Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

HÃY CHỌN ĐỨC GIÊ-SU…


Chúa Nhật XXXIV – TN – B   

LỄ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA.

HÃY CHỌN ĐỨC GIÊ-SU…

“Ba Lan chính thức tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua trị vì nước mình.” Vâng, đây là tựa đề một bản tin được đăng tải vào ngày 28/11/2016, trên trang mạng phanxico.vn .  Tác giả bản tin cho biết rằng: “Trong một nghi lễ cử hành tại Nhà thờ lòng thương xót Chúa ở Krakow, Tổng thống Andrzej Duda,  cùng với các Giám mục Ba Lan, chính thức tuyên bố Chúa Kitô là Vua nước Ba Lan”.
Trong nghi lễ ông Tổng thống có lời nguyện, rằng: “Vua bất diệt mọi thời đại, Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và Đấng Cứu độ, chúng con cúi đầu trước Chúa, Vua vũ trụ, chúng con nhìn nhận quyền thống trị của Chúa trên toàn Ba Lan, trên những sự sống trên quê hương chúng con và toàn thế giới. Chúng con nguyện xin cho chúng con thờ phượng Chúa quyền năng và vinh quang, Với đức tin và đức mến, chúng con kêu lên: Lạy Chúa Kitô, xin thống trị chúng con!” (J.B. Thái Hòa chuyển dịch)
Nghi lễ tôn vinh Chúa Kitô là Vua nước Ba Lan đã diễn ra vào ngày 19-11, với sự hiện diện của Tổng thống Andrzej Duda, và sau đó được cử hành lại tại mọi nhà thờ chính tòa và các giáo xứ của Ba Lan trong ngày chúa nhật 20-11.
Đức Giê-su là Vua, nước Balan đã tuyên xưng như thế.  Còn, đối với những người không tin? Thưa, họ xem Đức Giê-su chỉ là một vĩ nhân, một người có lòng tốt,  hoặc là một người sáng lập ra một tôn giáo nào đó.
Với những người tin thì sao? Thưa, đại đa số tin  Ngài là Đấng Cứu Độ, đã xuống thế làm người, đã chết để chuộc tội cho nhân loại, và là người sẽ thi ân giáng phúc cho những ai cầu xin Ngài.
Thế nhưng, trong đời sống thường nhật … thì hỡi ơi! Không ít người đã có một đời sống rất dửng dưng: “đường Chúa, Chúa đi Chúa đi… đường tôi, tôi đi tôi đi…”, họ đâu có coi Đức Giê-su là vua-của-đời-tôi!
Là một Ki-tô hữu, cớ gì chúng ta không tuyên xưng Đức Giê-su là Vua!!
Mà, thật vậy, có rất nhiều câu chuyện trong  Kinh Thánh cho biết Đức Giê-su là Vua. Câu chuyện Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến gặp Đức Maria để loan báo chương trình cứu độ thế gian như một điển hình.
Hôm ấy, sứ thần đã gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)
Cũng là chuyện được ghi trong Kinh Thánh, có một nhóm người tôn vinh Ngài là Vua. Nhóm người đó chính là “mấy nhà chiêm tinh”. Chuyện kể rằng: Khi thấy “có vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”, và các vị chiêm tinh đó tin rằng:  “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”, thế là họ đã có một cuộc hành trình tìm kiếm để “bái lạy Người”.
Bắt đầu từ phương Đông, họ đến Giê-ru-sa-lem, ở đó họ được các thượng tế và kinh sư cho biết, tại  “Belem, miền đất Giu-đa… là nơi vị lãnh tụ… sẽ ra đời”. Nhờ lời chỉ dẫn đó, họ đã đến tận nơi, “và sấp mình thờ lạy”. (x.Mt 2, 6…11)
Rồi, trong những ngày thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, có không ít người tôn vinh Đức Giê-su như là một vị Vua – Vua của đời họ, khi lớn tiếng nói: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít”.
Tiếp đến, đỉnh điểm của lời tôn vinh, đó là hôm Ngài cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, chuyện kể rằng: “nghe tin Đức Giê-su tới… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua Ít-ra-en” (Ga 12, 12-13).
** Chúng ta cũng không thể quên cuộc thẩm vấn giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su vào hôm các thượng tế giao nạp Ngài cho quan tổng trấn. Cuộc thẩm vấn hôm ấy, cũng chỉ xoay quanh việc Đức Giê-su có phải là Vua!
Hôm ấy,  tổng trấn Phi-la-tô đã đưa ra một câu hỏi thăm dò, rằng: “Ông có phải vua dân Do Thái không?” Thay vì trả lời, Đức Giê-su đặt ra một câu hỏi với quan tổng trấn, rằng: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”
Lịch sử Israel 1000 năm trước CN, Thiên Chúa đã mặc khải cho vua David thấy Người sẽ lập một vị vua cai trị toàn bộ địa cầu. Mặc khải đó đã được David ghi lại như sau: “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, làm trị vì Si-on, núi thánh của Ta. Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA. Người phán bảo tôi rằng: ‘Con là con của Cha’, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản phẩm riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa” (Tv 2, 6-8) 
Thế nên, không ngạc nhiên khi Phi-la-tô trả lời, rằng: “Tôi là người Do Thái sao?”. Và, càng không ngạc nhiên khi Đức Giê-su tiếp lời: “Nước tôi không thuộc thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”.
Với lời giải thích rất rõ ràng như thế, thế nhưng dường như Phi-la-tô vẫn chưa hiểu ra sứ mạng của Đức Giê-su, vì thế, ông ta đã hỏi tiếp: “Vậy ông là vua sao?”.
Là-vua-sao! Rất ngắn gọn, Đức Giê-su đáp lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”.
Vâng, sự thật đó, hơn bảy trăm năm trước, đã được ngôn sứ Mikha tiên báo: “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel ” (x.Mk 5, 1).
Đừng quên, Kinh Thánh còn cho biết một điều rất hệ trọng đến  tương lai của chúng ta,  đó là: Đức Giê-su sẽ “đến trái đất lần thứ hai” với tư cách là VUA của tất cả các vua, là CHÚA của các chúa. Người sẽ trị vì đời đời trên trái đất này.
Chúng ta hãy nghe tác giả thư gửi tín hữu Phi-lip: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;  và để tôn vinh Thiên Chúa, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (x.Pl 2, 9-11)
*** Thật ra, vào ngày 11 tháng 12 năm 1925, để đối phó trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI cũng đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.
Tôn vinh Chúa Ki-tô là vua, Giáo Hội không chủ trương khôi phục lại loại vương quốc kiểu phong kiến như xưa, loại vương quốc chỉ sản sinh những vị vua “thống trị (dân) một cách tàn bạo và hà khắc”, hoặc những hôn quân vô đạo “chỉ biết lo cho mình” (x.Ed 34,…8)
                                                                                                
Tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua, Giáo Hội muốn mời gọi người tín hữu hãy chỉ nhìn về một Giê-su, Ngài chính là một vị Vua mẫu mực, một vị Vua của tình yêu, một vị Vua “ưa sự nhân từ”, một vị Vua “hiền lành và khiêm nhường”, một vị Vua luôn “chạnh lòng thương xót”, một vị Vua không “dùng uy mà thống trị dân”, không “lấy quyền mà cai trị dân”, một vị Vua “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Và, cuối cùng, là một vị Vua “đến để chiên được sống và sống sung mãn”. (Ga 10, 10)
****
Vâng, theo bản tin nêu trên, “Ba Lan chính thức tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua trị vì nước mình”, được hai năm.
Nhắc lại điều này để làm gì? Thưa, để xem đó như là một tiếng chuông cảnh tỉnh, cảnh tỉnh chúng ta rằng: Sau bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, thế nhưng tôi đã thật sự tiếp nhận Đức Giê-su chính là Vua của đời tôi?
Tôi đã thật sự tiếp nhận Đức Giê-su chính là Vua của đời tôi? Tôi có là thần dân của Vua Giê-su, một vị vua của Vương Quốc Nước Trời?
Hay miệng tôi xưng Chúa nhưng lòng không có Ngài? Nếu đúng là vậy, thì đó là một thảm họa của đời ta.
Thảm họa bởi, một tấm lòng “không có Chúa” , là một tấm lòng trống rỗng. Và, chính sự trống rỗng đó, chúng ta rất dễ bị lấp đầy bởi những thú vui của thế tục, đại loại như: dâm bôm-ô uế-phóng đãng,  như  rượu chè, như ham muốn tiền bạc, danh vọng,  quyền lực  v.v… là những thú vui rất quyến rũ, quyến rũ đến độ chúng ta sẽ trở thành nô lệ, cho những thú vui đó.
Nói cách khác, nó sẽ làm cho chúng ta trở thành thần dân của vương quốc thế tục.
Cho nên, nếu chúng ta đã “lỡ” nạp mình vào vương quốc thế tục, đừng thất vọng vì sự yếu đuối của mình, hãy can đảm đứng lên, và đừng lưu luyến nó, mà “hãy ra khỏi thành (vương quốc)  ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó” (x. Kh 18, 4)
Thật ra, không đợi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su là Vua, thì Ngài vẫn là Vua của chúng ta. Và, dù chúng ta không muốn là thần dân của Ngài, Ngài vẫn coi chúng ta là con dân của Ngài. Như Ngài đã có lời mời gọi “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở, thì Ta sẽ vào nhà người ấy… Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người” (x.Kh 3, 20-21)
Hãy luôn nhớ rằng, đã là người môn đệ của Chúa, dù chúng ta đang “ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời”.
Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng: “Tôi sẽ chọn là thần dân của nước nào? Của vương quốc thế tục hay là thần dân của Đức Giê-su, Người là Vua của Vương Quốc Nước Trời?”
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, sẽ có ngày: “Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!” (x.Kh 1, 8)
Vâng, đúng thế! Đừng chọn ai khác, mà “HÃY CHỌN ĐỨC GIÊ-SU”.
Petrus.tran





Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

SỐNG ĐẠO CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO


Chúa Nhật XXXIII – TN – B 

SỐNG ĐẠO… CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO.

Theo truyền thống, vào tháng mười một hàng năm, Giáo Hội dành riêng  ngày Chúa Nhật (thứ XXXIII – TN) để kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam.
Có lẽ, không ít người, (nhất là các bạn trẻ),  sẽ tự hỏi rằng: các vị thánh đó đã sống như thế nào, để hôm nay được gọi là tử vì đạo. 

Thưa, rất dễ hiểu. Các vị  là những người tin vào Chúa Giêsu, sống trung thành với những gì Chúa Giêsu, qua Giáo Hội, đã truyền dạy. Và, quan trọng hơn cả, đó là sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì không từ bỏ niềm tin của mình.

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho biết, có khoảng vài trăm ngàn vị tử đạo, kéo dài qua các triều đại:  “vua Lê - chúa Trịnh, Cảnh Thịnh và triều Nguyễn bởi các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức”. 

Có rất nhiều hình phạt dành cho những vị tử đạo. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. 

Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết, đúng như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái mô tả: “Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích, và bỏ tù, họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm…” (x.Dt 11, 36-37)

Tổng cộng 117 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên thánh vào ngày 19/06/1988, và ngài An-rê Phú Yên được tôn chân phước vào ngày 5/3/2000. 

Một số người ghét Công Giáo cho rằng, những cái chết của các vị tử đạo chẳng qua cũng giống như những cái chết (cũng được gọi là tử đạo) của nhóm ISIS, mà thôi.
Nói như thế quả là lối nói đầy ác ý. Các thánh tử đạo Công Giáo, khi còn sống, họ đã sống “Thân ái với mọi người.  Tôn trọng nhà cầm quyền (vua quan). Sống Tin Mừng yêu thương. Có tình nghĩa với gia đình. Yêu kính Đức Maria”. 

Rồi, khi phải chết (tử đạo), thì các ngài đã chấp nhận “uống chén đắng”, không để ai liên lụy, không man trá và coi cái chết như là “thánh lễ cuộc đời”.  Chưa hết, các ngài còn tỏ lộ thái độ “bao dung tha thứ”. 

Các thánh tử đạo Công Giáo, sống và chết như thế, sao gọi là giống như nhóm ISIS, một nhóm lấy cái chết (càng nhiều càng tốt) của người khác, như là chiến tích cho sự tử đạo của mình!  

Cuộc đời của các thánh tử đạo Công Giáo là một cuộc đời của chứng từ, một hành trình sống kết hợp với ân sủng của Chúa, cho tới khi “phải” làm chứng cho Chúa bằng chính “máu đào” của mình. 

Ba vị thánh tử đạo, linh mục Gioan Đạt, thừa sai Gagelin Kính và linh Mục Đặng Đình Viên, như là những minh chứng điển hình.

Chuyện kể rằng: linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: "Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều".

Với thừa sai Gagelin Kính ư! Vâng, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an.

Còn linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (trích: Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam - Lm PX. Đào Trung Hiệu. OP).

Nếu xưa kia vào thời Cựu Ước, có chuyện ông Elêazaro không chấp nhận việc giả bộ ăn của cúng, để thoát án tử hình, thì ngày nay, các thánh tử đạo cũng không “man trá” qua việc khai lý lịch của mình. Đó là các linh mục :Tùy, Yến, Khanh, Hường, Thịnh… các ngài nhất định không khai man lý lịch là lang y (một hình thức ‘quá khóa’ trá hình), dù được hứa trả tự do.

Chỉ là phàm nhân yếu đuối, nhờ đâu mà các vị có sức chịu đựng, chịu đựng cho đến chết? Thưa,  đó là “nhờ đức tin”, cùng với “Ơn của Chúa”  các ngài đã vượt thắng được  sự sợ hãi, tù đày, chết chóc, để trở thành những vị tử vì đạo.

Vâng, có thể kết luận rằng: cái chết của các ngài không phải là cái chết của những kẻ cuồng tín, nhưng là cái chết để làm chứng, làm chứng cho tình yêu thương theo tinh thần Đức Giê-su.

**
Truyền thống người Việt chúng ta là “uống nước nhớ nguồn”. Và đó…  đó là lý do mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Việt Nam long trọng “Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam”.

Mừng kính các ngài, trước là để chiêm ngắm lại những con người đã trở thành những “hạt giống”, những hạt giống một thời đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho “Ngôi vườn Giáo Hội”, như lời ngài Tertuliano có nói: “Máu các vị tử đạo, là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”. Và sau là, để xem đó như những tấm gương mẫu mực, những tấm gương mẫu mực hầu đem ra so sánh với “hạt giống đức tin” của mỗi chúng ta.

Vâng, điều mà chúng ta cần so sánh, đó là, hãy tự hỏi “hạt giống đức tin” của tôi, sau bao nhiêu năm  gieo trồng trong ngôi vườn Giáo Hội, nay có sinh được hoa trái?

Nói rõ hơn, hạt giống đức tin của tôi hôm nay, có sinh được hoa trái “bác ái”, như sự bác ái của ngài “y sĩ Phan Đắc Hòa”, một vị đã tử vì đạo? Chuyện kể rằng: ông ta luôn giúp người nghèo khổ, những bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí cho họ, mà còn giúp đỡ  họ tiền bạc để mưu sinh.

Tất nhiên, ngoài hoa trái bác ái, chúng ta còn phải xem lại những hoa trái khác, những hoa trái “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” có nở rộ trong ngôi vườn Giáo Hội, bởi chính hạt giống đức tin của mình!?

Đừng bỏ qua sự so sánh này. Bởi nó chính là bằng chứng sống động chứng tỏ chúng ta có thật là một “Martyr”, một “chứng nhân” của niềm tin và tình yêu thương, hay không.

Bởi vì ngày nay, tử đạo đâu cứ phải đổ “máu đào”, mà chính là phải trở thành “chứng nhân”, như có lời nói: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết”.

***
Đức Giê-su khi nói về ngày quang lâm, Ngài cho biết có vài “dấu chỉ” sẽ xảy ra, như: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”.


Tiếp đến,  dùng một hình ảnh rất “trực quan sinh động”, Ngài nói tiếp rằng: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh  em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để củng cố thêm cho sự so sánh nêu trên. Nói rõ hơn, nhắc đến điều này là để chúng ta xem đó như một lời nhắc nhở cho người  “chứng nhân” của Thiên Chúa.  Một lời nhắc nhở, rằng: hoa trái của người chứng nhân chính là “dấu chỉ” về  cách sống đạo của người chứng nhân.

Bởi vì, “SỐNG ĐẠO CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO”.

Petrus.tran











Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Bạn không còn xa Nước Thiên Chúa!


Chúa Nhật XXXI – TN – B 

Bạn không còn xa Nước Thiên Chúa!

Hôm nay,  chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười một. Và  theo lịch Phụng vụ, thì,  vào hai ngày đầu tháng, chúng ta có hai  lễ quan trọng, đó là: lễ kính trọng thể các thánh Nam Nữ và lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. 

Trước hết, nói về  “lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”. Thánh lễ này cầu cho họ, vì họ là “Những tín hữu đã chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa sạch hết mọi tội và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời này thì không thể vào thẳng Thiên Đàng được, chưa xứng đáng hưởng nhan thánh Chúa nên họ phải chờ đợi thanh luyện xong mới vào Thiên Đàng. 

Công đồng Floren đã định tín: có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình, để rút ngắn thời gian thanh luyện. 

Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội. Đặc biệt là việc dâng thánh lễ, dành tháng mười một  (hằng năm) cầu nguyện cho họ” (nguồn: internet).

Thế còn “lễ kính trọng thể các thánh Nam Nữ”! Thưa, đây là một thánh lễ nói lên niềm vui mừng của Giáo Hội, một niềm vui về những người con của Giáo Hội, sau khi chết đã được hưởng vinh quang, vinh quang trên Thiên Quốc.   

Có lẽ, không ít người trong chúng ta sẽ tự hỏi rằng: các thánh nam nữ đã sống như thế nào mà lại được hưởng vinh quang Thiên Quốc!  

Thưa, bình thường thôi. Các ngài đã sống một đời sống đúng như lời Đức Giê-su truyền dạy, đó là: Mến Chúa và Yêu người. “Phải yêu mến Đức  Chúa Thiên Chúa của ngươi (và) phải yêu người thân cận như chính mình”. 

Chính Đức Giê-su, trong một lần gặp gỡ một vị kinh sư, đã nói như thế. Và, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta cùng đọc lại sự kiện này, đọc để nghe lại lời Đức Giê-su đã truyền dạy, hầu đem ra thực hiện trong đời sống đức tin của mình. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**  Theo thánh Mác-cô, chuyện kể rằng: “Có một người trong kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Sa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi…”

Ông ta hỏi gì? Thưa, ông hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” 

Trời ạ! Hỏi gì không hỏi, lại đi hỏi “điều răn nào đứng đầu?” Phải chăng ông muốn “trêu ngươi” Đức Giê-su? 

Do Thái giáo có 613 điều răn. Trong 613 điều răn đó, có 365 điều răn tiêu cực  và 248 điều răn tích cực. “Các điều răn tiêu cực được áp dụng theo nguyên tắc hy sinh yehareg ve'al ya'avor, nghĩa là "thà chết chứ không vi phạm", thuộc về ba thể loại là giết người, thờ ngẫu tượng, và các hành vi tình dục bị cấm.” (nguồn: Wikipedia). 

Vậy thì điều gì đứng đầu! Vâng, quả là một câu hỏi đầy thách thức. Tuy nhiên, với Đức Giê-su, Ngài không xem đó như là một sự thách thức, trái lại Ngài đã có một câu trả lời, một câu trả lời, không một người Do Thái nào, khi nghe, mà không biết đến. 

Hôm  ấy, Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”.   

“Nghe đây, hỡi Israel…” rất truyền cảm, Đức Giê-su nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Và, sau đó, Ngài  kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác  lớn hơn các điều răn đó”. 

Anh chàng kinh sư nghĩ thế nào về câu trả lời của Đức Giê-su? 
Thưa, là một kinh sư, tất nhiên anh ta biết điều luật này. Hôm ấy, anh ta đáp lời rằng: “Thưa Thầy hay lắm. Thầy nói rất đúng”. 

Tiếp đến anh ta  nói với sự hiểu biết của mình, rằng:  “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.  Yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. 

Vâng, “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chàng kinh sư, quả là rất am hiểu lề luật. Sách Xuất Hành xác định rằng, người ta không thể sống Lề Luật của Thiên Chúa mà lại đối xử sai trái với những người đang  được hưởng sự bảo vệ của Người.

Ai… ai là những người được hưởng sự bảo vệ này? Thưa, đó là: những người góa phụ, cô nhi, người khách lạ, người nhập cư, nói tắt một lời,  là những người cô đơn, thấp cổ bé miệng.(x. Xh 22, 20-21).

Hôm ấy, nhìn thấy sự khôn ngoan của anh kinh sư, Đức Giê-su nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”.

***  Như đã nói ở trên, chàng kinh sư khen Đức Giê-su “nói đúng lắm”. Mà, sao không đúng cho được, trong những giới luật của luật Do Thái, giới răn quan trọng nhất là “Thập Giới”. Và, chính Thiên Chúa đã trực tiếp thông truyền cho ông Mô-sê trên núi Sinai.

Hôm nay, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su, Thập Giới đã được  tóm lại thành “hai điều”,  chỉ là hai điều thôi, đó là “Mến Chúa và Yêu người”. Thế nhưng, nếu được thực thi  với một tâm tình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, thì kể như người ấy “không còn xa Nước Thiên Chúa”. 

Nhắc lại điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta hiểu rằng, muốn được hưởng vinh quang trên Thiên Quốc, như các thánh nam nữ mà hôm nay chúng ta kính nhớ,  thì chúng ta cũng phải thực thi trọn hảo những giới luật (nêu trên) đã được  Đức Giê-su tuyên bố. 

Đừng bao giờ có tư tưởng chủ bại mà nghĩ rằng, các thánh là “thánh” nên họ có thể thực thi trọn hảo giới răn Chúa truyền dạy, còn chúng ta chỉ là phàm nhân đầy tội lỗi, nên thật khó để mà thực thi. 

Hãy nhớ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai”. 

Đây! Chúng ta hãy nhìn Augustinô như một ví dụ điển hình. Quá khứ là một tội nhân. Thế nhưng, tương lai của vị tội nhân này đã được nhiều thế hệ ca ngợi.

Người ta ca ngợi ông ta điều gì? Thưa, lời ca ngợi được gói gọn trong lời nhận định sau đây: “Nếu trước kia Augustinô là người lớn lên trong tội, sống trong tội, vương vấn tội lụy trần ai, thì giờ đây ngài là một con người tốt lành thánh thiện. Ngài yêu mến Thiên Chúa đến say mê, đến nỗi khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!”; và “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa ”. Song song với việc yêu mến Chúa, ngài còn yêu con người đến mức anh hùng. Vì thế, ngay sau khi mẹ ngài qua đời, ngài trở về Carthage và bán hết tài sản để cho người nghèo”. (nguồn: internet)

Là kitô hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi, cuộc đời của Augustino có thể gồm tóm trong một câu: “Một tội nhân trở thành thánh nhân”. Thành thánh nhân, bởi ngài đã thực thi trọn hảo giới luật “Mến Chúa – Yêu người”. 
Thế nên, một lần nữa chúng ta hãy nghe lại những giới luật được xem là “quan trọng nhất” đã được Đức Giê-su công bố:  “Nghe đây, hỡi Israel: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Và, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Và, hôm nay, đừng quên rằng, giáo lý Công Giáo cũng dạy chúng ta rằng “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ:  Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

Những yêu cầu mà Thiên Chúa đề ra không là điều phức tạp. Tất cả chỉ là ba chữ “tình yêu thương”.  Đó là cách biểu lộ “đức tin thật”, tất nhiên là phải qua hành động, qua hành động như lời thánh Gio-an tông đồ khuyên dạy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18)

Mở đầu cho một bài giảng trong thánh lễ “Ngày quốc tế cho người nghèo”,  ĐTC Phan-xi-cô có nói: “Trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta….”.

Hôm nay, trước sự kiện Đức Giê-su nói đến hai giới luật (nêu trên) quan trọng nhất, nên chăng, chúng ta cũng nói: “Mến Chúa vàYêu người chính là thông hành vào Nước Thiên Chúa”!

Chắc chắn là vậy, bởi vì, chỉ khi ta thực thi trọn vẹn  giới luật “yêu thương”, một giới luật đã được Đức Giê-su truyền dạy trong bữa tiệc ly, rằng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh  em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”… 

Vâng, chỉ khi đó Đức Giê-su mới có thể nói với chúng ta, rằng: “Bạn không còn xa Nước Thiên Chúa”. 

Petrus.tran






Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...