Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Theo Chúa: phải bỏ mọi sự.



Chúa Nhật XIII - TN – C

Theo Chúa: phải bỏ  mọi sự.

Ngày 29/06 hàng năm, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể thánh Phê-rô và Phao-lô. Khi nói tới tông đồ Phao-lô, đa phần người ta đều nghĩ đến cú ngã ngựa của ngài tại Damas. Còn nói tới tông đồ Phê-rô ư! Vâng, chúng ta luôn nghĩ tới ngài như là một kẻ chối Chúa. 

Thật ra, khi nói về các ngài, điều đầu tiên chúng ta phải nói tới, đó là: nói tới các ngài như là những con người can đảm, nhiệt thành, đã dám “bỏ hết mọi sự” và đi theo Thầy Giê-su.

Với Phê-rô, Kinh Thánh thuật lại rằng, khi Đức Giê-su gọi  “Các anh hãy theo tôi”, Phê-rô và người anh là An-rê, lập tức  “bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người”. Còn với Phao-lô, cũng vậy, sau biến cố tại Damas, ông đã bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý của một Phariseu tương lai, để trở thành tông đồ của Đức Giê-su. 

Phải “bỏ hết mọi sự” đó chính là điều kiện tiên quyết mà Đức Giê-su đã đưa ra. Thật vậy, trong các sách Tin Mừng, và điển hình là Tin Mừng thánh Luca có ghi lại câu chuyện sau đây, một câu chuyện nói rõ quan điểm của Đức Giê-su, đối với những ai muốn đi theo Ngài.

**
Chuyện kể rằng, hôm đó, trong lúc Đức Giêsu cùng với các môn đệ đang “nhịp bước đi trên… đường” thì bỗng nhiên, có người đến  bên Người và thưa rằng:  “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng  xin đi theo”.

Xin đi theo Thầy ư! Dễ thôi. Với Đức Giê-su, Ngài đã không ngăn cản đối với những ai muốn đi theo mình. Đã có lần, Ngài cất tiếng mời gọi “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi”. 

Chỉ có điều, xin đi theo Ngài, người ấy có dám “ra đi không vương thê nhi”, như những người môn đệ đầu tiên đã đi theo Ngài, hay không?

Nhớ, một lần nọ, khi Đức Giêsu vừa lên đường đi, thì có một chàng thanh niên đến và ngỏ lời muốn theo Ngài. Thế nhưng, khi vừa nghe Đức Giêsu đưa ra điều kiện “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”… Thiệt tình… khi anh ta nghe lời đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”

Hôm nay, với kẻ xin đi theo,  Đức Giêsu không chỉ đưa ra điều kiện, Ngài còn nói lên tình trạng về cuộc sống mà người môn đệ đi theo Ngài sẽ phải đón nhận. Đó chính là một cuộc sống “lang thang theo ngày tháng… lang thang trên đồi vắng… qua rừng sâu”, nói tắt một lời, đó là một cuộc sống được Đức Giê-su mô tả  khắc nghiệt hơn cả sự khắc nghiệt, rằng “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Chưa hết, với những nỗi “buồn vui” của cuộc đời,  những ai muốn đi theo Ngài đừng lấy làm đó như là lý do để trì hoãn cho một “quyết định”, cũng như cho một “xác định”, lý tưởng của mình.

Hôm đó, với kẻ “muốn về chôn cất cha tôi trước đã”, Đức Giê-su có lời bảo ban, rằng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.
Còn với kẻ muốn làm một bữa tiệc “từ biệt gia đình trước đã” ư! Với người này, Đức Giê-su mạnh mẽ khuyến cáo rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Thiên Chúa”.

Vâng, tất cả những yêu cầu Đức Giê-su đưa ra, chính là để gửi đến những ai muốn đi theo Ngài một thông điệp, thông điệp rằng: “phải từ bỏ mọi sự”. 

***
Phải từ bỏ mọi sự. Vâng, đừng nghĩ rằng, Lm. Charles E . Miller nói tiếp “ (Chúa) phản đối việc chôn cất các thân nhân đã chết, mà Người muốn nói rằng, ai bác bỏ Người, thì, về mặt nào đó, cũng giống như những người chết bởi lẽ họ đã bác bỏ Chúa-sự-sống. Đồng thời, đây cũng là cách nói của Chúa Giêsu, rằng, chúng ta phải xác định không có gì quan trọng hơn là hết lòng hết dạ với Người”.

Hẳn chúng ta còn nhớ, chuyện ông “Ê-li-sa được gọi” (x.1V 19, 19-21) Với câu chuyện này, ngôn sứ Ê-li-sa cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa điều  Lm. Charles E . Miller đã chia sẻ được nêu trên. 

Chuyện kể rằng: hồi ấy, Ê-li-sa được ơn gọi làm ngôn sứ. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Tấm áo choàng của Ê-li-a tượng trưng cho chức vụ ngôn sứ, và ông Ê-li-a kêu gọi ông Ê-li-sa lên thay chức vụ của mình. 

Với một thoáng ngập ngừng, ưu tư đến cha mẹ, ông Ê-li-sa “xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông”. Với “ơn tự do”, Ê-li-a cho phép. Thế rồi, Ê-li-sa trở về “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông”. 

Vâng, giết bò,  lấy cày làm củi, một hình thức “từ bỏ phương tiện sinh sống”, phải chăng, đó cũng là một hình thức “từ bỏ mọi sự”? Thưa, đúng vậy.

Tưởng cũng cần nhắc lại một lần nữa, tấm gương những người môn đệ đầu tiên là Anrê, Simon Phêrô, Gioan và Giacôbê, khi đáp lời mời gọi của Đức Giês, hẳn là một bài học tốt cho những ai muốn “Theo Chúa”. Chuyện kể lại rằng: khi Đức Giê-su gọi: “Các anh hãy theo tôi”, các ông đã “lập tức… bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4, 22).

Đức Giêsu không “hoan nghênh” thái độ lấp lửng “xin phép cho tôi về… xin phép cho tôi từ biệt…” rồi tôi sẽ v.v…và v.v…
Cái giá phải trả để theo Chúa chính là “sự từ bỏ”. Vâng, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…”(Lc 9,23).

Thánh Phaolô, sau này, có thể nói, ngài chính là tấm gương mẫu mực của người môn đệ theo Chúa. Là một công dân Roma, một thứ quyền “phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy” thế mà ngài dám “Từ bỏ” để trở nên người môn đệ của Chúa.

****
Trở lại với ngôn sứ Ê-li-a. Thiên Chúa đã ban cho ông “ơn tự do”, và ông ta đã sự dụng đúng ơn tự do đó. Ông đã tự do chọn lựa “từ bỏ mọi sự” và đi theo phục vụ Ê-li-a.

Nhắc tới điều này để làm gì? Thưa, là để nhắc với chúng ta rằng: chúng ta cũng được ơn tự do để chọn lựa. 

Tuy nhiên, phải dè chừng. Vì sao? Thưa, vì, coi chừng chúng ta bị xã hội lôi kéo“lạm dụng” sự tự do mà Thượng Đế đã ban cho mình. 

Thì đây, hãy nhìn xem, hàng ngày chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều cảnh lạm dụng sự tự do. Xã hội hôm nay sử dựng quyền tự do để làm cớ biện minh cho quyền tự do  phá thai hơn là “quyền được sống” của thai nhi. 

Nói tới ơn tự do, thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Anh  em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (x.Gl 5, 13).

Thì đây, nếu chúng ta lạm dụng quyền tự do,  “sống theo xác thịt”, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ sống trong sự nô lệ. 

Hãy thử nhìn xem một người sống theo xác thịt, nghiện ngập ma túy, họ có tự do không? Thưa không, họ sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn vật vả đói thuốc, nhất là trong sự sai khiến của sự phạm tội.

Hãy thử nhìn xem, một người sống theo xác thịt, nghiện sex, chẳng hạn, họ có tự do không? Thưa không, họ sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn đói sắc dục, những cơn đói dẫn họ đến thung lũng của bịnh hoạn và chết chóc, cả xác lần hồn.

Nói ra điều này để làm gì? Thưa, không ngoài mục đích, là để chúng ta sử dụng “ơn tự do” mà Thiên Chúa đã ban cho, đúng mục đích.   

Mà mục đích tiên quyết của việc theo Chúa là gì? Thưa, Đức Giê-su đã có lời khuyên dạy, đó là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Thưa, bạn, bạn có tin không? Có lẽ, câu trả lời, nên là để tùy thuộc mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, khi ông Phê-rô hỏi Đức Giê-su: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy”. Vâng, Phê-rô chưa kịp đòi hỏi, Đức Giê-su đã trả lời: “Thầy bảo thật anh  em; chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

(Chú ý: Chúa không khuyên các bà, các cô bỏ chồng đâu, à nghen!), nói vui thôi, các bạn nhé.

Đức Giê-su đã hứa như vậy, và Ngài không phải là kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên”. Thì đây, chúng ta cứ nhìn xem những vị linh mục, tu sĩ, họ là những người đã dám “bỏ hết mọi sự và theo Ngài”, có vị nào phải sống trong cảnh đói nghèo khổ sở, ở đời này không!  

Thế nên, giờ đây, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: đã là một Ki-tô hữu, tôi “đã tra tay  cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau” hay tôi sẵn sàng “bỏ mọi sự” vì Ngài!
Hãy nhớ, theo Chúa, Đức Giê-su đòi hỏi “phải bỏ mọi sự”(x.Lc 9, 57-63)

Petrus.tran

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.



Chúa Nhật XII – TN – C    

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.

Ki-tô giáo đã  hiện diện hơn hai ngàn năm, thế nhưng, Đức Giê-su là ai  vẫn là một câu hỏi gây thổn thức trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa nhân loại. 

Hiện diện đã hơn hai ngàn năm, lẽ tất nhiên, nhân loại phải biết Đức Giê-su là ai! Thế mà, vẫn còn không ít người đặt dấu hỏi.

Hỏi, phải chăng là vì vẫn còn hoài nghi? Phải chăng là để thách đố? Phải chăng là để xúc phạm, là để châm biếm? (Như tờ báo Charlie Hebdo vẫn thường xúc phạm, châm biếm).

Vâng, có người hỏi là để thỏa tính tò mò, hiếu kỳ. Có người hỏi, như là để nghiên cứu một tôn giáo nào đó. Có người hỏi, nhất là những người có “ác cảm” với Ki-tô giáo, không ngoài mục đích là để khoét sâu thêm mối ác cảm, hận thù, khiêu kích.

Đức Giê-su là ai ư! Thật ra, câu hỏi này đã được  Đức Giê-su đặt ra, và đặt ra là để hỏi chính các người môn đệ của mình. Và các môn đệ đã có câu trả lời thích đáng.

Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 9, 18-24).

**  Vâng, sự kiện đó đã được thánh sử Luca ghi lại như sau: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình”.

Hôm ấy, cũng có các môn đệ “cùng ở đó với Người”. Sau những giây phút thinh lặng của nguyện cầu, Đức Giêsu gọi các môn đệ đến và hỏi các ông rằng:  “Dân chúng nói Thầy là ai?”

Thầy là ai ư! Thầy ạ! Dư luận đồn ầm lên về Thầy khắp hang cùng ngõ hẻm, từ Galilê cho đến Giêrusalem, từ Betsaiđa lan tỏa ra  khắp cả Palestina… thế mà Thầy không biết gì ư! Vâng, có lẽ, mười hai người môn đệ cùng một suy nghĩ như thế.

Mà thật vậy, kể từ khi theo Đức Giê-su, có thể nói,  chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi động như lúc này. Sôi động là bởi, câu hỏi của Ngài thật hợp thời, hợp lúc. 

Dư luận trong dân chúng lúc này rất có thiện cảm với Đức Giê-su. Nhất là, sau biến cố Ngài hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê.  
Hôm đó, sau một vài phút trầm ngâm, một vài tiếng nói, trong nhóm các ông, đã thốt lên rằng:  “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả… có kẻ lại bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. 

Cũng hợp lý đấy chứ, phải không, thưa quý bạn? Này nhé, những gì Đức Giêsu đã giảng dạy, như kêu gọi mọi người “hãy sám hối”  so sánh với lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả “hãy sám hối”, hỏi sao dân chúng không nghĩ Ngài là Gioan tẩy giả! 

Rồi đến phép lạ Đức Giêsu đã làm “hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana” và cải tử hoàn sinh “cho con trai của một bà góa tại thành Nain”, so sánh với  phép lạ do ngôn sứ Êlia đã làm cho một bà góa ở Xarépta. 

Xưa, tại nơi đó, ngài Êlia, đã nhờ lời cầu nguyện với Đức Chúa mà “hũ bột và vò dầu” của một bà góa ở Xarepta “không vơi và chẳng cạn”. Con trai của bà “bệnh tình trầm trọng đến nỗi đã tắt thở” cũng đã được “Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống” (1V 14,22). Hỏi sao người ta không nghĩ Đức Giê-su là Ê-li-a!

Hợp lý là vậy, nhưng không thấy Đức Giê-su xác nhận hay phủ nhận. Hướng ánh mắt về các môn đệ, Ngài  gửi đến các ông một câu hỏi, hỏi rằng:  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 

Ôi! Trời ạ… Tại sao Thầy lại hỏi chúng ta? 

Hôm đó, mười hai con người với mười hai đôi mắt nhìn nhau như dò hỏi. Dò hỏi, phải chăng Thầy hỏi là để  thẩm định lại nhận thức của mình, nhận thức về Ngài sau những ngày tháng đã tin và đã đi theo Ngài?  

Trong những giây phút miên man suy nghĩ, cuối cùng,  người môn đệ tên là Phê-rô,  một Phêrô như là đại diện cho nhóm mười hai, nói với Đức Giêsu rằng, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.  

***  “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. 

Thật ra, không phải chỉ ông Si-mon Phêrô mới có lời tuyên xưng này. Tại Giêrusalem, dân chúng Israel cũng đã có những tranh luận về “Con Người” của Đức Giêsu. Có người coi Ngài như một vị ngôn sứ không hơn không kém. Nhưng cũng có người nói Ngài chính “là Đấng Kitô” (Ga 7, 41).

Tuy nhiên, giữa lời tuyên xưng của ông Si-mon Phê-rô và lời nhận định của một số người Do Thái tại Giê-su-sa-lem hoàn toàn khác.

Với người Do Thái tại Giê-su-sa-lem, họ tuyên bố trong sự “nghi ngờ”. Thật vậy, chính một số người trong nhóm của họ đã tuyên bố: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?” (Ga 7, 41).

Còn với ông Phê-rô, đó là một lời tuyên xưng, một lời tuyên xưng với tất cả niềm tin, tin thật vào “Con Người thật” của Đức Giê-su, một “Con Người” mà ông và những người bạn của ông đã dám “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.

Tại sao chúng ta có thể nhận định về ngài Phê-rô như thế? Thưa, đó là dựa vào lời nhận định của chính Đức Giê-su.

Đúng vậy, lời tuyên xưng của ông Phê-rô không phải là một thứ “thông tin”, không phải là dựa vào một lời “đồn đãi”, như những thông tin, những lời đồn đãi đời thường. Trái lại, lời tuyên xưng của ông đã được Đức Giêsu nhìn nhận là một lời tuyên xưng không phát xuất do “phàm nhân mặc khải” nhưng là do Cha của Ngài “Đấng ngự trên trời” đã mặc khải.

Điều này đã được thánh sử Mát-thêu ghi nhận. (x.Mt 16, 17)

Còn với Đức Giê-su ư! với Ngài, khi mở ra cuộc hội thoại này, điều Ngài quan tâm đến, đó chính là muốn các môn đệ xác tín lại niềm tin của mình, không phải là “tin nhiều hay tin ít” nhưng là “tin thật” vào Con-Người-thật của Ngài với sứ mạng  Ngài sẽ phải thực hiện.

Hôm đó, cũng là lần thứ nhất, Đức Giêsu nói đến sứ mạng của Ngài, “của Đấng Kitô”,   đó là:  “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.

**** Xưa, Đức Giê-su đã hỏi: “Dân chúng nói Thầy là ai?”  Và, dân chúng (thời đó) đã có câu trả lời.  Xưa, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Các môn đệ đã có câu trả lời.

Nếu hôm nay, Đức Giêsu cũng với hai câu hỏi đó, và và hỏi chúng ta, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời “y chang” như dân chúng cũng như các môn đệ xưa?  

Thưa, nếu chúng ta trả lời như thế, không chừng, Đức Giê-su sẽ khen rằng: “Ồ! Anh chàng này thuộc Kinh Thánh”!  Và, nếu chúng ta trả lời như tông đồ Phê-rô xưa, cũng không sai, nhưng nó chỉ nói lên được một điều duy nhất, rằng, niềm tin của người trả lời chưa đủ trưởng thành, và không khéo, người trả lời sẽ bị mang tiếng là có một niềm tin của một “con vẹt”.  

Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa ư! Vâng, nếu đó là câu trả lời của chúng ta, thánh Gia-cô-bê nói: “Cả ma quỷ cũng tin như thế” (x.Gc 2, …19).

Thật ra, chẳng bao giờ Đức Giêsu sẽ hỏi chúng ta như Ngài đã hỏi với các tông đồ xưa kia. Nếu hôm nay, Đức Giêsu có hỏi, có lẽ Ngài sẽ hỏi rằng, “Dân chúng nói đạo Công Giáo là đạo gì? Còn anh em, anh em bảo người Công Giáo là ai?” 

Câu trả lời của chúng ta là gì?  Phải chăng là dựa vào quyển “Giáo Lý Công Giáo”? Là sử dụng cẩm nang 12 Ðiều Mà Mọi Người Công Giáo Phải Trả Lời Ðược” của Deal Hudson đã được giáo lý viên Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ? 
 
Tốt, phải nói là rất tốt. Bởi, những điều chúng ta học được trong cuốn sách đó, như lời thánh Phaolô nói, nó chính là “người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3, …24).  

Tuy nhiên, với thánh Phaolô, ngài vẫn cho là  chưa đủ để có thể có một gương mặt của một Kitô hữu đích thực. Một Kitô hữu đích thực, thánh Phaolô có câu trả lời rõ ràng, rằng, phải là người “Mặc lấy Đức Kitô”.

Thế nào là mặc-lấy-Đức-Ki-tô? Thưa, dĩ nhiên không phải là chúng ta sẽ theo lối ăn mặc xưa của Ngài nhưng là mặc lấy cung cách sống của Ngài. Đó là sống yêu thương, sống nhân từ, sống tha thứ.

Thế nào là sống yêu thương như Đức Giê-su?  Thưa, đó là: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Và, đó là: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”.  Thế nào là sống nhân từ như Ngài? Thưa, là “Đừng xét đoán… đừng lên án… “.

 Và cách tha thứ của Ngài ra sao? Thưa,  là phải tha đến “bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18, …22).

Nói tắt một lời, đó là “Hãy từ bỏ mình…”, như lời Đức Giê-su đã mời gọi: “Phải từ bỏ mình…”, vậy thôi.

Thế nên, để trả lời cho câu hỏi của Thầy Chí Thánh Giê-su cũng như cho bàn dân thiên hạ biết “Ngài là ai?” không gì tốt hơn là  chúng ta hãy sống đúng cung cách yêu thương của Ngài, sống đúng cung cách nhân từ của Ngài, sống đúng cung cách tha thứ của Ngài.

Đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng trải trên con đường loan báo cho bàn dân thiên hạ biết Đức Giê-su là ai, thánh Phao-lô chia sẻ rằng: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4, 17).”

Làm thế nào để “có Chúa đứng bên cạnh”! Thưa, Đức Giêsu có lời khuyên rằng: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh  em chẳng làm gì được… Nếu anh  em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh  em, thì muốn gì, anh  em cứ xin, anh  em sẽ được như ý”.(x.Ga 15, 5)

Thực hiện lời khuyên này không khó. Chỉ cần chúng ta đến tham dự vào bàn Tiệc Thánh Thể, mỗi ngày. Tại đây, chúng ta sẽ được “ăn thịt và uống máu” của Đức Giê-su, một cách thế “ở lại  với Ngài”.

Vâng, đừng quên, lời tuyên bố của Đức Giê-su ở Caphanaum, năm xưa,  rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x.Ga 6, 56).

Trong niềm tin này, chúng ta hãy mượn lời của hai môn đệ trên làng Emmau xưa, mà nguyện rằng: Lạy Chúa, “Mời (Ngài) ở lại với chúng tôi…” Có Chúa ở với chúng ta, Ngài chính là sức mạnh để chúng ta có thể loan báo Tin Mừng, Tin Mừng Đức Giê-su chính là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Tha thứ chính là “mệnh lệnh của Chúa”.



Chúa Nhật XI – TN – C     

Tha thứ chính là “mệnh lệnh của Chúa”.

Không ai là thánh nhân. Thật vậy, cuộc sống của con người là một chuỗi dài của lầm lỗi. Có ai mà không hơn một lần phạm tội. Thế nên, có ai mà không mong muốn được hưởng sự tha thứ, sau mỗi lần lầm lỗi, phạm tội.

Nói tới sự tha thứ, Mahatma Gandhi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.” Victor Hugo thì nói: “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Còn Martin Luther ư! Ông ta nói: “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.

Đúng vậy, Đức Giê-su khi còn tại thế, vào một ngày nọ, khi Thầy và trò bên nhau, tông đồ Phê-rô mon men đến và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy”.

Phải là “bảy mươi lần bảy”, vì, như thế mới chứng tỏ: “Lòng lân tuất của Đức Chúa cao cả dường bao” và, “ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người lớn lao biết mấy” (x.Hc 17, 29).

 Câu chuyện “Người phụ nữ tội lỗi được tha thứ”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, phác họa rõ nét lòng lân tuất của Thiên Chúa, qua Con Một Người là Đức Giê-su.   

       **Vâng, chuyện được kể rằng: Một hôm, có người thuộc nhóm Phariseu, tên là Si-mon, ông ta mời Đức Giê-su dùng bữa với mình.

Đức Giê-su nhận lời, và Ngài đã đến nhà ông ta. Tại nhà ông ta, trong lúc mọi người chén tạc chén thù. Thì, bất ngờ thay! Có một vị khách không mời mà đến. 

Ai vậy cà! Thưa, đó là một người phụ nữ. Bà ta cũng là một cư dân trong thành. Sự xuất hiện của bà ta làm cho ông chủ của bữa tiệc, khó chịu.  Tại sao? Thưa, khó chịu là bởi, nàng “vốn là người tội lỗi trong thành”, và khó chịu hơn nữa, đó là, cử chỉ của  nàng quá tự nhiên,  quá lố bịch, (ít ra cũng là nơi suy nghĩ của chủ gia).

Vâng, tệ thật, không chút rụt rè, nàng đến bên Đức Giêsu, “mà khóc”. Thật không thể tưởng tượng được rằng, nàng khóc nhiều đến nỗi có thể “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người”, chưa dừng lại ở đó, nàng còn “lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người”, cuối cùng, nàng “lấy dầu thơm mà đổ lên”.  

Nhìn cảnh tượng này, ông Simôn không còn bình tĩnh được nữa,  tâm hồn ông nghĩ ngợi lung tung về Đức Giêsu. Ông nghi ngờ về vai trò của Ngài, vai trò của một ngôn sứ, như ông ta đã nghĩ như thế, rằng, ngôn sứ gì mà không biết “người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi”!!!

Đọc được những suy nghĩ của ông, Đức Giêsu phớt lờ về những ý nghĩ thiển cận đó.  Ngược lại, Ngài đã biểu lộ lòng lân tuất của mình và sẵn sàng ban ơn tha thứ cho  người phụ nữ đó. Hôm đó, trước đông đảo cử tọa nơi bữa tiệc, Đức Giêsu tuyên bố: “Tội của chị được tha rồi”.(x.Lc 7, 48)

***Có thể nói rằng,  Si-mon, cũng như tất cả những người hiện diện trong bữa tiệc,  tuy “đồng bàn” với Đức Giêsu, nhưng họ đã không “đồng tâm” với Ngài.  Chưa đồng tâm, có thể do họ chưa được nghe những gì Đức Giêsu đã giảng dạy, rằng: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10). 

Có thể, họ chưa nghe  bài học về sự “xét đoán” của Đức Giê-su. Bài học rằng: “Anh  em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy…. Sao anh em thấy cái rác trong con mắt của người anh  em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới”.  

Hôm đó, để cho Simon, cũng như toàn thể quan khách,  nhìn thấy “cái xà gồ nơi đôi mắt của mình”, Đức Giêsu đã kể câu chuyện về một ông chủ nợ, ông ta  “thương tình tha cho cả hai” con nợ, một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm mươi, “vì họ không có gì để trả”. 

Sau đó, để cho vị chủ nhà đừng soi mói “cái rác trong con mắt người khác”, Ngài hỏi,  “Trong hai người đó, ai mến chủ hơn”?

Vâng, thật dễ cho câu trả lời. 

Thì đây, hãy đem người phụ nữ “vốn là người tội lỗi trong thành”, và  so sánh với ông kẹ Phariseu tên là Simon, về việc tiếp đón Đức Giê-su. Một bên là ông,  là “chủ bữa tiệc”, thế mà “nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi”. Còn với chị ta ư!  Kìa! Ông không thấy chị ta  đã lấy “dầu thơm mà đổ lên chân tôi”, sao?

Thật ra, với Đức Giê-su, có xá gì một “bình bạch ngọc dầu thơm”, có xá gì một bữa tiệc linh đình… Kinh Thánh,  có lời Đức Chúa đã phán với ngôn sứ Edekien rằng: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18, 23).  

Xưa, một David với lỗi lầm này tiếp lỗi lầm khác. Nhưng vì ông ta đã biết mình “đắc tội với Đức Chúa” nên “Đức Chúa – Người đã bỏ qua tội của (ông ta) và (ông ta) sẽ không phải chết” (2Sm 12,13).

Nay, không phải Đức Giê-su dung dưỡng kẻ phạm tội. Ngài muốn mở lối cho kẻ ăn năn và hối cải trở về. Với một điều kiện duy nhất, đó là “Sự sám hối và lòng tin”. Người phụ nữ, trong câu chuyện, đã biểu lộ lòng sám hối qua hành động “đứng sát chân Ngài mà khóc”,  cùng với trọn vẹn lòng tin của mình, thì có gì phải xầm xì nhỏ to, khi Đức Giê-su tuyên bố “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”, hở ông Si-mon?

****Thật ra, khi truyền dạy về sự tha thứ, Đức Giê-su còn  đưa ra nhiều “dụ ngôn”, điển hình như dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, hầu cho mọi người có thể khám phá ra một Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” đối với tất cả mọi người.

“…Thiên Chúa, qua Con Một là Đức Giê-su, ‘đi tìm con chiên lạc’, tha thứ đứa con hư hỏng, nay biết hối cải trở về. Và cuối cùng, tại đồi Golgotha, là một cử chỉ đầy bao dung, Ngài đã cầu nguyện: ‘Lạy Cha xin tha cho họ’. Chưa hết, Người còn “bào chữa” cho những kẻ đóng đinh Người ‘vì họ không biết việc họ làm’. Đó là dung mạo, là bản tính của Thiên Chúa”.

Vâng, Lm. Charles E.Miller, qua một bài giảng, đã chia sẻ  với chúng ta, như thế.

*****Là một Ki-tô hữu, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết đến lời cầu nguyện do chính Đức Giê-su, đã dạy.

Vâng, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. 

Thế nhưng, như lời Tổng Giám Mục José H. Gomez, trong một  bài giảng,  ngài nói rằng: “Nền văn hóa của chúng ta ngày nay đã trở nên một nền văn hóa càu nhàu và nóng giận, người ta mau chóng kết án và mau chóng chỉ trích. Chúng ta đang sống trong nền văn hóa thiếu vắng sự tha thứ. Hằng ngày, chúng ta vẫn cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết tha thứ khi chúng ta đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta – ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’ Nhưng thật khó biết dường nào để chúng ta sống với những lời nguyện ấy! Ngược lại, chúng ta thấy dễ dàng biết bao khi chúng ta đi vào những phê bình chỉ trích tha nhân.”

Thì đây, hãy nhìn ở Việt Nam hôm nay. Chỉ cần một va quẹt nhẹ trong lúc lưu thông trên đường phố, thay vì  xin lỗi và tha thứ, người ta lại xử sự với nhau bằng tiếng “Đan Mạch”, bằng cơ bắp, có khi lại bằng gươm giáo nữa.   

Sống không có sự tha thứ, cuộc sống đó luôn chất chứa sự oán trách, tệ hơn nữa, đó là hận thù. Và, nếu điều này ngự trị trong gia đình, thì gia đình đó có còn là tổ ấm, hay sẽ trở thành ngục tù! Thưa, chắc chắn là ngục tù.

Trong chuyên mục “Quà tặng cuộc sống” có một câu chuyện được kể, rằng: “Thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên, rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.

Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và chúng tôi không muốn mang nó trong người nữa.

Các bạn thấy không? sự bực tức giận dữ một ai đó chỉ là gánh nặng thêm cho bản thân mình, nó làm cho chúng ta mất thời gian suy nghĩ,  để tâm, nhiều khi lại làm cho người khác bực dọc nữa… Khi chúng ta lấy câu chuyện trên để nói về nó, chúng ta mới thấy được sự vướng víu khó chịu.
Các bạn hãy như những người bạn trong câu chuyện, vứt bỏ đi những sự khó chịu, sự bực tức vì chính nó làm kiềm hãm sự suy nghĩ và sự thăng tiến của mỗi chúng ta.

Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ, nhưng bạn thấy đấy, đây rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.” (nguồn: internet)

Làm sao để có “chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay hận thù”?  Tạ ơn Chúa, thánh Phaolô, ngài đã chỉ dẫn cho ta một phương thế, đó là, hãy “cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá”, dĩ nhiên thánh nhân không “xúi dại” chúng ta đóng đinh thân xác mình, nhưng là “đóng đinh tội lỗi cùng bản ngã” của mình, bởi có như thế, chúng ta mới có thể trở thành một con-người-mới, một con người “sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

“Đức Kitô sống trong tôi”, hãy tin, với ơn Chúa Thánh Thần,  chúng ta đủ sức “phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ”.

Một khi lòng ích kỷ  không ngự trị trong tâm hồn ta, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, không cần đợi đến thánh Phan-xi-cô thành Assisi kêu gọi, mà tự chính chúng ta cũng ý thức đến việc phải nối dài cánh tay ngài: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Nói tắt một lời, đó là chúng ta đem hạnh phúc và bình an đến cho mọi người.

Nói cách khác, làm được như thế, chúng ta không chỉ tiếp tục thực hiện “lòng lân tuất và ơn tha thứ” của Thiên Chúa, đối với tha nhân, mà còn làm tròn mệnh lệnh của Chúa.  

Vì, tha thứ chính là “mệnh lệnh của Chúa”.

Petrus.tran
 

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...