Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh - C
“Phúc thay những người không
thấy mà tin”
Bạn có tin Đức
Giêsu từ trong cõi chết Ngài đã Phục Sinh?
Vâng, niềm tin vào
Đức Giêsu Phục Sinh chính là nền tảng đức tin Kitô giáo. Hai mươi thế kỷ đã
trôi qua, với hơn một tỷ người tin theo, Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành
với niềm tin tông truyền đó. Mỗi ngày Chúa Nhật, người tín hữu Công Giáo đến
nhà thờ tham dự Thánh Lễ, sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, tất cả cộng đoàn cùng
tuyên xưng – tôi tin Đức Giêsu Kitô “Người
chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô; Người chịu khổ
hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại đúng như lời Thánh
Kinh”.
Quả là quá giản dị, giản dị như hai cộng
hai là bốn.
Thế nhưng, với các tông đồ xưa, không giản
dị chút nào. Đón nhận niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh, đó không phải là chuyện một
sớm một chiều. Với các tông đồ xưa, tin Đức Giêsu Phục Sinh, các ngài đã phải
trải qua những nỗi sợ hãi, âu lo và thách thức.
Thật vậy, ngay sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá tại đồi Gogotha, thần quyền Giêrusalem
lẫn thế quyền Roma vẫn duy trì tình trạng cảnh giác cao độ đối với các môn đệ
của Đức Giêsu. Họ không thể quên lời Đức Giêsu đã tuyên bố “Sau ba ngày, Ta sẽ
trỗi dậy” (Mt 27, 63) Chính vì thế,
ngoài việc cắt cử một toán lính canh mồ,
nhất cử nhất động của các môn đệ đều bị họ theo dõi chặt chẽ. Họ sợ các ông nửa
đêm lấy trộm xác rồi phao tin Đức Giêsu đã từ cõi chết trỗi dậy.
Phần các môn đệ, sau cuộc
hoảng loạn trốn chạy hôm Thầy Giêsu bị bắt, các ông vẫn không hết bàng hoàng
lẫn âu lo. Hai ngày đã trôi qua là hai đêm đợi chờ. Chẳng lẽ lời công bố của
Thầy Giêsu rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31)
không ứng nghiệm sao!
Nếu Thầy Giêsu không sống
lại, chỉ nghĩ như thế thôi, ông Phêrô không khỏi không bối rối. Mới buổi sáng
hôm nay, buổi sáng của ngày thứ nhất trong tuần, ông và một người bạn đồng môn
đã chạy ra ngôi mộ nơi đã táng xác Thầy Giêsu… ngôi mộ trống rỗng… giờ đây,
trời đã chiều tà… thế mà Thầy Giêsu vẫn biệt vô âm tín.
Chắc hẳn trong tâm tư ông Phêrô nảy sinh nhiều câu hỏi. Chắc hẳn
ông Phêrô đang tự hỏi lòng mình rằng, “Giờ này Thầy ở đâu? Galilê nắng cháy da
người! Giờ này Thầy ở đâu? Nazareth
hay Capharnaum!”. Vâng, có lẽ ông Phêrô
ám ảnh lời Chúa Giêsu đã phán hôm Thầy và trò ở núi Oliu, rằng “Sau
khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em”…
Đang lúc ông Phêrô chìm trong những suy tư thì một điều không tưởng đã xảy ra. “Đức
Giêsu đến…” mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”.
Người hay là ma? Vâng, theo sự tường thuật của thánh sử Luca, có
lần Đức Giêsu hiện ra: “đứng giữa các ông… các
ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).
Hôm nay, chiều ngày thứ nhất trong tuần, người “đứng giữa các ông”
là Đức Giêsu, không chỉ nói với các ông rằng, “Bình an cho anh em”, Ngài còn “cho
các ông xem tay và cạnh sườn”, bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết
đinh và mũi đòng, chứng tích của cuộc khổ nạn mà Ngài đã phải trải qua.
Người xưa có nói “Bách văn bất như nhất kiến - Trăm nghe
không bằng một thấy”. Cho nên, tất nhiên, các môn đệ hôm đó “vui mừng”. Họ vui mừng là vì mắt
họ đã “được thấy Chúa”.
