Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu…

 Chúa Nhật XXXI – TN – B


Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu…

“Thà như mây trắng. Tôi bay về trời. Bay về thiên cung. Tới đỉnh thiên đình. Thà như mây trắng. Bay lên núi cao. Biển trời mênh mang. Thế giới yên hàn.
Thà như mây trắng. Tôi bay về rừng. Thu gom lá khô. Làm thảm cỏ vàng. Để tôi nằm nghỉ. Trong mùa hoạn nạn. Thà như hạt sương. Bay về quê cũ. Có mái nhà xưa. Rơi trên mái hiên. Lan tỏa khắp nhà. Hơi ấm đường xa…
Thà như tất cả. Còn hơn làm người. Trong thời Covid. Trái tim hóa đá. Ở đất nước tôi...” (Khải Triều)

Trên đây là đôi lời tâm tình ray rứt của một nhà thơ và cũng là một người anh em trong Chúa, khi phải chứng kiến những “hoạn nạn” của biết bao con người “trong thời Covid”, hôm nay.

Những hoạn nạn đó, là sự ngăn cách, là sự phong tỏa, là thảm cảnh “Khi người thân mất. Ở gần như xa. Nhìn chiếc xe tang. Đi trong âm thầm. Xa dần mái ấm”.

Vâng, bài thơ còn dài lắm, nhưng với chỉ một phần trích đoạn ngắn này, cũng đủ làm cho chúng ta phải thổn thức, thổn thức không chỉ vì “khi lìa trần có mấy người đưa”, nhưng còn vì, ở đất nước chúng ta hôm nay, quả thật, có rất nhiều “trái tim hóa đá”.

Có dẫn chứng không? Thưa, câu hỏi này đã được trả lời nhan nhản trên truyền thông mạng, trên internet, trên youtube, rồi. Điều chúng ta cần hỏi và tự hỏi: con người khi sinh ra có một trái tim bằng thịt, nhưng tại sao hôm nay, đất nước tôi lại có nhiều trái tim hóa đá!

Câu trả lời giản dị thôi. Nhiều trái tim bị hóa đá là bởi, không ít con người ngày nay “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.

Chưa… còn nữa. Cái “còn nữa” này mới thật là bi đát. Ngoài những con người chẳng-kính-sợ-Thiên-Chúa, còn có không ít người Ki-tô hữu, dù đã được Thiên Chúa hứa “ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta”, thế nhưng số người này lại không muốn Thiên Chúa “lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá”. (x.Ed 11, 17-20).

Họ muốn mình không bị xóa tên trong hàng ngũ những kẻ có “trái tim hóa đá”, chăng!

Vâng, đó là điều đáng thất vọng. Thất vọng vì, nói mà không sợ sai, những người Ki-tô hữu này, “chưa” yêu mến Thiên Chúa một cách hết lòng.

Đã tin và yêu mến Thiên Chúa, “phải” yêu mến hết lòng. Điều này đã được ghi trong Kinh Thánh, và là một trong “mười điều răn” của Đức Chúa Trời. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã gọi điều răn này là “Điều răn đứng đầu”.

**
Đức Giê-su đã khẳng định như thế, trong dịp “có một người trong nhóm kinh sư” tìm đến gặp Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”

Trong-mọi-điều-răn! Vâng, một câu hỏi thật khó trả lời, đấy. Gọi là khó trả lời, vì không biết ông kinh sư này nói tới “mười điều răn” được Thiên Chúa ban cho ông Mô-se ở núi Sinai, hay 613 điều răn trong sách Torah của Do Thái giáo!

Tưởng chúng ta cũng nên biết, trong 613 điều răn đó, có 365 điều răn tiêu cực và 248 điều răn tích cực. “Các điều răn tiêu cực được áp dụng theo nguyên tắc hy sinh yehareg ve'al ya'avor, nghĩa là “thà chết chứ không vi phạm”, thuộc về ba thể loại là giết người, thờ ngẫu tượng, và các hành vi tình dục bị cấm.” (nguồn: internet). 

Vậy thì phải trả lời như thế nào đây! Quả là một câu hỏi đầy thách thức. Tuy nhiên, với Đức Giê-su, Ngài không xem đó như là một sự thách thức. Trái lại, Ngài có một câu trả lời, một câu trả lời, không một ông kinh sư nào, khi nghe, lại không biết đến. 

