Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Hãy vâng nghe lời Người...



Hãy vâng nghe lời Người…

Năm 2012 đã trôi qua, có thể nói, đây là một năm nhân loại đã phải đối diện với nhiều mối lo âu và sợ hãi. Thật vậy, truyền thông mạng, trong năm qua, đã tạo ra những lo âu và sợ hãi khi đưa ra nhiều thông tin liên quan đến ngày tận cùng của trái đất cùng với những đại họa sẽ tiêu diệt loài người.

Nào là, sự phá hủy tầng ozone và hiệu ứng nhà kính sẽ làm cho biến đổi thời tiết dẫn đến thiên tai hạn hán, lũ lụt. Rồi thì, việc vài quốc gia quá khích đang thủ đắc vũ khí hạt nhân,  rất có thể họ điên cuồng phát động một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Rồi đến hiện tượng Nibiru, một hành tinh chưa từng được phát hiện trong Thái dương hệ sẽ va chạm hoặc đi ngang qua Trái đất với khoảng cách rất gần và gây nên nhiều thảm họa kinh hoàng.

Tiếp đến, có giả thuyết cho rằng, sự đảo chiều các cực  từ trường của Trái đất là điều không tránh khỏi, nó sẽ gây rối loạn quỹ đạo của hành tinh, qua đó sẽ gây ra nhiều biển đổi trên trái đất.

Bên cạnh đó, người ta lo sợ một sự phun trào núi lửa lớn chưa từng thấy sẽ xảy ra trong năm 2012. Hàng triệu tấn đất đá và khí độc sẽ bay vào bầu khí quyển Trái đất, dẫn tới việc thế giới trải qua một mùa đông hạt nhân do thiên nhiên tạo ra, qua đó tiêu diệt toàn bộ sự sống trên hành tinh này.

Đó là chưa nói đến những lo sợ như:  người ngoài hành tinh xâm lược, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, khủng hoảng dầu lửa, sự diệt vong của đàn ong… cũng là những nguyên nhân gây ra thảm họa cho trái đất.

Nhưng, có lẽ, tin đồn về bia ký Maya chính là nỗi lo sợ nhất của nhân loại. Theo các nhà khảo cứu bia ký mật ngôn Maya vùng Trung Mỹ, sấm ký Maya đã tiên đoán thế giới sẽ tận thế vào ngày 21/12/ 2012 hoặc sẽ xảy ra nhiều biển đổi lớn trên trái đất này.
**

Hôm nay, bước vào năm 2013, vẫn chưa thấy ngày tận thế xảy ra… nhưng, đúng là, trái đất đã  xảy ra nhiều sự “biến đổi”. 

Thật vậy, trái đất đã xảy ra nhiều biến đổi. Một trong những “biển đổi” lớn mà dường như nhân loại không biết tới hoặc có biết cũng tìm cách lãng quên, đó là Đức Giêsu tuy là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng Ngài đã biến-đổi “trở nên người phàm và cư ngụ giữ chúng ta” để những ai “đón nhận, tức là tin vào danh Người, thì Người sẽ (biến đổi thân phận họ) trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).  

Điều này, không chỉ ông Gioan đã được Thiên Chúa sai đến để làm chứng rằng, ông “đã được nhìn thấy vinh quang của Người…”, mà chính Thiên Chúa Cha cũng đã hơn một lần xác nhận.
Lần thứ nhất, tại sông Giodan. Mặc khải về người Con Một Thiên Chúa được hé lộ. Hôm đó, khi Đức Giêsu đến đó để chịu phép rửa, chuyện kể rằng “đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”. Và liền đó: “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”. Nhưng đó chưa phải là điều cần nhắc đến. Điều cần nhắc đến chính là “có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

Và lần thứ hai,  “vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người”, đã được tỏ lộ hoàn toàn trên một ngọn núi quen thuộc mà Đức Giêsu đã cùng các môn đệ lên đó để cầu nguyện.

Hôm đó, có ba môn đệ theo Đức Giêsu. Họ là các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Cũng giống như hôm ở sông Giodan, hôm ấy “đang lúc Người cầu nguyện”, một hiện tượng lạ xảy ra “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Cùng lúc đó “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia”. 

Cuộc đàm đạo nói về một sự thực, một “sự thực” mà Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, sau này, sẽ phải “biến đổi” thành “hiện thực”, đó là “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”... một cuộc xuất hành của máu và cái chết của Ngài trên thập giá tại đồi Golgotha...    

Thật đáng tiếc, vì “ngủ mê mệt” nên các môn đệ không thể cùng Đức Giêsu tham dự cuộc đàm đạo đó, cho nên, khi các ông nhìn thấy “Vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người”, các ông ngỡ ngàng như lạc vào mê hồn trận. Các ông bị  một đám mây bao phủ chung quanh.

Chuyện kể rằng, từ đám mây có tiếng phán, tiếng phán như một bản thông điệp gửi đến các ông rằng, “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn”.  Thông điệp đó được kết thúc bằng một lệnh truyền “Hãy vâng nghe lời Người”…    

***                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  
Thánh Luca, người ghi chép biến cố này, đã khép câu chuyện bằng hình ảnh những khuôn mặt đầy ưu tư của các môn đệ. Vâng, thánh nhân viết rằng: “Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông  không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36).

Tại sao các môn đệ “nín thinh”? Tại sao các ông “không kể lại”?  Phải chăng là con người các ông chưa thực sự “biến đổi”… các ông chưa thực sự biến đổi từ một tay “lưới cá” thành tay “lưới người”? Hay vì “Các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”? (Lc 9, 45).

Có lẽ chúng ta không cần “soi xét” hành động này của các môn đệ, mà hãy nhìn những gì, sau này, khi các môn đệ đã “thật sự” nhìn thấy “Vinh quang của Đức Giêsu”,  vinh quang mà Ngài bắt đầu từ vườn cây dầu đến đồi Golgotha, từ cõi chết đến sự Phục Sinh vinh hiển và cuối cùng là “hình ảnh Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây (lại đám mây) quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9)…

Vâng, sau này, khi đã hiểu và đã tin, đã trở thành “tay lưới người”, thánh Phêrô không còn “nín thinh” nhưng đã lớn tiếng nói “không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người ‘Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hết lòng quý mến. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.(2Pr 1, 16-18).

Phần tông đồ Gioan, ngài cũng cũng không nín thinh mà đã kể lại rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga1, 3).

Các môn đệ, cách riêng Phêrô,  đã không chỉ lớn tiếng nói, nhưng còn biểu lộ qua sự “biến đổi” con người của mình, biến đổi từ một người nhút nhát “chối Thầy ba lần” trở thành người “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời phàm nhân” (Cv 5, 29).

Có thể kết luận,  nhờ niềm tin và sự biến đổi, các môn đệ đã hiểu và đã thực thi trọn vẹn tiếng phán từ trời năm xưa. Tông đồ Giacôbê rồi đến Phêrô là hai trong ba người cùng lên núi với Đức Giêsu năm đó, đã dùng chính cái chết của mình để minh chứng rằng, các ông đã thực sự  “Vâng nghe lời Người”.
****      
Trở lại tiếng phán từ trời năm xưa, “Hãy vâng nghe lời Người”. Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi “lời Người” đó là những lời gì để mà có thể “vâng nghe”?

Xin thưa, “Lời Người” chính là những lời được công bố trên núi Sinai, hôm nay,  chúng ta quen gọi là “Mười điều răn  Đức Chúa Trời – Thứ nhất thờ phượng một Đức  Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự… Thứ năm chớ giết người” (x. Xh 20)

“Lời Người” còn được công bố trên một ngọn núi, hôm nay, chúng ta quen gọi là “Núi bát phúc – Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp… Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (x.Mt 5)

“Lời Người”… Vâng, còn là lời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ, trước đó tám ngày,  ngày Ngài đã cùng với ba môn đệ lên núi cầu nguyện, rằng,  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Nói tắt một lời, “Lời Người” đó chính là cuốn Sách Thánh.

Nhận ra được “Lời Người” chúng ta còn cần được “biến đổi”, biển đổi con người cũ, con người “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” thành một con người mới, con người dám vác thập giá mình hằng ngày, thập giá của tình yêu thương, của bác ái, của nhân hậu, của từ tâm, của trung tín, của hiền hòa và tiết độ.

Vác thập giá của tình yêu thương, đó chính là tấm “chiếu khán” để chúng ta nhập cảnh vào Vương Quốc Giêrusalem mới, nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngài chính là người “tuyển chọn”, tuyển chọn những ai  thật sự là người đã “Vâng nghe lời Người”.   

Petrus.tran


















Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Lời Chúa: niềm tin chiến thắng.



Lời Chúa: niềm tin chiến thắng.

Theo bạn, điều gì chi phối chúng ta nhiều nhất trong mỗi ngày! Phải chăng chính là sự cám dỗ? 

Đúng vậy, sự cám dỗ là một vấn nạn mà ai trong chúng ta cũng đều phải đối diện. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

Có những cơn cám dỗ hết sức nhẹ nhàng làm cho ta mất phương hướng không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật, cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong lôi thẳng chúng ta xuống tận cùng địa ngục.

Có thể nói, càng thêm tuổi, sự cám dỗ càng nhiều, nhiều đến độ, Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, đã nhận định rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Trong nhiều nỗ lực, con người tìm đủ mọi cách để vượt qua sự cám dỗ. Thế nhưng, trước sự yếu đuối, con người, vẫn cứ  làm-điều-không-muốn-làm, còn điều-muốn-làm-lại-không-làm… để rồi suốt một kiếp người, con người cứ phải thở than: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”

Thánh Phaolô, với sự từng trải, Ngài đã nói “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25)

Đúng vậy,  Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Và chính trong những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để vượt lên trên sự cám dỗ.

**
Hồi đó, Đức Giêsu, sau ba mươi năm ẩn dật tại Nadarét, Ngài bắt đầu thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Khởi đầu cho cuộc hành trình truyền giáo, Đức Giêsu “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa… suốt bốn mươi ngày”. 

Vào hoang địa, Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc sống “chay trường” và chính cuộc sống chay trường này đã làm nổi bật bản tính “con người” nơi Đức Giêsu. 

Chuyện kể rằng “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói”.

Vâng, với bản tính con người, đói thì ăn, khát thì uống là lẽ thường tình, nhưng với Đức Giêsu, hôm đó, Ngài đã gặp phải một thách thức lớn, nói đúng hơn, Đức Giêsu đã phải đương đầu với một sự cám dỗ hết sức tinh vi và xảo quyệt của Xa-tan.  

Xa-tan, với bản chất là xảo quyệt, nó muốn đưa Đức Giêsu vào một mê hồn trận, một mê hồn trận của quyền phép, quyền hành, và quyền lợi.

Về quyền phép, Xa-tan muốn dụ Đức Giêsu xuất chiêu, nên đã gợi ý rằng, “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”

Về quyền hành, Xa-tan đã “đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý”. 

Ôi! Trời ạ. Lời đề nghị này quả là “của người phúc ta”. Thật vậy, Xa-tan không biết, mà có biết chắc hẳn nó giả quên rằng, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha trao ban toàn quyền trên trời dưới đất, để “ai tin vào Ngài thì được sống” vậy thì, Xa-tan có gì để mà yêu cầu Đức Giêsu  “Bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”?!

Vâng, người ta thường nói “quá tam ba bận”. Lần thứ ba, Xa-tan đưa “quyền lợi” ra làm mồi câu nhử Đức Giêsu.

Không biết Xa-tan có phép thuật “kinh công” hay không, thế mà từ hoang địa, chỉ một chớp mắt, Xa-tan đã “đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đến Thờ”.

Nếu được hỏi… nếu được hỏi Xa-tan làm nghề gì? Vâng, chúng ta có thể đoán mò rằng, y làm ông bầu gánh xiếc. Tại sao lại đoán như thế! Xin thưa, là bởi Xa-tan đã muốn Đức Giêsu biểu diễn màn “nhào lộn trên không” qua lời đề nghị rằng “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”.

Có thể nói, cơn cám dỗ thứ ba là cơn cám dỗ nặng ký nhất, nặng ký là bởi đây là lần thứ hai Xa-tan đánh trúng huyệt của Đức Giêsu, “Nếu ông là Con Thiên Chúa”…

Là Con Thiên Chúa thì sao đây? Phải chăng, là Con thì Thiên Chúa phải cho cái này, cái khác ư! Phải chăng, là Con thì Thiên Chúa phải cho “thiên sứ đến” để “tay đỡ tay nâng” khi Đức Giêsu biểu diễn màn phi thân từ nóc Đền Thờ xuống đất?

***

Ba lời thách thức nặng ngàn cân không thua gì ba mũi đòng mà Đức Giêsu, sau này, sẽ phải đối diện trên đồi Golgotha.

Và Ngài đã chiến thắng. Sự chiến thắng của Đức Giêsu không chỉ phụ thuộc ở sự tràn đầy Thánh Thần nhưng còn ở sự nhận biết “Lời Chúa”.   

Thật vậy,  không phải Đức Giêsu non-tay-ấn không thể dùng “quyền phép”: “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” (Lc 4, 3).  Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này,  chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”.  Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

Vâng, Đức Giêsu không đến thế gian để mở trường dạy những trò ma thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Đói ăn, đói mặc ư! Đừng sợ. Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Vâng, hôm đó, Đức Giêsu bác bỏ lời dụ dỗ của Xa-tan bằng một lời Kinh Thánh, rằng “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Ngài đến là để tái khẳng định với mọi người rằng, sự sống của con người “còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”

Vết chàm từ chối Thiên Chúa làm chủ đời mình của nguyên tổ Adam và Eva không dễ gì tái hiện nơi Đức Giêsu,  người vừa  mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”.

Con là Con của Cha có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người. Con là Con của Cha thì chỉ “phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Xa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn thuộc loại “mãi võ sơn đông”.

Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời khiêu khích của Satan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung. Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một trường “dạy Kinh Thánh”.

Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là sự thật và là sự sống”; và một khi con người bước đi trên con Đường của Sự Thật và Chân Lý, có lẽ nào Thiên Chúa lại không truyền cho “Thiên Sứ gìn giữ Bạn” có lẽ nào Thiên Sứ lại không “tay đỡ tay nâng”!

Nói tắt một lời, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc rằng,  Lời Chúa chính sức mạnh, để con người có được “niềm tin chiến thắng” trước những cơn cám dỗ.

****
Kết thúc màn “căng đài” giữa Xa-tan và Đức Giêsu “quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”(Lc 4, 13).

Hơn hai ngàn năm trôi qua, hôm nay, có vẻ như “thời cơ” của Xa-tan lại đến. Vẫn là những chiêu thức cám dỗ cổ điển, “nói dối và phỉnh gạt”,  vẫn là những màn tung hứng bằng học thuyết này, chủ thuyết kia, ngôn từ nọ, đại loại rằng, Thiên Chúa đã chết rồi… Hãy thay trời làm mưa… Tôn giáo chỉ là thuốc phiện… Hãy tự do luyến ái…  Hãy đòi quyền được phá thai… Hãy đòi quyền được ly dị… Hãy đòi quyền được hôn nhân đồng tính v.v…

Quả đúng là Xa-tan thời đại @ có khác, đã biết “cập nhật hóa sự cám dỗ” cho hợp với xu thế thời đại.

Phải cảnh giác. Đó chỉ là những cái bẫy, một loại bẫy làm cho chúng ta tê liệt tâm hồn, tê liệt lương tâm, tê liệt sự tin tưởng, tê liệt tình yêu thương.

Phải cảnh giác. Những chủ thuyết quái đản đó, tưởng chừng như đem lại hạnh phúc và sức sống cho con người, giống như lời dụ dỗ ngọt ngào của tên-cám-dỗ ở vườn Eden năm xưa… “Chẳng chết chóc gì đâu !”  nhưng thực tế đã cho thấy chỉ là đường dẫn đến thung lũng âm u nghi ngờ của chết chóc.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Càng thay trời làm mưa lại càng mất mùa đói kém. Càng tự do phá thai lại càng nảy sinh những tên sát thủ giết người có bằng cấp. Càng tự do ly dị lại càng thấy những tội phạm tuổi “ô mai” v.v… 

Cho nên, phải coi chừng! Coi chừng ! sau khi “bái lạy” những chủ thuyết quái thai đó, sau khi “tôn thờ” những học thuyết phỉnh gạt nêu trên, mắt-mình-lại-nhìn-thấy-mình… thấy mình “AIDS”  giai đoạn cuối, thấy mình “vô sinh”… thấy mình bất an v.v…

*****
Đức Giêsu chỉ dùng có ba câu “Lời Chúa” là đủ để hạ “nốc ao” tên cám dỗ.

Thưa bạn, bạn có nhớ ba câu “Lời Chúa” đó không?

