Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Lẽ nào chúng ta không “đi theo Người”!


Chúa Nhật XXX – TN – B 

Lẽ nào chúng ta không “đi theo Người”!

Người xưa có nói: “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Chưa hết, khi nói tới đôi mắt, chúng ta còn được nghe: “Giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay”. Với những lời nhận định như thế, đôi mắt quả là một bộ phận đáng quý của con người. 

Mà sao không đáng quý cho được, bởi, đôi mắt chính là phương tiện để biểu hiện những cảm xúc của con người. Qua đôi mắt, ta có thể diễn tả sự ưu tư, nỗi phiền muộn. Ta có thể tỏ lộ niềm vui, hạnh phúc. Ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Ta có thể gửi đến ai đó cảm xúc   yêu thương của mình. 

Thế nhưng, đó mới chỉ là về phương diện thể lý. Còn về phương diện tâm linh, thì sao! Thưa, về phần tâm linh, cụ thể là với người có niềm tin Ki-tô giáo, đôi mắt không đơn thuần chỉ để nhìn ngắm những gì thuộc thế gian, nhưng còn là để ngước nhìn lên thượng giới (Thiên Chúa). 

Đôi mắt đó, nói theo ngôn ngữ tâm linh, đó là “đôi mắt đức tin”, riêng tác giả  Trầm Thiên Thu, trong một bài suy tư tựa đề là “Thị lực”, ông ta đã gọi đôi mắt đó là một “thiên nhãn” đặc biệt. 

Chả vậy mà Đức Giê-su, khi nói về “đôi mắt đức tin”, Ngài đã  có thông điệp rằng: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng”

Kinh Thánh có ghi lại nhiều câu chuyện nói về những con người sở hữu “đôi mắt đức tin – thiên nhãn” đặc biệt ấy. Và, tiêu biểu cho những con người đó chính là một anh mù ở Giê-ri-khô. Mù thuộc thể, nhưng anh ta không mù thuộc linh. Nói rõ hơn, anh ta đã có một “đôi mắt đức tin” tuyệt vời. Chính Đức Giê-su đã phải thốt lên lời khen ngợi anh ta, rằng: “lòng tin của anh đã cứu anh”.  Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

** Chuyện kể rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Đây là một thành phố được nói đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước. 

Vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm rất nhiều phép lạ tại đây. Một trong những phép lạ đó, chính là phép lạ Thiên Chúa làm cho “nước hóa lành” khi mà ở Giêrikhô “địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh”. Phép lạ đó đã hồi sinh dân thành Giêrikhô. (x.2V2, 21-22).

Còn Tân Ước ư! Vâng, Tân Ước cũng nhiều lần nói đến ngôi thành này. Một câu chuyện không kém phần nổi tiếng, đó là chuyện ông Da-kêu. Thánh sử Luca đã kể rằng: Hồi ấy, “Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành này”. Tại nơi đây, Ngài đã viếng thăm nhà ông ta.  Sự viếng thăm đó đã mang đến cho ông ta “ơn cứu độ”. (x.Lc 19, 1-10)

Và, đặc biệt là hôm nay, cũng là Giê-ri-khô, một lần nữa, người ta lại một phen sửng sốt khi nhìn thấy tỏ tường phép lạ của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu.

Đức Giê-su đã làm phép lạ cho ai? Thưa, cho một anh mù. Anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Hôm đó, anh Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin bên vệ đường.

Và khi nghe tiếng lao xao của một đám đông đi ra khỏi thành, trong đó có ông Giê-su người Na-da-rét, thế là anh ta vội vàng lớn tiếng kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).

Có đáng thương không, thưa quý vị? Đáng thương chứ! Nghèo, ngồi ăn xin, lại còn mù nữa chứ. Thế nên, phải nói rằng: thật đáng thương. Thế mà… thế mà buồn thay…. Chuyện kể tiếp rằng: “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi”.

C’est la vie – Đời là thế! Là  “…chuyện gì, chứ chuyện này anh không được xía vào. Chúng tôi đang bận bịu tiếp rước một Đại Ráp-bi, vì thế Ba-ti-mê ơi, im dùm cái đi. Hãy tránh ra một bên, đừng quấy rầy Ráp-bi và chúng tôi nữa. Nếu cần một chút tiền để mua một ổ bánh lót dạ chiều nay, thì tiền đây hãy cầm lấy. Vậy là đủ rồi, hãy đi chỗ khác chơi dùm cái”.

(Vâng, đọc trên internet, tôi thấy có người (ẩn danh) đã tưởng tượng ra lời quát nạt anh mù như thế đó. Mà, tưởng tượng như thế có gì sai, khi mà hôm nay, chúng ta  từng chứng kiến ở một vài giáo xứ, cũng có  không ít “ông trật tự” quát nạt, xua đuổi một vài em nhỏ cố gắng len lỏi lên phía trước để chiêm ngưỡng vị Giám Mục đáng kính, đến thăm giáo xứ của mình).

Thôi! chúng ta trở lại chuyện anh Ba-ti-mê. Hôm ấy, anh Ba-ti-mê không nản lòng, sờn chí. Để át đi tiếng quát nạt, anh ta càng lớn tiếng van xin: “Lạy Con vua David, xin rủ lòng thương tôi”…

Tiếng van xin của anh ta, thưa quý vị, phải chăng cũng là tiếng van xin xưa của vua David: “Lạy CHÚA, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời. Toàn thân con rã rời quá đỗi, mà lạy CHÚA, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?“ (x.Tv 6, 3-4)

Vâng, “toàn thân con rã rời quá đổi, mà lạy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ!”. Có lẽ… có lẽ trong lòng Ba-ti-mê cũng lẩm bẩm lời khẩn cầu này.

Đức Giê-su không trì hoãn. Ngài đã từng nói: “Con Người đến là để tìm và cứu”. Nay, có người tìm đến, lẽ nào  không cứu sao! Hôm ấy, sau khi nghe tiếng kêu van của anh ta, Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”.

Giê-su đã dừng bước, mấy “anh trật tự” tẽn tò, tẽn tò nói với anh Ba-ti-mê: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy”.

Anh Ba-ti-mê phản ứng thế nào, khi nghe tiếng gọi? Thưa, anh ta: “…liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”.

Theo gương Đức Giê-su dừng bước, chúng ta cũng hãy để cho tâm hồn mình dừng lại, dừng lại để suy gẫm về hành động của anh Ba-ti-mê.

Vâng, chúng ta hãy  cùng suy gẫm với một người bạn (ẩn danh) trên internet: “Cái áo choàng tượng trưng cho sự khổ đau mà anh đã mang vác từ bấy lâu nay, giờ đây không được phép làm cho đời anh thêm nặng nề nữa. Cái áo choàng mà anh thường trải ra bên vệ đường, để ông đi qua bà đi lại, ai thương thì thảy vào một cắc bạc, hay một mẩu bánh, giờ đây sẽ vĩnh biệt cuộc đời anh. Vâng, làm sao mà còn là hành khất nữa, khi đã gặp gỡ Giêsu. Rồi Ba-ti-mê không lum khum đứng dậy, mà  ‘đứng phắt dậy’. Một thái độ của lòng khao khát, một thái độ của niềm tin tưởng và hy vọng tràn đầy. Giờ đã điểm! Giờ của niềm tin, giờ của ơn cứu rỗi, cần phải ‘đứng phắt dậy’, để chạy đến với Giêsu. Áo  choàng đau khổ, vệ đường khổ đau không còn có thể cản trở Ba-ti-mê nữa. Phẩm giá làm người của anh đã được lóe sáng nhờ chính Ánh Sáng của Đức Kitô”. (nguồn:internet)

Suy gẫm là vậy, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, cuộc đời tôi đã được lóe sáng nhờ chính Ánh Sáng của Đức Ki-tô?

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói: “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ … quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng” (Gr 31, 7-9)

Và, hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê phải “reo vui lên”. Ngài đã gửi đến anh ta một câu hỏi, một câu hỏi còn hơn cả lời an ủi, rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta thưa: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Vâng, sống giữa tối tăm, thì có gì tốt hơn là “nhìn thấy được”, nhỉ! 

Nghe lời khẩn cầu của anh ta, Đức Giê-su đã nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”. Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Tức thì anh ta nhìn thấy được”.

***  Đức Giê-su đã cho anh Ba-ti-mê “nhìn thấy được”. Tuy nhiên, chuyện chưa dừng ở đó. Theo lời tường thuật của thánh Mác-cô,  chúng ta còn được biết, sau khi nhìn thấy được, anh ta đã “đi theo Người trên con đường Người đi”.

Vâng, câu chuyện về anh Ba-ti-mê chấm hết ở lời tường thuật đó. Thế nhưng không “hết” với chúng ta. Tại sao vậy? Thưa, không “hết” là bởi, chính lời tường thuật đó, lại là “khởi điểm” cho đời sống đức tin của chúng ta.

Chính lời tường thuật đó mà mỗi chúng ta cần phải tự hỏi mình, rằng: Đã bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, nhưng thật sự tôi có “đi theo Người trên con đường Người đi”?

Hay, tôi chỉ đi-theo-Người khi ở trong nhà thờ, còn ngoài xã hội, tôi đi theo tiền bạc, theo danh vọng, theo quyền lực, theo những sự quyến rũ  của thế gian?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, Đức Giê-su đã nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh  em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”

Vâng, đừng “đu dây” như thế. Và, cũng đừng quên, nếu chúng ta theo những thứ đó (nêu trên), cuối cùng, nói rõ hơn, cuối cuộc đời mình, chúng ta cũng chẳng giữ lại được gì cho mình, bởi vì, như lời Kinh Thánh nói: “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 1, 1)

Vì thế, điều tốt nhất chúng ta nên thực hiện, đó là theo gương anh Ba-ti-mê mà “đi theo Người trên con đường Người đi”. Nên nhớ rằng, “Người” chính là  “Con Người” từng nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”.

Cảm nhận được Lời Chúa qua chiêm nghiệm  (cựu) Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, chia sẻ: “Chỉ khi nào chúng ta gặp Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô thì chúng ta mới biết sự sống là gì.”

Thế nên, điều trước nhất và quan trọng nhất, đó là “gặp Thiên Chúa hằng sống trong Đức Ki-tô”. Chính sự gặp gỡ đó, đôi mắt thể lý của chúng ta, mới có thể được Đức Giê-su biển đổi, biến đổi thành “thiên nhãn” đặc biệt, một đôi  “thiên nhãn” để nhận ra Ngài chính là “Đường, là sự thật và là sự sống”.

Một khi nhận ra Đức Giê-su là “Đường, là sự thật và là sự sống”, lẽ nào chúng ta không “đi theo Người trên con đường Người đi”!

Là một Ki-tô hữu, lẽ nào chúng ta không “đi theo Người”!

Petrus.tran

                                                                             

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Hãy sống “trong tinh thần phục vụ”.


Chúa Nhật XXIX – TN – B 

Hãy sống “trong tinh thần phục vụ”.

Cuộc sống là một chuỗi dài của những khát khao.  Một trong những khát khao mà bất cứ ai cũng  hơn một lần nghĩ đến, đó là khát khao mình phải làm thế nào để hơn người khác. Mà, thật vậy, người xưa đã từng nói: “Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông, đông tỉnh, lên đoài , đoài yên”.

Muốn được “hơn người” khác, tưởng như là một khát khao bình thường, bình thường như một cậu học sinh muốn mình luôn được xếp thứ hạng cao hơn các bạn cùng lớp. 

Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, niềm khát khao này  không phải lúc nào cũng đem lại bình an, hạnh phúc cho con người.  Anh là ai mà đòi hơn tôi chứ! Tôi như thế này sao lại thua anh! Vâng, cứ như thế… cứ như thế… sự ganh tỵ sẽ xảy ra, sự tức tối sẽ nổ bùng, và cuối cùng đó là thù oán. 

Mười hai môn đệ của Đức Giê-su, xưa, cũng là những con người có những khát khao riêng cho mình. Trong những khát khao đó, họ cũng đã nung nấu niềm khao khát mình phải được hơn người khác. 

Kinh Thánh cho biết, có lần các ông đã tranh cãi nhau “xem ai là người lớn hơn cả”. Và, hôm đó Đức Giêsu đã  lên tiếng cảnh cáo các ông rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” .

Nghe thì nghe vậy, nhóm Mười Hai các ông  dường như vẫn làm ngơ lời cảnh cáo của Đức Giê-su. Vâng, các ông đã làm ngơ… Chuyện kể rằng, chỉ vài hôm sau, hôm Thầy và trò lên Giêrusalem, hai trong số mười hai người môn đệ lại bộc lộ rõ nỗi khát khao riêng tư của mình, khát khao phải hơn người khác. Thế là Đức Giê-su đã phải dạy cho các ông thêm một bài học. Câu chuyện đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô (x.Mc 10, 36-48) 

** Vâng, câu chuyện xảy ra  vào hôm Đức Giê-su cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Hôm đó,  Ngài loan báo với các môn đệ, rằng: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người. Họ  sẽ  đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (x.Mc 10, 33-34).

Đây là lần thứ ba Đức Giê-su nói đến những gì sẽ xảy ra khi Ngài lên Giê-ru-sa-lem. Dù đã ba lần, nhưng có vẻ như các môn đệ không thấu hiểu những gì Thầy mình loan báo. 

Nhớ, với lần loan báo thứ nhất, ông Phê-rô đã “trách” Đức Giê-su và hôm đó Ngài đã lớn tiếng cảnh cáo ông, rằng: “Sa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Lần loan báo thứ hai, thật đáng tiếc! Mười hai người môn đệ không ai hiểu lời loan báo đó. Chuyện kể rằng, các ông không hiểu, nhưng lại sợ không dám hỏi Thầy mình.

Còn hôm nay ư! Phải chăng, các ông hiểu, điển hình là hai ông Gio-an và Gia-cô-bê! Hai ông hiểu: “Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” chính là lúc Thầy mình “được vinh quang” chăng! Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói đến. Chỉ thấy nói rằng, hai ông “đến gần Đức Giê-su”, đến gần Ngài, hai ông nói lên khát khao của mình, rằng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.

Vâng, chẳng có gì là xấu. Không xấu vì đó là điều tự nhiên, tự nhiên của một con người. Thế nhưng, với Đức Giê-su, có thể nói rằng, lời cầu xin này đã đem lại cho Ngài nỗi thất vọng, nỗi thất vọng về sự thiếu hiểu biết của các môn đệ mình.  Thì đây, ta hãy nghe… nghe điều Đức Giê-su đã trả lời hai ông: “Các anh không biết các anh xin gì!” 

Với Đức Giê-su, để được hiện diện cùng Ngài trong vinh quang, đúng,  người đó phải có một niềm  khát khao , thế nhưng, niềm khát khao đó không phải là niềm khát khao được “ngồi bên hữu, bên tả Thầy”, mà phải là “khát khao nên người công chính”, một niềm khát khao đã được Đức Giê-su gọi là “phúc”… “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”.

Hôm ấy, trong tâm tình của một người muốn đem đến cho mọi người niềm hy vọng, Đức Giê-su nói với hai  ông Gio-an và Gia-cô-bê rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Nói ra điều này, Đức Giê-su muốn nhắc nhở cho các môn đệ xưa (và cũng là cho chúng ta hôm nay), rằng: sự đau khổ mà Ngài phải chịu, cũng sẽ là sự đau khổ mà hai ông sẽ phải chịu. Và trước đau khổ đó, hai ông có sẵn sàng đón nhận không?

Can đảm thật. Hai ông Gio-an và Gia-cô-bê trả lời, rằng: “Thưa được”. 

Tốt. Không được cũng phải được. Bởi vì, hôm ấy, Đức Giê-su có nói: “Chén Thầy sắp uống, anh  em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh  em cũng sẽ chịu”.
Còn việc bên ngồi bên tả hay bên hữu ư! Hôm ấy, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. 

Cuối cùng, để cho mười hai môn đệ không còn nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn”, (vì trước đó giữa các ông đã có sự tức tối với nhau cũng chỉ vì nỗi khát khao của hai anh  em nhà Dê-bê-dê),  Đức Giê-su nói với các ông, rằng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người”.

*** Đức Giê-su đã đến thế gian, đến thế gian này với hai mục đích. Thứ nhất, đó là “phục vụ”. Và, thứ hai, đó là “hiến mạng sống”. Vâng, hôm ấy, Ngài đã gửi đến các môn đệ thông điệp, rằng:  “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x.Mc 10, 45)

Theo thói đời, không ít người cho rằng, giá trị của một con người thường được dựa trên quyền lực, địa vị và tiếng tăm… Nhưng, với Đức Giê-su,  điều có giá trị và đáng quý nhất đó là người đó hướng tới những người khác và phục vụ.

Chúng ta hãy nghe lại lời Ngài đã nói với các môn đệ: “Giữa kẻ ngồi ăn và người phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (x.Lc 22, 27)

Đức Giê-su đã thực thi đúng như những gì Ngài đã nói. Trong bữa Tiệc Ly, chuyện kể rằng: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (x.Ga 13, 4-5)

Có… có hình ảnh nào nói lên tinh thần phục vụ đẹp như hình ảnh này. Và còn đẹp hơn thế nữa, đó là hình ảnh “Người vác thập giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá”... Ngài đã chết ở đó... một cái chết “làm giá chuộc muôn người”.

Đức Giê-su, quả là đã không uổng công cho những lời truyền dạy của Ngài. Nhóm Mười Hai các ông đã thực thi đúng lệnh truyền. Và, tông đồ Gia-cô-bê, như một điển hình. 

Vâng, một trong hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê đã “nên giống Đức Giê-su”, giống ở chỗ đã dám “chết” như Ngài. Kinh Thánh ghi lại rằng, Gia-cô-bê đã chết bởi bàn tay vua Hê-rô-đê A-gríp-pa. (x. Cv 12, 2)

Tác giả Nguyễn Ngọc Thế - SJ, trong một bài viết, đã có lời chia sẻ: “(Gia-cô-bê) đã sống tinh thần dấn thân dám hy sinh như Đức Giê-su, dám can đảm bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả chính mình, để vác thánh giá theo Thầy Giêsu, và cùng chia sẻ chén đắng cùng phép rửa với Thầy Giê-su”.(nguồn: internet)

****Đức Giê-su là Vua muôn vua, nhưng Ngài lại vui lòng xuống thế gian này, hạ mình,  như một người phục vụ. Đồng ý  đi theo Ngài, Ngài sẽ chuẩn bị cho người đó một đời sống phục vụ giống như Ngài. Càng trở nên giống Đức Giê-su, người ấy sẽ càng sẵn lòng phục vụ người khác.

Là một Ki-tô hữu, có nghĩa là chúng ta “đồng ý đi theo Đức Giê-su”. Thế nên, hãy dành thời gian “suy gẫm” lại những lời Ngài đã truyền dạy, những lời truyền dạy về sự “phục vụ”, nêu trên. 

Nói rõ hơn, là một Ki-tô hữu, chúng ta đã sống tinh thần phục vụ như  Đức Giê-su đã truyền dạy, hay chưa!
Đừng quên, vào ngày phán xét, Ngài thẩm phán Giê-su sẽ phán xét con người không ngoài công việc nào khác, mà chính là công việc phục vụ.  

Ngài thẩm phán Giê-su sẽ hỏi: Xưa Ta đói, các ngươi (có) cho  ăn? Ta khát, các ngươi (có) cho uống? Ta là khách lạ, các người (có) tiếp rước? Ta trần truồng, các ngươi (có) cho mặc? Ta đau yếu, các ngươi (có) thăm viếng? Ta ngồi tù, các ngươi (có) hỏi han? 

Thưa quý bạn, Đức Giê-su sẽ chỉ hỏi chúng ta như thế. Thế nên, để có câu trả lời  trước mặt thẩm phán Giê-su vào ngày phán xét, ngay hôm nay, khi làm việc gì cho cộng đoàn, cho giáo xứ, cho  tha nhân, hãy bắt đầu công việc trong tinh thần phục vụ.  

Chỉ “trong tinh thần phục vụ”, chúng ta mới có thể trở thành “khí cụ bình an” của Chúa. Chỉ “trong tinh thần phục vụ”, chúng ta mới có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”. 

Chỉ…  chỉ trong tinh thần phục vụ,  chúng ta mới có thể không ngần ngại “Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.

Cuối cùng, chỉ trong tinh thần phục vụ, vào ngày phán xét, chúng ta mới có thể được  “thừa hưởng Vương Quốc ”, một Vương Quốc mà Đức Giê-su đã hứa ban cho những ai sống một cuộc sống như Ngài, một cuộc sống “ phục vụ và hiến mạng” cho muôn người. 

Vâng, muốn được thừa hưởng Vương Quốc, chỉ cần có một cuộc sống, một cuộc sống “trong tinh thần phục vụ”.

Petrus.tran




Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Hãy giảm bớt nhu cầu của mình.


Chúa Nhật XXVIII – TN – B 

Hãy giảm bớt nhu cầu của mình.

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Niềm tin “sống lại và hằng sống” là một niềm tin bất biến của  người Ki-tô hữu. Niềm tin này không do tự Giáo Hội (bịa) đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su truyền dạy. 

Mà, thật vậy, trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, bằng nhiều cách thế khác nhau, Đức Giê-su đã nói rất rõ ràng về “sự sống lại” cũng như “sự sống đời đời”.
Về sự-sống-lại, Đức Giê-su đã nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết”. 

Còn về sự sống đời đời thì sao! Thưa, rất rõ ràng. Chúng ta hãy nghe Ngài tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. 

Thật vậy, tất cả mọi người bất luận là ai,  chỉ cần “ai tin vào Ta… tin vào Con của Người”, nói rõ hơn, đó là “tin vào Đức Giê-su”, thì được “sự sống đời đời”. 

Hồi ấy, lời tuyên phán của Ngài chấn động khắp Palestina, để rồi đã có người tìm đến Ngài,  tìm đến để xin Ngài cho biết “phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người đó, là một chàng trai giàu có.. Vâng, bối cảnh của việc chàng trai tìm gặp Đức Giê-su đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. 

** Tin Mừng thánh Mác-cô đã thuật lại rằng: Một ngày nọ, sau khi kết thúc sứ vụ giảng dạy cho dân chúng ở miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan, Đức Giêsu cùng các môn đệ chuẩn bị cho một sứ vụ khác.

Khi Ngài vừa lên đường, thì có một người, (không biết từ đâu), tìm đến. Người này là một chàng trai. 

Theo Kinh Thánh ghi lại, cứ sự thường, những người tìm gặp Đức Giêsu hoặc là xin chữa bịnh, hoặc là xin trừ quỷ cho thân nhân của họ. 

Nhưng hôm nay, người thanh niên này không xin chữa bịnh. Anh ta khỏe, rất khỏe. Thật vậy, phô diễn cho sức khỏe của mình, anh ta đã chạy  “chạy đến”… và khi đến rồi, anh ta “quỳ xuống trước mặt” Đức Giê-su.
Ngước mắt nhìn Ngài, anh ta rụt rè cất tiếng thưa: “Thưa Thầy nhân lành…”. Rồi tiếp đó, trong tâm trạng rất… rất khát khao, anh ta lên tiếng khẩn cầu: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Phải làm gì! Vâng, hôm đó, thay cho câu trả lời, Đức Giê-su đã gửi đến anh ta một lời truyền dạy, lời truyền dạy cho những ai thật sự muốn được sự sống đời đời.

Thứ nhất, Đức Giê-su dạy: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Đúng vậy, ai có thể “nhân lành” bằng Thiên Chúa! Ai dám biểu lộ sự nhân lành qua việc “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, nếu không là Thiên Chúa!

Thứ hai, Ngài gửi đến anh ta một câu hỏi, hỏi rằng: “Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”!!! 

Nếu… nếu hôm nay, Đức Giê-su gửi câu hỏi này đến chúng ta? Chúng ta sẽ có câu trả lời? Vâng, với chàng thanh niên, anh ta đã trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.

Ôi! quá tuyệt vời.  Bài thi “vấn đáp” của anh ta rất tuyệt, tuyệt đến độ Đức Giê-su đã phải: “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.”

Cứ tưởng rằng qua ánh mắt tràn ngập tình yêu đó, Đức Giê-su sẽ kết thúc “bài thi” và tuyên bố anh sẽ nhận được điều anh ước muốn.
Thế  nhưng, nghĩ là vậy, thực tế không là vậy. Không là vậy, bởi việc giữ “giới răn” của anh chàng này xem ra có vẻ “từ chương”.

Thì đây, ta hãy thử nghĩ về ba chữ “từ thuở nhỏ”... Có ai từ-thuở-nhỏ “nhân chi sơ tính bổn thiện”  mà lại phạm tội ngoại tình?

Có ai từ-thuở-nhỏ, ở cái tuổi “…ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu. Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người. Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi”. Vâng, ở cái tuổi thuở-nhỏ như thế, với những ước mơ thật đơn sơ như thế, thì làm gì có chuyện “muốn vợ chồng người”?

Vâng, nếu anh ta nói “tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ, và cho cả đến bây giờ” thì hay biết mấy nhỉ!

Thế nên, hôm đó,  Đức Giê-su muốn “trắc nghiệm” lại anh ta, đó là đến thời tuổi-lớn, anh đã giữ như thế nào? Tới “thuở lớn” anh có “tuân hành”, (chứ không phải tuân giữ), những điều răn của Đức Chúa Trời không? Nói rõ hơn, anh có “mến Chúa – yêu người”, điều Đức Giê-su truyền dạy, không?

Vâng, đó chính là lý do Đức Giê-su đã tế nhị  bảo với anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi”

Nghe lời đó anh ta phản ứng như thế nào? Thưa, thánh sử Mác-cô kể rằng: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.

*** Câu chuyện kết thúc như vậy đó. Với hôm nay, có quá khó để mà chọn lựa, nếu chúng ta ở vị trí là chàng thanh niên giàu có?

Phải chăng, chúng ta cũng sẽ ái ngại trước lời yêu cầu của Đức Giê-su, rằng: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo... Rồi hãy đến theo tôi”!!!

Thật ra, qua lời yêu cầu này, Đức Giê-su muốn dẫn mọi người đến một cuộc sống trọn đầy “đức ái”, một nhân đức, như lời thánh Phao-lô đã nói, rằng: “cao trọng hơn cả” (x.1Cor 13, …13). Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban.

Thật vậy, sách Sáng Thế Ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, Đức Chúa đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”.

Tuy nhiên, nếu giàu sang mà “vô cảm” (như ông nhà giàu trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó), trước “một người nghèo khó tên là Lazaro, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng…” nhà ông ta…  Còn bản thân ông “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, thì, đừng trách Đức Giêsu phải nặng lời mà nói “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa!” (x.Mc 10, 25)

**** Cuối cùng, qua câu chuyện nêu trên và qua những lời truyền dạy của Đức Giê-su, chúng ta rút ra được bài học gì?

Phải chăng, đó là hãy tự hỏi mình rằng: chúng ta có xem đồng tiền như thể là “Thượng Đế của thời đại chúng ta”? Chúng ta có xem đồng tiền như thể  là “thực tại tối cao, quy định tất cả” cuộc đời ta?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, Đức Giê-su đã truyền dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh  em không thể  vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (x.Mt 6, 24)

Kinh Thánh Cựu Ước cũng đã để lại cho chúng lời khuyên: “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”(x.Gv 1, 2) Mà, tiền của ở thế gian này là gì nếu không phải là của phù vân!

Thế nên, thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su “bán những gì anh có mà cho người nghèo”, là điều phải đạo. Phải đạo là bởi  “người nghèo” chính là Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh  em bé nhỏ nhất của Ta đây là các người đã làm cho chính Ta vậy”.

Phải đạo, còn là bởi, làm theo lời Đức Giê-su truyền dạy, chính là chúng ta “tích trữ cho mình những kho tàng trên trời”.

Về Thiên Chúa và Tiền Của, G. Simmel có một minh họa rất mỉa mai: ngày xưa, tòa nhà cao nhất ở các đô thị là những giáo đường. Còn, ngày nay, đó chính là những ngân hàng (tiền của). 

Nói lên điều ngày để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta, là những Ki-tô hữu, phải làm thế nào đó, để làm cho những ngôi giáo đường hôm nay,  lại trở thành những ngôi nhà cao nhất trong các đô thị.

Làm thế nào? Thưa, hãy thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su “bán (bớt) những gì anh có (dư thừa) mà cho người nghèo”.

Không quá khó đâu. Chỉ cần, giảm bớt chút thời gian lướt web, chút thời gian ngồi lê đôi mách, ta sẽ có thời giờ  “thăm viếng kẻ liệt”. Chỉ cần giảm bớt chút tiền chợ, tiền quà vặt, ta sẽ có tiền “cho kẻ đói ăn”. Chỉ cần giảm bớt chút ít tiền phấn sáp, ta sẽ có tiền “cho kẻ rách rưới” mua áo quần. 

Chỉ… chỉ cần làm một công việc rất dễ dàng: đó là “giảm bớt”…  giảm bớt những nhu cầu của mình, là có thể thực thi được lệnh truyền của Đức Giê-su.  

Vâng, trong một xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay, còn rất nhiều người nghèo khó, thế nên, hơn bao giờ hết, chúng ta “hãy giảm bớt nhu cầu của mình”.

Petrus.tran


Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...