Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Đừng tôn thờ Chúa bằng “chót lưỡi đầu môi”.

Chúa Nhật XXII  - TN – B

Đừng tôn thờ Chúa bằng “chót lưỡi đầu môi”.

Trong cuộc sống thường nhật, có lẽ, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần xét đoán người khác. Có những xét đoán, nhẹ, vô thưởng vô phạt. Có những xét đoán nặng nề đầy thành kiến và cũng có những xét đoán hằn học, khinh chê.  Nguyên nhân chính, đó là do sự ích kỷ, tính đố kỵ, lòng ganh tỵ.

Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, rất nhiều lần, Ngài  là nạn nhân của sự ích kỷ, tính đố kỵ, lòng ganh tỵ đối với nhóm Pharisiêu và kinh sư. Họ đã soi mói, xét đoán Ngài về đủ mọi phương diện. Khi thì về thân thế gia đình. Lúc thì về cách thức ăn chay. Lúc khác thì về cách thức giữ luật ngày sa-bát. Có lúc, thật đúng là một nhóm người chuyên soi xét, ngay cả luật “rửa tay” trước khi ăn, họ cũng không buông tha Ngài. Và chính sự việc này, Đức Giê-su đã dạy cho họ một bài học để đời.

**
Vâng, câu chuyện được kể rằng: một hôm, có một nhóm người Pharisiêu và kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Được biết, họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.

Đến với Đức Giêsu để “thọ giáo” những lời giảng dạy?  Lầm to!  Họ đến là để soi mói, để xét đoán Ngài.

Thánh sử Máccô đã kể:  hôm đó,  khi vừa “soi” thấy vài môn đệ của Đức Giêsu “dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”,  không bỏ lỡ cơ hội, những người Pharisiêu và kinh sư liền đưa ra những lời “xét đoán” đầy đắc ý.

Họ xét đoán  rằng: “sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân , cứ để tay ô uế mà dùng bữa” (Mc 7, 5).

Dựa vào những gì “truyền thống của tiền nhân” đã dạy: “không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận, thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn…” họ nghĩ rằng, Đức Giê-su sẽ không thể bào chữa trước việc các môn đệ của mình vi phạm luật “rửa tay”.

Vâng, theo cái nhìn bình thường, hiệp một, nếu được phép nói như thế, Thầy và trò Đức Giê-su thua một quả penalty.

Thật ra thì, những người Pha-ri-siêu và kinh sư, đã lầm. Đức Giê-su, Ngài đã được biết đến như là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” cớ gì lại không biết “truyền thống của tiền nhân”?

Nói tới việc thực thi truyền-thống-của-tiền-nhân, thì đây, “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua… như-người-ta-thường-làm trong ngày lễ”, không là một điển hình sao?

Không phải Đức Giêsu không biết đến luật rửa tay. Đó chỉ là “tập tục” và  tập tục này chỉ dành cho các thầy Tư Tế với mục đích là tẩy rửa các ô uế về lãnh vực tôn giáo để các Tư Tế xứng đáng thờ phượng Chúa.

Còn về lề luật ư! Vâng, Đức Giê-su đã có lời tuyên bố rằng “Ta đến không phải là để bải bỏ (luật), nhưng là để kiện toàn”. Tất nhiên, lề luật mà Đức Giêsu nói đến phải là những lề luật đã được Thiên Chúa đặt ra và đã được môi miệng ông Môsê công bố. Nói cách khác, đó chính là “Mười điều răn của Đức Chúa Trời”. 

 Vâng, có lẽ quý ông Pharisiêu cũng như các kinh sư đã quên lời “tiền nhân” của họ là ông Môsê truyền dạy rằng “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4, 2).

Quên lời tiền nhân Môsê, những người Pharisiêu và các kinh sư, hôm đó, đánh đồng “điều răn của Thiên Chúa” và  “truyền thống của người phàm”. Họ xem “truyền thống của tiền nhân” như là những việc bắt buộc, bắt buộc mọi con dân Thiên Chúa phải tuân giữ.

Trước mặt nhóm Pha-ri-siêu, Đức Giê-su lớn tiếng nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”. Ngài còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”.

Sau đó, Ngài đã gọi  nhóm người Pharisiêu và các kinh sư như là “những kẻ đạo đức giả”… một thứ đạo đức đầu môi chót lưỡi, đúng như  lời tiên tri của ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý của chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.

Hôm đó,  Đức Giê-su đã dạy cho họ một bài học để đời,  không chỉ là một bài học về sự xét đoán mà còn về lòng đạo đức và tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật.

Đức Giê-su đã dạy gì? Thưa, trước hết Ngài nói: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Ai có tai nghe thì nghe”.

Và đây chính là lời Đức Giê-su dạy, rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ô uế”.(Mc 7, 21-23).

***  
Nói về sự xét đoán,  đừng quên, Đức Giê-su dạy rằng: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”. 

Còn nói tới việc tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật ư! Vâng, lời Chúa qua miệng lưỡi ngôn sứ Hô-sê, dạy rằng: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”(x.Hs 6, 6)

Thế nên, đối  với chúng ta hôm nay, là một Ki-tô hữu, sống đức tin, không chỉ là: tham dự thánh lễ,  tham dự bàn tiệc Thánh Thể , đọc kinh cầu nguyện, lãnh nhận Bí Tích hòa giải v.v… nhưng còn phải làm thế nào để làm cho “…Đời ta thành thánh lễ nối dài”. Làm thế nào để “Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng là để “ta sống sao để thành chứng nhân”.
Làm thế nào để làm cho “…Đời ta thành thánh lễ nối dài. Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân?”

Thưa, có rất nhiều cách, một trong những cách dễ thực hiện nhất, đó là: hãy thực hiện lời khuyên của tông đồ Giacôbê.  Ngài đã khuyên rằng “anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (x.Gc 1, 19-20).

Tại sao chúng ta lại chọn lời khuyên này? Thưa, là bởi, thực thi lời khuyên này, chúng ta chứng tỏ cho mọi người thấy một cách rõ nét “sự hiền lành, tính nhịn nhục, lòng vị tha” của chính mình, một dấu chỉ làm cho “đời ta thành thánh lễ nối dài”, một phương cách để chúng ta “đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng, nói lên được hình ảnh một người chứng nhân, chứng nhân của Thiên Chúa.

Vâng, sống đức tin như thế, đó là cách chúng ta tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật. Sống đức tin như thế, nếu ngay hôm nay, Đức Giê-su có trở  lại, hãy tin, sẽ chẳng bao giờ Ngài gọi chúng ta “là những kẻ đạo đức giả”, hoặc là những kẻ tôn thờ Chúa bằng “chót lưỡi đầu môi”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Sự lựa chọn hoàn hảo.

Chúa Nhật XXI – TN – B

Sự lựa chọn hoàn hảo.

Cuộc đời của mỗi người là một chuỗi dài của sự lựa chọn. Ngay từ lúc thức giấc cho đến buổi chiều tàn, từ khi khôn lớn cho đến tuổi về chiều, có biết bao điều ta phải lựa chọn.

Hôm nay, ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Ngày cuối tuần, ta sẽ đi chơi ở đâu v.v…  Với những người nhìn xa trông rộng, người ta còn tính đến chuyện tương lai, chuyện lựa chọn cho mình một công việc phù hợp năng lực, một căn nhà xinh xinh, một chiếc xe hợp nhãn.

Trước những lựa chọn đó, những lựa chọn cho cuộc sống thể xác, quyết định của chúng ta, đôi lúc có thay đổi, tùy theo hoàn cảnh riêng của mình.
Cũng là những lựa chọn, thế nhưng, còn có những lựa chọn mang tính không thay đổi, vĩnh viễn cho cả một đời người. Đó là những lựa chọn cho một niềm tin, cho một chân lý.

Kinh Thánh có ghi chép lại nhiều tấm gương về sự lựa chọn này. Một trong những tấm gương đó, được Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (XXI – TN - B) nhắc đến, đó là tấm gương tông đồ Phê-rô.

**
Vâng, câu chuyện đã được kể lại, rằng: hôm đó, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đến Ca-phác-na-um. Tại đây, Ngài đã có một bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống”. Trước đám đông cử tọa, Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. 

Đối với chúng ta hôm nay, lời tuyên bố này, không có gì phải tranh cãi. Nhưng, với người Do Thái thời đó, họ đã “tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”. 

Bất chấp những lời tranh luận, Đức Giê-su tiếp tục quả quyết, rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (x.Ga 6, 53-55)

Vâng, có thể nói,  lời tuyên bố này đã làm cho tất cả cử tọa hôm đó, rất khó khăn trong việc đưa ra một sự lựa chọn. Tin hay không tin…

Tại sao vậy? Thưa, là bởi, đối với người Do Thái, huyết máu là thực phẩm cấm kỵ, luật Lêvi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó… Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12).
Chính vì thế, nhiều người môn đệ của Đức Giê-su cũng lên tiếng đả kích, rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”.

Dù bị phản đối, Đức Giêsu vẫn không đính chính hay giải thích rằng thì-là-mà lời Ta nói phải hiểu theo nghĩa bóng v.v… Ngược lại, Ngài khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và sự sống.” (Ga 6, 63).  

Là Thần Khí và sự sống, thế nên, dù có “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người”, Đức Giê-su vẫn để mặc họ tự do lựa chọn. 
Còn “đội kiểu mẫu – nhóm Mười Hai”, là những người đã được chính Đức Giê-su tuyển chọn thì sao? Thưa, Ngài đã gửi đến họ một câu hỏi chân tình: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?”

Người môn đệ tên là Phê-rô, với niềm tin sắt son của mình, đã cất tiếng trả lời, rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Nhận định cho lời tuyên xưng của Phê-rô, Lm Charles E. Miller viết: “Không ai áp đặt lời tuyên xưng đức tin này lên miệng Phê-rô. Ông đã lãnh nhận một ơn (đặc biệt), và tự nguyện đáp lại. Ông đã quyết định liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô đến độ luôn một lòng một trí với Người, tuy về sau có đôi lúc nhất thời vấp ngã.”

Nói tắt một lời, tông đồ Phê-rô đã có một sự lựa chọn hoàn hảo.

***  
Thật ra, không chỉ có lời tuyên xưng này, chúng ta mới nhìn thấy một tông đồ Phê-rô hoàn hảo trong sự lựa chọn.
Ngay những ngày đầu tiên, qua lời giới thiệu của người anh là An-rê, tông đồ Phê-rô đã có một sự lựa chọn, đó là việc theo An-rê “đến gặp Đức Giê-su”, cuộc gặp gỡ đó  tuy chưa gọi là hoàn hảo, nhưng  cũng đủ để cho mọi người nhìn vào đó như là tấm gương điển hình, một điển hình của lòng tin, mà sau này, nhờ lòng tin đó, ông đã “bỏ chài lưới mà đi theo Ngài” (x.Mt 4, 20).

Chưa hết, lòng tin của Phê-rô còn được củng cố bởi “đức cậy”, đức cậy vào “danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét”, nhờ đó, sau này, ông đã chữa lành một người què ngay bên “cửa Đền Thờ gọi là cửa đẹp” (x. Cv 3, 2-9)

Cuối cùng, cũng theo lời nhận định của Lm Charles E. Miller, qua sự lựa chọn của mình “Phê-rô nói mình muốn có một mối liên hệ yêu thương, vĩnh viễn, dựa vào lòng trung tín với Đức Ki-tô”.

****
 Như Phê-rô xưa, ngài đã nói lên quyết định của mình. Và hôm nay là đến chúng ta. Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng phải nói lên những quyết định của mình, khi phải đối diện  những thách thức, thách thức của thời đại hôm nay.

Những thách thức của thời đại  hôm nay là những thách thức gì? Thưa, đó là “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa cổ vũ những gì đi ngược với giá trị sự sống, sự sống tâm linh – tinh thần,  cũng như sự sống tự nhiên - thể xác.

Chính nền văn hóa này đã làm cho con người chỉ nghĩ đến vật chất, quyền lợi. Chính nền văn hóa này càng ngày càng làm cho con người thiên về dục vọng, buông thả theo dục vọng, Hậu quả là con người không ngần ngại phá thai, giết người, nghiện ngập, cờ bạc v.v… Nói tắt một lời, nó chính là một nền văn hóa làm tổn thương đến sự sống thể lý lẫm tâm linh.

Những thách thức của thời đại hôm nay còn là những chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần,  chối bỏ Thiên Chúa, cho rằng Thiên Chúa đã chết rồi.
Chính những nền văn hóa nêu trên, đôi lúc,  nó làm cho chúng ta cảm thấy  “Chướng tai… Ai mà nghe nổi” trước những lời mời gọi của Đức Giêsu, rằng :”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Và rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.(Mt 6, 24).    

Làm sao để không bị nền văn hóa sự chết ảnh hưởng đến đời sống đức tin? Thưa, đó là hãy xây dựng một nền văn hóa sự sống.
Lấy gì để xây dựng một nền văn hóa sự sống? Thưa, Lời Chúa trong Kinh Thánh. Vua David đã có kinh nghiệm về điều này, khi nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (x.Tv 119, 105)

Lời Chúa trong Kinh Thánh đã “soi” cho chúng ta thấy một nền văn hóa sự sống, một nền văn-hóa-sống:  “Chớ giết người. Chớ làm sự dâm dục. Chớ lấy của người. Chớ làm chứng dối. Chớ muốn vợ chồng người. Chớ tham của người”.

Lời Chúa trong Kinh Thánh đã “chỉ” cho chúng ta một nền văn-hóa-sống, sống “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ… đừng có tìm hư danh, đừng khiêu kích nhau, đừng ganh tị nhau” (x.Gl 5, 22-25).

Hôm nay, chúng ta đã biết, thế nào là văn hóa sự sống, thế nào là văn hóa sự chết. Và cũng nên biết, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: dựa vào các bí tích đã lãnh nhận, “các gia đình Kitô hữu có  một sứ mạng đặc biệt là làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống. Đây là một sự dấn thân có giá trị như một lời tiên tri đích thực và can đảm trong xã hội hôm nay” (Học thuyết Xã Hội Công Giáo số 231)

Thế nên, bây giờ là lúc chúng ta phải lựa chọn, tôi đã lựa chọn “làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống” hay tôi lựa chon lối sống mỏi mòn với “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa cổ vũ những gì đi ngược với giá trị sự sống, sự sống tâm linh – tinh thần,  cũng như sự sống tự nhiên - thể xác?

Nhà văn Aitmatov nhận định:Tại sao bao tư tưởng của nhân loại sớm tan đi như xà phòng bọt biển? Tại sao cái mới của hôm nay đã là cái cũ của ngày mai mà Lời Giê-su vẫn không cũ đi và không mất sức mạnh của nó?” (nguồn: 5 phút cho Lời Chúa).

Một  nhà văn vô thần mà còn biết nhận định như thế, chẳng lẽ chúng ta, là người tin Chúa bao nhiêu lâu nay lại không biết thốt lên, rằng: “Bỏ Ngài chúng con biết đến với ai? Ngài mới có lời ban sự sống đời đời”.

Vâng, chỉ khi  xác tín như thế, chúng ta mới được đứng trong hàng ngũ các môn đệ xưa, là những người đã được chính Đức Giê-su tuyển chọn. Và nhất là, chúng ta được xem như là những người có một “sự lựa chọn hoàn hảo”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Xin Mẹ dạy con hai tiếng: Xin Vâng

Xin Mẹ dạy con hai tiếng: Xin Vâng


Chúng ta đang bước vào trung tuần tháng tám. Vào tháng này, cứ sự thường, không ít người nghĩ rằng: mùa thu đến. Và chắc hẳn, với những người thích mơ mộng, họ sẽ không thể không thổn thức bên tách cà phê, nghe Lệ Thu nức nở: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Mùa thu đã chết, em nhớ cho… mùa thu đã chết, em nhớ cho… mùa thu đã chết… đã chết rồi”.

Riêng đối với chúng ta, cũng như toàn thể Hội Thánh Công Giáo, thì không. Vì sao? Thưa, là bởi, tháng tám, chính xác là ngày 15.08, chúng ta trọng thể Mừng Kính Đức Maria lên trời. Trước niềm vui Đức Maria lên trời, có gì mà phải nức nở với những “chết chóc” của mùa thu. Với niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta cũng sẽ được lên trời, như Đức Maria.

Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Con đường nào đã đưa Đức Maria lên trời? Vâng, dựa vào những gì đã được ghi lại trong Kinh Thánh, chúng ta có thể khẳng định rằng: đó chính là con đường phó thác “Xin Vâng”.


**
Thật vậy, hơn hai ngàn năm xa trước đó, tại một “thành miền Galilê, gọi là Nazareth”. Thiên Chúa đã sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp một ”trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria”.

Không có tiếng sấm rền vang, chỉ là một sự tĩnh lặng với những lời mời gọi chân tình. Thiên Chúa qua sứ thần đã cất lên lời chào hỏi dịu êm “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Và có lời chào hỏi nào ngọt ngào hơn khi sứ thần Gáp-ri-en nói tiếp “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.

Vâng, thật đẹp thay khi sứ thần nói với Maria rằng: “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”


Chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Nazareth, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”, thế mà lại được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ “Con Đấng Tối Cao” ư!

Nghe những lời loan báo đó, cô Maria không khỏi bối rối nên đã cất tiếng thở than… “việc ấy sẽ xảy ra cách nào…”. Bởi lẽ, Maria nói với sứ thần, rằng “tôi… tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Thế nhưng, đó vẫn là cách Thiên Chúa tuyển chọn. Xưa kia, Người đã tuyển chọn một Môsê, dù ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” (Xh 4, 10) hoặc như ngôn sứ Giêrêmia, khi ông ta “còn quá trẻ (và cũng) không biết ăn nói” (Gr 1, 6).

Còn hôm nay, cũng không là ngoại lệ, bởi vì, như lời sứ thần Chúa đã nói “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Có thể nói, lời đáp của sứ thần đã khơi ngọn lửa đức tin nơi Maria. Và lời trấn an kèm theo lời hứa ban “Xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”, những lời đó như một một luồng gió ân sủng, nhờ thế cô Maria đã mạnh dạn thốt lên lời “xin vâng”.

Vâng, câu chuyện chép lại rằng, bà Maria đã nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).


***

Sự phó thác xin vâng đã thay đổi một Maria, từ chỗ chối từ lời mời gọi; nay Maria trở thành một con người của tận hiến. Tận hiến cả cuộc đời mình cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Kể từ khi Maria chính thức lãnh nhận sứ vụ. Một sứ vụ mà nếu không nhờ đến “Đấng Toàn Năng” thì có lẽ cô Maria đã không đủ niềm tin để mà ca trọn bài ca Manificat.

Thật vậy, suốt những năm tháng thực thi sứ vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Maria đã không biết bao nhiêu lần “suy đi nghĩ lại trong lòng” về những biến cố đã xảy ra…

Có thuở nào một vị Cứu Chúa của muôn dân mới sinh ra đã phải “nằm trong máng cỏ”.

Chưa kể đến cuộc “vượt biên” trốn sang Ai-Cập “vì Hêrôđê sắp tìm giết hài nhi” (Mt 2, 14). Và có buồn không kia chứ, khi gia thất của một quân vương đã phải từng bước chân âm thầm lao nhọc vất vả ở Nazareth ba mươi năm có lẻ… để rồi kết cuộc là đồi Golgotha nghiệt ngã; với người Mẹ bàn tay ôm trái tim nghẹn ngào nhìn người con yêu của mình “chỉ vì tình yêu đã phải nhục thân chết cho trần gian… Để cứu muôn người lỗi tội”…

MARIA không dừng bước… Maria vẫn tiến bước từ Cana đến Golgotha… Maria vẫn “hớn hở vui mừng” vì Mẹ tin rằng “Phận nữ tỳ hèn mọn” của mình, Thiên Chúa “Người (vẫn) đoái thương nhìn tới”.

Vâng, bước trên con đường như thế, chẳng có gì để nghi ngờ nữa. Con đường đưa Đức Maria lên trời, chính là con đường phó thác “Xin Vâng”.


****
Đúng. Sự phó thác xin vâng của Đức Maria không có gì phải nghi ngờ, phủ nhận hay bàn cãi.

Điều đáng phải “bàn” đó là, để được cùng “lên trời” với Đức Maria, chúng ta cũng sẽ đi con đường mà Đức Maria đã đi? Chúng ta sẽ “dõi bước theo Mẹ” và lòng chúng ta sẽ “quyết noi gương Mẹ”?

Vâng, nói đến chuyện “bước theo Mẹ”, có lẽ nhiều người trong chúng ta tự hào là “tháng hoa” năm nào mà tôi không có mặt bước-theo-Mẹ vào những buổi rước “kiệu Đức Mẹ”!

Nói đến việc “noi gương Mẹ”, có lẽ không ít người tự hào nói rằng: Ồ! Mẹ chính là “thần tượng” của tôi. “Tượng” Đức Mẹ ư! Chưa chắc nhà nào có tượng Đức Mẹ được trang hoàng lộng lẫy như tượng Đức Mẹ nhà tôi!

Tham dự “kiệu Đức Mẹ” cũng như trang hoàng tượng Đức Mẹ là một truyền thống đẹp. Thế nhưng, sẽ chẳng đẹp gì nếu trong tâm hồn chúng ta không có “thần” như Mẹ đã có.

“Thần” Mẹ đã có chính là “Thánh Thần Chúa (đã) ngự xuống trên (Mẹ)” năm xưa.

Bởi vì chỉ khi có “thần” như Mẹ đã có, hay nói rõ hơn, chỉ khi chúng ta có Thánh Thần Chúa ngự vào trong tâm hồn. Vâng, chỉ khi đó chúng ta mới có thể “nghe được lời Chúa nói” như xưa kia Đức Maria có “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên bà”, lập tức Mẹ nghe được lời Thiên Chúa qua sứ thần Gáp-ri-en và đáp “xin vâng”.

Chỉ khi chúng ta có Thánh Thần Chúa ngự vào trong tâm hồn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể “đón nhận, tin tưởng và thực thi” Lời Chúa, như xưa kia Đức Maria đã đón nhận, tin tưởng và thực thi Lời Chúa phán truyền qua sứ thần Gáp-ri-en.

Xưa, sứ thần Gáp-ri-en đã gõ cửa tâm hồn Đức Maria, Mẹ đã mở cửa tâm hồn mình bằng chiếc chìa khóa “xin vâng”.

Nay, Đức Giê-su, Ngài cũng đang đứng ngay cánh của tâm hồn chúng ta và cất tiếng gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào cửa nhà ấy” (x.Kh 3, 20)

Chưa hết. Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta, như xưa kia Ngài mời gọi người các môn đệ, rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”… Còn nhiều… nhiều lắm, nếu chúng ta chịu lắng nghe qua những lần tham dự Phụng Vụ Lời Chúa mỗi Chúa Nhật hàng tuần.

Chúng ta sẽ đón nhận, tin tưởng và thực thi Lời Chúa, bằng lời “xin vâng” như Đức Maria xưa kia? Hay chúng ta coi đây như là một nan đề?

Hôm nay, trong một xã hội đầy dẫy mưu ma chước quỷ, đầy dẫy sự cám dỗ xác thịt, tràn ngập tiếng “gõ” của Sa-tan, của thế gian v.v… để đón nhận, tin tưởng và thực thi Lời Chúa, quả đúng là một nan đề đối với chúng ta. Thật là khó để mà đón nhận chứ chưa nói đến việc thực thi Lời Chúa.

Khó ư! Hãy nghe lại lời sứ thần nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vấn đề của chúng ta là tin tưởng và phó thác, như Đức Maria xưa, Mẹ đã tin tưởng và phó thác.

Thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta hãy cùng nhau “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”. Trông lên Mẹ như là một mẫu mực để chúng ta “dõi bước theo Mẹ”, để chúng ta “quyết noi gương Mẹ” và cuối cùng, để chúng ta  xin Mẹ dạy cho hai tiếng “Xin Vâng”.

Vâng, chúng ta hãy để một phút trong thinh lặng và hãy trông lên Mẹ Maria mà nguyện xin rằng: “Mẹ ơi! Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Ta là bánh hằng sống

Chúa Nhật XIX – TN – B

Ta là bánh hằng sống

Như chúng ta được biết, suốt ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su ngoài việc giảng dạy, Ngài còn làm nhiều phép lạ như chữa lành bệnh tật, hoặc dấu lạ như hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê.

Những phép lạ hay những dấu lạ đó, đã làm cho cộng đồng dân chúng có cái nhìn lệch lạc về vai trò của Đức Giê-su. Họ đã nghĩ rằng, Ngài đến chỉ là để xóa đi những gánh nặng về bệnh tật, cũng như những nhọc nhằn về cơm áo gạo tiền, nơi cuộc sống của họ.

Trước những suy nghĩ sai lạc đó, Đức Giê-su đã nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.

Trước đám đông đang còn ngỡ ngàng, Đức Giê-su tiếp lời, rằng: “Tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.

Cuối cùng Ngài tuyên bố: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.

Với lời khiển trách đó, một sự phản đối giữa đám đông dân chúng và Đức Giê-su đã nổ ra. Họ đã xầm xì phản đối, vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”. Họ phản đối vì Ngài “chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao?” Họ đã lớn tiếng nói với nhau, rằng: “Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”

Vâng, hôm đó, dù cho họ có xầm xì phản đối, Đức Giêsu vẫn nói lên thông điệp từ trời, một thông điệp của tình yêu, rằng: “Thật tôi bảo thật với các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”

Kết thúc cuộc tranh luận, Đức Giê-su khẳng định, rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).



**
Người Do Thái, hồi ấy, có tin không? Thưa, có phần chắc là không tin.

Hôm nay, cũng còn rất nhiều người không tin. Họ không tin bánh Đức Giê-su ban tặng “chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”
Thế nhưng, họ lại tin vào những loại bánh cũng được làm bởi thịt, “thịt thai nhi” nhất là những “thai nhi con so” để cải lão hoàn đồng, để trường sinh bất lão…

Bác sĩ Hướng Văn, trong bài viết “sự thật về thuốc trường sinh kinh dị”, phần mở đầu đã viết như sau: “Trong các nỗ lực tìm kiếm thuốc đẩy lùi cái chết, kinh dị nhất là những “thuốc trường sinh” được điều chế từ các bộ phận cơ thể người. Thuốc thịt người từ thời Trung Hoa cổ đại cũng đã được nhà tự nhiên học Li Shih-chen đề cập đến trong cuốn sách Y dược Trung Quốc xuất bản năm 1597. Thuốc bào chế từ rau thai nhi (tử hà sa) thì trong truyền thống y học Trung Quốc được sử dụng khá phổ biến. Một phương thuốc khác cũng được đề cập nhiều trong lịch sử là “Giọt lệ của Hoàng đế”, nó trở nên nổi tiếng nhờ sự cuồng tín của vua Charles II nước Anh. Thuốc được làm từ bột sọ người, được tán dương là tăng cường sức khỏe và sự cường tráng để trường sinh.” (nguồn: suckhoedoisong.vn)

Và trong phần kết thúc, vị bác sĩ cho biết: “Mới đây, tháng 10/2012, các phương tiện truyền thông đại chúng ồn ào đưa tin Hàn Quốc đã thu giữ hàng ngàn viên thuốc con nhộng thẩm lậu qua biên giới làm từ bột thịt người.

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho kiểm nghiệm các viên thuốc ấy, thấy có tới 97 - 99% thành phần tương ứng với ADN của người. Phóng viên Daily Mail (Anh) đóng giả bệnh nhân tìm mua thuốc, đã đột nhập được vào điểm bán thuốc, cũng là nơi cất giữ bào thai và xác trẻ sơ sinh, nằm ở một thị trấn nhỏ miền Bắc Trung Quốc.

Đây cũng chính là địa điểm bán thuốc thành phẩm, đồng thời là nơi mua bán “nguyên liệu” đặc biệt đó để sản xuất thuốc. Loại thuốc độc đáo này được cho là rất bổ, tăng khả năng tình dục, tăng sinh lực, kéo dài tuổi thọ. Năm ngoái, Đài truyền hình SBS của Hàn Quốc đã đăng tải một bộ phim tài liệu cáo buộc các công ty dược Trung Quốc phối hợp với các phòng khám nạo phá thai để tạo ra những viên thuốc từ bào thai đã chết. Nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh tiến hành mở cuộc điều tra về việc sản xuất thuốc từ bào thai hoặc hài nhi mới chết. Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal thì cho tới giờ, Trung Quốc vẫn giữ im lặng”.

Quả là thật đáng buồn, đáng buồn cho những kẻ muốn đi ngược lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thế nhưng, đáng buồn hơn, đó là: có những kẻ mang danh là “Christian”, nhận Jesus Christ là Cứu Chúa của mình, thế mà cũng “xầm xì” với nhau rằng thì-là-mà làm gì có chuyện bánh Đức Giê-su ban tặng “chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” Thật đáng tiếc!



***
Chúng ta hãy nghe lại lời Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

Về chân lý này, Lm. Charles E. Miller trong một bài giảng đã chia sẻ như sau: Chẳng có lời nào có thể bộc trực hơn. Không thuật ngữ nào có thể rõ ràng hơn. Cũng chẳng có chuyện lập lờ nước đôi. Đức Giê-su không nói bánh ấy “giống như” hoặc “ám chỉ” thịt của Người, mà nói rõ mồn một “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Ngài Charles E. Miller nói tiếp: “Làm trọn lời hứa của mình trong đêm trước khi chịu nạn, Chúa Giê-su đã lập ra Bí Tích Thánh Thể cho các Tông Đồ, cho mọi thế hệ đã và sẽ theo bước các ông, cho đến tận thế”.

Cuối cùng vị linh mục mời gọi: “Khi cầu xin ơn lương thực hằng ngày, ta không chỉ cầu xin thứ bánh giúp duy trì sự sống đời này, mà còn thức ăn trên trời vốn sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời sau. Anh chị em chớ lầm lẫn, nhưng hãy giữ vững niềm tin Công Giáo của mình”.

Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành với niềm tin này. Trong thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội, qua vị linh mục, vẫn luôn cất tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Bạn… bạn có tin không? Nếu không, có lẽ Chúa Giê-su, Ngài cũng “chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi” (Tv 103, 9).

Nhưng, có phần chắc, Ngài vẫn luôn thì thầm với chúng ta: “Thật, tôi bảo thật, ai tin thì được sự sống đời đời”. Vâng, Chúa Giê-su vẫn thì thầm với mỗi chúng ta, rằng: “Ta là bánh hằng sống”.

petrus.tran

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Thưa Ngài, xin cho con được ăn

Thưa Ngài, xin cho con được ăn

Ăn uống là nhu cầu không thể thiếu cho cuộc sống của con người. Thế nên, miếng ăn quả là quý nhất trên đời. Mạnh Kha, một nhà triết học Trung Hoa, có nói: “Dân dĩ thực vi tiên”.

Tuy nhiên, cũng là miếng ăn, nhưng có lúc: “miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng, lộn gan lên đầu”. Tại sao vậy? Thưa, chỉ vì, có người vì miếng ăn mà chém giết lẫn nhau. Có người vì miếng ăn mà làm mất đi nhân phẩm của mình. Có người quá chú trọng đến miếng ăn, quần quật suốt ngày cũng chỉ vì miếng ăn, bán cả danh cả tiếng chỉ vì miếng ăn, cầu cạnh cho được bả vinh hoa phú quý, suốt đời chạy theo miếng ăn, sống chết vì miếng ăn. Nhiều khi chỉ vì miếng ăn mà quên cả đại nghĩa.

Những người nêu trên, họ quên, có câu cách ngôn xưa dạy rằng: “Manger pour vivre et non vivre pour manger - Ăn để sống chớ không phải sống để ăn”.

Nói tới “ăn để sống”, Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa. Trong một lần bị cám dỗ bởi miếng ăn do Sa-tan đem lại, Ngài đã tuyên bố rằng: “Người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn nhờ vào lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Thật vậy, con người không đơn thuần chỉ có cuộc sống thể lý, mà còn có cuộc sống tâm linh. Có thể nói, đó là mối ưu tư hàng đầu trong những ngày Đức Giê-su còn tại thế.

Ngay trong những ngày đầu ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã nói với dân chúng rằng: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc... Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (x.Mt 6, 25-34)

Rồi sau này, nhân một chuyến trở về Ca-phac-na-um, đối mặt trước một đoàn dân đông đúc, vì nhu cầu miếng ăn, nên đã tìm đến Ngài, Đức Giê-su đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn và chân tình, để nói với họ rằng: họ còn một cuộc sống tâm linh, họ cần một thứ “bánh bởi trời”, thứ bánh mà Ngài sẽ cho họ, đó là: “bánh trường sinh”.


**
Vâng, cuộc nói chuyện đó đã được kể lại, rằng: Hôm đó, sau biến cố hóa bánh ra cho năm ngàn người ăn, Đức Giê-su đã lánh mặt, đi lên núi một mình. Còn các môn đệ thì xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um.

Riêng đám đông dân chúng, họ “còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ”. Thật đáng khen cho nhãn quan của họ, từ ở-bờ-bên-kia, họ “thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không xuống thuyền đó với các môn đệ”.

Hồi đó, chưa có “cell phone”, thế mà không hiểu bằng cách nào, nguồn tin “Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó” đã được truyền tải tới rất nhiều người. Lập tức, không ai bảo ai “họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người” (x.Ga 6, 24).

Kinh Thánh có chép rằng: “Các ngươi tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm ta hết lòng” (Gr 29, 13) Và quả thật, hôm đó, tấm lòng của họ đã được đáp ứng. Ở bên kia Biển Hồ, họ gặp thấy Đức Giê-su. Gặp thấy Người, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Theo Bạn, câu hỏi này, có gì đáng trách? Ấy thế mà, Đức Giê-su đã trách họ. Trách họ, bởi Đức Giê-su đã nhìn thấu suốt tấm lòng họ, một tấm lòng nhuốm đầy ý nghĩ trần thế.

Vâng, Đức Giê-su đã trách rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.

Trước đám đông đang còn kinh ngạc về sự nhận xét đó, Đức Giê-su tiếp lời truyền dạy, rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x Ga 6, 27).

Nếu… nếu là chúng ta hôm nay, có lẽ sẽ không một ai phản đối lại lời nói của Đức Giê-su. Nhưng, với các người Do Thái xưa, thật khó để mà họ “tin”… Làm sao họ có thể tin Ngài chính là “Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận… Đấng Người đã sai đến”… trong khi rõ ràng họ thấy Đức Giê-su chỉ là “con ông Giu-se”!

Chính vì thế, họ đòi Đức Giê-su phải “làm được dấu lạ” nào đó, cho họ thấy để họ tin.

Đáng tiếc thay! Cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu, hôm đó, đã không có tiếng nói chung. Đức Giê-su đã không thể thỏa lòng họ, là những kẻ, chỉ nghĩ đến những chuyện liên quan tới sự sống “trần gian”.

Có lẽ, điều họ mong đợi, đó là, phải chi Đức Giê-su là Mô-sê tái thế, để họ có một loại “manna mới”, một loại bánh, như họ nói “Tổ tiên chúng tôi đã ăn… trong sa mạc”.

Đó là một sự mong đợi sai lầm. Sứ điệp Đức Giê-su muốn gửi đến họ, cũng như cho chúng ta hôm nay, đó là sự nhận biết về một sự sống “trên trời”. Sự sống đó phải được nuôi dưỡng bởi “bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.

Hôm đó, tại Caphacnaum, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố trước cử tọa rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh” (Ga 6, 35).


***
Thật ra, Đức Giêsu không phải là không quan tâm đến nhu cầu “thuộc thể” của con người. Không phải một lần, mà là đến những hai lần, Đức Giê-su đã hóa bánh ra nhiều cho mọi người ăn. Lần thứ hai đã được ghi trong Tin Mừng Mác-cô (x.Mc 8, 1-10).

Hãy thử tưởng tượng, nếu Đức Giê-su đến thế gian chỉ để làm những việc chữa bệnh, hóa bánh ra nhiều v. v… thì có lẽ hôm nay, có nhớ đến Ngài, cùng lắm, người ta cũng chỉ nhớ đến Ngài như một danh y hoặc một nhà từ thiện nào đó.

Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là “để ai tin… thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Thế nên, là một Ki-tô hữu, hãy nghe lời Đức Giê-su truyền dạy, rằng: “Đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?

Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (x.Mt 6, 31-32)
Vậy, chúng ta sẽ cần gì? Thưa, thánh Phao-lô có lời khuyên, đó là “Đừng ăn ở như dân ngoại”.

Thế nào là đừng-ăn-ở-như-dân-ngoại? Thưa, cũng theo lời khuyên của thánh nhân, đó là: “cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối” (x.Ep 4, 22).

Thế nào là “Những ham muốn lừa dối…?”. Thưa, nó cũng giống như sự ham muốn của nguyên tổ Adam và Eva xưa, ham được “như những vị thần biết điều thiện điều ác” (x.Stk 3, …5). Và, điều đã xảy ra cho sự ham muốn đó chính là: “Mắt hai người mở ra, và họ thấy...” – thấy gì? Mời quý vị đọc tiếp ở sách Sáng thế ký, đoạn 3, câu 7.

Vâng, xã hội hôm nay có rất nhiều “những ham muốn lừa dối” lôi cuốn chúng ta. Một trong nhưng ham muốn dễ lôi cuốn chúng ta nhất, đó là: ham ăn ngon mặc đẹp…

Thế nhưng, liệu đó có phải là cứu cánh của cuộc đời ta? Có lẽ, câu trả lời dành cho mỗi chúng ta.

Nhưng, chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết, trong thực tế đã chứng minh rằng: có những người giầu có, ăn ngon mặc đẹp, thế mà họ vẫn không muốn sống; trong khi có những người tuy nghèo khó thiếu thốn, nhưng họ vẫn sống và sống rất hạnh phúc.

Thêm một ví dụ điển hình nữa. Ngày nay, có nhiều người giàu có. Của ăn của để không hết, nhờ vào “ăn đất đai, ăn dự án, ăn công trình… ăn hối lộ” v.v… thế mà, cuộc sống của họ như chỉ mành treo chuông. Thực tế đã cho thấy, đã có nhiều anh Ba, anh Tư, anh Năm ăn quá nên “bội thực” và “đứt bóng”.
Như đã nói ở trên, là một Ki-tô hữu, chúng ta còn có một cuộc sống tâm linh, một cuộc sống cần được nuôi dưỡng bởi lương thực bởi trời, lương thực đích thực.

Ai… ai sẽ cung cấp cho chúng ta thứ lương thực đó? Thế gian này ư! Thưa, không phải. Người cung cấp chính là Đức Giê-su – Chúa chúng ta, như Ngài đã nói khi xưa, “Chính tôi là bánh trường sinh”.

Chỉ cần… chỉ cần một động tác, bước lên thuyền. Tất nhiên, phải là con thuyền mang tên “Hội Thánh”. Con thuyền Hội Thánh sẽ đưa chúng ta tới bàn tiệc Thánh Thể.

Việc còn lại, đó là chúng ta hãy cất tiếng nói với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng con được ăn mãi thứ bánh ấy”.

Vâng, trước bàn tiệc Thánh Thể, hãy thưa với Chúa: “Thưa Ngài, xin cho con được ăn…”

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...