
Hôm
nay, chúng ta bước vào tuần thứ III mùa Phục Sinh. Trọng tâm của mùa
Phục Sinh, như lời Lm Charles E. Miller nói, đó là “cử hành các biến cố
trọng đại về ơn cứu độ của chúng ta nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua: cái chết và
sự sống lại của Đức Ki-tô”. Nói cách khác, cái chết và sự sống lại của
Đức Giê-su Ki-tô chính là sự vẹn toàn chương trình cứu độ của Thiên
Chúa, một sự vẹn toàn đem đến ơn cứu độ cho con người.
Là
một Ki-tô hữu, không ai trong chúng ta lại không xác tin và tuyên xưng
niềm tin này, thế nhưng, với các tông đồ xưa, tin vào sự sống lại của
Đức Giê-su, lại là sự thách đố của các ngài. Đã có một lần Chúa Giêsu
hiện ra với các môn đệ, các ngài hoảng hốt tưởng là ma. Tại sao hôm đó
các ông không tin Đức Giê-su Phục Sinh? Phải chăng, vì lúc ấy tâm hồn
các ông đang mang nặng tâm trạng “người đi một nửa hồn tôi chết, còn
nửa hồn kia bỗng dại khờ”?
Vâng,
rất có thể là vậy, bởi, sau những ngày Đức Giê-su bị bắt và bị chết
treo trên thập giá tại đồi Golgotha, các môn đệ tuy sống nhưng cũng như
đã chết, các ông mất phương hướng, cuộc sống của các ông chỉ còn lại sự
sợ hãi và âu lo, sự âu lo và sợ hãi. Sự sợ hãi đã khiến các ông cảm thấy
như “hồn đã chết”. Sự âu lo đã làm cho các ông cảm thấy “hồn kia bỗng
dại khờ”…
Hãy
nhìn xem, chung quanh các ông là đầy dẫy những tin đồn bất lợi. Nhóm
thượng tế và kỳ mục đã có một hành động hết sức “ma mãnh”. Họ chi một
một số tiền lớn cho bọn lính canh mộ và bảo nhóm lính đó hãy tung tin
đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác”, và
đó chính là nguyên nhân khiến nỗi dại khờ càng tăng cao trong hồn các
ông.
Chính
nỗi “dại khờ” tăng cao đã làm cho những nguồn tin về Thầy Giêsu, như
nguồn tin bà Maria Macdala thuật lại cho các ông, rằng “Tôi đã thấy
Chúa”, trở nên “vớ vẫn” đến lạ kỳ. Ngay cả một nguồn tin thân cận, do
hai người môn đệ trong lúc “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về làng
Emmau, cho biết, họ đã gặp Thầy Giêsu và họ “nhận ra Chúa thế nào khi
Người bẻ bánh”, vẫn chưa đem đến cho các môn đệ niềm tin Đức Giê-su Phục
Sinh.
Vâng,
hôm đó, trong khi các ông còn đang băn khoăn về những nguồn tin trên,
thì “chính Đức Giêsu đứng giữa các ông…” Với một động tác quen thuộc,
Đức Giê-su Phục Sinh đưa tay về phía các ông và nói: “Bình an cho anh
em”. Là một lời chúc bình an, ấy thế mà các ông lại bất an, bất an đến
nỗi Phêrô cũng như toàn thể đồng môn sửng sờ “kinh hồn bạt vía”.
Không
thể tin được, mới chỉ có chưa đầy ba ngày mà các ông đã không nhận ra
dung nhan Đức Giêsu. Hôm trước, hôm bà Maria Mác-da-la ra ngôi mộ, khi
gặp Đức Giê-su Phục Sinh, bà ta tưởng là “người làm vườn”, còn hôm nay,
tệ ơi là tệ, các ông lại tưởng Thầy mình “là ma”…
Đúng
là Thầy Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết – Hôm ấy, Đức Giêsu tiến về phía
các ông và nói: “Sao lại hoảng hốt. Sao lòng anh em còn ngờ vực. Nhìn
chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà. Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt
như anh em thấy Thầy có đây ?”
Như
người mục tử xót xa nhìn đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, Đức
Giêsu nói với các ông rằng: “Tất cả những gì sách luật Môse, các sách
Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Và
cuối cùng Người “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.
Người
ta có nói “Kẻ thù của niềm tin là sự sợ hãi chứ không phải sự nghi
ngờ”. Hôm đó, Đức Giêsu quả đúng là một bậc thầy về tâm lý. Ngài đã
không trách cứ các môn đệ về sự nghi ngờ của các ông. Đức Giê-su, trái
lại, chỉ gửi đến các môn đệ một lời truyền dạy, như để các ông xác tín
về niềm tin của mình, lời truyền dạy, rằng: “Có lời Kinh Thánh chép
rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống
lại…”, và rằng : “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”
Các
môn đệ có vâng nghe và thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su không?
Vâng, hỏi để mà hỏi mà thôi. Các môn đệ, tuy, lúc đầu có thoáng chút
nghi nan, nhưng sau này, nhất là sau khi nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần,
các ngài đã trở thành những “chứng nhân” đích thực của Đức Giê-su Phục
Sinh.
Thật
vậy, sau này, dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư,
dù các Tông Đồ bị đánh đòn và cấm rao giảng Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng
những hình phạt đó vẫn không làm cho các ông “hoảng hốt”. Ông Phêrô và
các Tông Đồ khác vẫn hiên ngang làm chứng rằng “Đấng mà chính anh em đã
nộp và chối bỏ… đã giết… nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ
cõi chết, về điều này chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, …13-14).
Một
điều cũng nên biết, hầu hết tất cả các tông đồ đều đã “tử đạo” để làm
chứng cho niềm tin cứu độ, niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Máu tử đạo
của các tông đồ đã xóa tan đi “lời than phiền” năm xưa của Đức Giêsu
đối với các ông, rằng “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ
vực?”.
Cuộc
đời của một Ki-tô hữu là một cuộc lữ hành, cuộc lữ hành về Thiên Quốc.
Cuộc lữ hành này, có phần chắc, không êm đềm như mặt nước mùa thu. Sẽ có
nhiều sóng gió, sóng gió của chiến tranh, của khủng bố. Nó sẽ làm cho
chúng ta “hoảng hốt”, hoảng hốt trước chết chóc, đói kém, bệnh tật, mất
mát nhà cửa, mất mát người thân yêu v.v…
Sẽ
có nhiều sóng gió, sóng gió của chủ thuyết, đại loại như chủ thuyết
hiện sinh, chủ thuyết duy vật vô thần… Nó, không nhiều thì ít, sẽ làm
cho ta “ngờ vực”, ngờ vực trước những lời tuyên cáo mà chủ thuyết đưa
ra như “Thượng Đế đã chết rồi” hoặc những lời miệt thị xách mé, rằng
thì-là-mà “thằng trời đi chỗ khác chơi, để cho nông hội tiến lên làm
mùa” v.v…
Vâng,
nếu hôm nay Đức Giê-su hiện đến bên chúng ta, hẳn nhiên, Ngài cũng sẽ
nói với chúng ta rằng, “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ
vực?”. Tại sao lại hoảng hốt? Cớ gì lại ngờ vực? Phải chăng là vì chúng
ta không có sự bình an của Chúa? Phải chăng là vì chúng ta quên đi lời
phán truyền của Ngài?
Hãy
nghe, Đức Giêsu, trong bữa tiệc ly, Ngài đã nói rằng: “Thầy để lại bình
an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh
em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
(Ga 14 : 27).
Bình
An Chúa ban “không theo kiểu thế gian”, đó chính là bình an trong
nghịch cảnh. Sự bình an trong nghịch cảnh chấp nhận thương đau, chấp
nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ… Và một khi chấp nhận thương đau, chấp
nhận từ bỏ, chấp nhận hy sinh thì đó chính là lúc chúng ta trở thành
“khí cụ bình an của Chúa”.
Một
khi trở thành khí cụ bình an của Chúa, hãy tin, cuộc lữ hành về Thiên
Quốc của chúng ta sẽ là một cuộc lữ hành “bừng cháy” tình yêu thương,
một tình yêu thương giống như chính tình yêu mà Đức Giê-su đã thể hiện
trên thập giá, đó là “hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.
Thưa
Bạn, bộ mặt của thế gian rồi sẽ thay đổi, và những chủ thuyết của nó
rồi sẽ lụi tàn, nhưng niềm tin Đức Giê-su Phục Sinh thì không. Bạn có
tin thế không? Dù bạn và tôi không tin, nó đã và đang xảy ra như chúng
ta đã thấy và đang thấy.
Đức
Giê-su Phục Sinh của năm nay cũng chính là Đức Giê-su Phục Sinh mà các
thánh tông đồ đã gặp vào “ngày thứ nhất trong tuần” năm xưa, mà các ông
đã đặt niềm tin vào Người.
Làm
thế nào để chúng ta có được niềm tin mạnh mẽ như các thánh đồ năm xưa?
Thưa, rất giản dị. Hãy để một vài phút thinh lặng và hãy cất tiếng
nguyện cầu, lời khẩn cầu tha thiết, rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con,
vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đừng quên, nhờ lời khẩn cầu tha
thiết này mà hai môn đệ trên đường về Emmau đã có cơ hội nhận ra Đức
Giê-su Phục Sinh như thế nào.
Vâng,
thế giới hôm nay, với cuộc chiến đẫm máu giữa ISIS và các nước ở Trung
Đông, rồi cuộc chiến “thổ tả” ở Ukraine do nhóm thân Nga khởi xướng,
cộng với cuộc nội chiến ở Châu Phi, cùng với cuộc chạy đua vũ trang của
các nước ở quanh Biển Đông, nó như lời cảnh báo cho chúng ta biết rằng,
thế giới “sắp tàn” rồi.
Thế
nên, một lần nữa, hãy tự hỏi, tôi đã nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh chưa?
Nếu đã nhận ra, chúng ta hãy dành thêm một phút để cùng nhau nguyện
cầu, rằng: “Lạy Chúa Kitô phục sinh, Chúa luôn đồng hành cùng chúng con
trong cuộc sống. Xin cho tất cả chúng con biết nhận ra sự hiện diện của
Chúa, để chúng con luôn vui sống giữa những phiền muộn của cuộc đời.
Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.” (trích: Sách Lời nguyện)
“Luôn
vui sống giữa những phiền muộn của cuộc đời”. Vâng, có được một cuộc
sống như thế, cuộc đời Ki-tô hữu của chúng ta sẽ là một cuộc đời “chứng
nhân” của bình an, của tình yêu, của hy vọng.
Nói
tắt một lời, sống một cuộc sống như thế, đó chính là chúng ta đã sống
trọn vẹn một cuộc sống “chứng nhân cho Đức Kitô”, một cuộc sống xưa kia
Người đã truyền dạy “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.
Petrus.tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét