Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Chúng ta là người phát quang lộ trình…

 Theo lời thánh Luca kể, thì hôm ấy “Đang khi (Đức Giê-su cùng với các môn đệ) đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”.



Chúa Nhật – XIII – TN – C

Chúng ta là người phát quang lộ trình…

Tin và theo Chúa, đó là sự tự nguyện. Gọi là tự nguyện, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những điều kiện nhất định. Thì đây, như chúng ta được biết, đi tu là sự tự nguyện, nhưng điều kiện tiên quyết người tu sĩ phải thực hiện, đó là sống đời sống độc thân.

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, có rất nhiều người tin và đi theo Ngài. Họ đã đi theo Ngài và chấp nhận những điều kiện Ngài đưa ra. Cũng có người tin nhưng không đi theo Đức Giê-su. Không đi theo Đức Giê-su, vì điều kiện Ngài đưa ra khó “nuốt” đối với họ.

Điều kiện theo Đức Giê-su là gì? Thưa, Đức Giê-su có lời truyền rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…” (x.Lc 9, 23).

Phải-từ-bỏ-chính-mình, và đã có người từ bỏ. Những người đầu tiên thực hiện điều kiện này chính là bốn chàng ngư phủ: An-rê, Si-mon cũng gọi là Phê-rô, Gia-cô-bê và người em là Gio-an. Bốn vị này, khi nghe Đức Giê-su bảo: “các anh hãy theo tôi”, lập tức các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. (x.Lc 5, 11).

Phải-từ-bỏ-chính-mình. Nói thì dễ nghe, nhưng thực hiện không dễ dàng chút nào. Mà, đúng là vậy. Vào thời Đức Giê-su, có một chàng thanh niên đã tìm đến với Ngài và ngỏ lời rằng, “tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời”. Thế nhưng, thật đáng tiếc, khi vừa nghe Đức Giêsu nói lên điều kiện, điều kiện rằng: “hãy đi bán tài sản của anh mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Thiệt tình, khi anh ta nghe điều kiện đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”

Bỏ đi… rất nhiều người ngày xưa cũng như ngày nay, đã bỏ đi. Bỏ đi vì họ không hiểu rằng, những điều kiện Đức Giê-su yêu cầu không ngoài mục đích là để con người không còn vấn vương bụi trần và nhờ đó sẽ theo Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn.”

Điều kiện từ-bỏ-mọi-sự còn đem lại cho người theo Chúa một cuộc sống “an nhiên tự tại”, một cuộc sống thư thái, vui vẻ, không âu lo buồn phiền trước nghịch cảnh, bất chấp tình trạng xấu tốt xảy ra trong cuộc sống của mình.

Vâng, đó là sự thật. Và, Đức Giê-su đã không ngần ngại nói lên sự thật này, sự thật về một cuộc sống mà người đi theo Ngài sẽ phải đối diện, sẽ phải thể hiện trong chính cuộc sống của mình. Thánh Luca đã ghi lại sự thật mà Đức Giê-su đã nói.

**

Theo lời thánh Luca kể, thì hôm ấy “Đang khi (Đức Giê-su cùng với các môn đệ) đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”.

Vâng, một lời nói thật tự tin. Thế nhưng, Đức Giê-su không vì thế mà nói lên lời hoan nghênh. Người trả lời rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Là vậy đó. Những ai đi theo Chúa sẽ phải đối diện với một cuộc sống khắc nghiệt như thế đó. Thánh Luca không nói gì về phản ứng của “kẻ thưa Người” như thế nào. Nhưng, ngài thánh sử cho chúng ta thấy sự trì hoãn của việc theo Chúa là chuyện “thường xảy ra ở huyện”.

Theo ngài Luca kể: Hôm ấy, Đức Giê-su (có) nói với một người khác rằng: “Anh hãy theo tôi”. Người ấy phản ứng làm sao nhỉ! Có giống như bốn chàng ngư phủ (nêu trên) đã “bỏ chài lưới… bỏ thuyền… bỏ cha lại mà đi theo Người”, không? Thưa không. Người này đã trả lời rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”

Trả lời như thế là hỏng rồi. Hỏng là bởi, anh ta vi phạm điều luật thứ nhất: Thứ nhất “Thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, đúng không, thưa quý vị!

Đức Giê-su rút “thẻ vàng” ngay lập tức. Hôm ấy, Ngài bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.

“Còn anh, anh hãy đi…” không có chuyện “trốn việc quan đi ở chùa”. Đây, chúng ta hãy xem Đức Giê-su phản ứng ra sao khi có “Một người khác nữa lại nói: Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Trời”.

Đúng… Đúng quá đi chứ! Anh đã tự nguyện đi tu, tự nguyện khấn hứa sống đời sống độc thân, ấy thế mà anh cứ “ngoái lại đàng sau” muốn rằng linh mục (Công Giáo) ở thế kỷ 21 này, phải được phép lấy vợ cơ! Thế thì còn ý nghĩa gì về việc “tự là hoạn nhân vì Nước Trời”!

***

Điều kiện theo Chúa khắc nghiệt quá chăng! Thưa, Lm. Charles E. Miller có lời giải thích: “Chúa đòi hỏi phải từ bỏ mọi sự trong đời sống thường nhật, (từ bỏ) bất cứ gì ngăn trở chúng ta trên con đường trở thành môn đệ của Người. ‘Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ’, những lời bí ẩn này không hàm ý (Đức Giê-su) phản đối việc chôn cất các thân nhân đã chết, mà Người muốn nói rằng, ai bác bỏ Người, thì, về mặt nào đó, cũng giống như những người chết bởi lẽ họ đã bác bỏ Chúa-sự-sống. Đồng thời, đây cũng là cách nói của Chúa Giêsu, rằng, chúng ta phải xác định không có gì quan trọng hơn là hết lòng hết dạ với Người”.

Tin và theo Chúa là tự nguyện. Những nhà chiêm niệm gọi đó là “ơn tự do”. Và, nói tới ơn tự do, tưởng chúng ta cũng nên nhắc lại câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa.

Chuyện kể rằng: hồi ấy, Ê-li-sa được ơn gọi làm ngôn sứ. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Tấm áo choàng của ông Ê-li-a tượng trưng cho chức vụ ngôn sứ, và ông Ê-li-a kêu gọi ông Ê-li-sa lên thay chức vụ của mình.

Với một thoáng ngập ngừng, ưu tư đến cha mẹ, ông Ê-li-sa “xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông”. Với “ơn tự do”, ông Ê-li-a cho phép. Thế rồi, Ê-li-sa trở về “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông”.

“Giết bò, lấy cày làm củi, nấu thịt đãi người nhà” phải chăng ông Ê-li-sa còn tiếc nuối cuộc sống đời thường? Thưa không, đó là một hình thức “từ bỏ phương tiện sinh sống”, cũng là một hình thức “từ bỏ mọi sự”.

Thánh Phao-lô cũng cho chúng ta thấy ngài đã sử dụng ơn tự do như thế nào. Là một công dân Roma, một thứ quyền “phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy”. Thế nhưng, với ơn tự do, ngài dám “từ bỏ” để trở nên người môn đệ của Chúa Ki-tô Giê-su.

Với ơn tự do, thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (x.Gl 5, 13).

Hãy lấy đức mến mà phục vụ nhau, nha! Thế nên, chớ lợi dụng tự do để sống ích kỷ, sống theo ý riêng của mình.

Phải dè chừng! Lợi dụng quyền tự do, “để sống theo xác thịt”, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ sống trong sự nô lệ.

Hãy thử nhìn xem, một người lợi dụng quyền tự do sống theo xác thịt, nghiện ngập ma túy, họ có tự do không? Thưa không, họ mất tự do và sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn vật vả đói thuốc, nhất là trong sự sai khiến của sự phạm tội.

Với người lợi dụng quyền tự do sống theo xác thịt, nghiện sex, cũng vậy, họ sẽ mất tự do. Họ sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn đói sắc dục, kết quả là bịnh hoạn và chết chóc, cả xác lẫn hồn.

Nói ra những vấn đề này để làm gì? Thưa, không ngoài mục đích, là để chúng ta sử dụng “ơn tự do” mà Thiên Chúa đã ban cho, đúng mục đích. Mà mục đích tiên quyết của việc theo Chúa là gì? Thưa, Đức Giê-su đã có lời khuyên dạy, đó là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Theo Chúa, phải từ bỏ mọi sự và Chúa sẽ thêm cho, thưa quý vị. Chính Đức Giê-su đã nói với tông đồ Phê-rô, rằng: “Thầy bảo thật anh em; chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

Đức Giê-su đã hứa như vậy, và Ngài không phải là kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên”. Thế nên, ngay hôm nay, bây giờ, hãy để một phút trong thinh lặng và tự hỏi lòng mình, rằng: Tôi đã bỏ hết mọi sự (thuộc về thế gian) và đi theo Chúa!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Và, nếu chúng ta đã bỏ hết mọi sự và theo Chúa, ngài linh mục Charles E. Miller nói, đó là chúng ta đã: “Phát quang một lộ trình lên Thiên Đàng.”

Vâng, Thiên Chúa đã ban ơn tự do cho chúng ta. Việc còn lại là chính chúng ta… “chúng ta là người phát quang lộ trình.”

Petrus.tran

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Mình Thánh Chúa – nguồn sống của chúng ta.

 Một Giao Ước mới được lập ra. “Cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (x.Lc 22,18).

Mình Thánh Chúa – nguồn sống của chúng ta

Chúa Nhật – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Mình Thánh Chúa – nguồn sống của chúng ta

Bữa tiệc hay tiệc hoặc tiệc tùng là nhu cầu cần thiết trong đời sống của con người. Gọi là cần thiết vì đó là cơ hội để quy tụ mọi người đến với nhau, đến với nhau để biểu lộ tình cảm, sự gắn kết giữa người với người.

Có nhiều loại tiệc. Tiệc đầy tháng, tiệc thôi nôi, tiệc cưới, tiệc mừng thọ và đặt biệt ngày nay có một loại tiệc rất được nhiều người quan tâm, đó là tiệc buffet.

Tiệc buffet là gì? Thưa, “tiệc buffet hay còn gọi là tiệc đứng, là một hình thức tổ chức các bữa tiệc ăn uống theo kiểu tự chọn, thực khách có thể tùy ý đi lại, đứng ngồi tùy thích, thức ăn được đặt trong một khu vực chung nơi các thực khách thường tự phục vụ, lựa chọn các món đã soạn sẵn tại bàn tiệc. Ăn buffet tính theo suất, trả tiền trọn gói nên nhà hàng sẽ đếm đầu người để tính tiền mà không phân biệt bạn ăn nhiều, ăn ít, hay không ăn. So với tiệc ngồi theo kiểu truyền thống, tiệc buffet tạo cảm giác tự do, thoải mái cho khách tham dự.” (nguồn: internet).

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài không chỉ tham dự những bữa tiệc được mời, bữa tiệc cưới tại Cana chẳng hạn, mà đã có lần Ngài thực hiện một “bữa tiệc buffet” tại Bết-xai-đa với số lượng thực khách lên tới hơn năm ngàn người. Hôm ấy, những người tham dự đã được ăn một bữa no nê ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Bữa tiệc buffet này đã được thánh Luca “thi vị hóa” qua câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều”.

**

Vâng, trước khi đi vào câu chuyện “hóa bánh ra nhiều”, tưởng chúng ta cũng nên nhớ lại lời Đức Giê-su đã phán truyền: “Tôi đến là để chiên được sống và sống dồi dào”.

Mà, thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến, Đức Giê-su không khỏi “chạnh lòng thương xót” và Ngài đã thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt”.

Đối với Đức Giê-su, lời nói luôn phải đi đôi với việc làm. Và Ngài đã làm thật. Vâng, chuyện kể rằng: Hôm đó, Đức Giê-su và các môn đệ “về thành kia gọi là Bết-xai-đa” Không rõ do ai nói “đám đông dân chúng biết thế”, thế là người này rỉ tai người kia, và kết quả là họ “liền đi theo Người”.

Họ đi theo Người - “Người tiếp đón họ”. Đức Giê-su tiếp đón họ với tâm tình của một người mục tử đầy lòng thương xót. Sự thương xót của Đức Giê-su đã được thể hiện qua việc “chữa lành những ai cần được chữa” (x.Lc 9, …11).