Hôm ấy, Đức Giê-su trả lời, rằng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”.

“Nghe đây, hỡi Israel…” với âm giọng rất truyền cảm, Đức Giê-su nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Và, cuối cùng, Ngài khẳng định: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (x.Mc 12, 31).

Ông kinh sư, tất nhiên, biết điều luật này. Thế nên, hôm ấy, ông ta đáp lời rằng: “Thưa Thầy hay lắm. Thầy nói rất đúng”. 

Vâng, câu trả lời của ông kinh sư, không phải là một câu trả lời “nói theo”, mà, đó là do ông đã được giáo huấn bởi một nền giáo huấn Đền Thờ. Hôm ấy, ông có lời tiếp rằng: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”

Không thấy thánh Mác-cô cho biết hôm ấy, có bao nhiêu người cùng ở đó nghe Đức Giê-su và ông kinh sư đối đáp. Nhưng, chúng ta có thể cho rằng, chí ít cũng có vài anh “thuộc nhóm Sa-đốc” là những người cũng đã cùng tranh luận với Đức Giê-su, trước đó.

Vâng, nếu đúng là vậy, chắc hẳn quý ông Sa-đốc này ganh tỵ khi nghe Đức Giê-su nói với ông kinh sư rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”.

***
Câu trả lời của ông kinh sư cách đây đã hơn hai ngàn năm. Ước gì, đây cũng là câu trả lời của chúng ta hôm nay. Hôm nay, rất cần nhiều người trong chúng ta “tái xác tín” câu trả lời của ông kinh sư. Bởi, chỉ có như thế, chúng ta mới có thể làm cho “ở đất nước tôi”, bớt đi những con người có “trái tim hóa đá”.

Mà, có gì ngăn cản chúng ta trả lời như thế! Ngay từ thuở chúng ta mới chỉ là chú bé chuẩn bị “Rước Lễ lần đầu”, chẳng phải là chúng ta đã được dạy rằng: “Đạo Đức Chúa Trời có Mười Điều Răn... (và) Mười Điều Răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”, đó sao!

Hôm nay, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su, Mười Điều Răn đã được tóm lại thành “hai điều”, đó là “Mến Chúa và Yêu người”.

Và, nếu được… nếu được tuân giữ với một tâm tình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, thì kể như người ấy “không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”. 

Những yêu cầu mà lề luật nhấn mạnh “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” không là điều nhằm gây khó dễ cho người tuân giữ. Chúng ta có thể ví những yêu cầu đó như những tấm bảng chỉ dẫn làm thế nào để đi trọn vẹn con đường “đức mến”.

Nói cách khác, những yêu cầu mà lề luật nhấn mạnh, “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, có thể ví như là chòm sao bắc đẩu dẫn dắt chúng ta trên cuộc hành trình về Nước Trời.

Vâng, hôm ấy, sau cuộc đối đáp giữa Đức Giê-su và ông kinh sư, thánh sử Mác-cô cho biết: “không ai chất vấn Người nữa”.

Hồi ấy, không ai chất vấn Đức Giê-su về điều răn “mến Chúa – yêu người”. Nhưng, sau này có người chất vấn. Lm. Charles cho biết: “Theo truyền thuyết, thánh Gio-an, lúc ấy tuổi đã rất cao, không hề đổi thay chủ đề thuyết giảng duy nhất của mình, đó là chủ đề ‘mến Chúa, yêu người’. Nghe mãi phần nào phát chán, có vài môn đệ hỏi vì sao ông cứ lải nhải chỉ một sứ điệp yêu thương như vậy, thánh nhân đáp: Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu cũng đủ.”

“Mến Chúa, yêu người”, ông kinh sư, chúng ta nghe thêm một lẫn nữa nhé! Ông ta nói: “Là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.

Còn chúng ta, chúng ta nói gì về điều răn này, điều răn mà Đức Giê-su nói: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn điều răn đó”?

Phải chăng, chúng ta sẽ nói, tuân giữ điều răn “mến Chúa, yêu người”, những ai có trái-tim-hóa-đá, sẽ trở thành “một trái tim bằng thịt”, một trái tim biết “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!

Chúng ta muốn có câu trả lời? Đây, thánh Gio-an trả lời thay cho chúng ta, ngài nói: “Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu là đủ”.

Chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu, chúng ta có thể làm được. Vâng, chỉ cần tuân giữ bấy nhiêu.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Đừng để mù hồn…

 “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).



Chúa Nhật XXX – TN – B


Đừng để mù hồn…

“Hai năm trời dịch bệnh. Hai năm rồi Chúa ơi! Bao con người khốn khó. Cách ly rồi biệt ly… Giê-su - Ngài có thấy. Covid quá hung hăng. Biết bao người vĩnh biệt. Khăn sô trắng đầy nhà. Hai năm rồi Chúa ơi! Bao con người đang đói. Đói cuộc sống an bình. Đói lòng Chúa xót thương. Hai năm trời vất vưởng. Sống chết như sợi tơ. Chúng con chỉ biết ngồi chờ… Chờ ơn Chúa cứu, mọi người hồi sinh”. (Huan Dung).

Vâng, trên đây là lời cầu nguyện khẩn thiết của một người anh em Ki-tô hữu, trong cơn đại dịch Covid 19 suốt gần hai năm nay.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, Chúa có đoái hoài đến lời cầu nguyện khẩn thiết như thế! Có không! Riêng tôi, tôi tin là có. Trong những ngày còn tại thế, Chúa Giê-su chẳng có lời tuyên phán: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”, đó sao!

Kinh Thánh đã ghi lại rất nhiều trường hợp: hễ ai tìm đến khẩn khoản xin Đức Giê-su một điều gì đó, chữa bệnh chẳng hạn, người đó liền được Ngài chữa lành.

Đức Giê-su không phải là kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên”, như người đời thường hứa. Đối với Ngài, hứa là phải làm và vấn đề còn lại, đó là: người xin phải có lòng tin. Thế thì tại sao chúng ta không “xin” nhỉ! Câu chuyện “Người mù ở thành Giê-ri-khô” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một bài học để chúng ta noi theo.

**
Câu chuyện xảy ra vào ngày Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Ngài đến đây để làm gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì. Có lẽ đến và đi ngay chăng! Giống như ngày xưa muốn đi Mỹ, máy bay phải “quá cảnh” ở phi trường Thái Lan hay ở Đại Hàn, rồi đi ngay, chẳng hạn.

Vâng, Ngài đã đến Giê-ri-cô. Và, “khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô… thì có một anh mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).

Một người đàn ông mù ngồi ăn xin, đó là nỗi bất hạnh, và chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nhìn thấy hình ảnh này đâu đó trên mảnh đất Saigon, Huế hay Hà Nội và rất nhiều nơi khác nữa. (Bây giờ thì không ăn xin, nhưng bán vé số, hoặc hát rong).

Hãy tưởng tượng, nếu tôi là một người mù, một người mù cô đơn trong một căn nhà lá tồi tàn, ngày hay đêm đều không có ý nghĩa gì, vì đôi mắt đã trở thành vô dụng. Hãy tưởng tượng đi! Phải chăng, đó là một cảm giác tồi tệ nhất trong đời mình!

Vâng, chúng ta cùng nghe. Lên YouTube nghe “When a Blind Man Cries”, rất não lòng. “I’m a blind man and my world is pale. When a blind man cries, Lord, you know there ain’t no sadder tale.” (tạm dịch: Tôi là người đàn ông mù và thế giới của tôi thì nhạt nhòa. Khi người đàn ông mù khóc, lạy Chúa, Chúa biết không có câu chuyện nào buồn hơn).

Nhóm Deep Purple cảm thông được điều đó, và họ đã nức nở thốt lên: “When a blind man cries, Lord, you know he feels it from his soul – Khi người đàn ông mù khóc, Chúa ơi, Ngài biết rằng anh ta cảm nhận được điều đó từ tâm hồn mình” (nguồn: internet).

Ba-ti-mê, hôm ấy, đã không nhận được sự cảm thông của “một đám người khá đông”. Đám người này “quát nạt bảo anh ta im đi”.

Nhưng, với Đức Giê-su, tất nhiên, anh mù Ba-ti-mê nhận được từ nơi Ngài, không chỉ sự cảm thông mà còn cả lòng thương xót. Đức Giê-su đã từng nói: “Con Người đến là để tìm và cứu”. Nay, có người tìm đến, có lẽ nào Ngài không cứu sao!

Người đàn ông mù trong nhạc phẩm của nhóm Deep Purple rất cô đơn, anh ta đã than thở, rằng: “If you’re leaving, close the door. I’m not expecting people anymore - Nếu anh ra đi thì đóng cửa lại, tôi chẳng chờ mong ai đó đến thăm đâu”.

Nhưng, với Ba-ti-mê thì không. Đức Giê-su đã không để anh ta phải cô đơn, như những người mù sống cô đơn trong một căn nhà trống vắng nào đó. Ngài đã: “Đứng lại và nói: Gọi anh ta lại đây!” Thế là, người ta gọi anh mù và bảo “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”.

Khi nghe được những lời “ngọt ngào” như thế, thánh Mác-cô đã mô tả hình ảnh một anh mù như thể không còn mù nữa: “Anh mù vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”.

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ… quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng”! (Gr 31, 7-9).

Nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê phải “reo vui lên” khi Ngài sẵn lòng thực hiện cho anh ta một điều ước muốn: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”

Vâng, người đàn ông mù tên Ba-ti-mê “nước mắt tuôn rơi” (chắc là thế) và nói lên ước muốn của mình với một tâm trạng tràn đầy niềm tin và hy vọng: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Hôm đó, Chúa biết… Đức Giê-su biết và Ngài đã nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”.

Đức Giêsu đã cho “anh ta nhìn thấy được” (Mc 11, …52).

***
Nhóm Deep Purple mô tả: “Khi người đàn ông mù khóc…”, ông ta than thở với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết không có câu chuyện nào buồn hơn”.

Thế còn, khi-người-đàn-ông-sáng-mắt thì sao? Ông ta cũng khóc! Vâng, ông ta cũng nên khóc. Nên khóc, nếu ông ta “mù hồn”.

Anh Ba-ti-mê “mù mắt” nhưng không “mù hồn”. Đôi mắt thuộc thể của anh ta không nhìn thấy khuôn mặt Đức Giê-su ra sao, nhưng đôi mắt thuộc linh của anh ta đã nhìn ra Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít”. Mà, Con vua Đa-vít chính là Đấng Mê-sia, Đấng mà mọi người đang chờ đợi, rằng, Người sẽ làm cho “…kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.” (x.Is 29, 18). Thế thì, cớ gì không chạy đến “xin (Ngài) rủ lòng thương tôi”!

Mù hồn, điều tất yếu xảy ra, đó là, đôi mắt thuộc thể của ta sẽ trở nên “mù… quáng”. Mà, nói đến sự “mù quáng”… vâng, lịch sử đã cho thấy, nó dẫn con người đi đến thung lũng âm u của tội lỗi và chết chóc.

Xưa, vua Hê-rô-đê như là một ví dụ điển hình, Đôi mắt “mù quáng” của ông ta đã kéo theo căn bệnh “mù tâm hồn” để rồi ông ta đã gây ra một loạt tội ác, cướp vợ của anh mình, và khủng khiếp nhất chính là giết Gioan tẩy giả chỉ vì một điệu múa dâm dật của một cô gái làm cho ông ta vui thích.

Xưa hơn nữa, cũng là một ông vua, vua Đa-vít. Đôi mắt của ông ta cũng trở nên “mù… quáng” trước một “người đàn bà đang tắm, nàng nhan sắc tuyệt vời”, nàng tên là Bát Seva… Hậu quả là ông ta tìm cách chiếm đoạt bà Bát Seva, bằng một thủ đoạn hạ cấp, ông ta thuyên chuyển Urigia, chồng của Bát Seva ra tiền tuyến với lời căn dặn “hãy đặt Urigia hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”… và Urigia đã chết tức tưởi, không bởi sự nhát đảm, mà bởi đôi mắt “mù … quáng” của vua Đa-vít.

Thế nên, điều căn bản chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình, đó là: “mù mắt sáng hồn hơn mù hồn sáng mắt.”

Vâng, nói không quá lời, có phần chắc, đôi mắt của chúng ta cũng không ít lần bị “mù... quáng”, mù quáng trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những cám dỗ của trần gian, v.v…

Điều đó không có gì lạ, không lạ bởi chúng ta cũng chỉ là những phàm nhân yếu đuối. Thế nhưng, vì là một Ki-tô hữu, sẽ thật kỳ lạ, nếu chúng ta cứ để đôi mắt mình mãi mãi “mù quáng” trước những cám dỗ của trần gian, là những thứ nay có mai mất, là những thứ ngăn cản chúng ta bước vào bàn tiệc Nước Trời.

Vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi “đôi mắt tôi có bị mù quáng” trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những quyến rũ của trần gian?

Đừng để chúng ta trở thành một người đàn ông “mù hồn”. Bởi khi chúng ta “mù hồn” đời sống tâm linh của chúng ta sẽ nhạt nhòa. Và, Chúa… Chúa của chúng ta sẽ thổn thức mà nói: “there ain’t no sadder tale – không có câu chuyện nào buồn hơn”.

Vâng, không-có-câu-chuyện-nào-buồn-hơn câu chuyện: là một người tin Chúa nhưng lại không nhìn nhận Ngài “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Thế nên, ngay hôm nay, chúng ta hãy đến bên thánh giá Chúa Ki-tô và thưa với Ngài, rằng: Lạy Chúa, xin cho chúng con “được sáng hồn”, để chúng con “nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”.

Mù mắt sáng hồn hơn mù hồn sáng mắt. Vâng, đừng để mù hồn.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Hãy phục vụ như Thầy Giê-su

 Đức Giê-su nói tiếp: “…thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (x.Mc 10, 43).



Chúa Nhật XXIX – TN – B


Hãy phục vụ như Thầy Giê-su

Cuộc sống, theo lẽ thường tình, không ai lại không muốn mình có danh vọng, có địa vị cao trong xã hội. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng có cái nhìn như thế, ông nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”.

Muốn có danh vọng, muốn có địa vị trong xã hội, tưởng cũng là một khát khao bình thường, bình thường như một người lính muốn được lên “lon”, muốn được thăng cấp. 

Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, niềm khát khao này không phải lúc nào cũng đem lại bình an, hạnh phúc cho con người. Anh là ai mà đòi hơn tôi chứ! Tôi như thế này sao lại thua anh! Vâng, cứ như thế… cứ như thế… sự ganh tỵ sẽ xảy ra, sự tức tối sẽ nổ bùng, và cuối cùng đó là thù oán. 

Nói đến danh vọng và địa vị, Victor L.Brown có lời nhận xét rằng: “Thước đo của một con người không nhất thiết nằm ở danh vọng hay địa vị, mà nằm ở việc anh ta đối xử với người khác như thế nào”. Jean Jacques Rousseau thì mạnh mẽ hơn. Ông nói: “Danh vọng chỉ là hơi thở, và nó thường độc hại”.

Nó thường độc hại thật ư! Đúng, nó độc hại. Sự độc hại, như đã nói ở trên, đó là: dẫn tới thù oán, dẫn tới ghen tỵ, dẫn tới hiềm khích. Mười hai môn đệ của Đức Giê-su xưa, cũng đã bị cám dỗ trước danh vọng và địa vị.

Các ông đã hơn một lần “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Hai ông Gia-cô-bê và Gio-an đã công khai “ra mặt” muốn-chúng-mình phải có địa vị cao “khi Thầy được vinh quang”. Kết quả là giữa các ông “đâm ra tức tối”, với nhau.

Đức Giê-su không hoan nghênh điều này. Và, Ngài đã dạy các ông một bài học. Bài học này được ghi trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Câu chuyện được thánh sử Mác-cô đi ngay vào chi tiết, rằng: “Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gặp Đức Giê-su và nói: Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Vâng, đây không phải là lần đầu tiên môn đệ của Đức Giê-su đến xin Ngài. Nhớ, một lần nọ, cũng có “một người trong nhóm môn đệ” đến xin. Lần đó anh ta xin Ngài “dạy chúng con cầu nguyện”. Và, hôm ấy, Đức Giê-su đã dạy các ông “Kinh Lạy Cha”. (x.Lc 11, 1-4).

Còn hôm nay, có tới “hai ông”. Hai ông xin gì nhỉ! Xin quyền năng hóa bánh ra nhiều chăng! Thưa không. Hôm ấy, khi nghe hai ông xin điều “chúng con sắp xin”, Đức Giê-su liền hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”

Nghe Ngài hỏi như thế, quả đúng là “được lời như cởi tấm lòng”, hai vị môn đệ đồng thanh cất tiếng thưa: “Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (x.Mc 10, 37).

Lời thỉnh cầu của hai ông (cũng) hợp lý đấy chứ! Thì đây, chính hai ông, chứ không ngoài ai khác, đã được Đức Giê-su ưu ái cho nhìn thấy “vinh quang của Người và hai nhân vật đứng bên Người” trên núi Tabor. Hai nhân vật đó là Mô-sê và Ê-li-a. “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (x.Lc 9, 31).

Hôm nay, Thầy và trò đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, thế thì chẳng phải là sắp-hoàn-thành, đó sao! Thế nên, hai ông đến và xin (xin trước kẻo Thầy cho người khác) là điều dễ hiểu.

Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời truyền dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được”. Thế nhưng, hôm nay, ông Gia-cô-bê và Gio-an “xin lại không được”. Vì sao? Thưa, Đức Giê-su nói: “Các anh không biết các anh xin gì!”

Muốn được ngồi “chiếu nhất, chiếu nhì” khi-Thầy-được-vinh-quang ư! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với tất cả tâm tình của mình, rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Can đảm thật. Các ông đáp rằng: “Thưa được”. Tốt. Không được cũng phải được. Bởi vì, hôm ấy, Đức Giê-su có nói: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.

Còn việc bên ngồi bên tả hay bên hữu ư! Hôm ấy, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. 

***
“Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Thế thì việc được “ngồi bên hữu (hay) ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” có còn là điều cần phải có?

Thưa, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên… đừng quên Đức Giê-su đã có lời truyền dạy: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính...

Đấy, Đức Giê-su đâu có khuyến khích chúng ta khát khao danh vọng, địa vị. Ngài mời gọi chúng ta hãy “nên người công chính”. Và, phần thưởng dành cho người công chính là gì nhỉ! Thưa, “họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (x.Mt 5, 6). Được Thiên Chúa cho thỏa lòng thì muốn gì Người lại chẳng ban cho!

Đức Giê-su đã nói như thế, thế thì, nếu có xin, hãy xin Ngài cho chúng ta nên-người-công-chính. Điều này rất quan trọng cho đời sống đức tin của chúng ta. Tại sao? Thưa, quan trọng là bởi: “người công chính sống bởi đức tin” (Rm 1, 17).

Sống bởi đức tin thì có cần phải “kèn cựa” nhau về địa vị, về danh vọng (là những thứ có đấy, rồi mất đấy), để rồi dẫn đến sự chia rẽ, bè phái!

Tấm gương của mười hai vị môn đệ vẫn còn đó. Hôm ấy, khi nghe hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin “được ngồi chiếu nhất, chiếu nhì” thánh sử Mác-cô cho biết: “mười môn đệ kia đâm ra tức tối”.

Đối với Đức Giê-su, Ngài rất “kỵ” chuyện tranh giành địa vị. Hôm trước, giữa các môn đệ đã xảy ra chuyện “các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Ngay lập tức, Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x.Mc 9, 35).

Còn hôm nay, thì sao? Hôm nay, lời truyền dạy của Đức Giê-su có phần mạnh mẽ hơn. Vâng, Ngài nói: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân”.

“Nhưng giữa anh em…”, Đức Giê-su nói tiếp: “…thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (x.Mc 10, 43).

Làm người rốt hết, làm người phục vụ mọi người, làm đầy tớ mọi người, đó là lời giáo huấn của Thầy, nhớ chưa!

