Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014


Chúa Nhật  IV – Mùa Chay – A

 

Chúng ta “mù hay sáng”!

 

Trong những ngày tháng qua, Saigon bỗng nhiên xuất hiện một hiện tượng, đó là, hình ảnh một số người mù ngồi tại những góc ngã tư lề đường buôn bán.  Họ bán những vật dụng như tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, bông ráy tai, hộp quẹt,  một ít vỉ kẹo ngậm v.v


Có thể nói rằng, nhìn những hình ảnh đó, không ai lại không xúc động. Làm sao không xúc động chứ! Với một gian hàng èo uột như thế, có phần chắc, thu nhập, nếu có, cũng chẳng là bao...

 

Buồn thay! thói đời, có một số ít người, khi nhìn thấy những hình ảnh như thế, họ đã không ngần ngại phê phán rằng: “ồ! ngồi đó chỉ để đóng phim buồn, để lợi dụng lòng thương xót của thiên hạ”. Lại có người ác ý cho rằng, nào là, chắc kiếp trước sống thất đức nên kiếp này phải lãnh hậu quả, nào là, đời cha ăn mặn, đời con khát nước v.v…

 

Đức tin Ki-tô giáo không cho phép có những suy nghĩ  lệch lạc nêu trên. Với Đức Giê-su, khi phải nghe những lời lẽ phê phán nặng nề như thế, Ngài thẳng thừng lên tiếng bác bỏ. Không chỉ bác bỏ, Đức Giê-su còn đưa ra quan điểm riêng của mình.

 

Quan điểm của Đức Giê-su như thế nào? Thưa, Tin Mừng thánh Gioan đã ghi lại rất rõ ràng qua câu chuyện: “Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh”(Ga 9, 1-41).

 

**

Câu chuyện xảy ra sau một cuộc tranh luận giữa người Do Thái và Đức Giê-su. Nội dung cuộc tranh luận liên quan tính “Hằng Hữu” của Ngài.  Hôm đó, sau khi Đức Giê-su khẳng định rằng “Tôi Hằng Hữu”, lập tức, những  Do Thái cho rằng, những lời đó như một sự phạm thượng, vì thế họ đã  phẩn  nộ  và “lượm đá để ném Người”, thấy vậy, Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. Và đang khi đi “Đức Giê-su nhìn thấy một người mù…”(Ga 9, 1)

 

Người mù Đức Giê-su nhìn thấy hôm đó, bất hạnh thay,  bị “mù từ thuở mới sinh”. Để mưu sinh, anh ta đã phải  “ăn xin”, anh ta ngồi đó cầu xin sự thương xót của những người qua lại.

 

Thế nhưng, thật buồn thay! các môn đệ của Đức Giê-su, là những  “ông đi qua bà đi lại”, thay vì nhìn anh chàng “đệ tử cái bang” này bằng một ánh mắt nhân ái, cho anh mù này  một lời nói an ủi thì họ lại thốt ra một lời cứ như là thuận ý Chúa Trời…

 

Vâng, hôm đó, thay vì kêu thủ quỹ Giu-đa xuất quỹ bố thí cho anh mù vài đồng bạc, các môn đệ xúm xít quanh Thầy Giê-su “thí” cho anh ta những lời lẽ nặng phần tập tục Do Thái Giáo.

 

Đối với người Do Thái, những ai bị tật nguyền như đui mù què quặt, họ cho rằng, kẻ đó bị Thiên Chúa trừng phạt.

 

Chính vì thế, khi diện đối diện với anh mù, các ông liền hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2).

 

Ô hay! Chẳng lẽ các ông quên điều Đức Giê-su đã giảng dạy, đó là: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” sao?(Mt 5,,7)

 

Không để cho các môn đệ luẩn quẩn trong một mớ tập tục phản nhân bản như thế, Đức Giê-su dõng dạc tuyên bố: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình  của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

 

Hôm đó, qua Đức Giê-su, anh chàng mù đã được Thiên Chúa xót thương. Chuy ện kể rằng: để chữa lành cho anh ta, Đức Giê-su “nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù”.

 

Sau đó, Ngài bảo anh ta “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”. Thật  kỳ diệu. “Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9, …7)

 ***

“Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được”.

 

Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao chữa anh chàng mù bẩm sinh,  Đức Giê-su yêu cầu anh ta “đến hồ Si-lô-ác”,  mà lại không “phán một lời” như đã từng phán với anh mù ở Giê-ri-cô rằng “lòng tin của anh đã cứu anh”? (x. Mc 10,  52)

 

Xin thưa,  bởi, anh mù ở Giê-ri-cô chạy đến tìm Đức Giê-su, và đã biểu lộ tất cả niềm tin, bất chấp  có “nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi”.

 

Còn với anh mù bẩm sinh ư? Thưa, anh ta không chạy đến, nhưng là Đức Giê-su đến.Thế nên, việc yêu cầu anh ta đến Si-lô-ác, đó là, Đức Giê-su muốn gia tăng đức tin nơi anh ta, Ngài muốn thấy rõ sự mạnh mẽ trong đức tin của anh ta.

 

Và quả thật, khi từ Si-lô-ác trở về, đức tin của chàng mù bẩm sinh, có thể nói rằng, là một đức tin tuyệt đối, một đức tin bất chấp “dư luận”, thế quyền lẫn thần quyền.

 

Thật vậy, mặc cho dư luận thế quyền mập mờ đánh lận con đen cho rằng, người được chữa lành không phải là anh “nhưng là một đứa nào giống (anh)”, anh mù bẩm sinh vẫn quả quyết: “Chính tôi đây” (x.Ga 9, 9)

 

Mặc cho dư luận thần quyền, là những nhà đạo đức Pha-ri-sêu, cho rằng, Đức Giê-su “không thể là người của Thiên Chúa được. vì không giữ ngày sa-bát” v.v… Anh mù bẩm sinh vẫn lớn tiếng nói,  Đức Giê-su “là một vị ngôn sứ”.

Và cuối cùng, mặc cho thần quyền ra vạ tuyệt thông, “trục xuất anh” khỏi hội đường, đức tin anh vẫn kiên vững và thốt lên trước mặt Đức Giê-su, rằng: “Thưa Ngài, tôi tin”. (x. Ga 9, 38)

 

****

“Anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được”.

 

Vâng, “phép lạ này…”, Lm. Charles E. Miller  trong một bài giảng nói rằng: “… tiêu biểu cho lòng tin có được lúc chúng ta được tẩy sạch trong nước rửa tội”.

 

Vậy nên, hãy để mình vào vị trí người mù bẩm sinh và hãy tự hỏi lòng mình rằng: Từ giếng rửa tội, trở về với đời sống đức tin, tôi mù hay sáng? Tôi đã được sáng hay tôi đang bị mù?

 

Rất có thể đôi mắt thể lý tôi sáng, thế nhưng, hãy coi lại xem, đôi mắt tâm hồn tôi mù!

 

Vâng,  với nền y học tân tiến hôm nay,  mù-thể-lý không còn là một căn bệnh đáng sợ. Những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là: bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc, nếu được phát hiện và điều trịsớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng.

 

Cho nên, có sợ, chúng ta hãy sợ mù-tâm-hồn.  Tại sao? Thưa, là bởi, mù tâm hồn sẽ dẫn tới mù-nhân-đức.

 

Một khi mù nhân đức, chúng ta sẽ không còn sức đề kháng để tấn công những con virus-ích-kỷ, virus-vô-cảm. virus-thành-kiến, virus-tự-cao-tự-đại v.v…

 

Không tiêu diệt được những con virus đó, nguy cơ chúng ta bị “mù bác ái, mù nhân hậu, mù từ tâm, mù nhẫn nhục, mù-sự-thật, mù-niềm-tin, mù-khiêm-nhường v.v…” là điều sẽ xảy ra không chóng thì chày.

 

Không tiêu diệt được những con virus đó,  trong hạn hẹp là một gia đình, một khu xóm, có nằm mơ, chúng ta cũng không thể thấy được cảnh “anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết. vợ chồng ý hợp tâm đầu”. 

 

Và, nếu đó là sự thật, sự thật đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, thì hãy coi chừng,  lời cáo trách của Đức Giê-su với nhóm Phariseu xưa, rằng: “Nếu các ông đui mù, thì các ông chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn”, cũng chính là lời cáo trách dành cho chúng ta.

 *****

Vậy, chúng ta phải làm sao? Xin thưa, hãy nhớ lời Đức Giê-su đã nói tại Đền Thờ, trước lúc chữa lành anh mù, rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”. (Ga, 8, 12).

 
Hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta. Từ trời cao, Ngài đã “xuống thế làm người”, tìm đến chúng ta, là những người mù bẩm sinh, sinh trong tội luỵ.

 
Không chỉ yêu cầu chúng ta đến “giếng rửa tội”, nơi chúng ta sẽ được rửa sạch đôi mắt mù loà tâm linh, mà còn mời gọi chúng ta đến “giếng Thánh Thể ” . Vâng, chính nơi đây, chúng ta sẽ được mở đôi mắt bằng mạch Nước Hằng Sống, mạch nước được lấy từ Mình và Máu của Ngài, mạch nước đó, như lời Ngài phán hứa, sẽ “đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, …14)

 

Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô củng cố thêm lòng tin khi nói: “Trong Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Thánh nhân nói tiếp rằng: “Ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 8-9).

Một khi chúng ta “nhận được ánh sáng ban sự sống”. Một khi chúng ta có một tâm hồn lương thiện, công chính và chân thật, chúng ta sẽ là, như lời Đức Giêsu nói, “ánh sáng cho trần gian”.

Và một khi đã trở nên ánh sáng cho trần gian, ơn Chúa, chúng ta đủ sức để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.  

Một khi chúng ta thực thi trọn vẹn công việc nêu trên, vâng, không cần nói, thiên hạ cũng có thể nhận ra chúng ta “mù hay sáng”.
Petrus.tran

 

 

 

 

Một cuộc gặp gỡ đổi đời…


Chúa Nhật III Mùa Chay – A

 

Một cuộc gặp gỡ đổi đời…

 

Hai tuần của Mùa Chay đã trôi qua. Hôm nay, (23/03/2014) chúng ta bước vào tuần thứ III Mùa Chay.

 

Với tuần thứ nhất Mùa Chay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, Giáo Hội cho chúng ta thấy hình ảnh một Đức Giê-su kiên cường bất khuất trước những cám dỗ của Xa-tan, để rồi cuối cùng Ngài đã đắc thắng những cơn cám dỗ đó.

 

Với tuần thứ hai Mùa Chay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được chiêm ngắm vinh quang của Đức Giê-su, qua sự biển hình uy nghi trên núi Tabor, “dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

 

Với tuần thứ ba ư! Vâng, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, hình ảnh “Thiên Chúa là tình yêu” được tỏ lộ, tỏ lộ qua  Đức Giê-su, trong một cuộc gặp gỡ rất đời thường, một cuộc gặp gỡ tưởng như chỉ là thoáng qua, nhưng nó đã để lại một dấu ấn khó phai mờ, một dấu ấn “đổi đời” nơi những người được gặp gỡ.

 

Cuộc gặp gỡ đó được ghi lại trong Tin Mừng Gioan với tiêu đề "Đức Giê-su tại Samari". (Ga 4, 5-42)

**

Tin Mừng thánh Gioan thuật lại rằng: Hôm ấy, Đức Giêsu “đến một thành xứ Samari, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Giacop đã cho con là ông Giu-se.  Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. (x.Ga 4,6).

ng, thật tình cờ… “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”. Rồi chỉ là những trao đổi rất đời thường giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Samari .

Thế nhưng, chính những trao đổi tưởng như thường tình đó, đã làm cho người phụ nữ Samari đi từ ngạc nhiên đến thán phục và rồi bị chinh phục bởi những lời thốt ra từ Đức Giêsu.

 

Làm sao không ngạc nhiên cho được! Là người Do Thái, thế mà Đức Giê-su đã không ngần ngại xin một người phụ nữ Samari "chút nước uống". Đó là môt điều cấm kỵ, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari.

Làm sao không thán phục cho được! Chỉ là một kẻ xa lạ, mới chỉ là cuộc gặp gỡ lần đầu, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái lý lịch đen tối của chị ta rằng “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4, 18).

Kết thúc cuộc gặp gỡ, người phụ nữ Samari hoàn toàn bị chinh phục bởi những lời tuyên phán của Đức Giê-su. Chuyện kể rằng: "Người phụ nữ... vào thành và nói với người ta: Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm". Không dừng ở đó, người phụ nữ Samari còn nói tiếp rằng: "Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?"(x. Ga 4,28)

 

Vâng, có thể kết luận rằng; cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ Samari và Đức Giê-su chính là "một cuộc gặp gỡ đổi đời".

 

***

Trở lại câu chuyện "Đức Giê-su tại Samari". Hôm đó, Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.

Phải chăng, chị Samari này nghĩ rằng “nước hằng sống” chính là loại nước chị ta dùng hằng ngày? Có phải thế, nên chị ta đã không ngần ngại xin Đức Giêsu “thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”?.

 

Cứ cho là chị ta nghĩ như thế! Vâng, thật đáng cảm phục về lòng tin của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu. Chưa biết Đức Giêsu là ai, thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.(x. Ga 4,  14).

Nghĩ về hành động của chị Samari, thật phải đạo khi chúng ta tự hỏi: còn tôi, đức tin của tôi có đủ để tin vào những lời Đức Giê-su đã phán dạy rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống"? (x.Ga 7, 37)

Nếu chúng ta tin... Vâng, thánh Phaolo khẳng định rằng: "Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay...”(Rm 5,2).

****

"Thứ nước ấy - nước hằng sống", có bao giờ chúng ta tự hỏi, đó là thứ nước gì? Thưa,  "Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào người sẽ lãnh nhận" (x. Ga 7, 39)

Thế nên, hãy nhớ, nước hằng sống, chính là nước Thần Khí, một thứ nước không cần dùng "gầu" để múc, không cần dùng "vò" để đựng, mà cần một cử động của tâm hồn, mở tâm hồn ra, đón nhận mạch nước của Thần Khí: mạch nước bác ái, mạch nước nhẫn nhục, mạch nước nhân hậu, mạch nước từ tâm...trung tín... hiền hoà và tiết độ. 

 

Chính những mạch nước này mới có thể thoả lòng những cơn khát tình yêu: tình yêu gia đình, tình yêu vợ chồng, tình yêu tha nhân.

 

Cho nên, đừng để quá trễ cho một phút hồi tâm, trở về trong thinh lặng với lời tự hỏi: "Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm, sáu mươi năm tin Chúa, thế nhưng, chúng ta đã bao nhiêu lần xin Ngài "thứ nước ấy - nước Thần Khí - để tôi hết khát"?

 

Hay chúng ta luôn bận rộn bên những bờ-giếng-trần-gian, nơi cung cấp cho chúng ta thứ nước càng uống lại càng khát... khát quyền lực, khát dục vọng, khát tiền tài? 

"Phù vân" Cohelet nói: "Tất cả chỉ là phù vân.... Thú vui trần gian ư! Nhà cửa, bạc vàng và vật quý ư! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người... Tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân" (x.Gv 2,11)
Thưa Bạn, một câu hỏi chót, Bạn đã có mạch-nước-của-Thần-Khí sống trong tâm hồn Bạn? Nếu có, đừng quên lời khuyên của thánh Phao-lô: "Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước", thánh nhân nói tiếp rằng: "Đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau" (x.Gl 5, 25-26).

Vâng, chỉ khi nào chúng ta thực thi đúng những điều thánh Phao-lô khuyên bảo, khi đó, bất cứ cuộc gặp gỡ nào của ta với tha nhân, có phần chắc, cuộc gặp gỡ đó sẽ là "một cuộc gặp gỡ đổi đời". 

petrus.tran 

 

 

 

 

 

 

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Xin biến đổi con...


Chúa Nhật II Mùa Chay – A

Xin biến đổi con…

Trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo, đó là cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì thế, đức tin Ki-tô giáo dạy rằng: Đức  Giê-su “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Giáo Hội, với hơn hai ngàn năm trôi qua, vẫn luôn tuyên xưng niềm tin này. Và hàng năm, cử hành một thánh lễ tưởng niệm vào ngày thứ sáu Tuần Thánh và ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Thế nhưng, với các tông đồ năm xưa, là những người đã bỏ hết mọi sự và theo Đức Giê-su, thì, đó là một điều không phải một sớm một chiều. Khi nói tới cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô,  đã nghĩ rằng, đó là điều không thể xảy ra.

Thật vậy, một hôm, khi Đức Giê-su tiên báo điều này cho các môn đệ, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”…  ngay lập tức, tông đồ Phê-rô đã phản ứng, ông ta liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người, rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện đó”. Nhưng Đức Giê-su đã bảo ông ta rằng: “Xa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (x.Mt16, 22-23)

Và để cho Phê-rô biết đâu là “tư tưởng của Thiên Chúa”, Đức Giê-su đã đưa ông đi riêng ra một chỗ, theo lời kể của tông đồ Mat-thêu,  thì đó là “một ngọn núi cao”. (Mt 17, 1)

**

Theo trích thuật Tin Mừng thánh Mat-thêu, hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”. Chuyện kể tiếp rằng:  “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”.

 

Và, đúng như những gì Đức Giê-su đã nói với Nathanaen, rằng: “Anh em sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Hôm đó, khi Thầy và trò đang ở trên núi, một điều lớn lao đã xảy ra, Đức Giê-su “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.(Mt 17, 2)

 

Chưa hết, Phê-rô cùng với hai người môn đệ khác là Gia-cô-bê và Gioan còn chứng kiến một thị kiến khác, đó là hình ảnh “ông Môse và ông Elia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”.

 

Trong sự kinh ngạc, trong nỗi bàng hoàng, một đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. (Mt 17,5). 

Nghe vậy, ý nguyện chân thành của các ông “xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Đức Giê-su, một cho ông Mô-se, và một cho ông Elia” tan vỡ, tan vỡ tận đáy sâu thẳm của các ông, các ông đã “ngã sấp mặt xuống đất”. Và để xoá tan nỗi kinh hoàng của các ông, Đức Giê-su  lại gần và nói với các ông rằng: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”.

 

Đối với Đức Giê-su, đưa các ông lên núi không phải để tổ chức một buổi “trại bay”, nhưng là để các ông biết  rằng “Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”.

 

Hôm đó, kết thúc chuyến lên núi là một cuộc “hạ sơn”  âm thầm nhưng thấm đậm tâm tình hiểu biết của các ông. Thánh Mat-thêu cho biết: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người”(Mt 17, 13).

 

***

Có thật là “các môn đệ hiểu Người”? Thưa, chẳng những hiểu mà các ông còn “vâng nghe lời Người”.

 

Trước khi “lên núi” các môn đệ còn lo lắng, hoang mang bởi lời quả quyết của Đức Giê-su rằng, Ngài phải tới Giê-ru-sa-lem để chịu nhục hình. Trước mắt các ông là một màu xám ảm đạm.

 

Thế nhưng, sau khi “xuống núi”, và nhất là sau khi “Đức Giê-su từ cõi chết trỗi dậy” cuộc sống đức tin của các ông đã minh chứng cho lời nhận định nêu trên.

 

Tông đồ Phê-rô, một trong ba nhân vật cùng lên núi với Đức Giê-su, là một minh chứng điển hình.

 

Theo truyền tụng, tháng 8 năm 64, hoàng đế Nero bắt đầu bách hại Ki-tô giáo. Tông đồ Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi:"Lạy Chúa, Chúa đi đâu?" Chúa Giê-su đáp:"Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa". Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo.

 

Vâng, Phê-rô đã “Vâng, nghe lời Người”.

 

****

Chúa Nhật hôm nay (9/03/2014) Giáo Hội bước vào tuần thứ hai của Mùa Chay Thánh. Trong thánh lễ, chúng ta thấy các vị chủ tế thay đổi phẩm phục áo lễ màu trắng, màu xanh bằng chiếc áo màu tím.

 

Có rất nhiều cách giải thích về phẩm phục áo lễ màu tím. Người thì cho là ‘tượng trưng cho sự sám hối và canh tân; đồng thời cũng là dấu chỉ của hi vọng”. Người khác cho là “dùng màu tím muốn diễn tả đời sống cũ của con người sụp tàn qua đi, và đời sống mới trong con người nảy mần mọc lên” (nguồn: internet)

 

Trong một ý nghĩa tích cực hơn,  ý nghĩa hơn, thì đây chính là mùa để mỗi người Kitô hữu chúng ta không chỉ thay đổi cách ăn, cách mặc nhưng còn thay đổi cách sống. Chính sự thay đổi cách sống nó sẽ dẫn chúng ta đến sự biến đổi tâm hồn.   

 

Biến đổi tâm hồn chính là chất xúc tác để biến đổi bản thân, biến đổi gia đình và trên hết biến đổi cả xã hội.

 

Trở  lại  câu  chuyện “Đức Giêsu hiển dung”, lời mở đầu, thánh Matthew thuật rằng: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

 

Vâng, đã  bao nhiêu  Mùa  Chay đi qua, là  một Ki-tô hữu, hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi đã bao nhiêu lần “đi riêng ra một chỗ” để gặp gỡ Đức Giêsu? Chúng ta đã bao nhiêu lần đi-riêng-ra-một-chỗ, gặp gỡ Đức Giê-su qua Thánh Thể và Lời Chúa, một phương cách tốt nhất để biển đổi, để biến hoá tâm hồn chúng ta?

 

Đừng quên rằng, trong một thế giới, một xã hội ngày càng “tục hoá” nếu chúng ta không “biến hoá” tâm hồn mình, đừng hy vọng chúng ta sẽ không bị “đồng hoá” với đời.

 

Đức tin Ki-tô giáo dạy rằng: người Ki-tô hữu chỉ là lữ khách trần gian, sống giữa đời những không đồng hoá với đời. Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, hôm  nay, tôi  đã “đi riêng ra một chỗ” để cảm nhận và hiệp thông với Đức Giêsu?

 
Nếu có, hãy cùng Rabbouni mà cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.” 

 
Vâng, Lạy Chúa… “Xin biến đổi con”.

 Petrus.tran

 

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Lời Chúa đắc thắng cơn cám dỗ…

Chúa Nhật I MC – A

Lời Chúa đắc thắng cơn cám dỗ…

Như  một vòng tuần hoàn, hôm nay, chúng ta lại bắt đầu bước vào Chúa Nhật thứ nhất mùa chay. Theo truyền thống,  mùa chay được bắt đầu với một thánh lễ, chúng ta quen gọi là lễ tro.

Khác với những thánh lễ thường ngày, lễ tro có một nghi thức đặc biệt, đó là nghi thức xức tro.

Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc nhất trong thánh lễ. Họ tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những lời ca u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro… ”.

Những lời ca đó, gợi cho chúng ta nhớ lại lời tuyên phạt của Thiên Chúa, “ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”,  với nguyên tổ Adam và Eva, sau khi hai ông bà gục ngã trước sự cám dỗ của Xa-tan.

Xa-tan, còn được gọi là “tên cám dỗ”, đã du nhập sự cám dỗ đến cho con người. Theo thời gian, sự cám dỗ trở thành một căn bệnh trầm kha, nó đeo bám suốt chiều dài lịch sử con người.

Thì đây, con cái loài người cũng vì bị cám dỗ muốn “làm cho danh ta lẫy lừng”  nên đã trở nên hỗn loạn “không ai hiểu ai nữa” (x.St 11, 4…7). Nặng ký nhất là David. Được mang danh hiệu là vua thánh, thế nhưng ông ta cũng không thể thoát khỏi sự cám dỗ, ông ta đã ngã gục trước một Bát-se-va trẻ trung xinh đẹp.

Và hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi vòng kiềm toả của sự cám dỗ. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

Có những cơn cám dỗ hết sức nhẹ nhàng làm cho ta mất phương hướng không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật, cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong lôi thẳng chúng ta xuống tận cùng địa ngục.

Có thể nói, càng thêm tuổi, sự cám dỗ càng nhiều, nhiều đến độ, ông Gióp, một nhân vật trong Cựu Ước, đã nhận định rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Trong nhiều nỗ lực, con người tìm đủ mọi cách để vượt qua sự cám dỗ. Thế nhưng, trước sự yếu đuối, con người, vẫn cứ làm-điều-không-muốn-làm, còn điều-muốn-làm-lại-không-làm… để rồi suốt một kiếp người, con người cứ phải thở than: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”

Thánh Phaolô, với sự từng trải, ngài có lời đáp, rằng “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25). Tác giả sách Do Thái cũng mạnh mẽ xác quyết “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18)

Thật vậy, Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Và chính trong những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để “đắc thắng cơn cám dỗ”.
**
Về những cơn cám dỗ mà Đức Giê-su đã phải đối diện, tin mừng thánh Mat-thêu ghi lại rằng: hôm đó, Đức Giê-su “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa… ”. Vào hoang địa, Ngài sống một cuộc sống chay tịnh “ròng rã bốn mươi đêm ngày”, sống chay tịnh bốn mươi ngày không phải là để “giảm cân” nhưng là để từ bỏ những ước muốn thuộc thể mau hư nát, bằng những ước muốn thuộc linh trường tồn vĩnh cửu.

Hôm đó, với thân phận là một con người, Đức Giêsu đã bước vào một cuộc chiến, cuộc chiến giữa chính và tà,  giữa một bên là bả vinh hoa lợi lộc và quyền lực trần thế mà Xa-tan đem ra “cám dỗ”, đối nghịch với bên kia là một Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa duy nhất và một Thiên Chúa chống cự kẻ muốn thử thách lòng Người. 

Bước vào cuộc chiến, Xa-tan đã sử dụng chiến thuật “xa luân chiến” với  ba cơn cám dỗ luân phiên hòng đưa Đức Giêsu vào mê hồn trận.

Cám dỗ thứ nhất, Xa-tan đã điểm ngay tử huyệt mà con người thường vấp phải, đó là đói thì ăn và khát phải uống. Hôm đó, khi thấy Đức Giê-su đói, chuyện kể rằng “tên cám dỗ đến gần Người và nói: nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi” (Mt 4, 3)

Cám dỗ thứ hai, Xa-tan đã “đem Người vào thành thánh và đặt Người trên nóc nhà thờ…”. Vâng, nếu được hỏi… nếu được hỏi Xa-tan làm nghề gì?  Có lẽ chúng ta sẽ cho rằng, y làm ông bầu gánh xiếc. Tại sao lại đoán như thế! Xin thưa, bởi, đem Đức Giê-su đặt Người trên nóc nhà thờ,  Xa-tan muốn Đức Giêsu biểu diễn màn “nhào lộn trên không” qua lời thách đố rằng “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”.

Đến cám dỗ thứ ba, Xa-tan đã “đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ, cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, nếu ông xấp mình bái lạy tôi” (Mt 4, 8-9)

***
Ba lời dụ dỗ được Xa-tan nguỵ trang kín đáo bằng những lời phỉnh nịnh “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Ba lần dụ dỗ được Xa-tan lấp liếm bằng những trích đoạn kinh thánh đầy ngô nghê “vì đã có lời chép rằng” v.v… và v.v…

Vâng, tất cả sự phô diễn đó đều không khuất phục được Đức Giê-su.

Truyền cho những hòn đá này hoá bánh ư! Đức Giêsu không  phải  là  non-tay-ấn không thể dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh”. Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

Đói ăn, đói mặc ư! Đừng sợ. Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Vâng, hôm đó, bằng một trích đoạn Kinh Thánh, Đức Giêsu đã bẻ gẫy những lời dụ dỗ của Xa-tan. Trích đoạn đó được chép rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”.

Đúng vậy, sau này, chỉ một cử động của tâm hồn “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng”, Đức Giê-su đã hoá “năm cái bánh và hai con cá” cho năm ngàn đàn ông không kể đàn bà và trẻ con ăn no nê.

Tới cám dỗ tiếp theo, thách thức Ngài đứng đây mà gieo mình xuống ư! Không, Đức Giêsu đến thế gian không phải để mở trường dạy những trò ảo thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Xấp mình bái lạy Xa-tan ư! Vâng, đó là việc không tưởng. Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”. Con là Con của Cha…  có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người. Con là Con của Cha thì  “phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Xa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn hô biến nhuốm mùi “mãi võ Sơn Đông”.

Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời khiêu khích của Xatan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung. Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một trường “dạy Kinh Thánh”.

Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là Sự thật và là Sự sống”; và một khi con người bước đi trên con Đường của Sự Thật và Chân Lý, có lẽ nào Thiên Chúa lại không truyền cho “Thiên Sứ gìn giữ Bạn”! Có lẽ nào Thiên Sứ lại không “tay đỡ tay nâng”!

Nói tắt một lời, qua những cơn cám dỗ đó, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc, rằng “Lời Chúa” chính là vũ khí, chính là sức mạnh, để con người “đắc thắng cơn cám dỗ”.

****

Kết thúc cuộc “so găng” giữa Đức Giê-su và Xa-tan, trình thuật Tin Mừng thánh Mat-thêu ghi lại rằng: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người”.

“Hầu hạ”… Vâng, tưởng chúng ta cũng nên biết hai chữ hầu hạ, theo nguyên ngữ, có nghĩa là “hầu bàn”, tức là, sau khi quỷ bỏ đi, các sứ thần tiến đến dọn thức ăn cho Đức Giê-su.

Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, trước là để chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa không để con người đói ăn, nếu con người biết “đói lời Thiên Chúa”,  sau là để chúng ta nhìn lại cuộc đời Ki-tô hữu của mình và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sự hiểu biết “Lời Chúa” của chúng ta có đủ để chúng ta chống lại cơn cám dỗ của Xa-tan?

Tại sao sự hiểu biết “Lời Chúa” lại cần thiết cho việc chống lại cơn cám dỗ của Xa-tan? Vâng, về điều này, thánh Phao-lô nói: “Lời Thiên Chúa” chính là “gươm của Thần Khí” (Ep 6, …17).

Quan trọng hơn, “Lời Chúa” cho chúng ta biết, bả vinh hoa lợi lộc, quyền hành lẫn quyền lực, cùng với “dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt… tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian…”

Mà, như Lời Chúa nói: “thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó” (x.1Ga 2, 17)

Hãy trở lại câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ. Vâng, với ba lần trích dẫn “Lời Chúa”, Ngài đã hạ “nốc ao” tên cám dỗ.

Thưa bạn, bạn có nhớ ba trích dẫn “Lời Chúa” đó không? Nếu có, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8). Bởi vì, khi Lời Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, bất cứ một tên cám dỗ nào bén mảng đến gần chúng ta, hãy tin, gươm-của-Thần-Khí sẽ giúp chúng ta “đắc thắng cơn cám dỗ”.

Petrus.tran











Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...