Đức Giê-su đã chữa lành được bao nhiêu người? Thưa, thánh sử Luca không cho biết có bao nhiều người được chữa lành. Thế nhưng, ngài Luca lại cho biết số lượng người đi theo Đức Giê-su “có tới chừng năm ngàn người đàn ông”.

Năm-ngàn-người thì đã sao! Thưa, có đấy! Chính số lượng đông như thế đã khiến các môn đệ âu lo. Vâng, các ông âu lo là bởi “ngày đã bắt đầu tàn”, thế mà chẳng thấy có dấu hiệu nào nhóm người này giải tán. Không giải tán thì ai sẽ là người lo vấn đề “ẩm thực” cho họ!

Trong một nỗ lực để làm giảm bớt sự âu lo (không đáng có), các môn đệ đã “đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở là nơi hoang vắng”. Đức Giê-su trả lời thế nào, nhỉ! Thưa, Ngài nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”

Chính-anh-em… Các môn đệ đã nghe rõ như thế. Và, có một điều các ông còn “rõ” hơn. Điều rõ hơn đã được các ông nói với Đức Giê-su, rằng: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả dám dân này” (x.Lc 9, 13).

Vâng, hôm đó, trong khi các môn đệ đang lúng túng vì số lương thực quá ít ỏi, Đức Giê-su rất bình thản nói với các ông rằng: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”.

Nghe theo lệnh truyền của Thầy mình, “các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống”. Đang khi mọi người ngồi thành từng nhóm năm mươi, Đức Giê-su, rất trang trọng, Ngài: “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9, 16).

Bữa “tiệc buffet”… đúng… một bữa tiệc buffet, bắt đầu. Mọi người đều ăn. Ăn nhiều, ăn ít tùy thích. Tin Mừng thánh Luca ghi lại: “Ai nấy được no nê”. Chưa hết, chuyện kể tiếp rằng: “Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”. (Lc 9,17).

***

Đức Giê-su với năm chiếc bánh và hai con cá đã thực hiện một bữa tiệc buffet cho hơn năm ngàn người ăn no nê. Thế nhưng, nếu chỉ có thế thì có gì để nhớ đến Ngài. Bởi vì bữa tiệc đó cũng chẳng khác gì bữa tiệc manna xưa Thiên Chúa đãi dân Do Thái. Tổ tiên họ “đã ăn… nhưng đã chết” (x.Ga 6, 49).

Đức Giê-su, qua việc “hóa bánh ra nhiều”, Ngài muốn chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ, để sau này ngay tại bàn tiệc trong lễ Vượt Qua, các ông hiểu được ý nghĩa của việc “Hóa Bánh” - một tấm bánh “để ai ăn thì khỏi phải chết (và) sẽ được sống đời đời”.

Thật vậy, tại bữa tiệc Vượt Qua. Cũng vẫn là những cử chỉ quen thuộc. Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói; Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… “ (Mt 26, 26). Giờ đây, bánh không còn là bánh nữa. Nhưng là “Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Cũng vậy, rượu không còn là rượu. Nhưng là “Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.

Một Giao Ước mới được lập ra. “Cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (x.Lc 22,18). Và đó là lý do, hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Giáo lý Công Giáo gọi là Bí Tích Thánh Thể.

Chớ bao giờ cho rằng Bí Tích Thánh Thể là do Giáo Hội tự nghĩ ra. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, trong một bài giảng, đã khẳng định rằng: “Bí tích Thánh Thể không do Giáo Hội, không do bất cứ ai bịa ra. Chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.

Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55).  Ngay cả khi Đức Giêsu biết rõ ràng, rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.” (nguồn: internet).

Thánh Phao-lô, trong thư gửi cộng đoàn Cô-rin-tô, cũng đã nói: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.1Cor 11, 23-25).

****

Trong bữa “tiệc buffet” tại Bết-xai-đa, Đức Giê-su nói: “Hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm.” Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua Đức Giê-su nói: “Anh em cầm lấy mà ăn.” Và, cuối cùng, Ngài nói: “Hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Đức Giê-su nói với ai vậy? Thưa, ngày xưa, Ngài nói với các môn đệ. Ngày nay, Ngài nói với mỗi chúng ta. Vâng, Đức Giê-su vẫn tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Chính anh em…”

Vâng, chính chúng ta… “hãy bảo nhau ngồi thành từng nhóm”. Có rất nhiều điều chính chúng ta phải “bảo nhau”. Chúng ta phải bảo nhau, hãy là “khí cụ bình an của Chúa”.

Trong một xã hội tình yêu thương chỉ là khẩu hiệu. Sự tha thứ chỉ nói chót lưỡi đầu môi. “Lương tâm bán rẻ hơn lương thực. Chân lý chân giò một giá thôi”. Thế nên, chính chúng ta phải bảo nhau “đem yêu thương vào nơi oán thù”. Bảo nhau “đem thứ tha vào nơi lăng nhục.” Bảo nhau “đem an hòa vào nơi tranh chấp”. Bảo nhau “đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Đừng chần chờ gì nữa! Chúng ta hãy bảo nhau “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu.”

Cuối cùng, và là điều rất quan trọng, đó là, chúng ta đừng quên “bảo (nhau) ngồi thành từng nhóm” trong nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật. Ngồi trong nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật để làm gì? Thưa, để chúng ta cùng nhau thưởng thức, không phải thưởng thức một bữa tiệc đại loại như bữa tiệc buffet ngoài đời thường: “ăn rỗi cũng chết”, nhưng là “Bữa Tiệc Thánh Thể”, một bữa tiệc mà chúng ta sẽ được thưởng thức một thứ lương thực, đó là “Lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh.” (x.Ga 6, …27).

Vâng, chính chúng ta phải “bảo nhau”. Chúng ta hãy bảo nhau “…nào mau tới thờ lạy Chúa.” Chúng ta hãy bảo nhau, rằng: “Mình Máu Thánh nên nguồn sống” cho chúng ta. Hãy bảo cho nhau biết rằng: Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô chính là nguồn sống của chúng ta.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Vinh Quang Chúa… sao lại không!

“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).



Chúa Nhật – Lễ Chúa Ba Ngôi

Vinh Quang Chúa… sao lại không!

Trong kho tàng thánh ca Việt Nam, có một bài thánh ca mỗi khi được cất hát lên, nó đã làm cảm động biết bao trái tim con người. Bài thánh ca đó có tựa đề “Vinh Quang Chúa”. Tác giả: nhạc sĩ Hùng Lân.

Vâng, rất cảm động khi cô ca sĩ Như Ý của VietCatholic.New cất cao giọng hát: “Trời xanh ơi hỡi trời xanh, hãy thuật lại vinh quang của Chúa. Từng không vút cao muôn trùng, hãy loan truyền những việc Người làm. Ngày và đêm hãy truyền nhau những kỳ công siêu việt bao la Chúa đã thương ban cho đời, làm bằng chứng tình yêu bao la…”

Để nói lên niềm tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi, người nhạc sĩ tài hoa này đã không dùng đến những bài thuyết giáo hùng hồn như những nhà hộ giáo thời Giáo Hội sơ khai. Trái lại, ông ta đã “phóng bút” phổ lên những dòng nhạc với lời ca cung kính, rất cung kính, để “tấu lên muôn muôn điệu nhạc, ngợi khen Đấng quyền năng vô biên.”

Đấng quyền năng vô biên đó, đã được ông ta tôn vinh, tôn vinh rằng: “Vinh quang Chúa chói ngời, Vinh quang Chúa cao vời, con tin kính tôn thờ mình Ngài. Tôn vinh Chúa muôn loài, tri ân Chúa muôn đời. Có ai uy quyền bằng Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Thiên Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Thưa, Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, Ngôi thứ hai là Chúa Con và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.”

Tuyên xưng “Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là lời tuyên xưng do Giáo Hội tự đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su người Nazareth, truyền dạy. Những lời Đức Giê-su người Nazareth truyền dạy đã được ghi lại trong các sách Tin Mừng.

**

Trước hết, theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại. Một ngày nọ, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Vâng, một-ít-lâu và sau ít lâu đó, Đức Giê-su cho biết rằng Ngài sẽ “đi dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (x.Ga 14, 3).

Lời nói của Đức Giê-su đã làm cho “vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau…”. Các ông đã hỏi nhau rằng: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” (x.Ga 16, 17).

Đúng vậy, trước đó, Đức Giê-su đã nói cho các ông biết “nhà Cha Thầy.” Ngài nói: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi…”

Nhà-Cha-Thầy và giờ đây là Thầy-đến-cùng-Chúa-Cha chẳng phải là Đức Giê-su nói về “Ngôi thứ nhất là Chúa Cha”, đó sao!

Và tiếp theo là Tin Mừng thánh Matthêu, qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan, thánh sử đã cho thấy hình ảnh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thánh Mát-thêu kể: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Có-tiếng-phán-từ-trời… tiếng phán này của ai, chẳng phải là của Chúa Cha! Và, Thần-Khí-Thiên-Chúa-đáp-xuống chẳng phải là “Ngôi thứ ba – Chúa Thánh Thần”!

Trong bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su cũng đã nói đến “ngôi thứ ba”. Hôm đó, Ngài nói rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Chúa Cha, rồi đến Đấng Bảo Trợ và cuối cùng là Chúa Con. Vâng, Chúa Con chính là Đức Giêsu. Là Đức Giê-su vì đã có lần Ngài khẳng định mình là một “ngôi vị” khi tuyên bố rằng, “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.

Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin. Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã nói đến mầu nhiệm này như là một lời tuyên xưng cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã truyền dạy các môn đệ, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).

***

Một Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nên chăng, gọi mầu nhiệm này là “Mầu Nhiệm Tình Yêu và Hiệp Nhất”. Tại sao nên gọi như thế? Thưa, bởi do những gì Kinh Thánh ghi lại, đã nói lên điều đó.

Trước hết, chúng ta nói đến “tình yêu”. Kinh Thánh cho biết, có một Chúa Cha: “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (x.Ga 3, 16).

Tình yêu đó đã được Chúa Con thể hiện như thế này. Rằng, Chúa Con “đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Chúa Con) mà được cứu độ.” Chúa Con đã chết trên thập giá tại Golgotha. Cái chết của Chúa Con là để “cứu muôn người lỗi tội” như lời Ngài đã nói “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Và, bây giờ là nói tới sự “hiệp nhất”. Thật vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần ngự đến “đậu xuống từng người một”, từng-người-một trong nhóm các môn đệ, người ta đã thấy rõ nét về một sự hiệp nhất vô tiền khoáng hậu, đó là: hiệp nhất mọi người ở khắp mọi nơi, từ “Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Pon-tô, và A-xi-a v.v…”, tất cả họ đều có thể nghe “tiếng mẹ đẻ” của mình, dù người nói với họ chỉ là một chàng Phê-rô chài lưới quê mùa, với giọng Do Thái nặng nề của miền Galile, và hơn thế nữa, chính nhờ Chúa Thánh Thần, mọi người mới có thể trở nên “con cái Thiên Chúa”, nhờ đó mọi người có thể gọi Chúa Cha là “Áp-ba! Cha ơi”.

Chúa Cha đã yêu thế gian. Chúa Con đã cứu chuộc thế gian, Chúa Thánh Thần đã và tiếp tục hiệp nhất thế gian… Vâng, có gì không phải, khi chúng ta gọi Ba Ngôi Thiên Chúa là “Mầu Nhiệm Tình Yêu và Hiệp Nhất”!

****

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta long trọng mừng kính trọng thể lễ “Chúa Ba Ngôi”. Chúng ta sẽ làm gì để thể hiện niềm tin của mình vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa?

“Phóng bút” sáng tác một bài thánh ca mang tên “Vinh Quang Chúa - số 2”! “Cover” bản Vinh Quang Chúa, “bốt” lên “diu-túp”? Sao! “Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” hả! Vâng, đây chỉ là một chút suy tư “vui vui”, của người viết.

Để thể hiện niềm tin của mình vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, không gì tốt hơn là hãy làm cho mọi người nhìn thấy cuộc sống của mình là một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương và tất nhiên đó là tình yêu thương hướng đến sự hiệp nhất.

Vì sao phải hướng đến sự hiệp nhất? Thưa, là bởi, không hướng đến hiệp nhất, tình yêu thương đó chỉ là tình yêu thương “cục bộ”. Nói rõ hơn, tình yêu thương đó không hướng đến “lợi ích chung”. Không hướng đến lợi ích chung sẽ dẫn đến ganh tỵ, ích kỷ, bất đồng, bất hòa, bất công… Không thiếu những tổ chức từ thiện rơi vào tình trạng này.

