Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Tôi tin Chúa Thánh Thần.

Tôi tin Chúa Thánh Thần.

“Tôi tin Chúa Thánh Thần”. Vâng, đó là niềm tin không thể thiếu trong đời sống đức tin của một Ki-tô hữu. Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, sách giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.”

Gần đây, khi nói về Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Người như sau: “Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: ‘Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.’ Chân lý đầu tiên mà chúng ta xác tín trong kinh Tin Kính, đó là: Chúa Thánh Thần chính là Kyrios, nghĩa là Chúa. Điều này có nghĩa là, Ngài là Thiên Chúa thật cũng như Chúa Cha và Chúa Con là Thiên Chúa… nhưng tôi muốn tập trung chính yếu vào sự kiện này là, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa trong chúng ta.”

Thật vậy. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, qua những lời giảng dạy, Ngài luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần, một Thánh Thần không chỉ là “nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa”, mà còn là điều kiện tiên quyết để được tái sinh, một sự tái sinh hầu để nhận được ơn cứu độ - ơn được vào Nước Thiên Chúa.

Hồi đó, trong một lần nói chuyện về Nước Thiên Chúa với một thủ lãnh người Do Thái tên là Ni-cô-đê-mô, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”.

Muốn đón nhận ơn cứu độ, để được thấy Nước Thiên Chúa, để được vào Nước Thiên Chúa ư! Vâng, Đức Giêsu đã nói, “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên… Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3, 3…5)

Không chỉ nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giê-su còn cho các môn đệ của mình biết thêm về sứ mạng của Chúa Thánh Thần.

Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là gì? Thưa, Đức Giê-su nói vói các môn đệ rằng, Ngài sẽ “sai Đấng ấy đến… Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính… Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 15, 8… 13).
Những lời truyền dạy đó đã được Đức Giê-su loan báo trong ngày lễ Vượt Qua, một ngày mà Ngài sẽ phải ra đi, ra đi chịu bắt bớ, chịu đánh đòn và chịu chết trên thập giá tại đồi Golgotha.

Vâng, có thể nói, đó là một buổi biệt ly sầu thảm giữa Ngài và các môn đệ. Nhìn thấy những xao xuyến của các ông, trước sự ra đi của mình, Đức Giêsu an ủi các môn đệ, rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Và quả thật, ngay sau khi Ngài Phục Sinh. Hôm đó đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ trong một ngôi nhà “các cửa đều đóng kín”.

Tại sao các cửa lại đóng kín? Thưa, vì lúc đó, dư âm cuộc bách hại của Đức Giê-su vẫn còn âm ỉ. Là môn đệ của Người, nên, các ông “sợ người Do Thái” (Ga 20, …19).

Hôm đó, đang lúc sự sợ hãi dâng lên cao độ, thì, Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Ngài đã đem đến cho các ông niềm vui, vui “vì được thấy Chúa”. Còn nữa, vui vì được Đức Giê-su, Thầy của mình, chúc “Bình An”, và cuối cùng, đó là: vui vì được Ngài: “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Thổi hơi vào các ông và bảo các ông hãy nhận lấy Thánh Thần. Vâng, có thể nói, sự kiện này như một bằng chứng cho lời hứa mà Đức Giê-su đã hứa hôm Thầy và trò cùng mừng lễ Vượt Qua.

Hôm đó, Đức Giê-su hứa rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em…” (x.Ga 16, 7)

Vâng, bốn mươi chín ngày sau, tính từ ngày đó, ngày Chúa Giêsu “thổi hơi” vào các ông, đó là vào ngày lễ ngũ tuần, “Đấng Bảo Trợ” đã thực sự đến với các môn đệ. Hôm đó, không ai có thể tưởng tượng được, trong khi các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi”, kinh ngạc thay! “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. Các ông đã nhìn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Và như có một nguồn sống mới len lỏi vào tâm hồn các ông, mọi người đều cảm nhận rằng, mình đã “được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2, 4).

**
Kinh Thánh ghi lại rằng, các môn đệ “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Vâng, một trong các ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ, đó là: Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Dù là: “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ: “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Thánh Thần Chúa còn ban cho các môn đệ “ơn can đảm”. Thật vậy, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô không còn nhát đảm, như trước đây đã nhát đảm chối Thầy, thay vào đó là sự can đảm nói lên sự thật, sự thật về một Thầy Giê-su, chính là người “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36).

Chưa hết, hôm đó, nhờ ơn Thánh Thần Chúa, các tông đồ đã can đảm cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.

Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người theo đạo”, cũng như sau này “cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được ơn cứu độ” (Cv 2,…47).