Lm Charles E.Miller khi nói về lời giáo huấn này, ngài có lời chia sẻ, rằng: “Các gương lành của Chúa Giê-su còn có tác dụng mạnh mẽ hơn giáo huấn của Người. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống, đã từ bỏ ngai vị trên trời để trở thành một trong chúng ta. Người đã từ chối tất cả những gì xã hội thế tục này ham muốn. Khiêm nhường đến như vậy là vì Người đang nghĩ không phải tới chính mình, mà tới chúng ta.”

Đúng vậy, Đức Giê-su không-nghĩ-tới-chính-mình, mà nghĩ tới tha nhân. Chúng ta hãy nghe thông điệp Ngài đã nói với các môn đệ năm xưa, thông điệp rằng: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Một lần nọ, Đức Giê-su đã nói: “Ta ở giữa các ngươi như người hầu việc vậy.” Ngài đã nói và đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly. Chuyện kể rằng: Hôm ấy: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (x.Ga 13, 4-5).

Có hình ảnh nào nói lên tinh thần phục vụ đẹp như hình ảnh này. Và còn đẹp hơn thế nữa, đó là hình ảnh “Người vác thập giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá.” Ngài đã chết ở đó... một cái chết đúng như Ngài đã nói: “làm giá chuộc muôn người”.

****
Giáo huấn và gương phục vụ của Đức Giê-su đã tác động rất mãnh liệt nơi các tông đồ. Một trong hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê đã “nên giống Đức Giê-su”, giống ở chỗ đã dám “chết” như Ngài. Kinh Thánh ghi lại rằng, Gia-cô-bê đã chết bởi bàn tay vua Hê-rô-đê A-gríp-pa. (Cv 12, 2).

Lịch sử Giáo Hội, sau này, cũng có rất nhiều tấm gương phục vụ, đúng như giáo huấn và gương phục vụ của Đức Giê-su. Mẹ Têrêsa Calcutta, như một minh chứng. Mẹ đã dám tự hạ mình xuống “làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường.”

Và, Đức cha Jean Cassaigne, vị cha hiền của người sắc tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy, Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh”, như điển hình.

Sức sống của Ki-tô giáo, theo lời Lm Jude Siciliano, OP. chia sẻ thì: “...không thể đo lường bằng những thành công bên ngoài: Nhà thờ to, tín hữu đông, rước sách rầm rộ, được vua quan và thiên hạ kính nể...”.

Đúng vậy, tại Châu Âu có biết bao nhà thờ rất đẹp, rất lớn được xếp vào hàng di tích lịch sử, thế nhưng, cộng đoàn tham dự tại đó lại tỷ lệ nghịch so với sự to lớn của ngôi thánh đường.

Một linh mục, có lời tâm sự rằng: Tôi làm chánh xứ mấy chục năm, chưa bao giờ thu phục được một người theo đạo. Vậy mà, khi nhà xứ thành lập một phòng khám bệnh từ thiện, cứ một vài tháng lại có “lai rai” vài người đến xin theo đạo.

Điều này nói lên điều gì? Thưa, nó củng cố thêm rằng: mỗi chúng ta phải thấm nhuần và thực thi giáo huấn và gương phục vụ của Đức Giê-su: “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Đến… là để phục vụ. Đừng quên, vào ngày phán xét, Ngài thẩm phán Giê-su sẽ phán xét con người không ngoài công việc nào khác, mà chính là “tinh thần phục vụ”.

Ngài thẩm phán Giê-su sẽ hỏi: Xưa Ta đói, các ngươi (có) cho ăn? Ta khát, các ngươi (có) cho uống? Ta là khách lạ, các người (có) tiếp rước? Ta trần truồng, các ngươi (có) cho mặc? Ta đau yếu, các ngươi (có) thăm viếng? Ta ngồi tù, các ngươi (có) hỏi han? 

Và đây! Hãy nghe thẩm phán Giê-su tuyên bố: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi (phục vụ) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã (phục vụ) cho chính Ta vậy”.

“Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống…?” Xưa, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ như thế. “Các anh có phục vụ như lời thẩm phán Giê-su truyền dạy?” Nay, Đức Giê-su sẽ hỏi chúng ta như thế.

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta.Thế nhưng, nếu muốn được “ngồi bên hữu (hay) bên tả Đức Giê-su”, thì: Hãy phục vụ như Thầy Giê-su.

Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...