Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Hãy “để cho Chúa quyến rũ” ta.

Hãy “để cho Chúa quyến rũ” ta.

Chúa Nhật III – TN – B



Từ khi con người biết cầu nguyện cùng Thượng Đế, cho đến nay, trên toàn thế giới có rất nhiều tôn giáo. Riêng ở Việt Nam cũng không ít, thật vậy, ngoài Ki-tô giáo (Công giáo và Tin lành), chúng ta còn thấy có Phật  giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa, Đạo Ông Bà v.v…

Tuy là nhiều, với mỗi tôn giáo là một tôn chỉ, một giáo lý khác nhau, nhưng, tựu trung cũng chỉ khuyên con người “ăn ngay ở lành”. 

Riêng Ki-tô giáo thì khác hẳn. Ki-tô giáo không dừng lại ở chuyện khuyên răn ăn ngay ở lành. Ki-tô giáo còn gửi đến người tín hữu thông điệp, thông điệp rằng: trước tiên phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng đó chính là tin vào “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”, là tin vào chính Chúa Giê-su. Và sau là lời mời gọi, hãy“từ bỏ mọi sự” để theo Người. 

Thông điệp và lời mời gọi này không do Giáo Hội đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su loan báo và mời gọi.  Thông điệp và lời mời gọi này, được ghi  trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**   Thánh Mác-cô thuật lại rằng: Hồi ấy, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Na-da-rét, và sau bốn mươi ngày sống trong hoang địa chay tịnh, nguyện cầu, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Tại nơi đây, Người công bố một thông điệp,  rằng:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1, 14-15).

Thông điệp được đưa ra, phản ứng của người nghe thế nào, không thấy thánh sử Mác-cô ghi lại. Nhưng… nhưng tại biển hồ Ga-li-lê thì có. Có bốn người, được biết, họ là những ngư phủ, họ đã có phản ứng, phản ứng rất nhiệt tình và đầy quyết tâm khi họ gặp Chúa Giê-su.
Chuyện được kể rằng,  hôm đó, khi  “Chúa Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá”. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi…”

Không khó hiểu cho lắm về lời mời gọi này của Chúa Giê-su. Loan báo Tin Mừng, lại là Tin Mừng cứu độ, cứu độ qua cái chết của mình, Ngài cần có những người môn đệ, là những người sẽ được  giao trọng trách tiếp tục sứ mạng của Ngài. Chính vì thế, sau lời mời gọi “hãy theo tôi”, Chúa Giê-su nói tiếp “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, biển hồ là nơi tụ tập rất nhiều ngư dân và chắc hẳn khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó, không thiếu những ngư phủ đang  vất vả “quăng lưới cá”, nhưng tại sao Ngài lại gọi đích danh Simon, An-rê?   Chưa hết, sau khi gọi Simon và An-rê. Đi xa hơn một chút, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêdê, và người em là Gioan. Hai người này đang vá lưới trong thuyền. Chúa Giê-su, một lần nữa, “Người liền gọi các ông” (Mc 1, 16-… 19).

Phải chăng Chúa Giêsu đã biết bốn anh chàng ngư dân này?

Thưa, đúng vậy. Hôm trước, khi ông Gioan tẩy giả thấy Chúa Giê-su đi ngang qua và đã giới thiệu các môn đệ của ông ta rằng, Người chính là “Chiên Thiên Chúa”, lập tức, hai trong bốn người được Ngài gọi hôm nay, là ông Anrê và một người môn đệ khác, họ đã đi theo Chúa Giêsu. Có phần chắc, họ đã, một cách nào đó, tiết lộ thân thế và nghề nghiệp của họ. Hơn nữa, họ đã đến xem chỗ Chúa Giêsu ở và đã ở lại với Người.  Vì thế, không ngạc nhiên cho lắm khi Chúa Giêsu gọi đích danh họ. Hôm ấy, đích thân Người đến gọi các ông, rằng “các anh hãy theo tôi”…  Phản ứng của hai ông Si-mon và An-rê thật nhiệt tình.

Chuyện kể rằng: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài”.   Còn Gia-cô-bê và Gio-an thì sao? Thưa, dù đang mải mê “vá lưới ở trong thuyền”, nhưng khi nghe Chúa Giê-su gọi, hai ông cũng đã “bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1, …20).  

Không thấy Kinh Thánh ghi lại, nhưng, có lẽ hôm đó, bốn chàng ngư phủ An-rê, Simon, Gia-cô-bê và Gio-an vừa đi theo Chúa Giê-su vừa cất tiếng ca “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (x.Tv 121, 1).   Vâng, hôm đó, bốn chàng ngư phủ không “đến mà xem” nơi ở của Chúa Giê-su, nhưng  đã đáp lời mời gọi, họ bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.  

***   “Anh em hãy sám hối”. Vâng, đây là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh như là điều kiện tiên quyết để được nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Tấm gương dân thành Ninivê  được “cứu” là một minh chứng hùng hồn về sự “ăn năn sám hối”.

Chuyện kể rằng : Dân thành Ninivê đã có những hành động “gian ác thấu tận trời cao” nhưng nhờ nghe tiếng cảnh cáo của Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giôna, rằng “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”.  

Nghe thế, từ vua quan cho tới dân đen, họ đã “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8). Cuối cùng “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10).

Hãy nhớ rằng, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang của Thiên Chúa”, thế nên, tại sao chúng ta không nghĩ đến một sự sám hối ngay hôm nay?

Bây giờ, chúng ta hãy nghe thêm một lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Các anh hãy theo tôi”… Vâng, chắc chắn lời mời gọi này cũng là lời mời gọi được Ngài gửi đến cho mỗi chúng ta.

Tất nhiên, khi đáp lời mời gọi, mà-đi-theo-Ngài, chúng ta cũng phải “bỏ hết mọi sự”, thế nhưng, điều chúng ta phải “bỏ” không phải là bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa như  Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã thực hiện năm xưa.

Điều chúng ta phải “từ bỏ”, đó là, từ bỏ “những việc do tính xác thịt gây ra” những việc, “ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén…” (x. Gl 5, 19).

Trong một ý nghĩa cao cả hơn, “bỏ hết mọi sự” có nghĩa là chúng ta dám sống một cuộc sống hy sinh ngay cả bản thân của mình cho chân lý mà chúng ta tin theo. “Bỏ hết mọi sự” có nghĩa là chúng ta dám sống một đời sống phục vụ cho một lý tưởng mà chúng ta đã chọn lựa. 
Đừng… đừng bao giờ có tư tưởng chủ bại mà nghĩ rằng: Ôi! theo Chúa sao phải từ bỏ nhiều thứ như thế!

Vâng, ngày xưa, niên trưởng Phê-rô, cũng vì ám ảnh chuyện phải  “từ bỏ mọi sự”  nhiều quá, nên đã hỏi Chúa Giê-su, rằng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Đây, hãy nhớ, hôm đó, Chúa Giê-su đã đáp rằng “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử… Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất, vì danh Thày, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29).  

Được quá nhiều đấy chứ! Thứ vị nhất, đó là “sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử…” - xét xử những tên độc tài, những tên tham quan bán nước hại dân v.v.. và v.v… phải không, thưa quý vị?

Thế nhưng, đó là chuyện “đời sau”. Còn “đời nay” thì sao?

Thưa, nếu chúng ta từ bỏ những việc do tính xác thịt, được nêu trên, cái “mất” chẳng bao nhiêu, nhưng cái “được” rất nhiều. Đó là, chúng ta sẽ có một cơ thể cường tráng trong một tinh thần minh mẫn, và điều tất yếu sẽ xảy ra, “đời nay” chúng ta sẽ có một cuộc sống “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Bây giờ, chúng ta hãy đọc lại lời mời gọi và lời hứa của Chúa Giê-su được nêu trên. Thưa Bạn, bạn có thấy lời mời gọi và lời hứa của Ngài đầy quyến rũ? Nếu có… Vâng, bạn và tôi, chúng ta hãy   từ bỏ hết mọi sự,  từ bỏ tiếng gọi của nhục dục, từ bỏ tiếng gọi của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực, là những tiếng gọi của ma quái, của quỷ thần, “mà đi theo Người”.

Đi theo Người rồi, đừng quên… chúng ta đừng quên, quỳ dưới chân Thánh giá Chúa Ki-tô mà cất lên lời nguyện, nguyện rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (x.Gr 20, 7).

Vâng, đừng ngại ngùng gì nữa,  hãy “để cho Chúa quyến rũ” ta.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Come and see - ĐẾN VÀ XEM

Chúa Nhật II – TN – B

Come and see - ĐẾN VÀ XEM

Bạn có phải là một Ki-tô hữu? Nếu phải, bạn có thể cho biết “cơ duyên” nào lôi cuốn bạn đến với niềm tin Ki-tô giáo?

Vâng, với những câu hỏi nêu trên, có phần chắc, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.

Sẽ có người trả lời rằng, thì đây, tôi quen một cô bạn Công Giáo, vì yêu và muốn kết hôn với cô ta, nên tôi theo đạo. Còn tôi ư! Có gì đâu, sinh ra trong một gia đình Công Giáo, được rửa tội khi còn nhỏ, tất nhiên tôi là một Ki-tô hữu. Cũng sẽ có câu trả lời rằng, cảm động trước những việc làm phúc đức vô vị lợi của những “ma soeur”, tôi theo đạo v.v…

Có thể nói rằng, xưa cũng như nay, đến với niềm tin Ki-tô giáo, mỗi người đều có một cơ duyên, và trong cái cơ duyên đó, phảng phất một hình bóng ai đó, như là “nhân tố” khiến cho họ đến với niềm tin, tin vào Chúa Giê-su.


Thế nhưng, tin vào Chúa Giê-su chưa đủ. Ma quỷ cũng tin có Chúa và nó run sợ trước quyền năng của Người. Chính vì thế “tin Chúa” rồi, còn phải “theo Chúa”.

“Tin và theo Chúa” không phải là chuyện của một sớm một chiều. Nhưng là một quá trình của sự “tìm để biết” Chúa là ai. Thật vậy, câu chuyện về những môn đệ đầu tiên theo Chúa Giê-su, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, có thể nói, như là minh chứng điển hình cho nhận định nêu trên. (x.Ga 1, 35-42).

Câu chuyện đó đã được kể lại rằng: Hôm ấy, khi ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu. (x.Ga 1, 37).

Đối với chúng ta hôm nay, có lẽ, không ít người sẽ tự hỏi rằng, động lực nào khiến hai người môn đệ của ông Gioan vội vàng “liền đi theo”, bởi, lời giới thiệu của ông Gioan về Chúa Giê-su quá đơn giản, đơn giản cứ như là giới thiệu một “MC” cho một game show truyền hình!

Thật ra, nghĩ như thế chỉ vì chúng ta không phải là một người Do Thái. Tuy chỉ có năm chữ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, nhưng với họ, nó còn hơn cả một “course” thần học về Đấng Kitô.

Thật vậy, với người Do Thái, họ rất thấu hiểu khi nhắc tới “chiên”. Chiên là một con vật gắn liền với đời sống tôn giáo của họ. Nói tới chiên, làm sao họ quên được ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Nhớ, ngày đó, cha ông họ được dạy bảo rằng, hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ.

Chính vì thế, đối với người Do Thái “Chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải thoát” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”. Bởi vậy, khi nghe thầy Gioan nói Chúa Giêsu là “Chiên con của Đức Chúa Trời” hai người môn đệ không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Chúa Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài.

Là môn đệ của ông Gioan tẩy giả, làm sao hai người môn đệ này lại không được nghe thầy mình nói nhiều về một nhân vật “đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”! Làm sao họ lại không được nghe thầy mình nói về một Đấng “xóa bỏ tội trần gian”!

Hành động “liền đi theo” nói lên rằng, hai môn đệ rất muốn biết rõ Chúa Giêsu có thật là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” như lời thầy Gioan đã tuyên bố hay không…

Chính vì thế, khi họ đi theo Chúa Giêsu và được Ngài hỏi “Các anh tìm gì thế?”, hai người môn đệ đã có một câu trả lời không ở trạng thái “hỏi thăm” nhưng ở trạng thái “tôn kính”, tôn kính Chúa Giêsu như là bậc thầy của họ: “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.

“Thầy ở đâu?”. Vâng, có thể nói, đó là một câu hỏi tỏ rõ quyết tâm “tìm để biết”, biết sự thật về Chúa Giêsu của hai người môn đệ.

Hôm đó, để đáp lại quyết tâm của hai người môn đệ, Chúa Giê-su đã nói với họ rằng “Đến mà xem”. Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.

Có một số người khi đọc đến đây thường tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra khi hai người môn đệ đến chỗ Chúa Giê-su ở. Liệu, khi mà “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” là giờ của buổi chiều tà, Chúa có mời các ông dùng cơm tối không? Và nếu có, trong bữa ăn, liệu Ngài có tỏ cho các ông biết câu chuyện “vượt qua” của Ngài?

Thưa, Tin Mừng không cho chúng ta biết, nhưng có một chuyện, hôm nay, ai cũng biết, đó là chuyện ông An-rê. Vâng, ông An-rê, nếu được phép, hãy gọi ông ấy là người chứng nhân đầu tiên của Chúa Ki-tô, hôm ấy, sau khi đã “tìm để biết” về Chúa Giê-su, ông đã trở về nhà, “gặp em mình là ông Si-mon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giê-su”.
**
Câu chuyện này được trích trong Tin Mừng thánh Gioan với tiêu đề “các môn đệ đầu tiên”. Và qua đoạn tin mừng này, thánh Gioan đã vẽ lại tiến trình “tin và đi theo Chúa” của các ngài.

Với chúng ta hôm nay, có cần thiết để tự hỏi mình rằng, tiến trình “tin và đi theo Chúa” của chúng ta như thế nào? Có giống như các môn đệ năm xưa? Có nhanh chóng đáp lời mời gọi của Chúa Giê-su, như Ngài đã mời gọi các môn đệ năm xưa, rằng “Đến mà xem”? Và, khi đã đến xem, chúng ta có trở về gặp một ai đó làm chứng với họ rằng “tôi đã gặp Chúa” rồi dẫn họ đến gặp Ngài?

Vâng. “Tin và theo Chúa” mới chỉ là một phần trong tiến trình của đức tin. Tin và theo Chúa còn phải trở thành chứng nhân cho Chúa, “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24, 47).

Đừng bao giờ nghĩ rằng sứ mạng “rao giảng cho muôn dân” là công việc chỉ dành riêng cho các nhà truyền giáo, các linh mục, các tu sĩ. Đừng hạ thấp vai trò “chứng nhân” cho Chúa bởi vì đó là lệnh truyền của Ngài.

Rao giảng cho muôn dân hay là chứng nhân cho Chúa không ở đâu xa mà là ở ngay trong chính gia đình của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Nếu, trong mỗi gia đình Kitô hữu, mọi người luôn yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình. Người chồng luôn nhận thức rằng “Yêu vợ là yêu chính mình”, đồng thời tránh xa tội gian dâm với kỵ nữ. Đó… đó cũng là một cách làm chứng về Chúa bằng hình thức, “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6, 20).

Thế giới ngày hôm nay đang nhìn cung cách chúng ta làm chứng về Chúa, cho Chúa như thế nào. Triết gia Friedrich Nietzsche, khi nói về ơn cứu chuộc, ông ta đã có một lời tuyên bố đầy khiêu khích, rằng “Hãy chứng tỏ cho tôi thấy rằng anh thực sự được cứu, tôi mới tin vào Đấng cứu anh”.

Bằng cách nào chúng ta “chứng tỏ” cho mọi người thấy? Thưa, bằng cách làm theo lời thánh Phaolô khuyên dạy, rằng: “hãy làm gương về mặt đức hạnh”. Ngài nói tiếp, có như thế, người chứng nhân mới có thể “làm cho đạo lý của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, được rạng rỡ mọi bề” (Tt 2, …10).

Nói cách khác, khi ta “làm gương về đức hạnh”, những nhân đức như “tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, không nói xấu, không rượu chè say sưa, biết dạy bảo điều lành”, chính là lúc chúng ta làm cho đạo lý của Thiên Chúa “không bị người ta xúc phạm”. Lúc đó, dù cho có mười tờ báo, kiểu báo Charlie Hebdo, chuyên vẽ tranh biếm họa châm biếm tôn giáo, trong đó có Công Giáo, với bức biếm họa về Ba Ngôi Thiên Chúa, về Hài Nhi Giê-su… rất thô tục, nó cũng không thể ngăn cản người ta “đến mà xem” tấm gương nhân đức, tấm gương về đức hạnh của chúng ta.

***
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại lời mời gọi của Chúa Giê-su. Vâng, Chúa đã mời gọi hai môn đệ rằng “Đến mà xem”, và tất nhiên là có tên chúng ta hôm nay.

Đừng biện luận rằng, Chúa Giêsu đã về trời rồi, làm sao tôi nghe được lời Ngài mời gọi “Đến mà xem” để mà “ở lại với Ngài” như hai môn đệ xưa kia.

Không… vẫn còn đó, văng vẳng tiếng Chúa Giê-su, qua môi miệng các linh mục, mời gọi chúng ta, rằng “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Không… vẫn còn đó, văng vẳng tiếng của Ngài, qua môi miệng các linh mục, mời gọi chúng ta”đến mà xem”, tất nhiên, không phải đến xem ngôi nhà năm xưa ở Na-da-rét, mà là “ngôi nhà tạm” trong mỗi nhà thờ và ở lại với Ngài qua Bí Tích Thánh Thể.

Xưa, các môn đệ đã ở lại với Chúa Giê-su nên họ mới có thể nhận ra Ngài chính là “Đấng Mê-si-a”. Cũng vậy, với chúng ta hôm nay, chỉ khi chúng ta ở lại với Ngài qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta mới có thể nhận ra Ngài chính là “Đấng Cứu Độ” trần gian.

Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình rằng: tôi đã nghe lời Chúa gọi, đã đến “ngôi nhà tạm” thân yêu và đã ở lại với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể?

Nếu đã nghe, đã đến và đã ở, vâng, đó không chỉ là hành trang cho cuộc hành trình loan báo Tin Mừng của chúng ta, mà còn là bằng chứng thuyết phục mọi người rằng, tôi đã vâng lời mời gọi của Chúa Giê-su “đến mà xem”.

Petrus.tran



Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

“Cha hài lòng về con…

Chúa Nhật: Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa.
“Cha hài lòng về con…”

Mùa Giáng Sinh vừa mới khép lại với lễ Hiển Linh. Mọi nhà thờ cũng như tại tư gia, hang đá cùng những biểu tượng về Giáng Sinh được dọn dẹp sạch sẽ. Những  nhân vật đi vào dấu ấn của lịch sử cứu độ như: người chăn chiên, mục đồng, các nhà chiêm tinh v.v… không còn được nhắc đến. Thế nhưng,  có một số nhân vật không thể nào quên, trái lại, luôn được nhắc đến, nhắc đến một cách trân trọng trong suốt năm Phụng vụ, đó chính là Đức Maria, thánh Giuse và đặc biệt hơn cả, đó là Hài Nhi Giêsu.

Vâng,  Hài Nhi Giê-su, như Kinh Thánh có chép: Người “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2, 40). Và cũng theo lời Kinh Thánh thuật lại, thì, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Hài Nhi Giê-su, nay được gọi là Giê-su người Na-da-rét, bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng.

Sự kiện Đức Giê-su ra đi rao giảng Tin Mừng đã được một người tên là Gioan lớn tiếng loan báo rằng “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Loan báo là vậy, thế nhưng, khi Đức Giê-su “đến”, Ngài không “làm phép rửa” cho bất cứ ai, nhưng  đã để ông Gioan “làm phép rửa” cho Ngài. Câu chuyện này được ghi chép lại trong Tin Mừng Mác-cô. (x. Mc 1, 7-11)

Chuyện kể rằng: “Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan”.
Nói tới sông Gio-dan, vâng, đây là một con sông gắn liền với lịch sử dân tộc Do Thái cùng biết bao điều huyền diệu.
Điều huyền diệu thứ nhất, đó là, vào thời dân Do Thái thoát khỏi khiếp nô lệ Ai Cập và trong cuộc hành trình về miền đất hứa, khi đến bên bờ sông Giodan, mười hai chi tộc Israel sững sờ chứng kiến Hòm-Bia-Giao-Ước-của-Thiên-Chúa  đã biến con  sông  thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân đã qua hết”. (Gs 3, 17).

Rồi đến thời vua Giô-ram cai trị Ít-ra-en, cũng tại con sông này, quyền năng của Thiên Chúa thêm một lần nữa được vinh danh. Chuyện kể rằng, có một vị tướng của vua Aram là ông Na-a-man. Ông ta mắc chứng bệnh phong hủi. Khi biết rằng: “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin được chữa lành.

Vị ngôn sứ đó chính là Ê-li-sa. Ê-li-sa truyền cho Na-a-man rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch”

Sau một chút nghi ngờ, Na-a-man đã thực hiện lời chỉ dẫn đó, ông ta “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan…”, huyền diệu thay! “Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng “Ông đã được sạch” (2V 5,14).

Và hôm nay, hôm Đức Giê-su chịu phép rửa, sông Giođan lại chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Một cuộc thần hiện đã xảy ra khi Đức Giêsu “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình”.  Vui mừng thay! Hôm đó, có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (x. Mc 1, 10-11)

** 
Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Vâng, Thiên Chúa đã “hài lòng” trước một Giê-su được “đặt làm giao ước với (muôn) dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”, hài lòng trước một Giê-su, “vốn dĩ là Thiên Chúa”, thế mà, “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng  với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”, và cuối cùng, hài lòng trước một Giê-su, chấp nhận “dìm-mình-xuống” để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

***
Hôm nay, nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, có bao giờ chúng ta nghĩ tới Bí Tích Rửa Tội mà chính chúng ta đã lãnh nhận!
Vâng, thật cần thiết để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại để chúng ta tái-khám-phá một ân sủng; mà có thể vì những bụi-bặm-trần-gian, những đam-mê-trần-thế… đã làm lu mờ cái giá trị chúng ta được trở nên “con Thiên Chúa”.

Muốn vậy, muốn tái khám phám một ân sủng, ân sủng được trở nên con-Thiên-Chúa, trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, “Bí Tích Rửa Tội” là bước đầu trong cuộc hành trình của chúng ta về Giêrusalem mới. Đang lúc cuộc hành trình của chúng ta chưa đến đích. Nhà thờ, nơi chúng ta đến thờ phượng, chính là Giêrusalem tại thế của chúng ta.

Vâng , thật mỉa mai khi chúng ta đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội nhưng lại không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ,  Lm Charles E.Miller nói; “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”…

Quy tụ nơi đây, nơi nhà thờ,  chúng ta được đồng hành cùng Đức Giêsu qua Thánh Thể. Luôn được nghe Lời Ngài, qua phần đọc Phúc Âm, soi bước chúng ta đi.

Muốn vậy, muốn tái khám phám một ân sủng, ân sủng được trở nên con-Thiên-Chúa, chúng ta cần cảm nghiệm rằng, Bí-Tích-Rửa-Tội, theo lời Lm Charles E.Miller  chia sẻ trong một bài giảng, rằng: “hiệp nhất chúng ta với Đức Ki-tô cách mật thiết đến nỗi định mệnh của Người cũng là của chúng ta”.

Vâng, nói theo cách thánh Phao-lô nói, thì, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chính là lúc chúng có được một đời sống mới. Một đời sống, “không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Đức Kitô sống trong tôi… tôi sẽ không coi Bí Tích Rửa Tội như  là một thủ-tục-hành-chánh để gia nhập đạo Công Giáo, hoặc tệ hơn là để “kết hôn”, rồi sau đó là “tôi lấy được vợ (chồng) tôi thôi nhà thờ”.

