Chúa Nhật XII – TN – C
Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.
Ki-tô giáo đã
hiện diện hơn hai ngàn năm, thế nhưng, Đức Giê-su là ai vẫn là một câu hỏi gây thổn thức trong suốt
chiều dài lịch sử văn hóa nhân loại.
Hiện diện đã hơn hai ngàn năm, lẽ tất nhiên,
nhân loại phải biết Đức Giê-su là ai! Thế mà, vẫn còn không ít người đặt dấu hỏi.
Hỏi, phải chăng là vì vẫn còn hoài nghi? Phải chăng là để thách đố? Phải chăng là để xúc phạm, là để châm biếm? (Như tờ báo Charlie Hebdo vẫn thường xúc phạm, châm biếm).
Vâng, có người hỏi là để thỏa tính tò mò, hiếu kỳ. Có người hỏi, như là để nghiên cứu một tôn giáo nào đó. Có người hỏi, nhất là những người có “ác cảm” với Ki-tô giáo, không ngoài mục đích là để khoét sâu thêm mối ác cảm, hận thù, khiêu kích.
Đức Giê-su là ai ư! Thật ra, câu hỏi này đã được Đức Giê-su đặt ra, và đặt ra là để hỏi chính các người môn đệ của mình. Và các môn đệ đã có câu trả lời thích đáng.
Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 9, 18-24).
** Vâng, sự kiện đó đã được thánh sử Luca ghi lại như sau: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình”.
Hôm ấy, cũng có các môn đệ “cùng ở đó với Người”. Sau những giây
phút thinh lặng của nguyện cầu, Đức Giêsu gọi các môn đệ đến và hỏi các ông rằng:
“Dân chúng nói Thầy là ai?”
Thầy là ai ư! Thầy ạ! Dư luận đồn ầm lên về Thầy khắp hang cùng
ngõ hẻm, từ Galilê cho đến Giêrusalem, từ Betsaiđa lan tỏa ra khắp cả Palestina… thế mà Thầy không biết gì
ư! Vâng, có lẽ, mười hai người môn đệ cùng một suy nghĩ như thế.
Mà thật vậy, kể từ khi theo Đức Giê-su, có thể nói, chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các
môn đệ lại sôi động như lúc này. Sôi động là bởi, câu hỏi của Ngài thật hợp thời,
hợp lúc.
Dư luận trong dân chúng lúc này rất có thiện cảm với Đức Giê-su.
Nhất là, sau biến cố Ngài hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê.
Hôm đó, sau một vài phút trầm ngâm, một vài tiếng nói, trong
nhóm các ông, đã thốt lên rằng: “Họ bảo
Thầy là ông Gioan Tẩy Giả… có kẻ lại bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một
trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.
Cũng hợp lý đấy chứ, phải không, thưa quý bạn? Này nhé, những
gì Đức Giêsu đã giảng dạy, như kêu gọi mọi người “hãy sám hối” so sánh với lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả
“hãy sám hối”, hỏi sao dân chúng không nghĩ Ngài là Gioan tẩy giả!
Rồi đến phép lạ Đức
Giêsu đã làm “hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana” và cải tử hoàn sinh “cho
con trai của một bà góa tại thành Nain”, so sánh với phép lạ do ngôn sứ Êlia đã làm cho một bà góa
ở Xarépta.
Xưa, tại nơi đó, ngài Êlia, đã nhờ lời cầu
nguyện với Đức Chúa mà “hũ bột và vò dầu” của một bà góa ở Xarepta “không vơi
và chẳng cạn”. Con trai của bà “bệnh tình trầm trọng đến nỗi đã tắt thở” cũng
đã được “Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó
sống” (1V 14,22). Hỏi sao người ta không nghĩ Đức Giê-su là Ê-li-a!
Hợp lý là vậy, nhưng không thấy Đức Giê-su xác nhận hay phủ nhận.
Hướng ánh mắt về các môn đệ, Ngài gửi đến
các ông một câu hỏi, hỏi rằng: “Còn anh
em, anh em bảo Thầy là ai?”
Ôi! Trời ạ… Tại sao Thầy lại hỏi chúng ta?
Hôm đó, mười hai con người với mười hai đôi mắt nhìn nhau như dò
hỏi. Dò hỏi, phải chăng Thầy hỏi là để thẩm định lại nhận thức
của mình, nhận thức về Ngài sau những ngày tháng đã tin và đã đi theo
Ngài?
Trong những giây phút miên man suy nghĩ, cuối cùng, người môn đệ tên là Phê-rô, một Phêrô như là đại diện cho nhóm mười hai,
nói với Đức Giêsu rằng, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
*** “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Thật
ra, không phải chỉ ông Si-mon Phêrô mới có lời tuyên xưng này. Tại Giêrusalem,
dân chúng Israel cũng đã có những tranh luận về “Con Người” của Đức Giêsu. Có
người coi Ngài như một vị ngôn sứ không hơn không kém. Nhưng cũng có người nói
Ngài chính “là Đấng Kitô” (Ga 7, 41).
Tuy nhiên, giữa lời tuyên xưng của ông Si-mon Phê-rô và lời nhận định của một
số người Do Thái tại Giê-su-sa-lem hoàn toàn khác.
Với
người Do Thái tại Giê-su-sa-lem, họ tuyên bố trong sự “nghi ngờ”. Thật vậy,
chính một số người trong nhóm của họ đã tuyên bố: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân
từ Ga-li-lê sao?” (Ga 7, 41).
Còn với ông Phê-rô, đó là một lời tuyên xưng, một lời tuyên xưng với tất cả
niềm tin, tin thật vào “Con Người thật” của Đức Giê-su, một “Con Người” mà ông
và những người bạn của ông đã dám “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.
Tại sao chúng ta có thể nhận định về ngài Phê-rô như thế? Thưa, đó là dựa vào
lời nhận định của chính Đức Giê-su.
Đúng vậy, lời tuyên xưng của ông Phê-rô không phải là một thứ “thông tin”,
không phải là dựa vào một lời “đồn đãi”, như những thông tin, những lời đồn đãi
đời thường. Trái lại, lời tuyên xưng của ông đã được Đức Giêsu nhìn nhận là một
lời tuyên xưng không phát xuất do “phàm nhân mặc khải” nhưng là do Cha của Ngài
“Đấng ngự trên trời” đã mặc khải.
Điều này đã được thánh sử Mát-thêu ghi nhận. (x.Mt 16, 17)
Còn với Đức Giê-su ư! với Ngài, khi mở ra cuộc hội thoại này, điều Ngài quan tâm đến, đó chính là muốn các môn đệ xác tín lại niềm tin của mình, không phải là “tin nhiều hay tin ít” nhưng là “tin thật” vào Con-Người-thật của Ngài với sứ mạng Ngài sẽ phải thực hiện.
Hôm đó, cũng là lần thứ nhất, Đức Giêsu nói đến
sứ mạng của Ngài, “của Đấng Kitô”, đó
là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều,
bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ
trỗi dậy”.
**** Xưa, Đức Giê-su đã hỏi: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Và, dân chúng (thời đó) đã có câu trả lời. Xưa, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?” Các môn đệ đã có câu trả lời.
Nếu hôm nay, Đức Giêsu
cũng với hai câu hỏi đó, và và hỏi chúng ta, chúng ta sẽ trả lời như thế nào?
Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời “y chang” như dân chúng cũng như các môn đệ
xưa?
Thưa, nếu chúng ta trả
lời như thế, không chừng, Đức Giê-su sẽ khen rằng: “Ồ! Anh chàng này thuộc Kinh
Thánh”! Và, nếu chúng ta trả lời như
tông đồ Phê-rô xưa, cũng không sai, nhưng nó chỉ nói lên được một điều duy nhất,
rằng, niềm tin của người trả lời chưa đủ trưởng thành, và không khéo, người trả
lời sẽ bị mang tiếng là có một niềm tin của một “con vẹt”.
Thầy là Đấng Ki-tô của
Thiên Chúa ư! Vâng, nếu đó là câu trả lời của chúng ta, thánh Gia-cô-bê nói: “Cả
ma quỷ cũng tin như thế” (x.Gc 2, …19).
Thật ra, chẳng bao giờ
Đức Giêsu sẽ hỏi chúng ta như Ngài đã hỏi với các tông đồ xưa kia. Nếu hôm nay,
Đức Giêsu có hỏi, có lẽ Ngài sẽ hỏi rằng, “Dân chúng nói đạo Công Giáo là đạo
gì? Còn anh em, anh em bảo người Công Giáo là ai?”
Câu trả lời của chúng
ta là gì? Phải chăng là dựa vào quyển
“Giáo Lý Công Giáo”? Là sử dụng cẩm nang “12 Ðiều Mà Mọi
Người Công Giáo Phải Trả Lời Ðược” của Deal Hudson đã được giáo lý viên Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ?
Tốt, phải nói là rất tốt.
Bởi, những điều chúng ta học được trong cuốn sách đó, như lời thánh Phaolô nói,
nó chính là “người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên
công chính nhờ đức tin” (Gl 3, …24).
Tuy nhiên, với thánh
Phaolô, ngài vẫn cho là chưa đủ để có thể
có một gương mặt của một Kitô hữu đích thực. Một Kitô hữu đích thực, thánh
Phaolô có câu trả lời rõ ràng, rằng, phải là người “Mặc lấy Đức Kitô”.
Thế nào là mặc-lấy-Đức-Ki-tô? Thưa, dĩ
nhiên không phải là chúng ta sẽ theo lối ăn mặc xưa của Ngài nhưng là mặc lấy
cung cách sống của Ngài. Đó là sống yêu thương, sống nhân từ, sống tha thứ.
Thế nào là sống yêu thương như Đức Giê-su? Thưa, đó là: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Và, đó là: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Thế nào là sống nhân từ như Ngài? Thưa, là “Đừng xét đoán… đừng lên án… “.
Và cách tha thứ của Ngài ra sao? Thưa, là phải tha đến “bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,
…22).
Nói tắt một lời, đó là “Hãy từ bỏ
mình…”, như lời Đức Giê-su đã mời gọi: “Phải từ bỏ mình…”, vậy thôi.
Thế nên, để trả lời cho câu hỏi của Thầy
Chí Thánh Giê-su cũng như cho bàn dân thiên hạ biết “Ngài là ai?” không gì tốt
hơn là chúng ta hãy sống đúng cung cách yêu thương của Ngài, sống đúng
cung cách nhân từ của Ngài, sống đúng cung cách tha thứ của Ngài.
Đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng trải trên con đường loan báo cho bàn dân thiên hạ biết Đức Giê-su là ai, thánh Phao-lô chia sẻ rằng: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4, 17).”
Đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng trải trên con đường loan báo cho bàn dân thiên hạ biết Đức Giê-su là ai, thánh Phao-lô chia sẻ rằng: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4, 17).”
Làm thế nào để “có Chúa đứng bên cạnh”! Thưa, Đức Giêsu có lời khuyên rằng: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được… Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”.(x.Ga 15, 5)
Thực hiện lời khuyên này không khó. Chỉ
cần chúng ta đến tham dự vào bàn Tiệc Thánh Thể, mỗi ngày. Tại đây, chúng ta sẽ
được “ăn thịt và uống máu” của Đức Giê-su, một cách thế “ở lại với Ngài”.
Vâng, đừng quên, lời tuyên bố của Đức
Giê-su ở Caphanaum, năm xưa, rằng: “Ai
ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”
(x.Ga 6, 56).
Trong niềm tin này, chúng ta hãy mượn lời
của hai môn đệ trên làng Emmau xưa, mà nguyện rằng: Lạy Chúa, “Mời (Ngài) ở lại
với chúng tôi…” Có Chúa ở với chúng ta, Ngài chính là sức mạnh để chúng ta có
thể loan báo Tin Mừng, Tin Mừng Đức Giê-su chính là “Đấng Ki-tô của Thiên
Chúa”.
Petrus.tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét