Chúa Nhật XXVII – TN – B
Xin
Mẹ Cầu cho chúng con…
Là một Ki-tô hữu, có lẽ không ai trong chúng ta lại
không biết rằng, ngoài việc tôn kính các thánh (các thánh tông đồ, các thánh
nam nữ, các thánh tử đạo), Giáo Hội còn tôn kính một cách đặc biệt Đức Trinh Nữ
Maria.
Với Đức Maria, Giáo Hội tôn kính ngài với nhiều tước
hiệu như: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria hồn xác lên trời. Đức Maria vô nhiễm
nguyên tội.
Ngoài những Lễ Kính trọng thể nêu trên, hàng
năm, Giáo Hội còn dành riêng hai tháng
(tháng năm và tháng mười) để kính nhớ cách riêng về Đức Maria. Với tháng năm
chúng ta quen gọi là “tháng hoa”. Với tháng mười chúng ta gọi là “tháng Mân
Côi”.
Hôm nay, chúng ta nói về tháng Mân Côi. Vâng, như một
truyền thống đẹp, Giáo hội dành riêng Chúa Nhật đầu tháng 10 để kính trọng thể
Đức Mẹ Mân Côi.
Thánh lễ này được thiết lập để tạ ơn Đức Trinh Nữ
Maria. Tạ ơn Mẹ đã nhận lời các tín hữu qua việc lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện
cho Giáo Hội. Và tạ ơn Mẹ đã bảo vệ Giáo Hội. Ngoài việc dâng lễ tạ ơn,
Giáo Hội còn kêu gọi người tín hữu “hãy năng lần hạt Mân Côi”.
Mân Côi là gì? Thưa, Mân Côi còn được gọi:
Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi nghĩa là một thứ ngọc đỏ hoặc hoa hồng. Giáo Hội Công
Giáo hiểu chữ Mân Côi theo nghĩa là Hoa Hồng.Hiểu theo nghĩa “hoa hồng” là bởi do tích truyện một đan sĩ khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi vị đan sĩ ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Qua tích truyện này, tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng hay vòng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi. (nguồn: internet)
Thế nào là “lần chuỗi Mân Côi”? Thưa, đó là đọc thứ tự những bài kinh: một Kinh Lạy Cha, mười Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh.
Kinh Lạy Cha, là bài kinh do chính Đức Giê-su truyền dạy. Tin Mừng Thánh Mát-thêu cũng như Tin Mừng Lu-ca đều ghi lại bài cầu nguyện này. Vâng, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời…” (Mt 6, 9)
Kinh Sáng Danh, đây là bài kinh có từ lâu trong đời sống Giáo Hội. Theo tác giả Trầm Thiên Thu (tổng hợp và chuyển ngữ) thì: “Kinh Sáng Danh nhắc chúng ta nhớ Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (Tam Vị Nhất Thể), mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo. Một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Đây là do công thức của Bí tích Thánh Tẩy. Thật ra, bản kinh nguyên thủy là “Sáng danh Đức Chúa Cha NHỜ Đức Chúa Con TRONG Đức Chúa Thánh Thần”. Nhưng về sau, do ảnh hưởng việc Giáo Hội chống lại bè rối Ariô, một bè rối từ chối Thần Tính của Chúa Giêsu, nên bản kinh được đổi lại như ngày nay”.
Còn Kinh Kính Mừng ư! Thưa, đây là bài kinh được lấy từ một lời chào, một lời chào được sứ thần Gapriel thốt lên trong ngày truyền tin cho Đức Maria. Vâng, lời chào này được thánh sử Luca ghi lại như sau.
** Chuyện được kể rằng: “ Bà E-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gapriel đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một người trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria”.
Hôm ấy, sứ thần Chúa đã gửi đến Đức Maria một lời chào đầy trân trọng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
Thưa quý bạn, (cách riêng quý bạn nữ), nếu hôm nay, sứ thần Chúa bất chợt hiện đến và gửi cho chúng ta cũng một lời chào như thế, chúng ta sẽ làm gì? Phải chăng, chúng ta sẽ nhanh tay lấy Iphone ra quay, thu âm và… show lên youtube!
Với Đức Maria, thánh Luca cho biết: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29).
Để xua tan sự bối rối của Đức Maria, sứ thần Chúa giải thích, rằng “Thưa
bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Thiên Chúa, qua lời sứ thần,
đã gởi đến Đức Maria một lời tuyên bố, lời tuyên bố có thể hiểu như một lệnh
truyền, truyền rằng: “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên
là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là
Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David…”
Thế nhưng,
với cô nàng thiếu nữ Maria xưa, thì lời truyền dạy đó lại như thể là một tiếng
sét… tiếng sét của âu lo, của thêm bối rối…
Biết, mình chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư
dân của Galilê, gọi là Na-da-rét, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng
có cái gì hay cả…”, thì làm sao con mình được ngồi chễm chệ trên “ngai
vàng vua David”? Hơn nữa, vâng, Đức Maria đã nói lên những trở
ngại của mình rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ
chồng”.
Dù đã đưa ra một sự “trở ngại” rất hợp lý. Thế
nhưng, lệnh truyền của Thiên Chúa qua sứ thần Gapriel, vẫn phải được thực thi.
Để Đức Maria vững tâm thực thi lệnh truyền, sứ thần
Chúa tuyên bố: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ
rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên
Chúa”.
Và để cất đi điều trở ngại mà Đức Maria đã nêu ra, sứ
thần Chúa đã đưa ra một bằng chứng, một bằng chứng giúp Đức Maria vững tâm hơn.
Sứ thần Chúa nói tiếp: “Kìa bà Ê-li-da-bét người họ hàng với bà, tuy già rồi,
mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi,
mà nay đã có thai được sáu tháng”.
Cuối cùng, để đóng ấn cho lời truyền dạy, sứ thần
Chúa lớn tiếng nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Nghe thế, Đức Maria cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là
nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Nhờ lời xin vâng của Mẹ, hôm nay, chúng ta có được một
bài kinh (bài cầu nguyện) tuyệt vời: “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa ở
cùng Bà…”
*** Tuy nhiên, có được một bài kinh tuyệt vời để đọc,
vẫn chưa đủ. Chưa đủ là bởi, nếu chúng ta chỉ đọc theo thói quen, đọc như cái
máy, thì chẳng sinh ích lợi gì cho đời sống đức tin của chúng ta. Muốn sinh ích
lợi, phải “miệng đọc lòng suy”. Suy cái gì? Thưa, suy những “Mầu Nhiệm”, những
mầu nhiệm được đọc sau mỗi mười kinh kính mừng.
(Không biết chuỗi 150 của các cha dòng, nay đã được làm thành chuỗi 200 chưa nhỉ! Hay là các ngài vẫn để vậy, và đeo thêm vào cổ chuỗi năm mươi kinh!)
“Théc méc” chút thôi. Bây giờ, chúng ta hãy lược qua một vài mầu nhiệm. Năm sự vui. Thứ nhất thì ngắm: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”.
Năm sự thương. Thứ ba thì ngắm: “Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”.
Năm sự mừng. Thứ hai thì ngắm: “Đức Chúa Giê-su lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”.
Năm sự sáng. Thứ nhất thì ngắm: “Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-dan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”
Vâng, miệng đọc lòng suy, suy như Đức Maria xưa “suy đi nghĩ lại trong lòng”, hai mươi Mầu Nhiệm, những Mầu Nhiệm được lấy ra từ trong Kinh Thánh, ai… ai dám phủ nhận không đem lại cho ta một đời sống đức tin vững vàng!
Cứ nghĩ xem, mỗi ngày chúng ta suy đi nghĩ lại làm sao “sống cho xứng đáng làm con cái Chúa”, làm thế nào để “khiêm nhường”, suy đi nghĩ lại như thế, ai… ai dám phủ nhận không sinh ích lợi cho đời sống đức tin của mình!
*** Một ngày nọ, Đức Giê-su tuyên bố: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Nhắc lại lời tuyên bố của Đức Giê-su để làm gì?
Thưa, để khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta không chỉ miệng đọc lòng suy, nhưng còn phải “đem ra thực hành”. Vâng, phải thực hiện những điều đã được Thiên Chúa truyền dạy. Phải thực hiện những gì chúng ta đã miệng đọc lòng suy.
Hãy nhớ rằng, chương trình cứu độ
được hoàn tất cũng là do Đức Giê-su đã thực hiện những gì Thiên Chúa Cha truyền
dạy. Chương trình cứu độ được hoàn tất cũng là do Đức Maria thực hiện những
điều sứ thần Gapriel truyền tin.
Cuối cùng, ơn cứu độ có được ban cho
chúng ta, cũng là do chúng ta có “thực hiện” lệnh truyền của Đức Giê-su, lệnh
truyền “hãy hoán cải và đón nhận Tin
Mừng”, hay không!
Vâng, nói thì dễ, để thực hiện lời
Chúa truyền dạy không dễ chút nào. Không dễ là bởi chúng ta là những con người
yếu đuối, một sự yếu đuối của phàm nhân, nhưng luôn phải đối đầu trước sự hung
hãn của ma quỷ cùng với con cái (bè lũ) của chúng, chúng đang tung hoành dọc
ngang với rất nhiều chiêu trò phỉnh gạt, dụ dỗ, lẫn hăm dọa.
Biện pháp để chiến đấu và chiến
thắng lũ ma quỷ đó chính là, đừng rời xa tràng chuỗi Mân Côi, vì nhờ chuỗi Mân
Côi, đức tin của chúng ta được củng cố, qua việc suy đi nghĩ lại những Mầu
Nhiệm, những Mầu Nhiệm phản chiếu hình ảnh một Đức Giê-su, Ngài chính là nguồn
ơn Cứu Độ.
Qua chuỗi Mân Côi, chúng ta tiếp nối
sứ thần Gapriel chào Đức Maria: “Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa ở cùng
Bà”. Cùng chuỗi Mân Côi, chúng ta sẽ được Đức Maria cầu bầu, khi chúng ta cất
tiếng khẩn cầu với Mẹ, rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con
là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử…”
Cuối cùng, chúng ta được biết, Đức
Maria là Mẹ Hằng Cứu Giúp, thế nên hãy mau chạy đến Mẹ cất tiếng cầu xin: Xin
Mẹ “Cầu cho chúng con… khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.
Petrus.tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét