Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Canh thức và sẵn sàng trong đức cậy

 

Canh thức và sẵn sàng trong đức cậy

“Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy sẽ xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế” (x.Mt 24, 3)



Chúa Nhật I – MV – A

Canh thức và sẵn sàng trong đức cậy

Như thời tiết được chia làm bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông. Lịch Phụng vụ Công Giáo cũng được chia từng mùa. Từng mùa đó lần lượt là: Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Cuối cùng là Mùa Thường Niên.

Nếu mùa Xuân được biết đến như là mùa khởi đầu cho một năm mới, thì mùa Vọng cũng là mùa đầu tiên theo lịch phụng vụ. Nếu mùa Xuân được gọi là mùa của  những lời chúc phúc và tri ân, thì mùa Vọng được gọi là mùa của hy vọng và trông mong.

Hy vọng và trông mong điều gì? Thưa, hy vọng và trông mong Đức Giê-su “sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Đó… đó là điều chúng ta cùng tuyên xưng vào mỗi ngày Chúa Nhật, rằng: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô. Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Đây không phải là lời tuyên xưng mơ hồ, nhưng là lời tuyên xưng do các thánh tông đồ truyền dạy.

Thật vậy, khi còn tại thế, Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ  trong bữa tiệc ly rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

Củng cố cho lời tâm tình của Đức Giê-su là lời của “hai người đàn ông mặc áo trắng”, hai vị này đã tuyên bố với các môn đệ, vào hôm Ngài “thăng thiên”, rằng: “Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (x.Cv 1, 11).

**
“Thầy sẽ gặp lại anh em” – “(Người) sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Đó chính là điều các môn đệ được nghe đến. Và, đó là lý do đã làm cho các môn đệ không khỏi ưu tư. Chính nỗi ưu tư này đã thôi thúc các môn đệ hỏi Đức Giê-su cho ra lẽ.

Hôm ấy, khi Đức Giê-su “ngồi trên núi Oliu, các môn đệ (đã) tới gặp riêng Người và thưa: Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy sẽ xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế” (x.Mt 24, 3).

“Ngày Thầy quang lâm ư!” Vâng, đây là một điều bí mật, Đức Giê-su đã nói như thế với các  môn đệ của mình. Ngài đã nói  rằng: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).

Không ai biết được. Nhưng điều cần biết, Đức Giê-su đã cho mọi người biết, rằng: “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào thì ngày con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.”  

Có thể nói đây là một lời nhắc nhở. Và, Đức Giê-su đã nhắc nhở tiếp rằng: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.” (x.Mt 24, 38-41).

Sợ không! Thưa quý ông bà và anh chị em! Vâng rất đáng sợ. Và, đó là lý do chúng ta tìm về câu chuyện nói về ông Nô-ê, thời Cựu Ước.

Kinh Thánh Cựu Ước có ghi lại rằng: Trước “Sự gian ác của con người trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. “Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất và Người buồn rầu trong lòng.” Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng’. Nhưng ông Nô-ê được đẹp lòng Đức Chúa” (St 6, 5-9).

Ông Nô-ê, theo lời Kinh Thánh ghi lại: “là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa”. Chính vì thế, Đức Chúa không chỉ cho ông biết “giờ tận số của mọi xác phàm” mà còn nói với ông “Hãy làm cho mình một chiếc tàu… Phần Ta, Ta sắp hồng thủy, nghĩa là nước lụt, xuống tràn trên đất, để tiêu diệt mọi xác phàm có sinh khí dưới gầm trời, mọi l;oài trên mặt đất sẽ tắt thở. Nhưng Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi; người hãy vào tàu, người cùng các con trai ngươi, vợ ngươi và vợ của các con trai ngươi.”  

Ông Nô-ê đã thực hiện đúng lời Đức Chúa truyền. Nhờ đó, ông và gia đình ông đã được an toàn khi Đức Chúa “đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày, bốn mươi đêm.”

Mưa suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm. Chuyện ghi lại rằng: “Mọi loài trên mặt đất, từ con người đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời chúng bị xóa khỏi mặt đất, chỉ còn lại ông Nô-ê và những gì ở trong tàu với ông.” (St 7, 23).

Chuyện ông Nô-ê là thế. Và, chuyện ngày nay cũng chẳng khác gì chuyện xưa. Cũng vẫn là ăn chơi hưởng thụ. Cái chết của 151 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương ở khu vực Itaewon của thủ đô Seoul, Hàn Quốc vì bị giẫm đạp khi đến dự lễ hội hóa trang Halloween phải chăng cũng là một lời cảnh báo của Đức Chúa Trời?

Vâng, Đức Giê-su, vào hồi ấy, cũng đã tha thiết nhắc nhở, rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”. Lời nhắc nhở quả là rất thực tế như thực tế giữa đời thường.

Rất… rất thực tế khi Ngài cất tiếng nói: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.” Cuối cùng một lời khuyến cáo được Đức Giê-su đưa ra: “Cho nên, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44).

***
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” Đức Giê-su đã tuyên bố như thế đấy. Thế nên, đừng có bày đặt tự phong cho mình là nhà tiên tri, tiên báo vớ va vớ vn về ngày Đức Giê-su quang lâm.

Một thống kê cho biết, trong phạm vi thế kỷ 20 vừa qua, một số nhà tiên tri, của một vài giáo phái đã tiên báo “ngày Giê-su Christ quang lâm” đến năm lần. Rầm rộ nhất là lời tiên báo của cụ Harold Camping.

Cụ Harold Camping loan tin qua hệ thống 65 đài phát thanh, bằng 81 ngôn ngữ, và qua hệ thống Internet. Không dừng ở đó, ông ta còn tung ra mấy triệu Mỹ kim để đặt các bảng Billboards, tổ chức quảng cáo trên xe bus, và bằng những đoàn người mặc áo T-Shirt có dòng chữ “Judgment-Day May 21, 2011” hoặc chữ “RAPTURE May 21, 2011”. (trích nguồn: internet).

Hơn mười năm đã trôi qua, Đức Giê-su Christ của cụ sao vẫn chưa tái lâm, thế này là thế nào!

Nhắc lại chuyện cụ Harold Camping để làm gì? Thưa, để xem đó như một lời cảnh báo, một lời cảnh báo mà xưa kia Đức Giê-su đã cảnh báo, rằng: “Anh em hãy coi chừng đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính Ta đây là Đấng Ki-tô’ và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (x.Mt 24, 4-5).

Rất…  rất nhiều người (đã và đang) mạo danh Chúa và họ đã lừa gạt được nhiều người. Rất nhiều người mạo danh Chúa “trừ quỷ”. Và, điều này đã làm cho quý hàng giáo phẩm đau đầu vì sự cứng đầu của họ.

Thôi! quên đi những “ông thần nước mặn” ấy đi. Và, hãy nhớ lời thánh Phao-lô khuyên nhủ: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.

Đây! Hãy nghe lời khuyên của thánh Phao-lô, có khác gì lời khuyên của Đức Giêsu, năm xưa: “Chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6).

Với các tín hữu ở Roma, thánh nhân có lời cảnh báo mạnh mẽ hơn, cảnh báo rằng: “Anh em biết, chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo” (Rm 13, 11).

Vâng, “phải canh thức và sẵn sàng”. Đừng mê mải ăn chơi trác táng, như những người thế gian. Đừng mê mải kiếm tìm tiền tài, danh vọng, quyền lực. Bởi vì tiền tài, danh vọng, quyền lực  chính là nguyên nhân làm cho chúng ta sẽ phải đối diện với những cơn-hồng-thủy, cơn hồng thủy ghen tỵ, bè phái, hận thù, bất hòa, tranh chấp v.v… Và, điều tất yếu, sẽ xảy ra, đó là “chết chóc”… chết chóc sẽ là “con đường tình ta đi”.

Đừng mê mải tìm kiếm những gì thuộc về thế gian. Bởi vì “phù vân chỉ là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Bởi vì “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì.”

Phải canh thức và sẵn sàng. Bởi vì đó là lời Đức Giê-su khuyến cáo. Bởi vì việc canh thức và sẵn sàng nói lên rằng, chúng ta luôn trông cậy vào Chúa.

Đức cậy… đức cậy phải là nhân đức được chúng ta phát huy trong mùa vọng. Bởi vì, mùa vọng, không chỉ là việc chúng ta “nhìn lại quá khứ”, một quá khứ “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, nhưng còn hướng về tương lại, trông chờ một tương lai “Đức Ki-tô sẽ đến lần thứ hai.” Với niềm trông cậy hồng phúc ngày trọng đại ấy: “Theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mói, nơi công lý ngự trị.”(2Pr 3, 13).

Thánh Phê-rô đã nói lên niềm trông cậy của ngài. Còn chúng ta? Chắc cũng phải nói như ngài Phê-rô, nhỉ! Chắc phải là vậy thôi. Phải vậy thôi. Vì, đức cậy phải là nhân đức gắn liền với đức tin và đức mến.

Trở lại với câu hỏi của các môn đệ: “Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy sẽ xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế”. Vâng, Đức Giê-su đã công bố rồi. Thánh Phao-lô, thánh Phê-rô cũng đã có lời dạy dỗ. Mọi điều Đức Giê-su nói đang diễn tiến từng ngày. Từng ngày cho mỗi chúng ta. Mỗi chúng sẽ phải trình diện trước Đức Giê-su trong ngày Ngài quang lâm. Thật ra, có khi chưa đến ngày quang lâm, chúng ta đã phải trình diện rồi. Đó là cái chết của mỗi chúng ta.

Thế nên, vấn đề quan trọng không phải là cần biết ngày nào giờ nào Đức Giê-su đến thế gian lần thứ hai. Điều quan trọng đó là hãy tin vào lời Ngài. Hãy nhớ, Đức Giê-su từng tuyên bố: ‘Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc 21, 33).

Sẽ-chẳng-qua-đâu. Vâng, chúng ta hãy ghi khắc lời khuyến cáo này vào tâm hồn mình. Và, đừng quên, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta hãy tuân lệnh truyền của Thầy Giê-su. Đó là: hãy canh thức, hãy sẵn sàng.  Canh thức và sẵn sàng trong đức cậy.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Hãy kiên trì theo đuổi cuộc đua

 

Hãy kiên trì theo đuổi cuộc đua

Như một truyền thống đẹp, hôm nay (13/11/2022) toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam.



Chúa Nhật XXXIII – TN – C

Hãy kiên trì theo đuổi cuộc đua

Như một truyền thống đẹp, hôm nay (13/11/2022) toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam.

Như thế nào thì được gọi là tử đạo? Thưa, Lm. Giuse Đinh Tất Quý có lời giải nghĩa rằng: “Hiểu theo nguyên ngữ tử đạo nghĩa là làm chứng. Làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Chúa sai xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại.”

Đúng là vậy. Các thánh tử đạo Việt Nam là những người đã làm chứng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu. Dẫu cho có bị bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, kể cả cái chết, các ngài nhất định không từ bỏ niềm tin của mình.

Có rất nhiều hình phạt mà quý ngài phải hứng chịu. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết. Án nhẹ nhất, đó là khắc lên trên trán hai chữ “tà đạo”.

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ghi nhận có khoảng vài trăm ngàn vị tử đạo, trong đó có 118 vị được chính thức tôn phong. Tôn phong các ngài, trước là để vinh danh đời sống đức tin của các ngài, một đức tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su, và sau là, để xem đó như những tấm gương mẫu mực cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta.

Vâng, rất mẫu mực để chúng ta noi theo tấm gương của linh mục Gioan Đạt. Chuyện kể rằng: Khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”.

Anh-chị-em-sẽ-bị-khổ-nhiều, thế nên, Linh mục Gio-an Đạt đã sẵn sàng thực thi lời truyền dạy của Chúa Giê-su, lời truyền dạy, rằng: “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”.

Với thừa sai Gagelin Kính sao? Thưa, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an. Còn linh mục Đặng Đình Viên ư! Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (trích: Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam - Lm PX. Đào Trung Hiệu, OP).

Thật ra, chuyện các vị tử đạo phải chịu gông cùm, đánh đập, bỏ đói và cả cái chết là điều không có gì ngạc nhiên. Không có gì ngạc nhiên vì chính Đức Giêsu, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã công bố điều này.