****
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là ơn dành riêng cho các tông đồ, mà cũng là ơn dành cho mỗi chúng ta, là những người Kitô hữu, hôm nay.

Tuy nhiên, một Kitô hữu trưởng thành không chỉ nhận lấy Chúa Thánh Thần, là đủ, nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần” (Ep 5,18).

Tại sao? Thưa, bởi, khi đầy-dẫy-Chúa-Thánh-Thần chúng ta mới có thể “Sống theo Thần Khí”, mà nếu chưa sống theo Thần Khí, thánh Phao-lô nói, kẻ đó có khác gì là “trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô”. Thế nên, ngoài việc nhận lấy Thánh Thần, đừng bao giờ biến mình là kẻ không-biết-mình có “đầy dẫy Chúa Thánh Thần” hay không?

Làm sao để biết mình đầy dẫy Chúa Thánh Thần? Thưa, xem quả biết cây. Xưa, Đức Giê-su đã nói: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt” (x.Mt 7, 15-18).

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Hãy xem cây-tâm-hồn của tôi sinh hoa trái gì?

Nếu là những hoa trái “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy”; hãy coi chừng! Đó là dấu hiệu chúng ta “sống theo tính xác thịt”, không phải “sống theo Thần Khí”.

Đây, chúng hãy xem, những tín hữu Cô-rin-tô xưa, nơi cộng đồng của họ luôn có sự “ghen tương và cãi cọ” nên tông đồ Phao-lô đã gọi họ là “những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm” (x.1Cor 3, 3)

Còn nếu cây-tâm-hồn của tôi sinh hóa trái “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”… Vâng, hãy tin, đó là lúc chúng ta đang “sống theo Thần Khí”.

Cho nên, dù đã được chịu “Bí Tích Thêm Sức”, dù đã “nhận được Thần Khí”, dù đã “khởi sự nhờ Thần Khí”… chúng ta còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”, còn phải “sống theo Thần Khí”… Nếu không, nếu chúng ta sống theo tính xác thịt, “kết thúc nhờ xác thịt”… Vâng, chúng ta sẽ bị coi là “ngu xuẩn”, là “uổng công”, theo lời Thánh Phao-lô đã nói như thế. (x.Gl 3, 3…4)

Vì thế, hãy tự hỏi, đã bao nhiêu lần tuyên xưng “tôi tin Chúa Thánh Thần” nhưng tôi đã thật sự nhận lấy Thánh Thần? Thật sự đầy dẫy Thánh Thần? Và thật sự “sống theo Thần Khí”?

*****
Có phần chắc, các Kitô hữu trưởng thành ai cũng đã chịu “Bí Tích Thêm Sức” và như vậy, chúng ta đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Cho nên, đừng quên lời thánh Phaolô khuyên bảo, rằng “Hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” và “chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa”.

Vì thế, hãy tự hỏi, đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần”, chúng ta có để cho “Thần Khí đổi mới tâm trí” chúng ta? Chúng ta có để cho “Thần Khí đổi mới”… đổi mới tính “…chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ”? Chúng ta có để cho “Thần Khí đổi mới”… đổi mới lời ăn tiếng nói, không bao giờ “thốt ra những lời nói độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe”? (x. Ep 4, 29)

Đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần”, chúng ta sẽ không làm “phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” khi được Người mời gọi “phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”? (x. Ep 4, 32)

Vâng, câu trả lời dành cho mỗi chúng ta.

Thế nhưng, hãy tưởng tượng xem, nếu chúng ta đổi mới tính “…chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ”, nếu chúng ta “…đổi mới lời ăn tiếng nói, không bao giờ thốt ra những lời nói độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe”, điều gì sẽ xảy ra?

Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta “…đối xử tốt với nhau… có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” điều gì sẽ xảy ra?

Thưa, điều sẽ xảy ra, đó là, cũng như các tông đồ xưa, chúng ta cũng làm cho các dân thiên hạ “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe”, không phải nghe chúng ta nói “tiếng lạ”, nhưng là nghe chúng ta nói lên những tiếng nói của “Tình Yêu Thương”, một thứ tiếng đem đến sự “Hiệp Nhất”, một thứ tiếng chứng minh chúng ta đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần” như có lời nói “Ở đâu có hiệp nhất ở đó có Chúa Thánh Thần”.

Nói cách khác, khi chúng ta nói được tiếng nói của tình yêu thương, nói được tiếng nói đem đến sự hiệp nhất đó là lúc chúng ta “sống nhờ Thần Khí”.

Thế nên, chúng ta còn cần nghe thêm một lời khuyên của thánh Phao-lô rằng “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước”.

Tại sao? Thưa, bởi, khi nhờ Thần Khí mà tiến bước, chúng ta mới có thể nhận ra “sự thật toàn vẹn”, một sự thật-thực, để nhận ra những dối trá lừa lọc, những gian dối bịp bợm nhan nhản quanh chúng ta, nhờ đó chúng ta mới có thể “hoàn thiện” việc nói lên những tiếng nói của “Tình Yêu Thương”, một thứ tiếng đem đến sự “Hiệp Nhất”, đúng nơi, đúng chỗ, đúng người, đúng đối tượng.

Vâng, hôm nay, một lần nữa, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng ta sẽ cầu xin điều gì nơi Ngài? Có lẽ, nên chăng, cầu xin Ngài cho chúng ta sống vì sự thật, sống cho sự thật, sống tôn trọng sự thật?

Đức Giê-su, xưa kia, Ngài đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta”. Thế nên, vâng, thật phải đạo khi chúng ta cầu xin Thánh Thần Chúa cho chúng ta ơn can đảm, can đảm để sống vì sự thật, sống cho sự thật, sống tôn trọng sự thật, bởi chỉ có như thế chúng ta mới không hổ thẹn khi cất tiếng tuyên xưng “Tôi tin Chúa Thánh Thần”.


Petrus.tran

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Anh em hãy đi…

Chúa Nhật VII - B - Lễ Chúa Thăng Thiên.

Anh em hãy đi…


Hôm nay, Chúa Nhật 17/05/2015, theo truyền thống, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Giê-su thăng thiên. Có thể nói rằng, với chúng ta hôm nay, đây là một ngày đại lễ, một ngày mà toàn thể Ki-tô hữu mừng vui tái xác tín rằng: Chúa Giê-su “…ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.

Thế nhưng, với các môn đệ xưa, ngày này, ngày Thầy Giê-su “được cất lên ngay trước mắt các ông” lại là một ngày mang đến cho các ông đôi chút ngỡ ngàng và băn khoăn.
Thật vậy, sau sự kiện phục sinh của Đức Giêsu gây chấn động cả Giêrusalem, và sau nhiều lần hiện ra với các môn đệ của mình, có thể nói rằng, Đức Giê-su đã dần dần phục hồi lại niềm tin của các ông. Những chán chường, những thất vọng của các ông như bị đầy lùi và thay vào đó là một niềm vui mừng và hy vọng.

Các ông hy vọng vào điều gì? Thưa, các ông hy vọng rồi đây Thầy Giêsu sẽ “khôi phục vương quốc Israel” trong nay mai. Hôm ấy, hôm Đức Giê-su hiện đến, các ông đã mừng vui và hỏi Ngài rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”

Khôi phục vương quốc Israel ư! Thật đáng tiếc! Đó không phải là sứ vụ của Đức Giê-su. Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, ngoài những sinh hoạt như ăn và uống để chứng minh rằng Ngài không phài là ma, nhưng đã thật sự sống lại, Đức Giêsu còn chú trọng đến những lời dạy dỗ các môn đệ. Một trong những điều dạy dỗ quan trọng, đó là, Đức Giêsu đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Hiểu Kinh Thánh, các ông sẽ hiểu tại sao hôm bữa tiệc Vượt Qua Đức Giê-su nói: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Hiểu Kinh Thánh, các ông mới có thể thấy việc “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em”. Và cuối cùng, hiểu Kinh Thánh, các môn đệ sẽ hiểu đâu là sứ vụ chính yếu của Ngài.

Mà, sứ vụ của Ngài là gì? Thưa, “Rao giảng Tin Mừng Nước Trời”. Và đó cũng là sứ vụ của các môn đệ. Hôm đó, Đức Giê-su đã nói về sứ vụ các ông sẽ phải thực hiện, sau khi Ngài ra đi, sứ vụ đó là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án”.

Sau khi đưa ra những huấn lệnh, Tin Mừng thánh Mác-cô ghi vắn tắt rằng: “Chúa Giê-su được đưa lên trời” (x.Mc 16, 19). Còn sách Công vụ Tông Đồ cho ta nhìn thấy một bức tranh hùng vĩ về sự “ra đi” của Đức Giê-su. Vâng, sách chép lại rằng: “Người được cất ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”. Hôm đó, đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh, và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 11).

**

“Chúa Giê-su được đưa lên trời”. Hôm nay, vào mỗi thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta tái xác tín điều này qua phần đọc kinh tin kính. Và để không bị những tà thuyết làm lung lạc niềm tin này, chúng ta nên biết rằng, trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang.

Thế nên, sẽ thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng, sự thăng thiên của Đức Giêsu có nghĩa là “Ngài bay bổng lên không trung và các tầng mây quyện quanh thân Ngài.

Một câu chuyện đã xưa cũ, nhưng nó vẫn có thể đem đến cho chúng ta bài học về niềm tin “có Chúa trên trời”.

Chuyện là thế này: Năm 1968 đúng vào ngày lễ Giáng Sinh 24.12, chiếc phi thuyền Apolo 8 đã được phóng lên quỹ đạo mặt trăng, mang theo phi hành đoàn gồm ba phi hành gia là: Frank Borman, Jim Lowell và William Andress.

Họ đã được “lên trời”. Ở trên trời, họ không thấy Chúa đâu hết. Nhưng trước kỳ công của tạo hóa, từ trên quỹ đạo mặt trăng, họ đã gửi về trái đất những lời Kinh Thánh đầy xúc động: “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất”.

Vâng, có thể nói, câu Kinh Thánh mà ba vị phi hành gia đó gửi về trái đất, nó chứng tỏ nơi các vị phi hành gia đó một sự trưởng thành trong niềm tin. Với những người được ơn như thế, tông đồ Phao-lô nói, rằng, họ đã được “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho Thần Khí khôn ngoan để mạc khải cho (họ) nhận biết Người”? (Ep 1, 17)

Việc Đức Giêsu “được rước lên trời”, thánh Phao-lô nói, đó chính là “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (Ep 1, 2)

***
Đức Giê-su nói, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng”. Xưa, các môn đệ đã thi hành mệnh lệnh của Ngài. Và nay, với chúng ta, là một Ki-tô hữu, cũng không loại trừ.

Vâng, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…”. Bằng cách nào, Thưa, hãy nhìn phong cách Đức Giê-su. Phong cách của Đức Giê-su đã được ghi lại đầy đủ trong cách sách Tin Mừng, một cuốn sách còn được gọi bằng môt tên khác, đó là “Kinh Thánh”.

Phải đọc Kinh Thánh hàng ngày, bởi đó chính là hơi thở cho đời sống tâm linh của chúng ta. Như các môn đệ xưa đã được Đức Giê-su mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Hãy đến nhà thờ, nơi chúng ta có nhiều cơ hội được “mở trí để hiểu Kinh Thánh”, qua bài giảng của linh mục và sẽ tốt hơn nữa, nếu mỗi chúng ta có được một cuốn Kinh Thánh như là một cuốn sách gối đầu giường.

Vâng, xã hội ngày hôm nay đầy dẫy sự dối trá, lừa bịp v.v… Chỉ có Kinh Thánh mới có thể đem chúng ta trở về với sự thật, sự thật trong lời nói lẫn việc làm. Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự thật là chính Đức Giê-su, Đấng đã khẳng định về mình, rằng: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống.” (x.Ga 14, 6)

Chỉ có sự thật trong Đức Giê-su chúng ta mới có thể vượt lên sự thật giữa một xã hội đầy dối trá và lừa bịp như hôm nay. Chỉ có sự thật trong Đức Giê-su chúng ta mới có thể nói với mọi người rằng: “Yêu ai cứ bảo là yêu; Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều; Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết; Cũng không nói ghét thành yêu…” (thơ: Phùng Quán)

Sống với sự thật và trong sự thật như thế, vâng, ai dám phủ nhận đó chính là đời sống “chứng nhân”, chứng nhân cho Chúa, Đấng là tình yêu. Nói tắt một lời, sống với sự thật và trong sự thật như thế, không thể phủ nhận, đó cũng là một phương cách để chúng ta “đem Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”
.
“Đem Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, đó chính là lệnh truyền được Đức Giê-su đã truyền dạy cho các môn đệ xưa, và cũng là cho mỗi chứng ta hôm nay, rằng: “Anh em hãy đi”.

Petrus.tran


Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Hãy yêu thương nhau!

Hãy yêu thương nhau!

Chúa Nhật VI – PS – B

Hãy yêu thương nhau!

Cách nay khá lâu, trong chương trình “the voice of Holland”, có một thí sinh tên là Charly Luske, khi anh ta vừa cất tiếng hát ca khúc “It’s a Man’s Man’s Man’s World”, lập tức cả khán phòng bùng nổ bởi những tiếng vỗ tay reo hò, có năm vị giám khảo, bất ngờ thay, cả năm vị cùng nhấn chiếc nút để xoay cái ghế mình đang ngồi, từ vị trí “dấu mặt” với thí sinh, thành diện đối diện với Charly Luske.

Vì sao năm vị giám khảo lại cùng một lúc đồng thuận như thế? Vì sao khán thính giả lại phấn khích với bản nhạc này? Phải chăng là vì chất giọng anh ta? Phải chăng là bởi ý nghĩa của bài hát? Đúng vậy, chất giọng anh ta rất tốt, nhưng phải nói thêm rằng, thành công của anh ta là do ý nghĩa của bài hát.

Chúng ta hãy nghe, thật ý nghĩa thay, khi bài hát có lời rằng “This is a man’s world. This is a man’s world… But it wouldn’t nothing, nothing… without a woman or a girl - Đây là thế giới của đàn ông; Đây là thế giới của đàn ông. Nhưng nó sẽ chỉ là vô nghĩa. Vô nghĩa nếu thiếu đi người phụ nữ”.

“Bạn thấy đấy…” Charly Luske tiếp tục cất tiếng hát rằng “…Đàn ông tạo ra xe hơi, để đưa ta đi qua những con đường dài. Đàn ông làm ra tàu hỏa để vận chuyển đồ trọng tải lớn. Đàn ông tạo ra đèn điện, để thắp sáng mọi bóng tối vây quanh ta. Đàn ông tạo ra tàu thủy, cũng như Noah tạo ra rương (ark)… Đây là thế giới của đàn ông; Nhưng nó sẽ chỉ là vô nghĩa nếu thiếu đi người phụ nữ. Cô ấy đâu có cần tới tôi. Tất cả chỉ là vô nghĩa”. (lược dịch: nguồn internet)

Tất-cả-chỉ-là-vô-nghĩa, chỉ với sáu chữ, nó gợi cho ta nhớ đến một lời ví von đã được chép trong sách Huấn Ca, rằng: “Không có hàng rào, trang trại bị cướp phá, vắng bóng đàn bà, đàn ông sẽ lang thang, rên rỉ” (Hc 36, 23).

Có lẽ, không ai có thể phủ nhận, tác giả của bài hát nêu trên, qua tiếng hát nỉ non của người ca sĩ, đã muốn ca ngợi về một thứ tình yêu – “tình yêu đôi lứa”.

Tình yêu đôi lứa ư? Vâng, đó là món quà tặng của Thượng Đế, Người đã ban tặng cho con người, ngay từ tạo thiên lập địa. Sách Sáng thế ký đã thuật lại rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm một trợ tá tương xứng với nó… Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (Stk 2, 18…22).

Con người có nhận không? Thưa có. Con người đón nhận trong tiếng reo hò mừng vui: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Tình yêu đôi lứa, hay tình yêu giữa con người với con người được khởi đầu như thế đấy. Nó đồng hành suốt chiều dài lịch sử con người. Nó đã được mô tả “mãnh liệt như tử thần… đam mê dữ dội như âm phủ… nước lũ không dập tắt nổi, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8, 6-7).

Chỉ tiếc rằng, tội lỗi mà con người vấp phạm đã làm cho tình yêu, với một chút lãng mạn của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy; Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”, nay bỗng chốc trở thành nỗi đau chất ngất, chất ngất bằng những từ ngữ: tại-bị-bởi vì… bởi vì “người đàn bà Ngài cho ở với con”, tại-bị-bởi-vì “Con rắn đã lừa dối con” v.v… Để rồi, hôm nay, vẫn biết rằng, tình yêu là quà tặng của Thượng Đế, nhưng khi đối diện, con người vẫn thở than, “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn”…

Vâng, làm sao không “vạn lần buồn” khi con người ngày nay, do ảnh hưởng bởi những chủ thuyết lệch lạc: chủ thuyết vô thần, chủ thuyết hiện sinh, do ảnh hưởng của những lối sống: lối sống thụ hưởng v.v… nên đã làm cho “Tình Yêu - món quà tặng của Thiên Chúa” trở nên trần trụi, trơ trẽn như một món hàng đổi chác. Tình yêu như thế… chết là cái chắc… vạn lần buồn là điều không tránh khỏi…

**
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu bền vững. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu với những đặc tính: đi bước trước, dâng hiến và trao ban. Và Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, Ngài đã đến thế gian để gửi đến thế gian tình yêu đó.

Nếu thế gian quan niệm, tình yêu thương được thể hiện qua việc “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Thì, với Đức Giê-su, tình yêu của Ngài, đó là thứ tình yêu “nhưng không – vô hạn”.

Nếu thế gian dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” thì Đức Giêsu đã lớn tiếng dạy rằng “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).

Nếu thế gian khuyên rằng “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, thì Đức Giêsu đã khuyên rằng “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12).
Nếu thế gian dạy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng” thì Đức Giêsu khuyên dạy: “còn Thầy, Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”.

Trong đêm mừng lễ Vượt Qua, cũng là đêm Đức Giê-su sẽ thể hiện tình yêu nhưng không và vô hạn của mình, qua cuộc tử nạn trên thập giá tại Golgotha, Ngài đã đưa ra một giáo huấn mới về tình yêu, giáo huấn rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

Vâng, đúng là một thứ tình yêu mới và đã được Đức Giê-su gọi là “điều răn mới”. Và, như một chiếc cầu ân sủng nối kết các môn đệ với tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phán: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15, 9).

Yêu anh em như vậy là như thế nào? Thưa là, Đức Giê-su coi các môn đệ như là: “Bạn hữu” của Ngài. Vâng, chính việc trở thành bạn hữu, chính việc không gọi các môn đệ là tôi tớ, Đức Giê-su đã mở ra một cánh cửa cho tình yêu thâm nhập vào từng con người, từng cá nhân, nói tắt một lời, từng người môn đệ của Ngài.

Có thể nói rằng, với những điều Đức Giê-su đã giảng dạy nơi công chúng cũng như những gì Ngài đã truyền dạy cho các môn đệ trong chốn riêng tư, nó chính là mẫu mực cho một tình yêu nhưng không, vô vị lợi, một tình yêu hoàn hảo mà mỗi người môn đệ của Ngài phải thể hiện để “yêu thương nhau”.

***
“Anh em hãy yêu thương nhau”. Vâng, đây là một lệnh truyền. Với lệnh truyền này, tông đồ Gioan, sau này, tiếp tục truyền dạy cho chúng ta, rằng: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 8).

Có thể nói ngược lại chăng! Không biết Thiên Chúa con người thiếu vắng tình yêu thương! Đúng vậy. Hãy nhìn xem, xã hội chúng ta đang sống, một xã hội cổ vũ cho chủ nghĩa vô thần, người ta hô hào “Thiên Chúa chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người” điều gì đã và đang xảy ra! Thưa, dối trá, gian lận, lừa bịp khắp nơi. Từ nơi học đường lẫn nơi công sở. Trộm cắp, cướp bóc xảy ra nhan nhản. Và rất nhiều, rất nhiều sự gian ác xảy ra chỉ vì “Không biết Thiên Chúa” .

“Anh em hãy yêu thương nhau”. Là một Kitô hữu, không ai được phép từ chối thực thi lệnh truyền này. Bởi vì, đó chính là dấu chỉ để “thiên hạ nhận biết (chúng ta) là một đệ của Đức Giê-su Ki-tô” (x.Ga 13, 35)

Thế nên, đừng quên, hành động chạnh-lòng-thương-xót của người Samaria trước nạn nhân bị cướp đánh đập giữa đường - không tránh qua lối khác mà đi - nhưng đã đứng lại cứu giúp, trong dụ ngôn “người Samaria nhân hậu”, phải là tấm gương mẫu mực cho mỗi chúng ta.
Cũng đừng biến mình thành ông nhà giàu trong câu chuyện “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” để rồi cuối cùng “phải chịu khốn khổ” về đời sau. (x.Lc 16, 19-31)
Có ai trong chúng ta lại không hơn một lần được dạy dỗ rằng, “thương người như thế thương thân”, hoặc “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, hay “một miếng khi đói bằng gói khi no” v.v... Vì thế, để thể hiện tình yêu thương, hãy nhớ lời Kinh Thánh có dạy “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (x.Hc 4, 31). Đó cũng là điều thánh Phaolô khuyên: “Cho có phúc hơn nhận”.

Tất cả chỉ là tình yêu, cho nên, một nhà thơ trẻ với cảm nhận của mình đã chia sẻ, rằng: “Kinh Thánh dạy một tình yêu thuần khiết; Là tình yêu không vị lợi cho mình. Là thực hành một nghĩa vụ thiêng liêng, để ánh sáng Tin Mừng soi... thế giới” (nguồn: internet).

Nói cách khác: “Để ánh sáng Tin Mừng soi thế giới. Hãy thể hiện một nghĩa vụ thiêng liêng. Đó chính là tình yêu vô vị lợi. Điều xưa kia, Đức Giê-su truyền dạy”.

Vâng, hôm đó, Người truyền dạy một điều duy nhất, đó là: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em sẽ tồn tại… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 16-17).

****

Thế giới hôm nay có quá nhiều khổ đau, khổ đau đến từ nhiều phía, và hầu như nguyên nhân là bởi, thiếu tình yêu thương. Thiếu tình yêu thương là bởi thế giới hôm nay vẫn tồn tại sự vênh vang tự đắc, nơi con người vẫn còn đó sự hận thù, sự gian ác, thiếu sự tha thứ v.v…

Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng ta phải là cánh tay nối dài của Đức Giê-su, để đem những hoa trái của tình yêu thương, đó là: “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…”, đến cho mọi người, ít nhất là trong gia đình chúng ta.

Trong gia đình, người chồng “không làm điều bất chính”, không dám xem chuyện “vợ cả, vợ hai, cả hai đều là vợ cả”… vâng, ai dám phủ nhận gia đình đó là một gia đình mẫu mực về tình yêu thương, lòng chung thủy! Trong gia đình, người vợ luôn “nhẫn nhục, hiền hậu”… ai dám phủ nhận, gia đình đó là một gia đình mẫu mực về tình yêu thương, lòng bao dung!

Đa phần những gia đình đổ vỡ, nguyên nhân đều thiếu “đức mến”. Mà, theo thánh Phao-lô, những hoa trái của đức mến chính là những điều đã được nêu trên, những điều đem đến cho mọi người “tình yêu thương”.

Albert Camus có nói “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ, đó là yêu thương”. Albert Camus rất đúng, bởi, cũng như cảm nhận của một nàng thơ, thì: “Mọi năng tài sẽ đi vào... mai một; Trên đời này chỉ tồn tại ba điều: Là đức tin, hy vọng, và tình yêu. Nhưng tình yêu được kể là trọng nhất!” (nguồn: internet)

Tình yêu thương được kể là trọng nhất ư! Thưa, đúng vậy, bởi, như chúng ta đã biết “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”, và hơn nữa, là bởi, đó là điều Đức Giê-su truyền dạy cho chúng ta là “Hãy yêu thương nhau”.

petrus.tran

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Tôi đã “Ở lại trong Thầy?”

Tôi đã “Ở lại trong Thầy?”

Lại thêm một Chúa Nhật của mùa Phục Sinh đến với chúng ta. Nếu nhìn với đôi mắt của một người bình thường, thì, đây là Chúa Nhật đầu tiên của tháng năm. Nhưng, nếu nhìn với đôi mắt con người của lịch sử, thì, đây là Chúa Nhật đầu tiên, sau bốn mươi năm, của một biến cố lịch sử, biến cố 30/04/1975. Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, sau bốn mươi năm.

Vâng, với đôi mắt đức tin, Đức Giám Mục GB. Bùi Tuần, trong bài viết tựa đề “Chuyện của hạt lúa gieo vào lòng đất”, đã có lời chia sẻ rằng: “Tôi nhìn Hội Thánh Việt Nam, cách riêng là tại miền Nam, và đặc biệt là tại giáo phận Long Xuyên của tôi. Đúng là có nhiều nhà thờ mới, nhiều giáo điểm mới, nhiều cơ sở mới, nhiều nhân sự mới. Tôi hỏi Chúa xem tôi nên vui hơn cả về yếu tố nào. Chúa trả lời tôi là: Hãy vui vì đã và đang có nhiều hạt lúa được gieo vào lòng đất”.

Là một Ki-tô hữu, mỗi chúng ta, dù ở vai trò nào trong Giáo Hội, cũng đều được mời gọi là một “hạt lúa được gieo vào lòng đất”. Tự nhận mình “cũng phần nào được ơn là một hạt lúa” và với cảm nghiệm của mình, qua bài viết, ĐGM. Bùi Tuần đã “xin nói đôi chút về tôi, như một chứng nhân của ơn gọi là hạt lúa gieo vào lòng đất”.

Ngài đã nói gì về ơn gọi là hạt lúa? Thưa, ngoài việc khiêm tốn và phó thác, ngài nói thêm rằng “Chúa luôn dạy tôi là chính bản thân tôi hãy luôn là hạt lúa tốt”.

Thế nào là hạt lúa tốt? Trả lời cho câu hỏi này, ĐGM Bùi Tuần nói: “Tôi nhớ tới lời Chúa dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5)

Với lời Đức Giê-su truyền dạy trên, ĐGM Bùi Tuần chia sẻ tiếp, rằng “tôi hiểu tôi sẽ là hạt lúa tốt, khi tôi kết hiệp mật thiết với Chúa, như cành với cây”.