Đức Kitô sống trong tôi… tôi mới có thể “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, dĩ nhiên, không phải cây thập tự bằng gỗ như cây thập tự xưa Đức Giê-su đã gánh vác lên Golgotha, nhưng là cây thập-tự-bác-ái, cây-thập-tự-nhẫn-nhục, cây-thập-tự-từ-tâm, cây-thập-tự-trung-tín, cây-thập-tự-hiền-hòa, cây-thập-tự-tiết-độ.

Trong một xã hội cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa hưởng thụ, một nền văn hóa sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, một nền văn hóa giả dối, gian lận v.v… có thể chúng ta cho là khó thực hiện những yêu cầu nêu trên. Có thể chúng ta cho rằng, một con én không làm nên mùa xuân, nếu chỉ có mình tôi thực hiện, cũng khó “ép phê”, khó được mọi người hưởng ứng…

Đừng nản lòng, một con én không làm nên mùa xuân, nhưng cũng đủ để báo hiệu mùa xuân đã về. Cũng vậy, như một “cái cân mẫu” đặt giữa chợ, có thể rất ít người đi chợ sử dụng đến nó, thế nhưng, nhờ có nó, những người bán hàng trong ngôi chợ đó cũng phải dè dặt trong việc cây đo đong đếm cho bạn hàng.

Hơn nữa, chúng ta đừng quên rằng,  những cây thập tự nêu trên, thánh Phaolô gọi bằng một từ ngữ rất mỹ miều, đó là “Hoa quả của Thần Khí” (x. Gl 5,22).

Vác “hoa quả của Thần Khí” trên vai, có khác nào chúng ta đang cùng “Thần Khí mà tiến bước”. Cùng “Thần Khí mà tiến bước”, chính là phương cách tốt nhất để chúng ta “được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn”.  Mà, như tông đồ Phaolô nói “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (x.Rm 8, 14).

Thưa bạn, bạn đã “chịu phép rửa”? Nếu đã, như vậy, chúng ta “đều là con cái Thiên Chúa”. Là con cái Thiên chúa, chúng ta phải là “cái cân mẫu” giữa “chợ đời”, dẫu cho nơi cái chợ đời đó đầy dẫy thương đau, đầy dẫy hận sầu,   đầy những khoe khoang, đầy những điêu tàn…

Bởi vì, chính cái cân mẫu đó, cái cân mẫu mang nhãn hiệu “Giê-su Ki-tô”, sẽ có lúc được sử dụng để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Nói cách khác, nhìn vào “cái cân mẫu” đó, sẽ có ngày, có một ai đó bất chợt thốt lên, thốt lên rằng “Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu… Tôi muốn cười vào những khoe khoang. Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn” .

Vâng, là con cái Thiên chúa, chúng ta phải là “cái cân mẫu” giữa “chợ đời”, bởi vì, nhờ đó, chắc chắn Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta, rằng: “Con là con yêu dấu của Cha”. Và hơn thế nữa, ngày Thầy Giêsu trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, hãy tin, Ngài sẽ chỉ vào ta mà nói: “Cha hài lòng về con”.

Petrus.tran




Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Chúng tôi đã thấy

Chúa Nhật: Lễ Chúa Hiển Linh.

Chúng tôi đã thấy…

Theo lịch Phụng Vụ, hôm nay, chúng ta đang sống trong những ngày cuối của mùa Giáng Sinh. Nói tới mùa Giáng Sinh, là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không biết rằng, đó là mùa có một ngày lễ lớn, ngày lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thế nhưng, nếu ta chỉ dừng lại ở những “kỷ niệm” thì chưa đủ.

Thật vậy, mùa Giáng Sinh,  không là thời điểm chỉ nói tới kỷ niệm, kỷ niệm về “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra”, nhưng,  còn là  lúc để nói tới một số nhân vật, những nhân vật đó chính là mẫu mực của đức tin, đức cậy, đức mến, của sự khiêm nhường và cuối cùng là sự tìm kiếm và sự thờ lạy.

Tại sao có thể nói như thế? Thưa, nói như thế là do dựa vào những bài Tin Mừng được công bố qua phần Phụng Vụ Lời Chúa trong những ngày lễ của mùa Giáng Sinh.

Thật vậy, khởi đầu là lễ đêm vọng Giáng Sinh, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta đã được nhìn thấy “những người chăn chiên”, ở nơi họ, đức tin được tỏa sáng.

Hôm đó, hôm mùa Giáng Sinh đầu tiên, nếu được phép gọi như thế, “những người chăn chiên” đã được thiên sứ báo tin “một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân… một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người. Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả nằm trong máng cỏ”.

Nghe lời loan báo đó, họ tin và “họ hối hả ra đi” tìm kiếm. Cuối cùng, họ đã gặp “bà Maria, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”.

Rồi đến ngày lễ Thánh Gia thất, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta  lại nhìn thấy những nhân đức đó được biểu lộ qua hai nhân vật: ông Si-mê-ôn và bà An-na.

Ông Si-mê-ôn được biết đến là một “người công chính và sùng đạo”, đức tin của ông đã cho ông “không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Ông đã toại nguyện để rồi ông đã lớn tiếng vui mừng nói với Thiên Chúa, rằng “Muôn lạy Chúa… chính mắt con được thấy ơn cứu độ”.

Còn bà Anna ư!, Vâng, việc bà ta “không rời bỏ Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” đã cho chúng ta thấy hình ảnh một con người, con người mẫu mực của đức tin.

Và đến hôm nay, Chúa Nhật lễ Hiển Linh. Vâng, với Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được chiêm ngắm thêm dung nhan “mấy nhà chiêm tinh”, họ, tưởng như là những nhân vật của huyền thoại, nhưng, các ngài lại chính là những tấm gương mẫu mực của niềm tin, của kiên trì và của sự thờ phượng. Câu chuyện về các ngài đã được chép trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.(2, 1-12).

**
Vâng, hơn hai mươi thế kỷ trước, chuyện được kể lại rằng: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Belem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2, 1-2)

Lạ thật, không phải là dân tộc Do Thái, một dân tộc đang mong chờ một vị “Vua” đến để cứu con dân ra khỏi ách nô lệ của Roma, thế nhưng các ngài vẫn rời bỏ quê hương, cùng nhau dong duổi đường gió bụi, lần theo dấu vết “ngôi sao hiện bên phương Đông” tìm cho được Đức Vua để mà “bái lạy người”.

Vâng, rất có thể họ là con cháu Apraham thuộc dòng dõi của Itmaen và những người con của Apraham với Cơtura mà khi còn sống “ông Apraham đã cho họ đi xa ông Isaac, con ông, về hướng đông, về đất Phương Đông”(St 25, …6).

Cũng rất có thể họ đã nghe lời Bi-lơ-am, một người thuộc dân tộc Madian, cũng là một dân tộc thuộc dòng dõi Itmaen, đã nói “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacop, một vương trượng trổi dậy từ Israel”. (Ds 24, 17).

Vì thế, hôm đó, khi mà “vì sao” đó đã được các nhà chiêm tinh thấy “kề bên”, các ngài liền tức tốc lên đường “đến Giêrusalem”. Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với những lời loan báo rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… đã trở thành trái bom tấn đánh thức cả kinh thành Giê-ru-sa-lem.

Quả thật, cả thành Giêrusalem xôn xao, còn vua Hêrôđê thì “bối rối” về việc “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Các thượng tế và các kinh sư thì… hỡi ơi! quý ông ấy vẫn điềm nhiên với lời phát ngôn rằng,“Tại Belem, miền Giuđê”.

Belem, miền Giu-đê ư! Không lẽ hôm nay lời ngôn sứ đã ứng nghiệm! Thật đáng tiếc! Có vẻ như các thượng tế và các kinh sư không mặn mà lắm cho việc truy tìm “vị lãnh tụ” mà các ngôn sứ đã loan báo rằng: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Không có hành động nào cho thấy nhóm thượng tế và kinh sư sẵn sàng làm người “hướng đạo” cho các nhà chiêm tinh.

“Niềm tin”… Vâng, chỉ nhờ niềm tin vào lời ngôn sứ; các nhà chiêm tinh đã  tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi… đi theo hướng “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông”, bỏ mặc đàng sau sự hào nhoáng của Giêrusalem với những lời hứa hão huyền của bạo chúa Herode.

Họ lên đường trong sự tin tưởng rằng, “vì sao” chính là dấu chỉ dẫn đường. Và quả thật niềm tin của họ được đặt đúng chỗ. Hôm đó, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”.

Chuyện kể rằng “Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 11)
***
Vâng, nếu chúng ta dừng câu chuyện “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi” tại đây, e rằng, không ít người sẽ cho rằng, cuộc hành trình đi tìm “Đức Vua dân Do Thái” của các nhà chiêm tinh giản dị như là một chuyến du lịch về một địa danh lịch sử hoặc như một “trò chơi lớn” của các chú hướng đạo sinh.

Thực ra, trong cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh, đã có những cạm bẩy được giăng ra, đã có những âm mưu chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để cũng đến bái lạy Người”…
Kinh Thánh có chép rằng: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, và hậm hực nghiến răng. Nhưng Chúa cười nhạo nó” (Tv 37(36), 12-13).

Lời Kinh Thánh trên quả là đúng cho trường hợp Hê-rô-đê, Thiên Chúa đã “cười nhạo” cáo già Hêrôđê bằng việc báo mộng cho các nhà chiêm tinh “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa”.

Còn các nhà chiêm tinh, có thể nói, nhờ đức tin, tin vào lời ngôn sứ, tin vào lời báo mộng, nó như là một “cây bút” vẽ ra một lộ trình, một lộ trình để các nhà chiêm tinh đi “đến bái lạy Người”, và một lộ trình để họ đi “về xứ của mình” bình an.

****
Như các nhà chiêm tinh xưa, hôm nay, chúng ta cũng là những kẻ đang trải qua một cuộc hành trình.

Khác một điều, cuộc hành trình của chúng ta hôm nay, không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Hài nhi Giêsu” nhưng là tìm để gặp “Giêsu Cứu Chúa của đời ta”. Cuộc hành trình tìm gặp Giê-su của chúng ta hôm nay, không là tại  Belem-miền-Giu-đê, nhưng là nơi “Belem Thiên Quốc”.

Và, giống một điều là, chúng ta cũng sẽ phải gặp những Herode-thời-@; những bạo chúa độc đảng vô thần, họ cũng làm ra vẻ  có một chút sự quan tâm đến tôn giáo, nhưng thâm tâm họ vẫn ra sức tiêu diệt niềm tin Ki-tô giáo bằng những “quỷ kế”, những quỷ kế đại loại như: biến ngày lễ  Giáng Sinh trở thành ngày lễ hội đậm tính cách trần tục, biến những thánh địa hành hương trở thành những nơi “buôn thần bán thánh”, tệ hại hơn, trở thành những nơi đầy dẫy sự mê tín dị đoan.

Vì thế cho nên, để có thể thoát ra khỏi những quỷ kế nêu trên, để có thể hoàn thành cuộc hành trình về Belem-Thiên-Quốc, không gì tốt hơn, chúng ta hãy nhìn các nhà chiêm tinh xưa, như là tấm gương mẫu mực, mẫu mực về niềm tin - tin vào lời “ngôn sứ”, về sự kiên trì – kiên trì đi theo “ngôi sao hiện bên phương Đông” và cuối cùng, đó là sự vâng phục – vâng phục lời báo mộng “đi lối khác” một lối đi đem lại sự bình an.

Nói một cách cụ thể, như mấy nhà chiêm tinh xưa, để tiến bước trên đường về Belem, họ đã có ánh sáng của “ngôi sao” đồng hành. Với chúng ta hôm nay, cũng vậy, chúng ta cũng cần có ánh sáng của “ngôi sao”, đừng bi quan mà nghĩ rằng, “ngôi sao” đó, sau hơn hai ngàn năm, giờ đây không còn “xuất hiện bên phương Đông” nữa. Không! Ngôi sao đó vẫn xuất hiện… xuất hiện “trong Đức-Giêsu-Kitô-và-nhờ-Tin-Mừng” (Ep 3, 6).

“Trong Đức Giê-su Ki-tô”… vâng, đó chính là “Thánh Thể”. Còn “nhờ Tin Mừng ư!” Thưa, chính là “Thánh Kinh”.

Đừng quên, Thánh Kinh chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (x.Tv 119, 105). Cũng đừng nghe những lời ngụy ngôn rằng thì-là-mà, cuốn Thánh Kinh đã lỗi thời… xưa rồi…
Đúng,  Thánh Kinh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm.  Thánh Kinh xưa như không khí, nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết. Thánh Kinh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.
Các nhà chiêm tinh, qua Thánh Kinh, họ đã nghe lời Chúa. Họ đã đến được Belem và thờ lạy Người.
Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Chỉ khi chúng ta nghe lời Chúa, chúng ta mới có thể tìm thấy Ngài và chúng ta mới có thể thờ phượng Ngài “trong Thần Khí và sự thật”.
Thờ phượng Ngài “trong Thần Khí và sự thật” nào có gì xa lạ với một người Ki-tô hữu chân chính. Vâng, đó là hãy có lòng “bác ái”, hãy có sự “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (x.Gl 5, 22)
Chỉ khi chúng ta thờ phượng  Chúa như thế, chúng ta mới thật sự xứng đáng lãnh nhận ơn phước được “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, …6).
“Điều Thiên Chúa hứa” là điều gì? Thưa,  đó chính là trở thành một thành viên nơi “Belem Thiên Quốc” mai sau.
Giờ đây, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi lòng mình rằng: đã qua  bao nhiêu “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời” , thế nhưng, tôi đã thật sự thấy Người và thờ phượng Người trong Thần Khí và sự thật? 
Nếu chưa, tôi và bạn, chúng ta hãy cùng cất lên lời ca nguyện, nguyện rằng: “Lạy Mẹ từ bi ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn. Đất nước này đây, sáng đức tin Chúa trên trời cao”.
Vâng, xin cho lời nguyện này trở thành sự thật, bởi, chỉ có như thế Giáng Sinh mới thật sự có ý nghĩa, ý nghĩa nhất, đó là, chúng ta sẽ được nghe, không chỉ các nhà chiêm tinh, mà là rất nhiều người, cùng cất tiếng nói: “Chúng tôi đã thấy Chúa… nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Petrus.tran 







Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...