Nếu bạn đã nhớ, vâng,  thánh Phalô có lời khuyên rằng, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8). Bởi vì, chỉ khi Lời Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, chúng ta mới có thể có được “niềm tin chiến thắng” trước những cơn cám dỗ của thời đại hôm nay.

Petrus.tran   

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013


Hãy ký thác đường đời cho Chúa…

Người xưa thường nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Thế nhưng, đôi khi, vì một hoàn cảnh nào đó, có người, trong suốt cuộc đời của mình, để mưu sinh, họ đã phải làm rất nhiều nghề khác nhau. Và tôi là một ví dụ điển hình.

Vâng, cuối năm 1972, vì muốn có tiền để phụ thêm cho việc đóng học phí, tôi xin vào làm việc trong một ấn quán. Nói là làm việc, nhưng thực tế là học nghề. Bài học đầu tiên tôi phải học, đó là học thuộc lòng các ô chữ. Khi thuộc lòng các ô chữ, tôi được dạy cách xếp chữ. Chưa tới ba buổi học, tôi đã có thể xếp chữ thành thạo, tuy có hơi chậm. Học nghề này không khó lắm, với trình độ trung học đệ nhất cấp, lúc đó, tôi đủ sức để học kẻ táp-lô, mi bài hoặc lên khuôn bài, sửa morát.

Sau một tháng học nghề và tập sự, tôi trở thành thợ và dĩ nhiên, được lãnh lương. Tôi đã làm nghề này được ba năm thì… hỡi ơi! biến cố 30.04.1975 xảy ra, chính quyền mới (thời đó) không hoan nghênh tư nhân hành nghề ấn loát. Thế là thầy trò chúng tôi cuốn tượng, chỉ còn nước về quê cắm câu.

Tôi không có quê để về cắm câu, tôi cắm câu ngoài lề đường… bằng một ống bơm và một cái bàn vá ép. Tôi bơm vá xe đạp. Đó cũng là nghề thứ hai của tôi.

Làm nghề bơm vá xe đạp được nửa năm, thấy trong xóm nhà nhà đạp xích lô, người người đạp xích lô, cũng dễ kiếm ăn, tôi theo nghề này.

Thật vậy, với nghề này, có sức khỏe, kiên nhẫn và may mắn, chỉ cần nửa ngày đạp thì trong túi cũng rủng rỉnh được năm, sáu đồng bạc. Lúc đó, một ký gạo (giá chợ đen) là năm mươi xu, với thu nhập năm, sáu đồng quả là lớn biết chừng nào.

Thế nhưng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Vâng, “dễ kiếm ăn”  nhưng không phải lúc nào cũng là như thế. Mười ba năm đạp xích lô, dễ kiếm ăn thật, nhưng có những ngày, mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình…

Có những ngày, bốn giờ đêm, đánh xe ra đầu ngõ, làm một “cái đen” nóng cho tỉnh ngủ, rồi bắt đầu “cuốc… cuốc… cuốc”. Đạp tới đạp lui, đạp xuôi đạp ngược chằng thấy ai kêu. Bắt đầu “đề-pa” từ Cống Bà Xếp, đạp xuống ngã ba Ông Tạ, vòng qua Lăng Cha Cả, đánh một cua xuống nhà thờ Kỳ Đồng… tám giờ sáng, rồi chín giờ, dáo dác nhìn dòng người ngược xuôi, vẫn không thấy ai gọi “xích lô”. Chân tay bắt đầu bủn rủn, đói… khát… chưa chạy cuốc nào, tiền đâu mà ăn sáng!

Tôi “tấp” xe vào hang đá Đức Mẹ trong nhà thờ Kỳ Đồng, nhìn Mẹ, tôi chợt nhớ tới bài ca “Kìa Ai!”.

Kìa ai… “Ai” đó phải chăng là tôi… là tôi đang trên chiếc xích lô “Dong duỗi đường gió bụi” với biết bao “Gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”…

Vâng, từ giác khuya cho tới chín giờ sáng, quả là đôi vai tôi quá mệt mỏi. Tôi đạp xe về nhà, cái bụng tôi “nhao nhao lên vì đói…” Coi như hôm nay “lốc”. Lốc… đó là tiếng lóng của giới phu đạp xích lô, một cách nói để diễn tả tình trạng ế ẩm không kiếm được cuốc xe nào.

