Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Tình Yêu thương: dấu hiệu của người Kitô hữu.



Tình Yêu thương: dấu hiệu của người Kitô hữu.
Có một câu chuyện được kể rằng: “Một lần nọ, Tổng Giám Mục Anh giáo Usher, trong một chuyến hải hành, chẳng may bị chìm tàu nơi bờ biển Ái Nhĩ Lan. Sau nhiều giờ liền lang thang trên bờ biển trong cảnh lạnh lẽo và đói khát, ông ta tìm đường vào thành phố.
Vào tới thành phố, ông ta gặp được một người cũng thuộc hàng giáo phẩm. Quá đỗi vui mừng, ông ta tự giới thiệu mình là một Tổng Giám Mục và xin được trợ giúp.
Vị hàng giáo phẩm kia thuộc tuýp người thận trọng nên nghi ngờ. Bất thình lình, ông ta đưa ra một câu hỏi để thử nghiệm con người mà ông ta nghi ngờ là mạo danh, rằng, “Sách Thánh dạy có bao nhiêu điều răn?”.  Vị Tổng Giám Mục có một câu trả lời rất thú vị, “Tôi có thể làm cho ông hài lòng, rằng tôi không phải là kẻ mạo danh. Thưa ông, Sách Thánh dạy có mười một điều răn”.
Vị hàng giáo phẩm sau một phút ngạc nhiên bèn chế nhạo ông Tổng Giám Mục: “Ông sai rồi, sách Thánh mà tôi đang đọc chỉ ghi có mười điều răn thôi”. Nghe thế, ông Tổng Giám Mục bèn trả lời, “Điều răn thứ mười một chính Chúa Giêsu đã dạy và được ghi chép lại trong sách tin mừng Gioan, rằng  Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (nguồn: internet).
**
Vâng, kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội, tình yêu thương giữa con người với con người không còn là một tình yêu hiệp nhất “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Adam đã không còn nhìn Eva như là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Cặp mắt của ông đã nhìn “chiếc xương sườn” của mình chỉ là một sự áp đặt mà Thiên Chúa đã tự “cho ở với ông”.  Và kết quả là tình yêu giữa Adam và Eva trở thành pháo đài của sự đố kị, vị kỷ và ganh tị.
Sự đố kị, vị kỷ và ganh tị nó đã “tông truyền” đến người con của hai ông bà, hậu quả là một thảm kịch đã xảy ra. Người anh Cain đã ra tay giết chết người em mình là Abel.
Nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch đó chính là vì tình yêu thương đã không còn trong tâm hồn Cain, nơi tâm hồn ông chỉ còn  ngự trị sự ganh ghét và hận thù.  
Thật vậy, khi tâm hồn không còn tình yêu thương  thì sự ganh ghét, hận thù sẽ chiếm ngự. Và hậu quả của nó, đó là sự chết chóc. Câu chuyện gia đình ông Giacóp đã cho chúng ta thấy viễn cảnh tăm tối đó. Không ai có thể nghĩ rằng, họ, những người anh em của Giuse, cũng chỉ vì đố kỵ và ganh tị mà đã  trở thành những kẻ đi buôn người...
***
Trong những ngày Đức Giêsu còn tại thế,  Ngài cũng đã phải chứng kiến chính những người môn đệ của mình rơi vào vòng xoáy của sự ganh tị và vị kỷ. Các ông, tuy là những người môn đệ cùng một Thầy, nhưng lại không có được tình yêu của kẻ đồng môn.
Không ai có thể hiểu được vì sao  các môn đệ lại tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả  và tại sao hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan lại  “muốn Thầy thực hiện cho hai anh em một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”!
Phải chăng các ông đã quên lời giáo huấn của Đức Giêsu, rằng “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”?
Trước một thực tại như thế, Đức Giêsu đã dậy cho các ông một bài học về tình yêu thương.
Hôm đó, trong bối cảnh của một buổi tiệc mừng  lễ Vượt Qua, và trong lúc các môn đệ còn đang băn khoăn về một kẻ trong nhóm họ phản bội, Đức Giêsu lên tiếng “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy...”. 
Vâng, có thể nói, những lời  Đức Giêsu đã gọi các môn đệ như thế, đã nói lên cái nhìn thấu suốt của Ngài về các ông. Là những tập hợp của nhiều cá tính, họ cần phải được học cách yêu thương.
Cách yêu thương họ cần học đã được Đức Giêsu minh họa qua cử chỉ rửa chân cho họ trước đó. Hôm đó, nhìn những người môn đệ của mình, Ngài đã nói với họ bằng những lời đầy tha thiết, “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
****
 “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau..” Vâng, quả là mới, mới  ở chỗ “phẩm chất” của điều luật.
Thật vậy, luật xưa đã dạy “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” nhưng với luật của Đức Giêsu, thì  “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”.
Người xưa dạy rằng, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, nhưng luật Chúa Giêsu, thì “tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta..”(Mt 12,12).
Và kìa, cái mới ở đây, chính là, con người làm ra điều luật là người đã dám thực thi điều luật một cách  tuyệt đối. Trên đồi Golgotha, cái chết của Đức Giêsu đã chứng minh điều đó.
*****
Hôm đó, kết thúc lời truyền dạy, Đức Giêsu nhấn mạnh, rằng, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.     
Vâng, với các môn đệ xưa cùng với những tín hữu tiên khởi, họ đã làm cho mọi người nhận biết họ là môn đệ của Chúa Giêsu qua việc: “Đồng tâm nhất trí… hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 44-46).
Với chúng ta hôm nay, hãy tự hỏi lòng mình, chúng ta sẽ làm gì để “mọi người nhận biết (mình) là môn đệ của Chúa Giêsu”?
Phải chăng là đi nhà thờ, là xưng tội và rước lễ, là lần hạt mân côi? Vâng, không sai. Nhưng, sẽ là tốt hơn, nếu trong cuộc sống thực tế hàng ngày, chúng ta chính là “nhân tố” làm cho “láng giềng thân thiết… anh em hòa thuận… vợ chồng ý hợp tâm đầu”.
Tại sao? Thưa, bởi, vì đó chính là điều làm “đẹp lòng Chúa và người ta” (x. Hc 25, 1)
"Làm-đẹp-lòng-Chúa-và-người-ta", đó là cách tốt nhất làm cho  mọi người nhận biết mình là môn đệ của Chúa Giêsu”.
Petrus.tran




Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Đức GIÊSU: người mục tử nhân lành.



Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh - C
****


Đức GIÊSU: người mục tử nhân lành.

Thói đời, mỗi vị lãnh tụ, nhất là những vị lãnh tụ độc tài, khi trở thành người lãnh đạo quốc gia, họ thường tìm đủ mọi phương cách, có thể bằng những truyền thuyết, có thể bằng những huyền thoại, để tạo cho mình những vầng hào quang, để tạo cho mình thành một con người thần thánh. Họ thường thể hiện điều đó qua những khẩu hiệu đao to búa lớn.  Đọc lịch sử, chỉ lịch sử cận đại thôi, cũng đủ để chúng ta thấy nhan nhản những con người như thế.

“…Ở Rumania,  Nicolae Ceauşescu tự xưng mình là ‘Thiên tài của vùng Carparthians’, một vùng núi rộng lớn ở Trung Âu, kéo dài từ Slovakia qua miền Nam Ba Lan, miền Tây Ukraine đến tận phía Đông Bắc của Romania. Còn vợ của ông, Elena, người được cử làm Phó Thủ tướng, thì được tuyên truyền như một ‘Quốc mẫu’, một nhà khoa học vĩ đại (dù bà thực sự bỏ học từ năm 14 tuổi, và tất cả các cái gọi là  ‘công trình khoa học’, kể cả luận án tiến sĩ của bà, đều do người khác viết).

Rafael Trujillo, nhà độc tài ở Dominican Republic từ 1930 đến 1938 và từ 1942 đến 1952 thì tự xem mình là Thượng đế. Ông ta ra lệnh cho mọi nhà thờ trong nước phải khắc câu ‘Chúa ở trên Trời, Trujillo ở dưới Thế’ (God in Heaven, Trujillo on Earth) và mọi bảng xe đều khắc câu ‘Trujillo vạn tuế’.

Francisco Macias Nguema, nhà độc tài ở Equatorial Guinea từ năm 1968 đến 1979 cũng thế. Cũng tự xưng mình là Thượng đế. Dưới thời ông, biểu ngữ chính trong nước ghi ‘Không có Thượng đế nào khác ngoài Macias Nguema’.

Saparmurat Niyazov, Tổng thống xứ Turkmenistan từ năm 1990 đến 2006 thì ra lệnh đổi tên 12 tháng trong năm theo tên ông và người thân trong gia đình của ông. Ông cũng viết sách và ra lệnh bất cứ người dân nào, để được thi lấy bằng lái xe, cũng phải thuộc lòng nguyên cả cuốn sách của ông….” (*)

Và còn nhiều lãnh tụ khác, với những lời xưng tụng đầy kiêu căng ngạo mạn, đại loại như “lãnh tụ vĩ đại.. lãnh tụ kính yêu, lãnh tụ muôn đời” v.v.. và v.v… mà không tiện nêu danh tính nơi đây…

Nhưng, có một người, người đó không cần tự tạo hào quang cho mình, không cần tự tôn vinh mình bằng những “rổ danh từ”, bằng những lời “khua môi múa mép” nêu trên,  mà chỉ cần một lời nói giản dị, người đó là Đức Giêsu Kitô.

Vâng, Đức Giêsu Kitô, khi nói về mình, Ngài đã nói: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành”.

**

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bằng những lời giảng dạy cũng như qua những lần làm phép lạ chữa lành cho dân chúng, Đức Giêsu luôn chứng tỏ cho mọi người thấy, rằng, Ngài chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu, một Thiên Chúa như là Người Mục Tử nhân lành.

Trong một lần xuất hiện tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã xác định điều đó qua một bài giảng đầy nhân bản. Ngài đã ví mình là một người Mục Tử, một người Mục Tử dám “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. 

Hôm đó, trước đám đông cử tọa, Đức Giêsu đã nói một cách cương quyết, rằng “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 11&14)

Nhưng... thật đáng tiếc, lời nói của Đức Giêsu lại là cớ làm cho người Do Thái chia rẽ nhau. Đã có người xầm xì nói Ngài bị “quỷ ám và điên khùng”. Nhưng cũng có người phản đối cho rằng “Người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy! Quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao?”

Dù có sự chia rẽ như thế, nhưng trước những phép lạ Ngài làm, tất cả họ đều nghĩ rằng, Đức Giêsu phải là Đấng Kitô, chứ ai lại là một tên “chăn chiên”!!! Cho nên, để cho rõ “trắng đen”, khi thấy “Đức Giêsu đi đi lại lại... tại hành lang Salômôn”, họ tìm đến Ngài và muốn Ngài cho họ được biết sự thật, sự thật rằng, Ngài có phải là “Đấng Kitô” mà lâu nay đã khiến “lòng trí họ phải thắc mắc”. (Ga 10, 24).

Đối với Đức Giêsu, không quá khó để trả lời những gì họ thắc mắc. Nhưng, nếu có khó, như lời Đức Giêsu đã nói, khó là bởi, Ngài “đã nói với (họ) rồi mà (họ) không tin”.
Đức Giêsu đã nói gì? Thưa, trước đó, Ngài đã nói rằng “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.
Kết thúc buổi chất vấn, Đức Giêsu, một lần nữa, nhấn mạnh, rằng “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.
Ai có thể ban cho sự sống đời đời! Phải chăng chính là Đấng Kitô?
Hôm đó, Đức Giêsu đã nói “Tôi và Chúa Cha là một”. “Là một”... Vâng, “Tôi và Chúa Cha” là-một-thông-điệp Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người, rằng, Ngài chính là “Đấng Kitô – Người Mục Tử nhân lành”.
***
Kinh Thánh thường dùng hình ảnh con chiên để nói về con người. Thánh Vịnh 100, 3 có chép rằng: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc vềNgười, ta thuộc dân Người, là đoàn  chiên Người dẫn dắt”..
Xưa kia, khi Đức Giêsu nói “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”, lập tức, có một số người gọi Ngài là “đồ điên”,  và có một số người đã lấy đá ném Ngài.
Ngày nay, những hạng người đó cũng không phải là thiếu.  Chỉ với một ít kiến thức ba xu, họ, những tên bồi bút của một vài trang mạng vớ vẩn, đã không tiếc lời công kích Đức Giêsu rằng, thì là mà, Ngài đã biến “con người” thành “con vật” khi gọi những người theo Ngài là “con chiên”.
Có thể nói, những lời công kích đó là những lời chỉ có những hạng người thiếu lương thiện mới thốt ra. Và thật là không cần thiết để bàn cãi với những người thiếu lương thiện đó.
Vâng, Skip Heittzig trong một bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep” có viết “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta  rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết.
Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người chăn tuyệt vời. Đó là ý nghĩ của David trong Thánh Vịnh 23: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. 
Skip Heittzig kết luận, “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi?” (ngưng trích)
David từng là người chăn chiên, ông ta biết, cuộc sống của chiên sẽ  như thế nào là do người chăn như thế nào.
Với chúng ta cũng vậy. Là một Kitô hữu, cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào là do chúng ta “nghe Lời Chúa” như thế nào.
Nếu, nếu chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nói  “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” và như Samuel khi xưa, mà đáp lời Ngài, rằng “Lạy Đức Chúa... tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.  Hãy tin... hãy tin, cuộc sống của chúng ta đã thuộc về “ràn chiên của Chúa”.
Đã thuộc về ràn chiên của Chúa, sẽ chẳng có gì ngăn trở Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “Ta chính là người Mục Tử nhân lành” của con.
Petrus.tran
***
(*) trích từ blog’s Nguyen Hung Quoc.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

CHÚA ĐÓ...

Chúa đó!


Sau những ngày sống trong sự thấp thỏm, thất vọng, sợ hãi. Và sau khi được nhìn thấy Đức Giêsu hiện ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ như nhận được một luồng gió mới, một luồng gió đã thổi tung những nghi nan, ngờ vực cùng với những chán nản tuyệt vọng nơi các ông.

Nhớ, sau sự kiện Đức Giêsu bị bắt và bị xử chết treo trên thập giá tại Golgotha, có thể nói rằng, các môn đệ của Ngài chẳng khác gì như đàn gà con tan tác trong cảnh mất mẹ.

Thật vậy, đối với nhóm bẩy mươi hai, có nhiều người chán nản tuyệt vọng, đã có người cảm thấy “mộng vàng tan mây” và cũng đã có người “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về quê quán của họ. Còn nhóm mười hai, tuy vẫn bám trụ tại Giêrusalem, nhưng họ đã phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ người Do Thái.

Nhưng giờ đây, sau khi nhóm mười hai được chứng kiến hình ảnh đầy linh thiêng của một Đức Giêsu Phục Sinh, niềm tin của các môn đệ như được hồi sinh. Các ông không thể không vui mừng, niềm vui của các ông không phải niềm vui một cuộc tái ngộ thông thường của một người đi xa, nay trở về, nhưng là niềm vui “được thấy Chúa”.

Các ông đã được-thấy-Chúa, không phải Chúa Giêsu mà các ông đã gặp ở sông Giodan năm xưa, không phải Chúa Giêsu mà các ông đã “đến xem chỗ Người ở , và ở lại với Người” nhưng là một Chúa Giêsu Phục Sinh – Người đã thật sự trổi dậy từ cõi chết.

Chúa Giêsu Phục Sinh đã “thổi hơi vào các ông”, không như người ta thổi hơi vào một cái xác chết trôi, nhưng lả thổi vào các ông một nguồn ơn “Thánh Thần”. Nguồn ơn Thánh Thần đó như một chiếc đòn bẩy, bẩy các ông ra khỏi Giêrusalem, nơi mà các ông đóng kín cửa ở trong nhà. Các ông cùng nhau ra đi, đi trở về Biển Hồ Tibêria.

Tại sao là Biển hồ Tibêria mà không phải là nơi khác? Thưa, địa danh này chính là Galilê, mà Galilê lại là quê hương của các ông.

Với lại, vào hôm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Macdala và một số chị em khác khi ra viếng mộ Đức Giêsu, các bà gặp Đức Giêsu Phục Sinh và đã được Ngài truyền dạy “Về bảo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28, …10).

Được thấy Thầy ở đó ư! Tại sao lại không đi! Vâng, lời trách chân tình của Thầy “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” đã làm cho các ông vững tin, vì thế hôm nay, các ông mới có mặt tại Biển Hồ Tibêria.

Thế nhưng, khi đến nơi, Biển Hồ Tibêria, hôm đó, quả đúng là “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường” (*)

Vâng, hôm đó, như một người thủ lãnh, ông Phêrô khởi xướng một cuộc hải hành trên biển hồ Tibêria. Họ cùng nhau “đi đánh cá”. Con thuyền lướt sóng ra khơi trong niềm hy vọng của Phêrô, của Tôma, của Nathanaen, của các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa. Hơn bán tiểu đội, kẻ lái người chèo, người thả lưới… Nhưng, hỡi ơi… quả đúng là một đêm dài đầy tang thương và đoạn trường. Các ông “không bắt được gì cả”. (Ga 21,…3)

Không thấy sách ghi chép lại, nhưng rất có thể các ông ước mong sao Chúa Giêsu hiện đến và rồi Ngài sẽ dùng quyền năng làm cho các ông đánh bắt một mẻ cá lạ lùng như xưa Ngài đã làm cho các ông.

Và thật, đúng là cầu được ước thấy. Đức Giêsu đã hiện đến, nhưng thật kỳ lạ, thấy Chúa Giêsu nhưng các ông lại “không nhận ra” Ngài.

Các ông không nhận ra Đức Giêsu, nhưng, Biển Hồ Tibêria đã nhận ra, nhận ra Ngài chính là người đã khiến cho sóng gió cũng phải yên lặng.

Nhóm ngư phủ Phêrô, thật ra, cũng nhận ra Đức Giêsu, nhưng các ông chỉ nhận ra Ngài là Chúa sau khi đã đánh bắt được một mẻ lưới đầy cá.

Vâng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã cho các ông đánh bắt được một mẻ lưới “đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con”.
**

Một mẻ lưới đầy cá… “Đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con”, phải chăng đó là tín hiệu Đức Giêsu Phục Sinh khởi xướng một trò-chơi-lớn, một trò chơi mang tên “Giáo Hội trên đường về Thiên Quốc”?

Thưa, đúng vậy, vào những ngày đầu tiên thu nhận các môn đệ, Đức Giêsu đã chẳng từng nói với Phêrô và những đồng nghiệp của ông rằng “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” đó sao!

Xưa, trong trò chơi lớn mang tên “Về miền đất hứa” Thiên Chúa đã chọn Môsê làm thủ lãnh Israel. Nay, trong trò chơi lớn mang tên “Giáo Hội trên đường về Thiên Quốc”, người thủ lĩnh được chọn là Phêrô.

Đức Giêsu, ba lần nói với Phêrô “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy” như là sự khẳng định ngoài Phêrô ra, không ngoài ai khác nữa.

Có điều gì để phản đối “bài sai” này? Thưa không! Hãy nhìn cận cảnh hình ảnh một Phêrô trên Biển Hồ đêm hôm ấy, khi nghe người bạn nói “Chúa đó!” ông đã “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” với một tấm lòng đầy nhiệt tình và đầy quyết tâm.

Trước hành động này… Ai! ai dám nói rằng Phêrô không xứng đáng lãnh nhận trách nhiệm? Vâng, hãy nhìn xem, sau này, khi đã lãnh nhận trách nhiệm, người ta phải kinh ngạc trước sự kiện ông Phêrô đã “làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông” (Cv 5, 28)



***

Hãy chăm sóc (và) chăn dắt chiên của Thầy”. Vâng, đây là một “bài sai”, bài sai không dành riêng cho Phêrô, nhưng còn dành cho Giáo Hội hôm nay, và cụ thể là tất cả những ai được nhận lãnh “Bí Tích truyền chức”.

Những người lãnh nhận Bí Tích truyền chức là những ai? Thưa, đứng đầu là Giáo Hoàng, tiếp đến là các Giám Mục, rồi đến linh mục. Họ chính là hiện thân của một Giáo Hội được Đức Giêsu Phục Sinh sai đi.

Trong Giáo Hội đó, qua một vài cá nhân riêng lẻ, đôi lúc có vẻ như yếu đuối và cũng “vấp ngã” như Phêrô xưa kia. Nhưng sẽ thật sự sai lầm nếu chỉ nhìn vào sự vấp ngã của một vài cá nhân lẻ tẻ đó mà có ý định rời bỏ Giáo Hội.

Trong Giáo Hội đó, đừng vì một vài vị Giám mục hay linh mục ấu dâm mà vội vàng lìa bỏ Giáo Hội. Nhưng, như lời Linh mục Martin Lasarte, SDB đã nói trong một bức thư ngỏ gửi cho nhật báo The New York Times là một tờ báo lâu đời ở Mỹ, nổi tiếng là chống đạo Công Giáo một cách có hệ thống, rằng, hãy “quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới”.

Cũng trong bức thư ngõ, ngài đã làm chứng rằng “Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm.

Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh. Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng.

Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em. Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ…”

Vâng, đó là những gì mà chúng ta nên quan tâm và New York Times nên đăng tải, nếu còn chút lương thiện…

Cuối thư ngỏ, một lời cầu nguyện đầy chân thành được ghi lại như sau “Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.

Vâng, lời cầu nguyện này, có khác gì lời Phêrô đã nói với Đức Giêsu Phục Sinh khi xưa “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự”.

Với chúng ta hôm nay, chúng ta cũng cần “biết rõ mọi sự” rằng, trong Giáo hội, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn luôn hiện diện, Ngài hiện diện qua các Bí Tích.

Với Bí Tích giải tội, qua vị linh mục, hãy tin rằng, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn nói với chúng ta bằng những lời bao dung “Ta không lên án con đâu. Thôi cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Với Bí Tích Thánh Thể, nơi Bàn Tiệc Thánh, qua lời truyền phép của vị thừa tác “Đây là mình Thầy... Đây là Máu Thầy”, hãy tin rằng, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn nói với chúng ta bằng những lời trìu mến “Hãy cầm lấy mà ăn”.

Cho nên, nếu chúng ta cùng đồng hành với Giáo Hội trong trò chơi lớn mang tên “Giáo Hội trên đường về Thiên Quốc”, hãy tin rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sẽ cùng đồng hành với chúng ta, có phần chắc. chúng ta sẽ nhận ra Ngài và cũng sẽ thốt lên, như người môn đệ được Đức Giêsu thương mến xưa đã thôt lên rằng, “Chúa đó!”

Petrus.tran

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

“Phúc thay những người không thấy mà tin”



Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh - C

“Phúc thay những người không thấy mà tin”

Bạn có tin Đức Giêsu từ trong cõi chết Ngài đã Phục Sinh?

Vâng, niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh chính là nền tảng đức tin Kitô giáo. Hai mươi thế kỷ đã trôi qua, với hơn một tỷ người tin theo, Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành với niềm tin tông truyền đó. Mỗi ngày Chúa Nhật, người tín hữu Công Giáo đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, tất cả cộng đoàn cùng tuyên xưng – tôi tin Đức Giêsu Kitô “Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại đúng như lời Thánh Kinh”.  
Quả là quá giản dị, giản dị như hai cộng hai là bốn. 
Thế nhưng, với các tông đồ xưa, không giản dị chút nào. Đón nhận niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh, đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Với các tông đồ xưa, tin Đức Giêsu Phục Sinh, các ngài đã phải trải qua những nỗi sợ hãi, âu lo và thách thức. 
Thật vậy, ngay sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá tại đồi Gogotha, thần quyền Giêrusalem lẫn thế quyền Roma vẫn duy trì tình trạng cảnh giác cao độ đối với các môn đệ của Đức Giêsu. Họ không thể quên lời Đức Giêsu đã tuyên bố “Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy” (Mt 27, 63)  Chính vì thế, ngoài việc cắt cử  một toán lính canh mồ, nhất cử nhất động của các môn đệ đều bị họ theo dõi chặt chẽ. Họ sợ các ông nửa đêm lấy trộm xác rồi phao tin Đức Giêsu đã từ cõi chết trỗi dậy.
Phần các môn đệ, sau cuộc hoảng loạn trốn chạy hôm Thầy Giêsu bị bắt, các ông vẫn không hết bàng hoàng lẫn âu lo. Hai ngày đã trôi qua là hai đêm đợi chờ. Chẳng lẽ lời công bố của Thầy Giêsu rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) không ứng nghiệm sao!
Nếu Thầy Giêsu không sống lại, chỉ nghĩ như thế thôi, ông Phêrô không khỏi không bối rối. Mới buổi sáng hôm nay, buổi sáng của ngày thứ nhất trong tuần, ông và một người bạn đồng môn đã chạy ra ngôi mộ nơi đã táng xác Thầy Giêsu… ngôi mộ trống rỗng… giờ đây, trời đã chiều tà… thế mà Thầy Giêsu vẫn biệt vô âm tín.
Chắc hẳn trong tâm tư  ông Phêrô nảy sinh nhiều câu hỏi. Chắc hẳn ông Phêrô đang tự hỏi lòng mình rằng, “Giờ này Thầy ở đâu? Galilê nắng cháy da người! Giờ này Thầy ở đâu? Nazareth hay Capharnaum!”.  Vâng, có lẽ ông Phêrô ám ảnh lời Chúa Giêsu đã phán hôm Thầy và trò ở núi Oliu, rằng “Sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em”…
Đang lúc ông Phêrô chìm trong những suy tư thì một điều không tưởng đã xảy ra. “Đức Giêsu đến…” mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”.
Người hay là ma? Vâng, theo sự tường thuật của thánh sử Luca, có lần Đức Giêsu hiện ra: “đứng giữa các ông… các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).
Hôm nay, chiều ngày thứ nhất trong tuần, người “đứng giữa các ông” là Đức Giêsu, không chỉ nói với các ông rằng, “Bình an cho anh em”, Ngài còn “cho các ông xem tay và cạnh sườn”, bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng, chứng tích của cuộc khổ nạn mà Ngài đã phải trải qua.
Người xưa có nói “Bách văn bất như nhất kiến - Trăm nghe không bằng một thấy”. Cho nên, tất nhiên, các môn đệ hôm đó “vui mừng”. Họ vui mừng là vì mắt họ đã “được thấy Chúa”.
Có một điều thật đáng tiếc, Tôma, hôm đó, vì không có mặt, nên đã không tin sự kiện Thầy Giêsu hiện đến, mặc cho tất cả các môn đệ đều xác quyết rằng, “chúng tôi đã được thấy Chúa”.
Không tin cũng không sao, nhưng có “sao” là khi ông lớn tiếng thách thức rằng, “Nếu… nếu tôi không…”
Tám ngày sau, tám ngày Tôma thấp thỏm đợi chờ,  rồi cũng đến. Cũng giống như lần trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín” Đức Giêsu hiện đến, Ngài đứng giữa các ông, cũng một lời chúc “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27).
Toma đứng đó như hình hài pho tượng, những chữ “nếu…nếu… nếu…” giờ đây, như tiếng kèn đồng của chàng nhạc công da đen đang chuẩn bị kết thúc một bản nhạc jazz buồn.
Ngước nhìn Đức Giêsu, Tôma nghẹn ngào cất tiếng nói,  “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Đáp lại, Đức Giêsu phán rằng “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,…29).
**
“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Đây có phải là lời trách cứ của Đức Giêsu?
Thưa không. Không phải. Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến với các môn đệ không phải để “tính sổ” các ông. Không phải để trách móc những yếu đuối của các ông.

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng, Ngài đã chiến thắng sự chết như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.

Hơn nữa, Đức Giêsu đến còn là để biểu lộ tình yêu thương của Ngài, qua việc “Ban Bình An” cho các ông, một thứ bình an, như Ngài đã nói, “không theo kiểu thế gian” ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).
***
Ngày nay, thế giới chúng ta đang sống mỗi ngày một bất an, tràn lan những bất ổn,  lộn xộn bởi những bất mãn, bất bình, nhan nhản những sự bất nhân, bất nghĩa v.v… phải chăng, lời chúc “Bình An cho anh em” lời lời chúc cần thiết cho chúng ta?
Đúng, thật là cần thiết, đừng quên, siêu sao điện ảnh Mỹ, Marylin Monroe, dầu đã có môt cuộc sống vật chất quá dư thừa, nhưng cô ta vẫn còn thiếu một thứ, đó là sự bình an. Sau khi cô ta tự tử, người ta tìm thấy bức thư tuyệt mạng của cô ta với dòng chữ ngắn “Tôi không tìm thấy sự bình an”. 
****
Lời chúc của Chúa Giêsu “Bình-an-cho-anh-em”, tất nhiên,  không chỉ được ban cho một nhúm nhỏ mười một các môn đệ. Lời chúc đó vẫn  tiếp tục được Chúa ban ra, qua vị linh mục, trong thánh lễ mỗi ngày, mỗi giờ, trên toàn thế giới.
Trước giây phút người tín hữu bước tới bàn Tiệc Thánh để “thấy và cầm” Đức Giêsu Phục Sinh, qua vị linh mục chủ tế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng sẽ nói với chúng ta lời chúc phúc như xưa, rằng, “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”. 
Chúng ta tin chứ! Hay chúng ta phải đợi Chúa Giêsu hiện ra và nói lại lời Ngài đã nói với Tôma xưa “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”?
Vua David xưa, trong những tháng ngày gian truân, đã trải nghiệm được điều này, chính vì thế, ông khẳng định “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc người làm”? (Tv 145, …13).

Chúng ta tin, tin vào sự thành tín và yêu thương của Chúa? Vâng, nếu chúng ta tin, hãy ghi khắc lời Chúa Giêsu phán với Tôma xưa vào con tin của mình “Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...