Một ngày nọ, Đức Giê-su đã công bố rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.”

Vào một dịp khác, Đức Giê-su cũng đã công bố như thế, rằng: “…Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét…” (Lc 21, 12… 17).

Ác liệt, khốc liệt, tàn bạo như thế đấy. Thế nhưng, Vì-Danh-Thầy, các vị tử đạo xưa vẫn “anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu.”

**
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, sự bách hại mà Đức Giêsu đã công bố, nay vẫn tiếp tục xảy ra, nơi này nơi khác, cách này cách khác. Và, đó là lý do để chúng ta đừng quên lời Đức Giêsu đã nói khi xưa, rằng: “Kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.” (Lc 22, 31).

Vâng, có thể chúng ta không phải chịu cảnh “máu đổ đầu rơi”. Nhưng có thể chúng ta bị “sàng sảy” bởi những lời cám dỗ mật ngọt của Satan và thế gian. Có thể chúng ta không bị “phân thây”, nhưng có thể chúng ta sẽ bị “phân thân”, vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi thế gian.

Mà, thật là vậy. Chúng ta cứ thử nhìn vào những gì đang xảy ra trong xã hội, trong Giáo Hội, xem sao! Chẳng phải là Sa-tan đang sàng sảy chúng ta bằng những đòn “hỏa mù” rằng thì-là-mà cứ xây nhà thờ, đền thờ bằng gỗ đá cho to, cho đẹp, và rằng cứ “trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng” thoải mái, để rồi chúng ta lãng quên ngôi “Đền Thờ của Thánh Thần” là chính thân xác chúng ta, nơi “Người đang ngự trong chúng ta”, đó sao!

Chẳng phải là Sa-tan và con cái chúng đang dụ dỗ chúng ta cứ tổ chức những lễ Noel cho “hoành tráng”, nhưng cuối cùng những buổi lễ đó chẳng khác gì những lễ hội dân gian… theo “thói đời”, đó sao!

“Tử đạo” hôm nay, không phải là bị chém đầu, phân thây, tùng xẻo, v.v… nhưng đó là “sống đạo”. Tử đạo hôm nay, đó là sống một đời sống trung tín, trung tín với lời thề hứa: “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời” chẳng hạn.

Tử đạo hôm nay, còn là sống một đời sống: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, tiết độ.” Tử đạo hôm nay, còn là sống một đời sống không “tìm hư danh”, không “khiêu khích nhau”, không “ghen tỵ nhau”.

Tử đạo hôm nay, không phải là “bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng”, nhưng là “đóng đinh tính xác thịt (của mình) vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (x.Gl 6, 24).

Nói tắt một lời, tử đạo hôm nay, đó là chúng ta hãy “kiên trì” sống… sống theo những điều Đức Giê-su đã truyền dạy. Và, lời truyền dạy mà chúng ta cần ghi nhớ, đó là: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt, 10, 28).

Xưa, các vì tử đạo đã kiên trì sống, sống đúng lời truyền dạy này. Và, các vị đã về tới đích. Phải chăng, hôm nay, là đến lượt chúng ta? Thưa, đúng vậy. Đến lượt chúng ta. Thế nên, để được tới đích như các vị tử đạo xưa, chúng ta cũng phải “kiên trì trong cuộc đua dành cho ta”.

Đừng quên “mắt hướng về Đức Giê-su.” Hướng về để thấy rằng, Ngài đã hoàn thành cuộc đua của mình “và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Bên hữu ngai Thiên Chúa, Đức Giê-su không chỉ khích lệ chúng ta kiên trì cuộc đua, mà còn bảo vệ chúng ta trước “những người tội lỗi chống đối mình”. (x.Dt 12, 2… 3).

Vâng, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã xác tín như thế. Phần chúng ta, chúng ta cũng xác tín như tác giả? Mà, cớ gì không xác tín nhỉ! Hãy xác tín và hãy ghi khắc trong con tim mình lời Đức Giê-su truyền dạy: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
Nói cách khác, muốn giữ được mạng sống mình, chúng ta “Hãy kiên trì theo đuổi cuộc đua.”

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...