Hay nói cách khác, một người tin và theo Chúa đích thực, phải là người có một mối liên kết mật thiết với Chúa “như chim liền cánh, như cây liền cành”.

**
“Như chim liền cánh, như cây liền cành”. Vâng, đó cũng chính là giáo huấn được Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ xưa, qua hình ảnh rất gần gũi với các ông, đó là hình ảnh “cây nho và cành nho”.

Theo Kinh Thánh ghi lại, thì, đó là ngày Thầy và trò đang họp lại mừng lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là một ngày lễ của niềm vui, nhưng hôm đó, với các môn đệ, lại là một ngày buồn, buồn vì “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”, buồn vì “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”…

Cảm thông nỗi buồn cùng với những âu lo của các môn đệ, Đức Giêsu củng cố niềm tin của các ông bằng một ẩn dụ rất đời thường, ẩn dụ “cây nho”. Hôm đó, trước các môn đệ, Ngài nói: “Thầy là cây nho thật. Và Cha Thầy là người trồng nho”.

Nói tới cây nho, Đức Giê-su muốn cho các ông nhìn thấy một so sánh thực tế, rằng: sự liên kết của nhánh và gốc đem sự sống từ gốc ra các nhánh khác của cây. Đây là một liên kết bền chặt tận gốc rễ, không phải chỉ có bề ngoài. Cũng vậy, giữa các ông và Đức Giê-su, cũng phải có mối liên hệ mật thiết. Sức sống của Đức Giê-su phải tuôn tràn qua cuộc sống của các ông mỗi ngày.

Có thể nói, ẩn dụ “cây nho thật” chính là một bản tình ca, bản tình ca yêu thương mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho các môn đệ là những kẻ bước đi theo Ngài.

Có lời lẽ nào yêu thương hơn lời lẽ mời gọi này: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (x.Ga 15, 4).

Đã nhiều lần qua các ẩn dụ, Đức Giêsu nói lên căn tính của Ngài. Nhưng với ẩn dụ hôm nay, ẩn dụ “cây nho thật” Đức Giêsu muốn cho các môn đệ thấy sự “liên kết mật thiết” với Ngài quan trọng dường bao, bởi chỉ những ai “ở lại trong Ngài” thì người đó mới “sinh nhiều hoa trái”, một điều kiện tối thượng để “trở thành môn đệ của Ngài”.

***

Trước một xã hội đang cổ võ cho một lối sống thiên về vật chất, con người như càng ngày càng mất định hướng cho cuộc đời của mình, con người dường như luôn sống trong trạng thái đứng núi này trông núi nọ, mất phương hướng, trầm cảm và cuối cùng là tự tử.

Để không rơi vào thảm cảnh này, không có con đường nào khác ngoài con đường đến với Đức Giê-su bởi vì Ngài chính là: “…đường, là sự thật và là sự sống”, và rằng “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.

Chính vì thế, hôm nay, Giáo Hội tiếp tục kêu gọi chúng ta là cành-nho-thụ-tạo hãy liên kết mật thiết với cây-nho-thật cây-nho-tạo-hóa là chính Đức Giê-su.

Bằng cách nào để liên kết với cây-nho-tạo-hóa là chính Ngài? Thưa, đó chính là Thánh Thể và Thánh Kinh.

Thánh Thể một thứ thần lương giúp chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Ngài”. Còn Thánh Kinh ư! Vâng, Thánh Kinh chính là nơi giúp ta nhìn thấy con người thật của Đức Giê-su qua cách sống của Ngài, qua lời nói của Ngài và cuối cùng là qua việc làm của Ngài.

Đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su, qua cách sống của Ngài, đó chính là lúc ta “ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta”.

Một khi ta “ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta”, hãy tin, cành nho của ta “sẽ sinh nhiều hoa trái” và đó… đó chính là hoa trái yêu thương.

Trong phạm vi nhỏ là gia đình, nếu mỗi thành viên trong ngôi nhà đó đều có “hoa trái yêu thương”, có phần chắc, gia đình đó, “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết” và cuối cùng, một cuối cùng tuyệt đẹp, đó là “vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

“Anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, Kinh Thánh nói “cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa”. Vâng, một khi sống đẹp lòng Thiên Chúa, hãy tin, chúng ta muốn gì, “anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Thế nhưng, điều quan trọng, đó là, hãy tự hỏi, hôm nay, tôi đã “Ở lại trong Thầy?”
Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...