**
Nhắc tới chuyện “có những ngày, mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình” để làm gì? Xin thưa, là bởi, nó gợi cho tôi nhớ đến một câu chuyện trong Phúc Âm thánh Luca (5, 1-11), câu chuyện nói về cuộc hải hành đánh bắt cá của ông Simon cùng các bạn của ông ta. Simon và các bạn của ông ta, đêm đó, đã làm việc hết sức có thể, quăng lưới suốt cả đêm, thế nhưng chỉ là công cốc,  “lốc”… giống-như-tôi!

***

Vâng, câu chuyện đó được kể lại rằng, hôm đó, khi vầng thái dương xuất hiện ở phương đông, mọi cảnh vật vươn mình trong ánh sáng, từng đoàn thuyền đánh cá nối tiếp nhau kéo về neo đậu bên hồ Ghen-ne-xa-ret sau một đêm vật lộn với sóng gió để mưu sinh, thì ở bờ hồ người ta thấy Đức Giêsu đang đứng ở đó.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu lập tức được loan đi rất nhanh, nhanh đến độ chẳng mấy chốc người ta thấy dân chúng đã phải chen lấn nhau mới có thể đến gần Ngài.

Dân chúng đến với Đức Giêsu với mục đích gì? Xin thưa, là để “nghe lời Thiên Chúa”.

Hôm đó, họ đến rất đông, đông đến nỗi Đức Giêsu đã phải “xuống một chiếc thuyền” và Ngài đã nói ông Simon, chủ nhân chiếc thuyền đó, “chèo thuyền ra xa bờ một chút” như một cách để tái lập lại cảnh chen lấn mất trật tự.

Con thuyền của ông Simon lập tức trở thành “tòa giảng”, trên tòa giảng, Đức Giêsu giảng dạy đám đông. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy, bởi nếu chỉ giảng dạy thì Ngài cũng không khá hơn mấy ông kẹ Pharisiêu, là những kẻ chỉ giảng nhưng không làm.

Thật vậy, tiếng đồn về một Giêsu với những lời giảng dạy như  “Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” hôm nay đã được chứng thực, rằng, Ngài thật sự là Đấng có thẩm quyền qua một phép lạ vô tiền khoáng hâu, một phép lạ đã khiến cho “tất cả mọi người có mặt ở đó đều kinh ngạc” (Lc 5, 9).  Phép lạ về một mẻ-cá-lạ-lùng…

Vâng, hôm đó, sau khi giảng xong, Đức Giêsu nói với ông Simon “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4)

Chèo ra chỗ nước sâu! Ôi! Trời ạ! Cả một biển hồ, chỗ-nước-sâu là chỗ nào? Giêsu, một tay thợ mộc lại rành “ngư trường” hơn tay ngư phủ lão làng Simon sao!

Suốt cả đêm, một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá, thế mà các ông vẫn “không bắt được gì cả”, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi lại bảo ra khơi thì có nghịch lý không kia chứ!

Thế nhưng, ngư phủ Simon lại “vâng lời” anh thợ mộc Giêsu. Tại sao ư! Thưa rằng, là bởi Simon nhìn ra Đức Giêsu là một bậc Thầy, không phải là một loại “thầy dạy nghề” nhưng là bậc Thầy của quyền năng. 

Chính mắt Simon chứng kiến anh thợ mộc Giêsu, chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ” của ông ta “đang bị sốt nặng” bỗng nhiên “cơn sốt biến mất” (Lc 4, 38-39).

Cho nên, hôm nay, mệt thì có mệt đấy, nhưng thi hành lời “ra  lệnh” của Thầy Giêsu, một lần thôi,  thì đã có sao!

Thế là họ ra khơi. Và phép lạ đã xảy ra.. Câu chuyện được kể lại rằng, “họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).

****


Điều gì đã khiến cho ông Simon tìm được “chỗ nước sâu” trong một biển hồ rộng mênh mông bể sở như thế?  Phải chăng, ông ta đã sử dụng một tấm hải đồ mang tên “Hãy ký thác”?

Vâng, nhìn qua cử chỉ của Simon, sau khi ông thấy được phép lạ tỏ tường, ông liền “sấp mặt dưới chân Đức Giêsu” thú nhận tội lỗi,  ông ta còn thay đổi cách gọi Đức Giêsu từ “Thầy” qua “Lạy Chúa”,  chúng ta có thể tin rằng, đúng là ông Simon cùng với các bạn chài của ông ta đã sở hữu tấm hải đồ mang tên “Hãy ký thác” và các ông đã mang ra sử dụng, để rồi các ông đã nhận ra Thầy Giêsu chính là người mà các ông cần “bỏ hết mọi sự mà theo Người”.

*****

Có người đã ví rằng “Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan”.  

Đúng vậy, cuộc đời của chúng ta, quả đúng là một con thuyền và con thuyền cuộc đời của chúng ta không phải lúc nào cũng trôi đi một cách bình thản như ý muốn.

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta phải đương đầu với bão táp của sự suy thoái kinh tế dẫn đến thất nghiệp để rồi chán nản. Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta phải đối diện với những cơn sóng thần bệnh tật để rồi dẫn đến sự tuyệt vọng.

Có những lúc,  con thuyền cuộc đời của chúng ta phải chống chỏi những trận cuồng phong của mất mát, chia ly v.v.. để rồi chúng ta cứ phải “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của chúng ta cảm thấy trống vắng, một tâm hồn trống vắng, để rồi chúng ta phải tự hỏi: Tại sao tôi không có sự bình an! Tại sao tôi luôn phải bất an?

Vâng, phải chăng, con thuyền cuộc đời của chúng ta thiếu một tấm “hải đồ”?

Phải chăng, trên con thuyền lữ thứ trần gian, chúng ta quên hẳn lời dặn dò của Thầy Giêsu rằng, “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không tích thu vào kho: thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em chẳng quý giá hơn sao?... Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy…” 

Chúa Giêsu, trong những lần ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã nói, “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

“Hãy đến cùng Ta”. Thật vậy, chính Chúa Giêsu, Ngài sẽ là người trao cho chúng ta tấm hải đồ, một tấm hải đồ được gói ghém bằng một lệnh truyền giản dị, rằng: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (x. Mt 6, 25-34)

Là một Kitô hữu, chúng ta đã đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẵn sàng sử dụng tấm hải đồ của Ngài cho cuộc lữ thứ trần gian của chúng?

Nếu chúng ta tin và nếu chúng ta sử dụng… Vâng, hãy cùng một tâm tình như vua David xưa mà “ký thác đường đời cho Chúa”.

Petrus.tran






Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Đức GIÊSU: hồng ân của Chúa.

Đức GIÊSU: hồng ân của Chúa.



Sau sự kiện khủng bố ngày 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Một cô gái con của một vị giảng thuyết nổi danh được một đài truyền hình mời phỏng vấn. Người phỏng vấn đã hỏi cô gái ấy như sau: “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như thế?”

Cô gái đó đã trả lời rằng “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn về điều đó, ít nhất là Người cũng buồn bằng chúng ta. Từ bao lâu nay, chúng ta đã yêu cầu Người đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Thiên Chúa là người “quân tử” nên đã lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Người ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn khoản xin Người để mặc chúng ta một mình?

Về những biến cố mới xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, hoặc là chiến tranh… tôi nghĩ rằng, mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý.

Rồi một người khác lại có ý kiến là, chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh đó dạy chúng ta ‘chớ giết người, chớ trộm cắp, hãy yêu thương tha nhân như chính mình v.v…’ thế mà chúng ta cũng đồng ý”.

**

Vâng, quả là một câu trả lời rất thâm thúy. Qua câu trả lời này, nó gợi cho chúng ta nhớ tới Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ đó mà được cứu độ, ấy vậy mà Ngài cũng đã hơn một lần bị người đời thời đó miệt thị, khinh khi, “yêu cầu” ra khỏi làng mạc của họ.

Chuyện đó đã xảy ra trong một lần Đức Giêsu đuổi quỷ vào đàn heo để cứu chữa một người bị “thần ô uế ám” ở Ghê-ra-sa. Một phép lạ chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa trước ma quỷ, thế mà dân làng chỉ vì lợi nhuận vật chất, họ lại “nài xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ” (Mc 5, 17)

Thế nhưng, đáng buồn hơn nữa, đó là Đức Giêsu đã bị chính người đồng hương của mình xua đuổi, thậm chí còn muốn giết chết Ngài.

Vì sao họ lại làm như thế! Vâng, chúng ta hãy trở về Nadarét, quê hương của Đức Giêsu.

Hôm đó, Đức Giêsu trở về Nadarét, vì là ngày sabat nên Ngài vào hội đường. Tại nơi đây, cũng như ở khắp vùng lận cận khác, người ta lại phải “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.

Người đã nói gì khiến cho mọi người phải thốt lên như thế! Xin thưa, khi được mời lên đọc Sách Thánh, Đức Giêsu đã đọc một đoạn trích sách ngôn sứ Isaia.

Lời ngôn sứ Isaia như một bản concerto ngân vang khắp hội đường, nó như nổ tung nơi cung lòng cử tọa một giai điệu của tình yêu, của hồng ân khi người nhạc trưởng Giêsu chấm dứt bằng một lời nói “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

***
Nhưng than ôi! những lời tán thành và thán phục đó ngay lập tức vỡ tan như bọt bong bóng xà phòng.

Vì sao ư! Thưa rằng, vì họ chợt nhận ra một điều gần như là nghịch lý. Giêsu, người mà họ đang diện đối diện “Không phải là con ông Giuse đó sao?” Một ông Giuse thợ mộc sao lại có thể sinh ra một ông Giêsu được “Thiên Chúa xức dầu tấn phong” như chính ông ta đã nói “Hôm nay đã ứng nghiệm”!

Có vẻ như họ thất vọng. Thất vọng về gia thế của Đức Giêsu. Thất vọng vì chờ-mãi-mà-chẳng-thấy Đức Giêsu làm một dấu lạ nào như Ngài “đã làm tại Caphacnaum”. Sự thất vọng biến thành sự phẫn nộ và thay cho những lời tán dương ca tụng lúc ban đầu là sự chống đối.

Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành”. Họ mưu toan giết Đức Giêsu bằng cách: “Xô Ngài xuống vực” (Lc 4,...29).

Thế nhưng, Đức Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”. Quả đúng như lời Ngài nói : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc 4, 24).

****

Thật đáng tiếc cho cư dân thành Nadarét. Tiếc là bởi họ đã không ý thức đúng về cái gì là giá trị, cái gì là quan trọng trong đoạn Kinh Thánh mà Đức Giêsu đã đọc cho họ nghe.

Cái giá trị và quan trọng đó không nằm ở những phép lạ, không nằm ở những lời thách thức xấc xược rằng, “những gì ông đã làm tại Caphacnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”.

Cái giá trị và quan trọng đó chính là “Tin Mừng”, là Thiên Chúa đã “Ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1, …19) bởi Con Một của Người là “Đức Giêsu: hồng ân của Chúa”.

*****

Trở lại với bài phỏng vấn, cô gái con vị giảng thuyết nói tiếp rằng, “Bây giờ chúng ta lại tự hỏi là tại sao con chúng ta không có lương tâm, tại sao chúng không phân biệt được thiện ác, và tại sao chúng lại có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình.

Có thể sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến kết luận: chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy.

Thật kỳ lạ là con người có thể vứt bỏ Thiên Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi: tại sao thế giới biến thành địa ngục” (nguồn: internet)

Bạn… Thưa Bạn… Bạn có tin, cô gái con vị thuyết giảng chính là sứ giả của Vua Giêsu mà Ngài muốn gửi đến, để cảnh báo chúng ta rằng, thế giới hôm nay sẽ biến thành địa ngục nếu chúng ta từ chối đặt niềm tin vào Thiên Chúa?

Nếu tin. Vâng, hãy vứt bỏ ngay cái gọi là chủ thuyết hiện sinh, vô thần, vô tôn giáo, một thứ chủ thuyết sản sinh ra những con người thác loạn, những con người sống bằng bạo lực, những con người thích gian dối, những con người luôn gây hận thù, những con người lưu manh… và hãy tìm đến “con đường trổi vượt”, con đường của đức tin, đức cậy và đức mến.

Nơi con đường này, chúng ta sẽ học được sự “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cor 13, 4-6).

Một khi chúng ta “không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật”, có phần chắc, chúng ta sẽ có tình yêu thương. Mà ở đâu có tình yêu thương thì ở đấy có Đức Chúa Trời.

Có Đức Chúa Trời, hãy tin, chúng ta sẽ nhận được tràn ngập “hồng ân của Chúa”.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...