

Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh, với bạn,  bạn thường tham dự Thánh Lễ  vào chiều thứ bảy Vọng Phục Sinh hay là chính lễ Chúa Nhật Phục Sinh? Có một số người tâm sự rằng, “cứ mỗi lần đến lễ Phục Sinh, tôi không thể không tham dự ngày lễ Vọng Phục Sinh, bởi tham dự ngày lễ Vọng, qua những bài đọc, nó gợi lại trong tôi cả một chuỗi dài chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đối với nhân loại”. 

Thật ra, tham dự thánh lễ vào chiều thứ bảy hay sáng Chúa Nhật không quan trọng, điều quan trọng là Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta có cảm nghiệm và tin rằng, Chúa Giêsu đã “từ trong cõi chết Người đã Phục Sinh” hay không?

Đối với các môn đệ xưa, cụ thể là hai ông Phêrô và Gioan, thì ngay từ những giây phút đầu tiên bên ngôi mộ táng xác Thầy mình, các ông “đã thấy và đã tin”.

**
Vâng, tông đồ Gioan, một trong hai người môn đệ hiện diện nơi ngôi mộ trong giờ phút linh thiêng đó, đã kể lại rằng, “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ…”

Bà Maria Macdala là ai? Xin thưa, bà chính là một trong số những người đã đứng gần thập giá Đức Giêsu vào những giờ phút cuối cùng, trên đồi Golgotha. 

Vì là người hiện diện trong giờ phút sinh tử đó, chúng ta có thể tin, bà ta đã nghe những lời cuối cùng của Đức Giêsu, rằng, “Thế là đã hoàn tất”. Chúng ta cũng có thể tin, bà ta đã nhìn thấy ông Giosep, người Arimathe, liệm xác Thầy Giêsu, đã thấy ông Nicôđêmô “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” ra mộ, và cuối cùng là đã thấy họ “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn” thi hài Đức Giêsu, đúng “theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19, 38-40).

Vâng, hôm đó, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi bà Maria Mácđala đến mộ… thì hỡi ơi! bà thấy “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. 

Trong sự hốt hoảng, bà ta chạy về gặp ông Simon Phêrô và một người môn đệ khác. Đứng trước mặt hai người môn đệ đó, bà quả quyết rằng : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”(Ga 20, 2).

Nghe xong, mặc dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng nguồn tin của bà Maria Macdala như một niềm hy vọng về điều Đức Giêsu đã nói với các ông khi còn sống, rằng, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. 

Hôm nay, tính từ hôm thứ sáu, ngày Thầy Giêsu bị đóng đinh trên thập giá tại Golgotha, đã là ngày thứ ba… 

Là ngày thứ ba! Vâng, nghĩ tới đó, tông đồ Phêrô và môn đệ kia vội vàng đi ra mộ. Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Cả hai ông cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giêsu đã được mai táng. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Hai ông không thấy xác Thầy Giêsu, hai ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,..7).

Có một  sự  khác thường khó hiểu. Vâng, thật khó hiểu khi những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” hôm mai táng Ngài, nay đã được “xếp riêng ra một nơi”… 

Ai… ai đã tạo ra sự khó hiểu đó! Phải chăng, sự khó hiểu đó, có thể gọi là dấu chỉ về một nguồn ánh sáng… “Ánh Sáng Phục Sinh”.!

Có thể là vậy, bởi, khi bước vào ngôi mộ, nhìn thấy ngôi mộ trống, các ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

***
Các ông “đã thấy và đã tin”. Các ông đã thấy gì để rồi các ông tin ! Xin thưa, các ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Có chăng, các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống.

Vâng, chính ngôi mộ trống, như là nguồn “ánh sáng Phục Sinh” đã rọi sáng niềm tin của các ông, đã  mở toang cánh cửa tâm hồn các ông, để các ông hiểu rõ hơn về những điều Kinh Thánh đã chép, rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”. (Ga 20, 9).
Hơn nữa, bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu còn hiện ra nhiều lần để củng cố đức tin các ông và “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Đức Giêsu, “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3)

Nhờ thế, mà sau này, dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ông Phêrô và Gioan vẫn không sợ hãi mà tuyên tín rằng “Đức Giêsu Kitô , người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10).

Sau này, khi tông đồ Phaolô trở lại, ngài còn xác tín rằng, “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15, 14)

****
Trung thành lời dạy của các thánh tông đồ, Giáo Hội vẫn luôn tuyên xưng rằng, Đức Giêsu – “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Hơn hai ngàn năm trôi qua, thật đáng tiếc là sự kiện “Đức Giêsu Kitô Phục Sinh” vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh luận trái chiều.

Thật vậy, không phải chỉ có các thượng tế và kỳ mục đạp đổ niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh bằng cách dùng thủ đoạn hối lộ “cho lính một số tiền lớn” để họ vu khống lên rằng, “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác” xưa kia.

Hôm nay, vẫn còn không ít người, vẫn kiên trì dùng  những thủ đoạn đó. Họ đưa ra những sự dối trá và lừa lọc rất thâm độc để tấn công Hội Thánh Chúa, đả phá sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Chỉ môt thời gian ngắn, từ năm 1990 đến năm 1995, thế mà đã có tới vài chục cuốn sách, mấy trăm bài báo mổ xẻ đủ khía cạnh chung quanh đề tài Đức Giêsu Phục Sinh. Các học giả khơi lại không khí bài bác Kitô của Phong Trào Enlightenment thế kỷ 18 ở Âu Châu. Họ bươi móc đủ thứ chứng cớ lấy ra từ những kho sách cổ, khoa học thực nghiệm hay khoa khảo cổ học để tấn công Chúa Giêsu của sự thờ phượng (the Cultic Jesus). (nguồn: internet)

Triết gia người Đức, David Strauss, đã nêu lên vấn đề này trong tác phẩm "The life of Jesus critically examined" với lập luận cho rằng: Các tín hữu đầu tiên của Kitô giáo đã cố tìm mọi cách để gán cho Giêsu đủ thứ huyền thoại về một Đấng Cứu Thế mà mọi người mong đợi. Tác giả cuốn sách cố chứng minh rằng, Đức Giêsu của Kinh Thánh chỉ là một Giêsu của huyền thoại.

Có lẽ, chúng ta không cần tranh luận gì về những điều mà họ đã viết, bởi những gì họ đã viết đều có một điểm chung, đó là “sự dối trá và lừa lọc”. Mà những ai “dối trá và lừa lọc” thì, xin mượn lời của Benjamin Franklin để kết luận: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực.”

Có thể nói, sự dối trá và lừa lọc chẳng khác nào những tảng đá hoài nghi, những khối đá kiêu ngạo. Và để loại trừ  những tảng đá hoài nghi, những khối đá kiêu ngạo, có nguy cơ che lấp ngôi mộ tâm hồn của chúng ta, đập nát niềm tin của chúng ta, không gì tốt hơn là hãy nghe chính Lời Chúa qua Thánh Kinh. 

Thánh Kinh không thể lừa dối chúng ta, bởi những gì đã được viết trong Thánh Kinh, nếu là sự lừa dối, tất nhiên không thể tồn tại đến hôm nay. Vâng, “ai đó có thể lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc, nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người.” (Abraham Lincoln)

Vì thế, thật phải đạo khi hôm nay, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu đã phán khi xưa, rằng, “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26) 

Và cũng đừng quên, nơi bàn tiệc Thánh Thể, với niềm tin, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, một Giêsu đã phán hứa rằng, “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Trở lại câu chuyện Phêrô và Gioan. Ra tới mộ, hai ông chỉ thấy ngôi mộ trống. Không thấy “Vinh quang Phục Sinh” của Thầy Giêsu, nhưng hai ông đã tin.

Nhắc lại điều này để chúng ta thấy rằng, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là “thấy mới tin” nhưng là nhờ “tin mà thấy”.

*****
Vâng, bà Maria Mácđala, Phêrô cùng với người môn đệ kia, dù chỉ có một lần tiếp cận ngôi mộ, thế mà họ đã tin. 

Còn chúng ta hôm nay, biết bao nhiêu lần Mùa Phục Sinh đến, chúng ta đã tiếp cận ngôi mộ táng xác Chúa Giêsu, chúng ta đã được nghe kể về những chứng tích chứng thực sự Phục Sinh của Đức Giêsu, qua việc nghe Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta còn được biết có những môn đệ đã dùng chính cái chết của mình để bảo vệ chân lý đó… chúng ta “nghe và tin”?

Nếu chúng ta vẫn không tin… Ôi!, thật bất hạnh về sự sinh ra của chúng ta…
Còn nếu chúng ta “nghe và tin” rằng “Người đã sống lại thật”… Vâng, chúng ta hãy mừng vui lên và cùng nhau cất tiếng nguyện ca, rằng “ Ngợi khen Vua Kitô, sống lại và ra khỏi mồ. Tin Mừng Vượt Qua đây rồi. Phúc trường sinh đến ai ơi. Phúc trường sinh đến ai ơi.” (*)

Petrus.tran
---------
(*) Hoan ca Phục Sinh - Hùng Lân.


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

"Sin no more - Đừng phạm tội nữa"



 “Từ nay đừng phạm tội nữa…”

Hôm nay, Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, nếu tính thêm Chúa Nhật lễ lá thì chỉ còn hai tuần nữa là đến lễ Phục Sinh.

Có thể nói, đây là những ngày quan trọng nhất trong Mùa Chay, quan trọng bởi đó là những ngày sẽ có những buổi tĩnh tâm giảng phòng, sẽ có những buổi sám hối cộng đồng và nhất là sẽ có nhiều linh mục đồng loạt ngồi tòa giải tội chờ đón mọi tín hữu đến xưng tội.
Khi nói tới việc đến tòa giải tội, có thể nói rằng, không một Kitô hữu nào mà không hơn một lần “ngại” đến đó. Có nhiều lý do để ngại, nào là, ngại vì quá lâu không đi xưng tội…Ngại là vì vị linh mục khó tính quá…. Ngại là vì lỡ phạm quá nhiều tội nên không biết phải xưng tội gì… Ngại là vì không biết Chúa có tha thứ không… v.v…

Trong sự “ngại ngùng” đó, chúng ta phải làm gì?

Vâng, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (Chúa Nhật thứ V Mùa Chay C), qua câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” sẽ giúp chúng ta vượt qua những gì mà chúng ta cho là “ngại”, là “trở ngại” để chúng ta không còn chìm đắm trong mặc cảm lỡ phạm tội như nguyên tổ xưa, sau khi phạm tội đã mặc cảm “sợ hãi và trốn chạy” Thiên Chúa.
**
Bối cảnh câu chuyện được kể lại trong Tin Mừng thánh Gioan (8, 1-11).
Chuyện kể rằng, khi bình minh bắt đầu ló dạng trên đỉnh núi Oliu thì cũng là lúc Đức Giêsu “trở lại Đền Thờ”. Sự hiện diện của Ngài  nơi Đền Thờ như một cơn bão cát đã làm ngứa mắt các thượng tế và những người Pharisêu.
Làm sao không ngứa mắt cho được khi cơn bão những lời rao giảng của Đức Giêsu, vào ngày hôm qua, rằng “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống”, đã tác động lớn lên toàn thể dân chúng, có nhiều người nghe các lời ấy thì nói, Đức Giêsu “là vị ngôn sứ”. Có kẻ khác nói, Ngài là “Đấng Kitô”.
Họ, những người Pharisêu và các kinh sư bực tức và đã “ghim” những lời đồn đãi đó, chờ thời cơ để hãm hại Ngài.   

Và rồi thời cơ đã đến. Hôm đó, khi toàn dân đến với Đức Giêsu và khi Người ngồi xuống giảng dạy thì… màn kịch bắt đầu được diễn. 

Mở màn là hình ảnh “một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”… ê chề và nhục nhã. Một nhóm người “dẫn độ” nàng đến trước mặt Đức Giêsu, nhóm người đó gồm những  khuôn mặt quen thuộc trông đểu cáng và giả dối, đó là các ông kinh sư và Pharisêu. 

Họ vây quanh nàng. Họ tố cáo nàng, phỉ báng nàng. Họ lớn tiếng yêu cầu Đức Giêsu làm quan tòa. Họ đòi Đức Giêsu phải xét xử bị cáo ngay. Họ gào thét lên rằng “Thưa Thầy, trong sách Luật, ông Môsê  truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8, 5)

Nghĩ cái gì đây? Bắt một người phạm tội ngoại tình, nhân chứng vật chứng đâu không thấy… làm sao để kết án! Nghĩ cách đem “luật rừng” để kết án bà chị kia ư?  Đúng là đểu cáng và cay độc. Sự đểu cáng và cay độc không chỉ nhắm vào người phụ nữ phạm tội ngoại tình mà còn nhắm vào Đức Giêsu.  

Thật vậy,  “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6).

Tố cáo gì đây? Thưa, nếu Đức Giêsu im lặng, chắc hẳn họ sẽ nhao nhao lên mà nói “im lặng là đồng lõa”! Nếu Đức Giêsu lên án! Vâng, không thấy Ngài lên án.


Đức Giêsu không im lặng. Ngài lên tiếng bằng cách “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Chắc hẳn những gì Đức Giêsu đã viết ra “rõ mồn một” trước mắt họ cũng như những kẻ hiếu kỳ vây quanh. 


Và sau khi vì bị họ “cứ hỏi mãi”. Đức Giêsu đưa ra một phán quyết: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7).
***
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.
Phải chăng đây là giải-pháp-tình-thế? Thưa không. Tiêu chuẩn mà Đức Giêsu đưa ra còn cao hơn gấp bội tiêu chuẩn của ông Môsê. “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (Mt 5, 27-28).
Vậy, trong vụ án “người phụ nữ ngoại tình” nêu trên, ai là người đã phạm tội? Câu trả lời là: tất cả mọi người… Vâng, rất có thể, họ, “kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” đã nhìn-người-phụ-nữ-bị-bắt-quả-tang-phạm-tội-ngoại-tình-mà-thèm-muốn… cho nên, họ đã chột dạ vì câu hỏi của Đức Giêsu, sự chột dạ đó đã khiến “họ bỏ đi hết”!
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.


Phải chăng, đây là giải pháp Đức Giêsu đưa ra để  “bao che” tội mà người phụ nữ đã phạm?
Thưa không, đưa ra giải pháp đó, Ngài không bao che nhưng là tỏ lòng bao dung. Lòng bao dung của Đức Giêsu được biểu lộ qua câu nói  “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).  
****
“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Phải chăng, Đức Giêsu cũng sẽ nói với chúng ta điều này khi chúng ta bước tới tòa giải tội? Xin thưa, đúng vậy.
Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, đã phán rằng Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. Có thẩm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông”. (Is 1,18) 
Thế nên, đừng ngại ngùng, hãy đến tòa giải tội ngay hôm nay.
Đừng ngại ngùng, dẫu cho quá lâu chúng ta đã không đi xưng tội.
Đừng ngại ngùng, dẫu cho chúng ta gặp phải một vị linh mục hơi khó tính. 

Đừng ngại ngùng vì chúng ta không biết mình sẽ phải xưng những tội gì. 

Xưa kia, chúng ta không biết Đức Giêsu đã viết trên đất điều gì. Nhưng hôm nay, chúng ta có thể khẳng định, trên Thập giá, tại đồi Golgotha, Ngài đã dùng máu và thân xác của Ngài, để viết lên một lời duy nhất “Lời Vọng Tình Yêu”. 

Vâng,  chúng ta hãy nghe “Trên đồi cao trong gió lao xao gọi mời tình yêu. Giêsu gục ngã treo trên thập giá giang tay ôm tội đọa đày! Thân tàn rơi con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi. Ôi! nhân loại hỡi sao chưa hoài tới (tội) Mà nỡ quên ân tình biển khơi.

Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian. Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu. Để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi”…

Những lời Đức Giêsu đã viết trên thập giá, phải chăng chính là lời kêu gọi chúng ta hãy cất đi tất cả những “ngại ngùng” nêu trên, nếu có? Phải chăng, đó là những lời của lòng bao dung, hôm nay, qua vị linh mục ngồi nơi tòa giải tội, Ngài sẽ lại nói với chúng ta rằng “Tôi không lên án… đâu. Thôi, cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”? 

Đúng vậy, hãy nhìn xem trường hợp cố giáo sư Trần Duy Nhiên. Vâng, qua bài “Chúa đã quỳ xuống chân tôi”, chúng ta đã nhìn thấy rõ những “ngại ngùng” của ông ta.
Ông ta thú nhận rằng, “đã mười năm rồi, tôi không còn nhớ phải xưng tội như thế nào cho đúng cách nữa”. 

Ông ta thở dài rằng, “Cả mười điều răn, tôi không sót một điều nào không phạm”.
Kinh khủng nhỉ! Với lời than thở trên, rất có thể ông ta phạm tội “phá thai”! 

Thế nhưng, lòng bao dung và sự tha thứ của Chúa Giêsu, qua con người linh mục Stanilav Hoàng Đắc Ánh, sau khi ngài đọc đoạn Tin Mừng dụ ngôn người con hoang đàng… rồi quỳ sụp xuống dưới chân Francis Trần Duy Nhiên, đã làm cho Francis Trần Duy Nhiên phải cất đi tất cả “ngại ngùng”, trong thổn thức, ông ta đã  kể lại rằng: “Tôi thấy Chúa Giêsu quỳ xuống chân mình. Cả cuộc đời tôi, tôi chưa ngày nào quên hình ảnh ấy!” Và vị cố giáo sư đã thốt lên “Xin cha tha tội cho con.” Sau đó, theo lời ông ta kể lại, thì ông ta nghe cha Ánh nói “Cha tha tội cho con..” và ông ta đã òa lên khóc.

“Cha tha tội cho con.” Vâng, không ai có thể phủ nhận rằng, đây chính là lời Chúa Giêsu, qua môi miệng cha Hoàng Đắc Ánh, nói với Trần Duy Nhiên. 

“Cha tha tội cho con.” Không ai có thể phủ nhận rằng, lời nói này cũng đồng nghĩa với lời Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình năm xưa, “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa”.


*****

“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa”. 

Hãy đóng khung câu Kinh Thánh này vào tâm hồn mỗi chúng ta.  Và đừng quên mang nó đến, đặt vào con tim của những ai, vì một phút sao lòng yếu đuối mà đã phạm tội, hơn là bắt họ phải trưng bày con tim rướm máu, con tim đầy thương tích tội lỗi của mình, trước cộng đoàn, trước công chúng.. 

Làm như thế, trước hết, chúng ta đã dẹp bỏ được tất cả những gì gọi là “ngại ngùng” để mà đến với quan tòa Giêsu và hơn hết, chúng ta có thể tiếp nối Ngài nói với những ai lầm đường lỡ bước rằng “Chúa không lên án … đâu. Thôi… cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”

Vâng,  “Sin no more -  Từ nay đừng phạm tội nữa…”

Petrus.tran
*****



Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Thiên Chúa: Đấng từ bi và nhân hậu.



Thiên Chúa: Đấng từ bi và nhân hậu…

Ba tuần của Mùa Chay đã trôi qua. Hôm nay, bắt đầu Chúa Nhật tuần thứ tư. Với tuần thứ tư, có thể nói, đây là tuần lễ cao điểm của Mùa Chay. Lịch tĩnh tâm đã được phổ biến, chủ đề cho những bài giảng phòng đã được niêm yết, và cuối cùng, trong nhà thờ bắt đầu xuất hiện từng đoàn người lũ lượt tiến về tòa cáo giải để biểu lộ lòng “sám hối, trở về và thú tội”.   

Nhìn hình ảnh vị linh mục ngồi và hình ảnh người tín hữu quỳ gối thú nhận những tội đã phạm, nó gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh người cha  và người con hoang đàng, được nói tới trong một dụ ngôn và được chính Đức Giêsu kể trong những ngày Ngài còn tại thế. Đó là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”.

**
Lý do gì khiến Đức Giêsu kể dụ ngôn này? Thưa, chuyện là thế này. Một lần nọ,  có một số người thu thuế và các người tội lỗi lui tới với Đức Giêsu. Sự kiện này lọt vào đôi mắt cú vọ của những người Pharisêu và các kinh sư.

Theo luật lệ Do thái, những người thu thuế và tội lỗi bị tách ra khỏi cộng đồng tôn giáo và xã hội. Thế mà, hôm đó, Đức Giêsu “lại ăn uống với chúng”, thấy được chuyện này, những “ông kẹ” Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau về Người rằng “Ông này đón tiếp phường tội lỗi…” (Lc 15, 2)
Tiếng xầm xì, chắc hẳn, đến tai Đức Giêsu. Và để xóa tan những lời xầm xì đó, Người đã kể ba dụ ngôn, như ba gáo nước lạnh tạt vào khuôn mặt u mê của họ , để họ chấm dứt ngay thói xấu chỉ nhìn“cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,3).
Đúng. Họ chỉ thấy cái rác-tội-lỗi nơi người thu thuế, mà không thấy cái-xà-gồ-trách-nhiệm của mình. Lẽ ra, là một Phariseu, là một kinh sư, người được cho là am hiểu Kinh Thánh,  họ phải có trách nhiệm “giảng dạy” cho phường-tội-lỗi nhận biết Thiên Chúa là ai!..
Hôm đó, quả thật, Đức Giêsu có tiếp một số người được cho là tội lỗi, nhưng, cái đám “phường tội lỗi” đó đến với Đức Giêsu là “để nghe Người giảng”…
Đức Giêsu đã giảng điều gì? Xin thưa, qua ba dụ ngôn “Con chiên bị mất – Đồng bạc bị đánh mất” và đặc biệt là “Dụ ngôn người cha nhân hậu”, Ngài đã gửi đến cho mọi người một thông điệp rằng, “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.”(Tv 103, 8-10)
***
Thật vậy, với dụ ngôn người cha nhân hậu, ngay khi bước vào đầu câu chuyện, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy “sự nhân hậu của Thiên Chúa”, qua hình ảnh người cha, như thế nào.

Chuyện kể rằng, “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng”.

Theo luật Do Thái, việc đòi chia gia tài, mà người đòi lại là “con thứ” trong gia đình, thì quả đó là một hành động hiếm thấy, nếu không muốn nói là phạm luật. (x. Đnl 21, 17). Ấy vậy mà, người cha trong dụ ngôn, vẫn tỏ lòng “nhân hậu” làm theo đúng  lời yêu cầu của người con thứ, ông đã  “chia của cải cho hai con”.

Người con thứ, sau khi được chia, đã “thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa... sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”.

Thảm hại thay! “khi anh ta ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra nạn đói”. Túng thiếu, ở đợ, đói... Anh ta “ước ao lấy đậu muồng heo ăn nhét cho đầy bụng nhưng chằng ai cho ăn”... Chìm trong tủi nhục, anh ta nhớ lại những ngày “cơm dư gạo thừa” bên cha của mình. Và rồi anh ta đi đến một quyết định “đi về cùng cha”.

Còn người cha, tiếp nối sự nhân hậu, đó chính là sự “đại lượng”. Sự đại lượng của người cha như một chai thuốc tẩy cực mạnh, tẩy hết hình ảnh ngông cuồng, trịch thượng của người con thứ. Sự đại lượng của người cha được biểu lộ qua hành động, ngay khi thấy người con “còn ở đàng xa”, người cha đã  “chạy ra ôm cổ anh ta hôn lấy hôn để”.

Chai thuốc tẩy mang nhãn hiệu “sự đại lượng” của người cha đã tẩy con tim “tục lụy yếu đuối” của người con thứ, trở thành con tim “lòng sầu thống hối” trong nức nở nghẹn ngào, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”.

Sự nhân hậu và đại lượng của người cha, đã biến tâm hồn cô đơn buồn nản của ông trở thành một tâm hồn “chan chứa tình thương”, với tình thương đó, ông đã  “không nỡ với người con như người con đáng tội và không trả cho người con theo lỗi của người con”, ông đã tuôn đổ tình thương của mình qua việc gọi các đầy tớ “mau mau đem áo đẹp ra mặc cho cậu ta, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu...”  

Không dừng ở đó, ông còn “bắt một con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng”.

Ai... ai dám phủ nhận, Thiên Chúa, qua hình ảnh người cha trong dụ ngôn, “Là Đấng từ bi và nhân hậu”!

****
Qua dụ ngôn này, chúng ta có thể nhận thấy, lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa được ban cho mọi người một cách nhưng không. Thiên Chúa không nhìn đến “công đức” của con người, nhưng Thiên Chúa nhìn đến sự “hồi tâm và hối cải”. 

Người con thứ trong dụ ngôn đã không có được một việc làm nào được gọi là “lành thánh” ngoại trừ việc “sống phóng đãng”, nhưng nhờ anh ta “hồi tâm và đi về”, một dấu chỉ của “sám hối và hoán cải”, cho nên anh ta mới có thể nhận được một cách nhưng không lòng từ bi và nhân hậu của người cha.

Thánh Phaolô, sau này, đã khẳng định rằng “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2 Cor 5, 18).  Và thánh nhân nhấn mạnh “Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa" (Ep 2, 8).

*****
Dụ ngôn người cha nhân hậu, tuy chỉ là một câu chuyện hư cấu, nhưng, ai dám phủ nhận rằng, những nhân vật trong dụ ngôn, lúc này lúc khác, lại chính là  con người chúng ta hôm nay.

Thật vậy, trong từng giai đoạn của đời người, rất có thể, có lúc, chúng ta là người con thứ  đầy kiêu hãnh và mạnh mẽ, với một gia tài là học vấn và kiến thức, sẵn sàng rời bỏ mái ấm gia đình Kitô giáo, tìm đến những vùng đất xa lạ, để phung phí giá trị của tự do, để khước từ niềm tin truyền thống, để buông mình vào đam mê và dục vọng, để háo hức tìm kiếm chủ thuyết mới, những chủ thuyết chỉ sản sinh bạo lực lẫn hận thù, để lớn tiếng hô hào tự do luyến ái, tự do phò lựa chọn, tự do thờ quấy và phù phép v.v…

Rất có thể, có lúc, chúng ta chính là  người con cả mang nặng trong tâm hồn tính ganh tị, hẹp hòi, chỉ vì thiếu cái “lẩu dê” để “ăn mừng với bạn bè” mà đã nổi giận
khước từ “không chịu vào nhà” cha.

Vâng, chỉ là một chút suy tư. Điều quan trọng hơn, đó là, sau khi đọc xong dụ ngôn người cha nhân hậu, có điều gì tác động lên tâm hồn của chúng ta? 

Nhà thần học người Hà Lan Henri Nouwen, sau khi thưởng thức  họa phẩm The Return of the Prodigal Son của Rembrandt, (họa phẩm diễn tả ba nhân vật trong dụ ngôn, người con thứ tức là đứa con hoang đàng, người anh cả đang giận dữ, người luôn tự hào về phẩm hạnh của mình, và người cha với khuôn mặt yêu thương), thú nhận, chính tác phẩm này đã tác động phần nào cuộc hành trình tâm linh của ông.
Ông đã để lại một lời khuyên rằng, “tất cả mọi người Kitô hữu, kể cả ông, luôn phải chiến đấu để được giải thoát khỏi những ‘sự yếu đuối’ cố hữu thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ” (nguồn: internet). 

Còn Trần Duy Nhiên, con người đầy kiêu hãnh... Vâng, sau khi nghe linh mục Hoàng Đắc Ánh đọc dụ ngôn “người cha nhân hậu”, vị cố giáo sư đã thú nhận rằng, “Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi. Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: ‘Lạy Cha xin Cha tha tội cho con.. ‘. Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: ‘Cha tha tội cho con..' và tôi oà lên khóc…”

Sự yếu đuối, đó là hậu quả của nguyện tội, nhưng sự hồi tâm, sám hối trở về và thú tội chính là ân sủng của Thiên Chúa và là phương cách để chúng ta nhìn nhận “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu”.

Petrus.tran


Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

"Nếu các ông không sám hối..."



“Nếu các ông không chịu sám hối…”

Những ngày vừa qua, truyền thông mạng cũng như báo in đã đưa một bản tin đầy thương tâm. Tin viết rằng, vào khoảng 0h rạng sáng ngày 24/2/2013, tại hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, q.3, Saigon đã xảy ra vụ nổ lớn làm sập ba cắn nhà.Nguồn tin do dân cung cấp cho biết, chủ nhân của căn nhà xảy ra vụ cháy nổ là ông Lê Minh Phương. Ông này hoạt động khoảng 6-7 năm trong nghề thiết kế đạo cụ cho các đoàn phim, chuyên tạo cảnh cháy nổ, khói lửa trên phim trường nên được gọi là “Phương khói lửa”.

Theo kết quả tìm kiếm cứu nạn, vụ nổ và gây sập nhà xảy ra tại địa chỉ trên đã làm mười người tử vong tại chỗ, bốn người bị thương, hiện còn hai người đang điều trị trong bệnh viện. Trong mười nạn nhân, sáu người của gia đình ông Phương bị thiệt mạng, bốn nạn nhân xấu số khác bị vạ lây cư ngụ ở hai căn nhà kế cận.

Sau tai nạn, nhiều luồng dư luận xuất hiện trên truyền thông mạng, người bày tỏ lòng thương tiếc, người cho rằng ông Phương có lỗi vì đã chứa chất nổ ở một nơi không được phép. Với bốn nạn nhân bị vạ lây, có người than trách rằng “trời không có mắt… ông trời hại người” v.v…

Đối với người Do Thái xưa, qua sự kiện này, họ có cái nhìn cực đoan hơn. Với những người gặp tai ương bất hạnh như bệnh tật, tai nạn, tàn tật, họ cho rằng những người đó gặp nạn là do chính tội lỗi của họ gây ra.

**

Đức Giêsu, trong thời gian còn tại thế, Ngài cũng đã phải đối diện với những người Do Thái cực đoan như thế .

Chuyện kể rằng, một hôm, trong một lần Ngài đang nói chuyện với đám đông về những kẻ không biết tự xét mình xem cái gì là phải, thì bỗng nhiên “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13, 1).

Những người Galilê kia phạm tội gì khiến cho quan lớn Philatô phải tàn sát họ?

Không thấy mấy “ông tám” nói, nhưng có lẽ, mặt mũi mấy ông tám này chắc hẳn hớn hở lắm, hớn hở vì các ông nghĩ rằng, những người Galilê kia, chết là bởi “họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác”.

Có quá cực đoan chăng? Thưa đúng vậy, nhận định như thế không những cực đoan mà còn tỏ ra cho mọi người thấy rằng, họ thiếu hiểu biết về Kinh Thánh.

Tội lỗi ư! Kinh Thánh chẳng chép rằng, ở dưới gầm trời này, lúc chào đời, ai mà không “đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” đó sao!(Tv 51, 7).