Có một điều thật
đáng tiếc, Tôma, hôm đó, vì không có mặt, nên đã không tin sự kiện Thầy Giêsu
hiện đến, mặc
cho tất cả các môn đệ đều xác quyết rằng, “chúng tôi đã được thấy Chúa”.
Không tin cũng không sao,
nhưng có “sao” là khi ông lớn tiếng thách thức rằng, “Nếu… nếu tôi không…”
Tám ngày sau, tám ngày Tôma thấp thỏm đợi
chờ, rồi cũng đến. Cũng giống như lần
trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín” Đức Giêsu hiện đến, Ngài đứng giữa các
ông, cũng một lời chúc “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng,
“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh
sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27).
Toma đứng đó như hình hài pho tượng, những
chữ “nếu…nếu… nếu…” giờ đây, như tiếng kèn đồng của chàng nhạc công da đen đang
chuẩn bị kết thúc một bản nhạc jazz buồn.
Ngước nhìn Đức Giêsu, Tôma nghẹn ngào cất
tiếng nói, “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên
Chúa của con” (Ga 20, 28). Đáp lại, Đức Giêsu phán rằng “Phúc thay những người
không thấy mà tin” (Ga 20,…29).
**
“Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Đây có phải là lời trách cứ của Đức Giêsu?
Thưa không. Không phải. Đức Giêsu Phục Sinh
và hiện đến với các môn đệ không phải để “tính sổ” các ông. Không phải để trách
móc những yếu đuối của các ông.
Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng, Ngài đã chiến thắng sự chết như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.
Hơn nữa, Đức Giêsu đến còn là để biểu lộ tình yêu thương của Ngài, qua việc “Ban Bình An” cho các ông, một thứ bình an, như Ngài đã nói, “không theo kiểu thế gian” ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).
Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng, Ngài đã chiến thắng sự chết như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.
Hơn nữa, Đức Giêsu đến còn là để biểu lộ tình yêu thương của Ngài, qua việc “Ban Bình An” cho các ông, một thứ bình an, như Ngài đã nói, “không theo kiểu thế gian” ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).
***
Ngày nay, thế giới chúng
ta đang sống mỗi ngày một bất an, tràn lan những bất ổn, lộn xộn bởi những bất mãn, bất bình, nhan nhản
những sự bất nhân, bất nghĩa v.v… phải chăng, lời chúc “Bình An cho anh em” lời
lời chúc cần thiết cho chúng ta?
Đúng, thật là cần thiết, đừng
quên, siêu sao điện ảnh Mỹ, Marylin Monroe, dầu đã có môt cuộc sống vật chất
quá dư thừa, nhưng cô ta vẫn còn thiếu một thứ, đó là sự bình an. Sau khi cô ta
tự tử, người ta tìm thấy bức thư tuyệt mạng của cô ta với dòng chữ ngắn “Tôi
không tìm thấy sự bình an”.
****
Lời chúc của
Chúa Giêsu “Bình-an-cho-anh-em”, tất nhiên,
không chỉ được ban cho một nhúm nhỏ mười một các môn đệ. Lời chúc đó
vẫn tiếp tục được Chúa ban ra, qua vị
linh mục, trong thánh lễ mỗi ngày, mỗi giờ, trên toàn thế giới.
Trước giây
phút người tín hữu bước tới bàn Tiệc Thánh để “thấy và cầm” Đức Giêsu Phục
Sinh, qua vị linh mục chủ tế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng sẽ nói với chúng ta lời
chúc phúc như xưa, rằng, “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”.
Chúng ta tin chứ! Hay chúng ta phải đợi
Chúa Giêsu hiện ra và nói lại lời Ngài đã nói với Tôma xưa “Đừng cứng lòng nữa,
nhưng hãy tin”?
Vua David xưa, trong những
tháng ngày gian truân, đã trải nghiệm được điều này, chính vì thế, ông khẳng
định “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc
người làm”? (Tv 145, …13).
Chúng ta tin, tin vào sự thành
tín và yêu thương của Chúa? Vâng, nếu chúng ta tin, hãy ghi khắc lời Chúa Giêsu
phán với Tôma xưa vào con tin của mình “Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Petrus.tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét