Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Gia Thất Thánh: nơi tràn ngập hai tiếng yêu thương.

Gia Thất Thánh: nơi tràn ngập hai tiếng yêu thương.

Hôm thứ năm vừa qua, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng Lễ Giáng Sinh.  Nếu có ai hỏi, lễ Giáng Sinh là lễ gì? Vâng, có phần chắc mọi tín hữu Công Giáo đều trả lời rằng, đó là lễ kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Đúng, nhưng chưa đủ, phải nói thêm rằng, “vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Sẽ rất là tự nhiên, nếu có ai hỏi, tại sao… tại sao “Người xuống thế” không như một “tôn ngộ không” được sinh ra từ một tảng đá ma thuật, hấp thụ tinh hoa của vũ trụ trời đất, nhưng lại “xuống thế” bằng hình hài một hài nhi được sinh ra trong một máng cỏ tại Belem? Thưa, câu trả lời, đó là: cũng chỉ vì “gia thất hai tiếng yêu thương”.

“Gia  thất” Vâng, Thiên Chúa, trong chương trình sáng tạo, Người đã tạo dựng một gia thất hoàn thiện, một gia thất tràn ngập hai tiếng yêu thương. Đó là gia thất nguyên tổ Adam-Eva.

Than ôi! Gia thất nguyên tổ, sau khi phạm tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, hai tiếng yêu thương đã không còn. Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, Adam và Eva mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Mất đi sự gắn bó, gia thất nguyên tổ mất đi “hai tiếng yêu thương”. Mất đi hai tiếng yêu thương, gia thất nguyên tổ trở thành một bãi chiến trường;  để rồi nơi đó kết thúc là một án mạng, người anh Cain đã giết chết em mình là Abel.

Kể từ đó, khi nói tới hai tiếng “gia thất”, người ta thường tự hỏi, “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục” (Honoré de Balzac)

Vâng, đó là chuyện của con người, với Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh chép, Người “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14).  Thế nên, “Người” không thể để cho gia thất là đường đưa tới địa ngục. Vì thế,  gia thất vẫn là nơi được Thiên Chúa chúc phúc, gia thất vẫn là nơi được Thiên Chúa nhớ đến một cách đặc biệt, chính trong một gia thất “gia thất Na-da-rét”, Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ của Người.

Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một “Ngộ Không huyền thoại” với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng bằng hình hài một hài nhi, được sinh ra tại Belem, trong một gia đình, người Mẹ là một Trinh Nữ tên  Maria với người cha tên là Giuse. Một gia thất mà hôm nay chúng ta gọi là  “Gia Thất Thánh”.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua Gia thất Thánh: Maria-Giuse và Giê-su, đã được công bố ngay vào ngày hài nhi Giê-su được tiến dâng cho Thiên Chúa. Người công bố không ai khác hơn là ông Si-mê-ôn và bà Anna.

Vâng, câu chuyện được kể lại rằng: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Thiên Chúa.

Hồi đó, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn, “Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ở trên ông”. Chính Thánh Thần đã “linh báo cho ông biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đức Ki-tô của Đức Chúa”.

Và quả thật, hôm đó, hôm  Gia Thất Thánh lên Giê-ru-sa-lem, không phải là chuyện “hên xui” nhưng do “Thần Khí thúc đẩy”, ông Si-mê-ôn cũng lên Đền Thờ. Chuyện kể rằng: “Vừa lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông liền ẫm lấy Hài Nhi trên tay…”

Kinh Thánh có chép “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Vâng, hôm đó, ông Si-mê-ôn không còn khắc khoải, không còn khắc khoải bởi vì giấc mộng của ông, nay đã thành sự thật, một sự thật đem lại cho ông nỗi vui mừng khôn tả, sự thật đó  được ông lớn tiếng nói rằng: “Muôn Lạy Chúa… Chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (x.Lc 2, 30-32).

Ánh sáng đó, vinh quang đó  ông thấy, ông thấy từ nơi Hài Nhi mà ông đang ẵm trên tay. Ông chúc phúc, những lời chúc phúc đậm dấu ấn của nhà tiên tri, rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…” Chưa hết, ông còn nói tiên tri về bà Maria, rằng  “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (x.Lc 2, …35).

Có một người đàn bà  tên là Anna. Chuyện kể rằng: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc…”.

Hôm đó, sau một ngày “làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền” Gia Thất Thánh trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Câu chuyện chép lại rằng “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêmvững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. (x
Vâng,  Gia Thất Thánh quả là một gia thất đúng nghĩa “gia thất hai tiếng yêu thương”.

***
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh Gia Thất và đó là lý do vì sao phần Phụng Vụ Lời Chúa được trình bày qua trích đoạn Tin Mừng Luca (2, 22-40),  trích đoạn mô tả một phần sinh hoạt của một gia đình, gia đình  Gia Thất Thánh.

Với phần trích đoạn hôm nay, có bao giờ chúng ta tự hỏi, Tin Mừng Luca,  còn có nhiều trích đoạn khác, cũng nói về sinh hoạt gia đình của Gia Thất Thánh, hay hơn, ý nghĩa hơn, tại sao Giáo Hội lại chọn phần trích đoạn này, một trích đoạn toàn phải nghe những từ ngữ không vui, như: “ngã xuống , đứng lên, chống báng”, chưa hết, còn cả những từ ngữ nghe qua cũng phải giật thót tim, cũng phải u buồn sầu não, như: “lưỡi gươm… đâm thâu tâm hồn” v.v…?

Xin thưa, qua trích đoạn bài Tin Mừng hôm nay, chỉ cần một chút suy tư, chúng ta có thể nhận ra, Giáo Hội muốn gửi đến cho mọi người tín hữu một thông điệp, rằng: trong cuộc sống gia đình “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có cả sương mù và giá lạnh nữa”.(Louis Evely)
Thật vậy, hôm nay mừng lễ Thánh Gia Thất, có ai trong chúng ta lại không nghĩ đến “gia thất” của chúng ta? Nghĩ đến gia thất, không ai trong chúng ta mà không khỏi thổn thức, thổn thức vì có gia thất nào mà không hơn một lần bị “sương mù và giá lạnh” bao phủ?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội cổ võ cho một “nền văn hóa sự chết”, có gia thất nào mà không có người “ngã xuống” – ngã xuống chỉ vì đã để cho hồn mình lạc vào những thú vui trần tục, đắm chìm vào những đam mê chóng qua?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội lớn tiếng truyền bá chủ nghĩa vô thần, có gia thất nào mà không đối diện sự  “chống đối”, chống đối nhau chỉ vì bất đồng niềm tin?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội trọng vật chất và coi đó như là thước đo sự thành đạt, có gia thất nào mà không có thành viên  bị “sương mù và giá lạnh” – sương-mù-ích-kỷ, giá-lạnh-tranh-chấp bao phủ?

Hãy nhìn xem, trong một xã hội chữ “tín” như là một thứ xa xỉ, có gia thất nào mà không hơn một lần bị sương-mù-phản-bội, bị giá-lạnh-ghen-tuông bao phủ?

Xưa, Gia Thất Thánh có bị “sương mù và giá lạnh”, có bị  “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn” thì cũng là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Còn ngày nay, gia thất chúng ta, nếu có bị “sương mù và giá lạnh”, nếu có bị  “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu” là vì  chúng ta chưa sống đúng “ theo luật Mô-sê”, một giới luật hôm nay chúng ta gọi là “Mười Điều răn Của Đức Chúa Trời”.  Mà “Mười Điều răn Của Đức Chúa Trời” nào có khó gì đâu ngoài việc “Mến Chúa – Yêu Người”. 

Là một Ki-tô hữu, đừng… đừng bao giờ chúng ta hỏi rằng, tôi phải “mến Chúa” như thế nào đây! Hãy nhớ lại xem, xưa kia, Đức Giê-su há chẳng đã nói  rằng: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (x. Mc 12, 29).

Hôm nay, Đức Giê-su – Người cũng sẽ nói với chúng ta, rằng “Nghe đây, hỡi những người Ki-tô hữu, Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”.

Thế còn “yêu người” thì sao? Thưa Bạn, có lẽ chúng ta hãy nghe lời gợi ý của Lê Hựu Hà, qua nhạc phẩm “Yêu đời – Yêu người”. Vâng, anh ta đã gởi đến chúng ta lời gợi ý, rằng: “Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương người. Dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài. Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời. Dù là lời nghe chua cay, dù là lời thoáng qua tai”.  “Yêu người” như thế, phải chăng, cũng có thể được coi là cách chúng ta thực thi lời Thiên Chúa đã truyền dạy, rằng “Ngươi phải yêu người thân cận  như chính mình”?

Vâng, lời “gợi ý” và lời “truyền dạy” nêu trên, quả là “khó nuốt” đối với thân phận phàm trần như chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta không cố gắng mà “nuốt” thì, chẳng có một chút hy vọng nào, gia thất của chúng ta  sẽ là một gia thất an lành, hạnh phúc.

Còn nếu chúng ta sẵn sàng “nuốt”, nói rõ hơn, nếu chúng ta sẵn sàng thực thi lời “gợi ý” và lời “truyền dạy” nêu trên, có phần chắc, gia thất chúng ta sẽ là một gia thất hạnh phúc và bình an, có phần chắc, gia thất chúng ta sẽ là một gia thất hạnh phúc với đầy đủ niềm vui “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25, 1).

Thưa Bạn, bạn và tôi có ao ước gia thất mình hạnh phúc với đầy đủ niềm vui nêu trên? Nếu chúng ta thật sự  ao ước… gia thất chúng ta đang bước vào ngưỡng cửa của hạnh phúc. Điều hạnh phúc nhất, đó là,  nếu có ai hỏi, gia thất bạn thế nào! Lúc đó, chúng ta sẽ chẳng ngần ngại  lớn tiếng trả lời: Tạ ơn Chúa, gia thất của tôi… Vâng, một gia thất tràn ngập “hai tiếng yêu thương”.

Petrus.tran
















Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Hãy mừng vui lên…

Chúa Nhật IV – MV – B

Hãy mừng vui lên…

Ba tuần của Mùa Vọng đã trôi qua. Và, nếu tính từ Chúa Nhật hôm nay (21/12/2014), Chúa Nhật IV Mùa Vọng, thì còn đúng ba ngày nữa, chúng ta sẽ bước vào đại lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh. Những gì có liên quan đến lễ Giáng Sinh như hang đá, cây thông Noel và những dây đèn trang trí đủ màu sắc mỗi ngày xuất hiện một nhiều. Xuất hiện nơi tư gia, trong nhà thờ và cả nơi công cộng.

Lướt qua một vòng những nơi làm hang đá, có thể nhận định rằng, quả là, không một hang đá nào mà không đẹp và sinh động. Đẹp và sinh động không chỉ bởi những ánh đèn lung linh quanh máng cỏ với những cây thông cao chót vót đứng kề bên, nhưng còn đẹp và sinh động bởi những hình tượng cao lớn, cao lớn  như người thật, những hình tượng Thánh Giuse, Mẹ Maria và  Chúa hài đồng Giêsu.

Khi chiêm ngắm những hình tượng đó, cứ sự thường, chúng ta coi đó như là cách để nhớ lại một cách trung thực hang Belem xưa; thế nhưng, nếu chỉ có thế thì chưa đủ,  mà quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn nó theo  một nhãn giới khác, nhãn giới đức tin, một nhãn giới nhắc cho mọi thế hệ rằng: Thánh Giuse, Đức Maria và  Chúa hài đồng Giêsu chính là tấm gương mẫu mực của sự “Vâng Phục” – vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trái với sự “bất phục” của nguyên tổ Adam và Eva khi xưa.
Với thánh Giuse, khi nói về sự “vâng phục”, kinh thánh đã ghi lại trong trình thuật “truyền tin cho ông Giuse” rằng: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (x.Mt 1, 24)

Với Chúa hài đồng Giê-su thì sao? Thưa, phải nói rằng, đó là một tấm gương siêu mẫu mực. Thật vậy, kinh thánh chép rằng: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8)

Còn với Đức Maria? Xin thưa, cũng vậy, cũng như thánh Giu-se, Đức Maria cũng vâng phục những gì Thiên Chúa đã phán truyền qua sứ thần Gáp-ri-en.

Vâng, câu chuyện về sự vâng phục của Đức Maria được kể lại rằng: “Khi bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Maria là ai? Thưa, chỉ là một cô thôn nữ vô danh, ấy vậy mà cô Maria lại được sứ thần Chúa tìm đến. Sứ thần tìm đến để gửi đến cô Maria một thông điệp. Hôm đó, mở đầu thông điệp, sứ thần đã  cất tiếng chào cô Maria, rằng “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

Lời chào đó khiến cô Maria không khỏi “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”

Mặc cho sự bối rối của cô Maria, sứ thần Chúa tiếp tục loan báo thông điệp, rằng “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.  

Thông điệp đưa ra đã khiến cho cô Maria thêm lo sợ. Vâng, không ai có thể nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình mà lại có thể mang thân xác hữu hình. Không ai có thể tin rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hạn mà lại có thể đến sống với con người hữu hạn.

Vả lại, khi nghe tới việc mang thai, cô Maria không khỏi hoảng hốt, hoảng hốt chỉ vì, đối với cô “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Với lời trần tình của cô Maria, cứ tưởng rằng sứ vụ của sứ thần Gáp-ri-en sẽ bế tắc. Cứ tưởng rằng, cô trinh nữ Maria sẽ thoái thác nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.   

Nhưng không, không phải vậy. Và cũng không như cách mà sứ thần Gáp-ri-en đã thực hiện nơi ông Dacaria, khi ông nghi ngờ lời loan báo “vợ ông sẽ sinh  cho ông một đứa con trai”, rằng ông “bị câm không nói được” cho đến ngày ứng nghiệm lời sứ thần loan báo với ông.

Với trường hợp của cô Maria, sứ thần Gáp-ri-en đã mở lòng Maria bằng một lời nói đầy tính chất thần linh: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37).

Nghe những lời trấn an như thế, cô Maria như bừng tỉnh, tấm lòng khép kín lập tức được rộng mở và cô Maria không ngần ngại mà thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời  sứ thần nói.” (Lc 1, 38).
**
Vâng, hôm đó, Đức Maria đã cất tiếng “vâng…”.
Chính lời xin vâng này, đã đem lại cho nhân loại “một tin mừng trọng đại, cũng là một tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”.

Chính lời xin vâng này, đã giúp cho nhân loại nhận thấy, “đối với Thiên Chúa,không có gì là không thể làm được”.

Cuối cùng, chính lời xin vâng này, đã giúp cho nhân loại nhìn thấy “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ xưa”, đó chính là mầu nhiệm Con Thiên Chúa “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x.Ga 1, 14)

***

Trong suốt mùa vọng năm nay, có hai nhân vật luôn được chú ý đến, đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Maria.


Vâng, thật phải đạo khi nhắc đến hai nhân vật này. Bởi, khi nhắc đến Gioan Tẩy Giả,  Giáo Hội không ngoài mục đích muốn gửi đi một thông điệp rằng, đã là một Kitô hữu, chúng ta phải là một chứng nhân của Chúa Giêsu.

Và khi nhắc đến Đức Maria, Giáo Hội muốn giới thiệu với chúng ta rằng, Đức Maria chính là mẫu mực cho một niềm tin phó thác vào Thiên Chúa.

Nói cách khác, qua bốn tuần của Mùa Vọng, nhắc tới những nhân vật nêu trên, Giáo Hội, một lần nữa, muốn mời gọi mỗi chúng ta hãy có niềm tin phó thác vào Chúa như Đức Maria đã tin và phó thác, bởi vì, chỉ khi có niềm tin và sự phó thác như thế, chúng ta mới có thể hoàn tất vai trò người chứng nhân đích thực, như người chứng nhân mang tên Gioan Tẩy Giả, của Đức Giê-su Ki-tô.

****
Mùa Vọng đã khép lại, Mùa Giáng Sinh đang tới. Thông điệp của Thiên Chúa qua sứ thần Gáp-ri-en đã được thực thi  nhờ lời xin vâng của Đức Maria.

Hãy tự hỏi, là một Ki-tô hữu, tôi đã đón nhận thông điệp từ trời trong tâm tình như thế nào? Hãy tự hỏi, tôi đã đón nhận “Đấng Thánh (đã) sinh ra (và) được gọi là Con Thiên Chúa” trong tâm tình tin yêu và phó thác? Nói rõ hơn, tôi đã “tin mà vâng phục” Người?

Hay “miệng tôi xưng Chúa nhưng lòng không có Ngài”? Hay tôi đang bị phân tâm bởi những chủ thuyết lệch lạc, rêu rao rằng thì-là-mà “thượng đế đã chết rồi”, “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”?

Đúng, có sức người sỏi đá cũng thành cơm, nhưng nếu không có sự tin yêu và phó thác vào Thiên Chúa, thì, “cơm” đó chỉ là những loại “cơm ngạo mạn kiêu căng”.

Đừng quên,  Lời Chúa đã phán “Sự ngạo mạn đi trước, sự bại hoại theo sau”. Lịch sử  đã chứng minh, bất cứ quốc gia nào từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa, quốc gia đó sẽ phải sống trong sự bại hoại, bại hoại cả thể xác lẫn tâm hồn. Và dường như, Việt Nam của thế kỷ 21 này, đang nằm trong số những quốc gia đó.

Chính vì thế,  nên chăng, chúng ta hãy nghe lại một lần nữa thông điệp từ trời.  Tất nhiên, thông điệp từ trời chúng ta nghe lại không phải là thông điệp Đức Maria đã nghe khi xưa, nhưng là thông điệp đã được công bố ngay trong ngày Đức Giê-su “Người được cất lên trời”.


Hôm đó, Thiên Chúa cũng đã sai sứ thần đến, qua hình hài “hai người đàn ông mặc áo trắng”, và đưa ra một thông điệp, thông điệp rằng: “Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ… và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như… Người lên trời” (Cv 1, …11)


Vâng, quả là một thông điệp rất phù hợp để khép lại mùa vọng năm nay. Rất phù hợp để mỗi chúng ta, là một Ki-tô hữu, tự hỏi lòng mình, rằng: “Tôi đã chuẩn bị đón mừng ngày lễ Giáng Sinh trong tâm tình như thế nào? Thờ ơ, lãnh đạm, “que sera sera”, muốn ra sao thì ra?


Nếu chúng ta đón nhận với một tâm tình như thế, coi chừng! ngày Chúa Giê-su trở lại, Ngài sẽ chẳng cần nhìn đến chúng ta, ngược lại, Ngài sẽ biến những viên sỏi đá, không phải thành cơm, nhưng là thành những người “nữ tỳ của Chúa”.


Còn nếu chúng ta đón nhận với một tâm tình như Đức Maria xưa, một tâm tình tin yêu và phó thác, vâng, hãy tin, bước vào mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất trần gian này.


Nói chính xác hơn, nếu chúng ta đón nhận với một tâm tình như Đức Maria xưa, một tâm tình tin yêu và phó thác, ngày Chúa Giê-su “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, sẽ chẳng có gì để chúng ta sợ hãi mà lớn tiếng nói với nhau rằng “Hãy mừng vui lên”.  


Petrus.tran

 

 

 

 

 

 

 


 

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Tôi Là Chứng Nhân Của Đức Ki-Tô!

Chúa Nhật III – MV – B


Tôi là chứng nhân của Đức Ki-tô!


Hai phần ba  Mùa Vọng đã trôi qua, nếu được tính luôn ngày Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng. Và theo truyến thống, lễ phục dành cho vị chủ tế trong thánh lễ hôm nay không là màu tím, nhưng là màu hồng.


Tại sao không là màu khác mà lại là màu hồng? Xin thưa, màu hồng diễn tả niềm vui và sự hân hoan. Sử dụng màu hồng, Giáo Hội muốn nói rằng, hôm nay là một ngày vui, vui mừng và hân hoan, vì chỉ còn hơn một tuần nữa, toàn thể Giáo Hội long trọng tái xác nhận rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14)


Vâng, Palestin của hơn hai ngàn năm xưa, Kinh Thánh có chép rằng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan.” Là một sứ  giả, và người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả, ông đã xuất hiện bên bờ sông Giodan, với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu. Ông đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi.”


Kinh Thánh còn cho chúng ta biết về ông, rằng: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1, 7)..


Hồi ấy, lời chứng của ông như một trái bom tấn, nó không chỉ gây tiếng vang khắp miền Giu-đê cùng khắp vùng ven sông Giodan, mà còn chấn động toàn vùng Giêrusalem.


Thật vậy, tại Giu-đê và vùng phụ cận ven sông Giodan, do ảnh hưởng bởi lời chứng của ông, có rất nhiều người tìm đến.  Còn ở Giêrusalem, lời chứng đó đã thu hút sự chú ý của “một số tư tế và mấy thầy Lêvi”.


Thế nhưng, khác với những người dân, họ đến là để “thú tội” và xin ông Gioan “làm phép rửa cho họ”. Còn mấy ông tư tế và mấy thầy Lê-vi, họ đến để tìm hiểu xem ông là ai.


Hôm đó, khi vừa mặt đối mặt Gioan Tẫy Giả, họ hỏi ông với một thái độ như muốn sinh sự, rằng:  “Ông là ai?”. 


Ông Gioan là ai ư?  Chẳng lẽ, là hậu duệ nhà Aharon, là tư tế, là thầy Lêvi, thế mà các ngài lại không biết người bạn đồng chức vụ “tư tế thuộc nhóm Avigia tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabet cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon”, có một người con tên là Gioan sao?


Chẳng lẽ các ngài quên, khi Gioan Tẩy Giả được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Zacaria – cha của ông – được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).


Chẳng lẽ các ngài không nhớ, sách ngôn sứ Isaia cũng có chép:  “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”.


Tôi là ai ư! Ông Gioan, hôm đó,  đã thẳng thắn trả lời rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”.


Thế nhưng, câu trả lời đó vẫn chưa thỏa mãn những người được Giê-ru-sa-lem cử đến. Họ hỏi ông thêm một lần nữa, một câu hỏi cũng không thiếu phần hằn học : “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-lia-a không?”. Vâng, một câu hỏi thật “xách mé”, bởi  nếu dựa vào bản dịch từ bản Kinh Thánh Vulgata “quid ergo ?”  thì câu hỏi sẽ là “Vậy ông là cái quái nào?”


Đúng, ông Gioan chẳng là cái quái gì cả. Không phải là Ê-li-a cũng chẳng phải là một ngôn sứ nào hết, như chính lời ông khằng định, rằng: “Tôi không phải… Không Phải… Không.”


Rất ngắn gọn và minh bạch, hôm đó, Ông Gioan đã nói về chính ông rằng : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”(x.Ga 1, 23).


Vâng, câu trả lời của ông Gioan đã được trích dẫn từ lời ngôn sứ Isaia. Nhưng có vẻ như phái bộ của giáo quyền Giêrusalem không bận tâm đến. Điều họ muốn, đó là “dùng quyền phủ quyết” bắt buộc ông Gioan chấm dứt ngay mọi hành động mà ông đang làm “tại Bêtania, bên kia sông Giodan”. Họ “ngứa mắt” khi một người “không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là Elia hay vị ngôn sứ” mà lại ngang nhiên “làm phép rửa”.


Đôi mắt các tư tế và mấy thầy Lêvi đã bị che phủ bởi một tấm màn đố kỵ và ganh tỵ, đố kỵ và ganh tỵ bởi đã nhìn thấy “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.


Ông có làm phép rửa đó. Nhưng chỉ là  “phép rửa trong nước”. Điều Gioan Tẩy giả quan tâm và muốn công bố cho các ông tư tế và mấy thầy Lêvi biết, đó là “Có một vị đang ở giữa các ông…”. Vâng, chính vị đó “Người sẽ làm phép rửa…  trong Thánh Thần và lửa”. “Người”, ông Gioan Tẩy giả nói: “tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người”.  Thật đáng tiếc! Thế mà “các ông không biết”. Rồi ông Gioan khẳng định “Người sẽ đến sau tôi”(Ga 1, 26-27). 


**

Thật ra ông Gioan chính là một vị ngôn sứ, như lời cha ông là tư tế Dacaria đã được “đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng : Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 2, 67…76).


Sau này, Đức Giêsu cũng đã nói với một nhóm đông người về ông Gioan rằng “nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến” (Mt 11, 14). Và trước khi nói điều này, Đức Giêsu còn nói về ông Gioan rằng “đây còn hơn cả ngôn sứ nữa”.


Thật thế, ông Gioan còn hơn cả ngôn sứ nữa. Ngôn sứ chỉ nói tiên tri về Đấng Cứu Thế. Còn ông Gioan, ông không nói tiên tri nhưng ông là chứng nhân đích thực của Đấng mà ông đã nói “Người đến sau tôi nhưng trỗi hơn tôi”.


Đó là chuyện xưa, chuyện ông Gioan không chỉ là một ngôn sứ mà còn là một chứng nhân đích thực, như lời Kinh Thánh đã chép về ông rằng “ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1, 8).



 *** 

Và hôm nay, hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, Giáo Hội nhắc đến Gioan Tẩy Giả, nhắc đến không phải để hỏi và chỉ hỏi, nhưng là  muốn gửi đi một thông điệp rằng, bất cứ ai đã là một Kitô hữu, đều phải là một chứng nhân của Chúa Giêsu.


Đây không phải là một sự áp đặt, nhưng chính là lời truyền dạy của Chúa Giê-su trước lúc Ngài về trời. Thật vậy, hôm đó, Ngài đã truyền dạy rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (x.Cv 1, …8)


 “…Tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari…” đã được các môn đệ thực thi. Còn “…cho đến tận cùng trái đất” ai sẽ thực thi, nếu không phải là chúng ta?


Thế nên,  chúng ta hãy tự hỏi rằng, trong dịp kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh, chúng ta sẽ làm gì để chứng tỏ tôi là chứng nhân của Chúa Giêsu!


Sẽ có người nói rằng, tôi sẽ làm chứng về Chúa trước bàn dân thiên hạ qua việc thiết kế một hang đá với những dây đèn chớp tắt rực rỡ. Có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài Đồng Giêsu. Có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu.


Vâng, quả là một cách làm chứng rất trực quan sinh động. Hơn nữa, đó là một cử chỉ truyền thống tốt đẹp lâu nay của người Công Giáo chúng ta.


Thế nhưng, sẽ là một lời chứng tốt đẹp hơn nếu chúng ta thiết kế thêm một hang-đá-tâm-hồn với dây-đèn-Lời-Chúa, và với những trái-châu-Thánh-Thần.


Những “dây đèn Lời Chúa” sẽ làm cho “hang đá tâm hồn” của chúng ta rực rỡ hình ảnh thánh thiện “không gì đáng trách”. Những “trái châu Thánh Thần” sẽ làm cho “hang đá tâm hồn” ta  tỏa sáng lòng bác ái, sự hoan lạc, sự bình an, sự nhẫn nhục, lòng nhân hậu, sự từ tâm, sự trung tín, sự hiền hòa và tiết độ…


Hãy xem…. Xưa kia các tư tế và mấy thầy Lêvi “phớt lờ” Lời Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, vì thế, họ đã không nhận ra ông Gioan chính là ngôn sứ của Thiên Chúa. Và đừng quên, Thánh Thần Chúa đã đem đến cho các môn đệ có một sức mạnh của một chứng nhân như thế nào.


Vâng, có được một hang đá tâm hồn như thế, thánh Phao-lô nói: “Đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su”.


Cuối cùng, có được một hang đá tâm hồn như thế, nếu có ai từ Giê-ru-sa-lem, từ Hanoi, từ Bắc Kinh, từ Mạc Tư Khoa, từ Luân Đôn, hay từ bên cạnh nhà của chúng ta, nói chung là từ bất cứ nơi đâu, đến gặp ta và hỏi “Anh (chị) là ai?”, lúc đó, chúng ta có thể tuyên bố thẳng thắn với họ rằng: “Tôi là một tín hữu Công Giáo” và tôi là một  “chứng nhân của Đức Ki-tô”.


Petrus.tran


Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Lòng con đã hối tội rồi!

Chúa Nhật II – MV- B

Lòng con đã hối tội rồi!

Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội. Trời cao hãy đổ sương xuống. Và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời”. Vâng, mỗi khi bài thánh ca này được cất hát lên, nó như một tiếng chuông ngân báo hiệu Mùa Vọng đến.

Như chúng ta được biết, Mùa Vọng gồm có bốn tuần, và hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ hai của Mùa Vọng. Rảo quanh nhiều ngôi giáo đường, cũng như những khu dân cư, bầu không khí của Lễ Giáng Sinh mỗi ngày một thêm rộn ràng. Thật vậy, nơi các giáo đường cũng như xóm đạo, người ta bắt đầu tất bật giăng đèn, làm hang đá.

Nói tới việc làm hang đá, có thể nói, không nơi nào nhộp nhịp cho bằng nơi xóm đạo Bình An, Bình An Thượng, Nam Hòa, Lộc Hưng v.v… Nơi đây, có một truyền thống lâu đời, hễ đến lễ Giáng Sinh, nhà nhà, người người làm hang đá, làm hang đá trong tư thất chưa đủ, họ còn làm hang đá suốt dọc hai bên đường.

Riêng tại những ngôi giáo đường, ngoài việc thiết kế hang đá người ta bắt đầu thông báo chương trình tĩnh tâm với nhiều chủ đề khác nhau. Và một trong những chủ đề không thể thiếu đó là sự sám hối. Sự sám hối là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Và “tỏ lòng sám hối” là lời mời gọi tiên quyết cho những ai muốn đón nhận “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Hơn hai mươi thế kỷ trước. Mùa Vọng đầu tiên trong lịch sử loài người, nếu có thể được gọi như thế, cũng đã được bắt đầu bằng lời mời gọi, “hãy tỏ lòng sám hối”, và người đã cất lên tiếng  mời gọi đó có tên là Gioan.

Ông Gioan là ai ? Thưa, ông là nhân vật đã được ngôn sứ Isaia nói đến như là người sứ giả của Thiên Chúa, và người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả. Hồi ấy, ông đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Mc 1, 4)

Với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu. Ông đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. (x.Mc 1, 7)

Vâng, do bởi tội nguyên tổ, con người đã phải lãnh án phạt từ đời nọ đến đời kia, đó là “Án Tử”. Từ bụi đất con người trở về bụi đất. Thế nhưng, Thiên Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn luôn là “Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương… Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10).

Sự đại lượng và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng giao ước. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16).

Rồi từ ông Ap-ra-ham cho đến ông Môse và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Lời giao ước mới đã được Thiên Chúa, một lần nữa, phán qua miệng ngôn sứ rằng: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, giao ước đó đã trở thành sự thật, “Con trẻ là Emmanuel”, qua lời chứng của sứ giả Gioan, “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Hồi đó, khi nói tới “Đấng đến sau tôi”, sứ giả Gioan Tẩy Giả đã lớn tiếng nói: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em  trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (x. Mc 1, 8)


Những lời chứng đó, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèn la chập choãng lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những lời chứng của ông Gioan Tẩy giả đã vang vọng đến mọi người. Để rồi “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.

Họ đã đến, không đến chỉ để nhìn hình ảnh giản dị của vị ẩn sĩ Gioan “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, nhưng đến là để “thú tội”. Hôm đó, dòng sông Giodan một phen dậy sóng. Không phải sóng nước, mà là làn-sóng-người bước xuống sông Giodan, để ông Gioan “làm phép rửa cho họ…”

**
Chúng ta thường nghĩ rằng, người đóng vai trò chính trong lịch sử cứu độ chính là Đức Maria và Thánh Giuse. Thế nhưng, nếu không nói đến Gioan Tẩy Giả thì quả là một sự thiếu sót.

Thì đây, khi Gioan Tẩy Giả được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Zacaria – cha của ông – được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76). Về điều này, sách ngôn sứ Isaia cũng có chép:  “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến Gioan Tẩy Giả không phải là để giới thiệu ông như một “người mẫu” cho một kiểu thời trang dã thú với chiếc “áo lông lạc đà”. Nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội muốn mỗi Kitô hữu chúng ta cũng phải là một “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”. Một người ngôn sứ trung thực dám sống cho sự thật và chết cho sự thật như chính Gioan Tẩy Giả khi xưa. Để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Xa-đốc chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hê-rô-đê.

Cuối cùng, nhắc tới Gioan Tẩy Giả, còn là để nhớ những gì ông đã loan báo và kêu gọi, bởi vì những loan báo và kêu gọi của ông vẫn còn giá trị cho chúng ta hôm nay, giá trị cho sự chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Vâng, một lần nữa, chúng ta hãy nghe ông kêu gọi, rằng “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” và rằng: “hãy tỏ lòng sám hối”.

***
Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta? Mười… Hai mươi… Ba Mươi… Năm mươi? Và đã bao lần chúng ta thực thi thông điệp của ngài Gioan Tẩy Giả, rằng “hãy tỏ lòng sám hối” và “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”?

Vâng, những ngày vừa qua, nhiều con đường trong thành phố đang được sửa chữa. Điều chúng ta dễ nhận thấy, đó là người ta cày xới tung mặt đường cũ, dọn dẹp rác rưởi, sang bằng những chỗ lỗi lõm, rồi mới phủ nhựa mới lên. 

Nói đến việc “sửa đường” để làm gì? Thưa, là để nói đến “con đường cho Đức Chúa”, con đường mà chúng ta sẽ phải “dọn” như thế nào, và “sửa“ ra làm sao?

Phải chăng, chúng ta cũng phải “xới tung lên”? Phải chăng, chúng ta cũng phải “dọn dẹp rác rưởi”? Phải chăng, chúng ta cũng phải sang bằng những chỗ lỗi lõm”?  Thưa, đúng vậy. Chúng ta phải xới tung lên những quanh co dối trá, dọn dẹp sạch sẽ những rác rưởi tham lam, những rác rưởi hận thù, san phẳng những lồi lõm đam mê dục vọng, những lồi lõm kiêu căng ngạo mạn, những lồi lõm ganh tỵ, say sưa, tranh chấp, chia rẽ, bè phái v.v…

Đừng quên, việc tiếp theo là hãy phủ lên con đường đó những thảm nhựa-bí-tích: “Bí Tích Thánh Thể - Bí Tích Giao Hòa”. Đừng quên phủ lên con đường đó những thảm nhựa, nhựa-đức-tin, nhựa-đức-cậy, nhựa-đức-ái.

Chỉ khi  làm như thế, “con đường cho Đức Chúa” mới có thể được gọi là con đường “…Nắng vàng tươi đẹp đẽ. Bóng ‘Người’ dài trên hè. Con đường tình ta đi”. Chỉ khi ta “dọn và sửa” như thế, con đường đó mới có thể được gọi là con đường “tinh tuyền, không chi đáng trách và… bình an ” (2, Pr 3, 14)

Cuối cùng, chỉ khi dọn và sửa “con đường cho Đức Chúa” như thế, chúng ta mới có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng, tôi đã thật sự “tỏ lòng sám hối”.

Xưa, ông Gioan Tẩy Giả “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” Nay, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã “chịu phép rửa” nhưng, hãy tự hỏi lòng mình rằng, “tôi đã thực sự tỏ lòng sám hối?”

Nếu chưa, hãy nghe Kinh Thánh có chép rằng “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu."(x.TV 51, 19). Thế nên, tôi và bạn, chúng ta hãy để ra một phút, một phút thôi, và hãy cùng nhau cất tiếng ca nguyện, nguyện rằng “Chúa ơi! Dừng cơn giận Chúa lại thôi. Chúa ơi! Lòng con đã hối tội rồi”

Petrus.tran










Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...