Hôm đó, để trả lời cho đám đông dân chúng cũng như mấy ông Do Thái cực đoan, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố “Không phải thế đâu…”. Nói xong, Ngài đưa ra thêm một trường hợp đầy thương tâm khác, đó là chuyện “mười tám người bị tháp Si-lô-ác đè chết” và hỏi với họ rằng: Ai! ai là “người mắc tội nặng hơn”? Mười tám người đó hay “tất cả  mọi người trong thành Giêrusalem”?

Trước sự thinh lặng của mọi người, Đức Giêsu thẳng thắn phán quyết “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu” Và Ngài nhấn mạnh rằng, “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

***
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, sám hối là gì?  Và thế nào là một tấm lòng sám hối đích thực!
Sám hối, phải chăng là “biết tội mình đã phạm” và luôn cảm thấy “lầm lỗi cứ ám ảnh ngày đêm”?  Sám hối, phải chăng là, nhận ra mình “đắc tội với Chúa… dám làm điều dữ trước mắt Ngài”? (Tv 51, 6). Và, phải chăng là, như linh mục Nguyễn Cao Siêu nói, “Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ, mà còn là hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng”?
Đúng vậy, vua David xưa, sau khi phạm tội ngoại tình và sát nhân, ông ta đã không- phải-chỉ-quay-về-quá-khứ, xin Thiên Chúa “ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết lỗi lầm” của ông ta, ông ta còn hướng-đến-tương-lai-với-rất-nhiều-hy- vọng, rằng, Thiên Chúa sẽ tái tạo nơi ông “một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho (ông) nên thủy chung” (x. Tv 51, 11-12)
Hướng-đến-tương-lai-với-rất-nhiều-hy-vọng… Vâng, điều này còn gợi cho ta nhớ tới “dụ ngôn cây vả không ra trái”, một dụ ngôn đã được chính Đức Giêsu dùng làm bài học vỡ lòng cho những ai chưa nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
Hôm đó, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn này rằng: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho của mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bào người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất”. (x.Lc 13, 6-7)
Hãy nhìn xem, nếu người làm vườn không hướng-đến-tương-lai-với-rất-nhiều-hy-vọng vào sự “nhẫn nại” của ông chủ, chắc hẳn anh ta đã không xin ông chủ “Cứ để nó lại năm nay nữa… May ra sang năm nó có trái” (Lc 13, 8).
Vâng, thánh Phalô có nói “Trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm” (Rm  3, …25).
****
“Dụ ngôn cây vả không ra trái” không chỉ cho chúng ta nhận ra lòng nhẫn nại của Thiên Chúa mà nó còn là bản kiểm thảo lòng sám hối cho mỗi chúng ta.
Thật vậy,  nhìn vào từng nhân vật lẫn sự vật trong dụ ngôn và hãy đặt nhân vật lẫn sự vật vào vị trí trong đời sống đức tin, phải chăng, ông chủ vườn nho chính là Thiên Chúa! Phải chăng, người làm vườn chính là các linh mục! Và phải chăng, cây vả chính là mỗi người Kitô hữu chúng ta!
Vâng, hợp lý đấy. Cho nên, chúng ta hãy trở về trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sau bao nhiêu năm, từ một “cây vả trần gian”, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên “cây-vả-Kitô-hữu”, mỗi Chúa Nhật chúng ta có đến vườn-nho-nhà-thờ để các linh-mục-làm-vườn “vun xới và bón phân” bằng Thánh Thể và Thánh Kinh là những thứ “lương thực thường tồn” sinh ra  hoa quả “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?
Hay chúng ta lại đến “địa đàng trần gian” để được nuôi dưỡng bằng những thứ lương thực hay hư mất, những thứ lương thực chỉ sinh ra hoa trái “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén”?


 *****
Trong dụ ngôn, người làm vườn chỉ xin ông chủ vườn hoãn việc chặt cây vả “năm nay nữa”. Năm-nay-nữa là năm nào đối với chúng ta? Là 2014… là 2015…  là 2050, hay là sẽ bất ngờ như sự kiện mới xảy ra tại nhà “Phương khói lửa” !
Cho nên, sẽ là thích hợp nếu chúng ta chuẩn bị cho bản thân mình một tâm hồn sám hối, ngay hôm nay.
Vâng, ngay hôm nay, chúng ta hãy để tâm hồn mình “hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng” rằng, chúng ta, dẫu “là người có tội” nhưng sẽ được Thiên Chúa “ban ơn sám hối”? (Kn 12, 19)
Đừng quên lời Chúa Giêsu đã khuyến cáo năm xưa “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

Petrus.tran


Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...