Do đó, yêu thương và hiệp nhất phải được thể hiện nơi mỗi chúng ta, là Ki-tô hữu. Đừng quên, Đức Giê-su đã từng nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này; là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Khi “có lòng yêu thương nhau”, chúng ta sẽ trở thành “khí cụ bình an của Chúa”. Khi trở thành khí-cụ-bình-an-của-Chúa, chúng ta sẽ hăng hái lên đường “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Khi trở thành khí-cụ-bình-an-của-Chúa, chúng ta sẽ không ngần ngại “Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”

Cuối cùng, khi trở thành khí cụ bình an của Chúa, và thực hiện những điều nêu trên, không ai có thể phủ nhận, rằng: chúng ta đã “biết mến yêu và phụng sự (Ba Ngôi Thiên Chúa) trong mọi người”.

Biết mến yêu và phụng sự Ba Ngôi Thiên Chúa trong mọi người, chẳng phải là chúng ta đã làm “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, đó sao! Biết mến yêu và phụng sự Ba Ngôi Thiên Chúa trong mọi người, nói theo cách nói của nhạc sĩ Hùng Lân, đó là chúng ta đã “Vinh Quang Chúa.”

Vinh Quang Chúa… sao lại không!

Petrus.tran

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

TEST

 

1.Kết  quả  X.quang (bụng)

-          Các đậm độ cản quang bất thường: không có.

-          Đường mỡ phía ngoài cơ thắt lưng: bình thường.

-          Các bất thường về xương                  : không có. 

Kết luận: HÌNH ẢNH KUB KHÔNG THẤY BẤT THƯỜNG.

2. Kết luận  siêu âm: GAN NHIỄM MỠ.

                                        CẶN VÔI HAI THẬN.

3. Kết quả  xét nghiệm máu:

 

STT

 TÊN XÉT NGHIỆM

 

 KẾT QUẢ

  ĐVT

K.THAM CHIẾU

Ghi chú

                                                                                               HUYẾT HỌC

1

Tổng phân tích tế bào bằng tia laze

 

 

 

 

2

Số lượng bạch cầu

            8.5

K/µL

(4.0 – 10.0)

 

3

Trung tính

39,0

%

(43.0 – 76.0)

 

4

 Lympho

           34,9

%

(17.0m – 76.0)

 

5

Mono

             6.3

%

(4.0 – 8.0)

 

6

Ưa axit

                  18.5

%

(0.1 – 7.0)

 

7

Ưa bazơ

             1.2

%

(0.1 – 2.5)

 

8

NEUT#

             3.3

K/µL

(2.0 – 6.9)

 

9

LYM#

             3.0

K/µL

(0.6 – 3.4)

 

10

MONO#

             0.5

K/µL

(0.0 – 0.2)

 

11

EOSO#

                     1.6

K/µL

(0.0 – 0.7)

 

12

BASO

             0.1

K/µL

(0.0 - 0.2)

 

13

Số lượng hồng cầu

            5.16

M/µL

(3.8 – 5.8)

 

14

Huyết sắc tố

            14.8

 g/dL

(12.0 – 16.0)

 

15

Hematocrit

            47.2

%

(35.0 – 48)

 

16

Thể tích trung bình hồng cầu(MCV)

            91.5

fL

(85.0 – 95.0)

 

17

Lượng HST trung bình hồng cầu(RDW)

          28.6

pg

(26.0 – 32.0)

 

18

Nồng độ HST trung bình hồng cầu (MCHC)

31.3

g/dL

(32.0 – 36.0)

 

19

Độ phân tán của đường kính hồng cầu (RDW)

11.3

%

(11.6 – 14.8)

 

20

Số lượng tiểu cầu

          256

K/µL

(150 – 450)

 

21

Thể tích trung bình tiểu cầu(MPV)

4.7

fL

(6.5 – 11.0)

 

22

Thể tích khối tiểu cầu

           0.1

%

(0.1 – 0.5)

 

23

Độ phân tán của đường kính tiểu cầu (PDW)

                 18.3

%

(6.0 – 18)

 

 

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...