Chúa Nhật – IV – TN – C
Lời Chúa: Hôm nay được ứng nghiệm.
Thành kiến là gì? Thưa, nghĩa là: ý kiến nhận xét
không tốt (về một ai đó, hoặc một vấn đề nào đó) ăn rất sâu vào não trạng, khó thay đổi. Có thể
nói thành kiến là một tính xấu. Thế mà, cái tính xấu này lại là căn bệnh trầm
kha trong suốt chiều dài lịch sử con người.
Tại sao tôi lại có thành kiến với người khác? Câu trả lời có vẻ như rất hữu lý, đó là “vì
tôi thích điều tốt, cho nên khi thấy người khác có hành vi không tốt, tôi lập tức
lên án”.
Còn theo các nhà tâm lý học, thì cho rằng: cái tính
ác nằm sẵn trong con người, thế nên tôi rất thích dèm pha hạ bệ kẻ khác và cảm
thấy vui mừng khi người khác bị hạ bệ.
Với những nhận định nêu trên, thành kiến quả không
khác gì một con quái vật. Mà, thật vậy, về mặt xã hội, thành kiến có thể làm
thui chột một tài năng. Về mặt tôn giáo, thành kiến có thể giết chết niềm
tin.
Về chuyện “thui chột một tài năng”, câu chuyện ba
anh em kết nghĩa vườn đào: Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi thời Tam Quốc,
như là một ví dụ điển hình.
Theo truyện Tam Quốc Chí ghi lại, họ là ba anh em kết nghĩa,
tự chiêu mộ nghĩa binh, thành lập một đạo quân đánh đông dẹp bắc, chiến thắng
lừng lẫy trước giặc khăn vàng. Trong trận kịch chiến giữa dũng binh của Lưu Bị
với đoàn quân của Trương Giốc. Quân của Giốc náo loạn bỏ chạy. Nhờ thế, Lưu Bị
giải cứu được Đổng Trác. Khi về đến bản doanh, Trác hỏi ba anh em
Lưu-Quan-Trương rằng “ba người hiện làm chức quan gì?”. Lưu Bị cho biết họ hiện
còn là chức “chân trắng”, nghĩa là một chức hạng bét trong quân. Khi nghe như
thế, con quái vật thành kiến bùng phát trong con người Đổng Trác. Tác giả
La-Quán-Trung viết “Trác nghe qua, trở mặt khinh khinh, không thèm thi lễ tiếp
đãi”.
Không có gì ngạc nhiên, bởi trước mắt Đổng Trác, Lưu Bị chỉ
là một kẻ vô danh tiểu tốt và nhất là, nếu Đổng Trác biết Lưu Bị xuất thân chỉ
là tên “làm nghề tết dép dệt chiếu” thì con mắt của Đổng Trác chắc hẳn sẽ còn
khinh khỉnh hơn nữa...
Nhà bác học Einstein nhận xét rằng: “Phá vỡ một thành
kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”.
Còn về chuyện thành kiến có thể giết chết niềm tin
ư! Thưa, câu chuyện “Đức Giê-su tại Na-da-rét” được ghi trong Tin Mừng Thánh
Luca, sẽ cho chúng ta thấy “thành kiến” nguy hiểm như thế nào.
**
Chuyện được kể rằng: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Galile”. Tại
đây, “Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”.
Vì sinh trưởng
ở Na-da-rét, thế nên, hôm ấy Đức Giê-su cũng đã trở về quê hương của mình.
Hôm đó, Người vào hội đường. Hân hạnh thay, Đức
Giê-su được đọc Sách Thánh. Cuốn sách được Ngài lớn tiếng đọc, đó là sách ngôn
sứ Isaia.
Vâng, lời ngôn sứ Isaia, qua giọng đọc của Đức
Giê-su, như một bản tình ca ngân vang khắp hội đường, nó như nổ tung nơi cung lòng
cử tọa một giai điệu của tình yêu, của hồng ân khi chàng nghệ sĩ Giêsu cất tiếng
hát lên: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi
loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam
cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người
bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Khi
bài Sách Thánh chấm dứt, toàn thể cộng đồng chăm chú nhìn Người trong thinh
lặng. Về phần Đức Giê-su, Người cất tiếng nói với họ: “Hôm nay, đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Nghe những
lời tuyên bố như thế, cả hội đường như nổ tung lên. Câu chuyện được kể tiếp,
rằng: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ
Người”.
Nhưng than
ôi! Những lời tán thành và thán phục đó, không đầy ba mươi giây, ngay lập tức
vỡ tan… vỡ tan như bọt bong bóng xà phòng.
Vì sao!
Thưa, vì họ chợt nhận ra một điều gần như là không thể! Họ đã xầm xì với nhau
rằng: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”
Một ông
Giuse thợ mộc, sao lại có thể sinh ra một ông Giêsu, được “Thiên Chúa xức dầu
tấn phong” như chính ông ta tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý
vị vừa nghe”.
Vâng, hôm
ấy, một sự thất vọng hiện rõ trên từng khuôn mặt của tất cả cử tọa. Họ thất
vọng, trước hết là vì gia thế của Đức Giê-su. “Con vua thì lại làm vua. Con sãi
nhà chùa thì quét lá đa”. Với thành kiến như thế, con của một ông thợ mộc sao
có thế là “Đấng Messia”!
Mà, nếu là
Đấng Messia? Vậy thì, vâng, hôm ấy, họ
đã thách thức Đức Giê-su rằng: “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm
tại Caphacnaum, ông cũng hãy làm tại quê ông xem nào!”
Đúng, đúng
là một sự thách thức, một thách thức lớn khiến cho Đức Giê-su, (theo như lời kể
lại của thánh sử Mác-cô): “Người không thể làm được phép lạ nào tại đó” (x.Mc
6, 5)
Ôi! quả là
thật đáng tiếc, đáng tiếc là bởi, bản tình ca yêu thương của Thiên Chúa, qua
lời tuyên bố của Đức Giê-su, đã bị con quái vật thành kiến khống chế. Sự khống
chế đó đã tác động mạnh lên cư dân Na-da-rét. Hôm ấy, sau khi nghe Đức Giê-su
nói như vậy, “mọi người trong hội đường
đầy phẫn nộ”. Khi sự phẫn nộ lên đến tột đỉnh, chuyện kể tiếp rằng: “họ đứng
dậy lôi Người ra khỏi thành , thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận
đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (x.Lc 4, 28-29)
Thế nhưng,
đâu có “dễ ăn” như vậy. Hôm đó, Đức Giêsu đã “băng qua giữa họ mà đi”. Hành
động của họ, quả đúng như lời Ngài nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận
tại quê hương mình”.
Đúng là
thành kiến giết chết niềm tin.
***
Qua câu
chuyện nêu trên, có rất nhiều bài học mà
chúng ta cần lãnh hội. Bài học thứ nhất,
đó là: chớ để đời sống (nhất là đời sống
đạo) của chúng ta bị con quái vật thành kiến chi phối.
Bởi vì nếu
ta để nó chi phối, rất nhiều điều tệ hại sẽ xảy ra. Về vấn đề này, ngài Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, qua bài viết mang tựa đề “Bụt nhà không thiêng”, có lời
chia sẻ: “Thực tế sống đạo cho thấy, chính thành kiến về nhau đã ngăn
cản nhau trong việc chấp nhận nhau, chấp nhận những cái hay cái tốt của
nhau, đúng hơn chấp nhận các đặc sủng Thần Linh nơi nhau. Trái lại, đã
không ưa ai, thì tất cả những gì con người đó làm dù có tốt đến đâu,
có hay đến mấy, cũng không đáng lưu ý tới, thậm chí nghe thấy ai
khen họ thì tìm cách hạ bệ họ...
Có một người chị
em chẳng có kiến thức về đạo là bao, chỉ mải miết say mê đọc
Sứ Điệp Từ Trời, theo chiều hướng bảo thủ cực đoan, đã công khai
lên tiếng chống Đức Thánh Cha Phanxicô đến độ dám nói với
nhóm của chị ta trên email (mà người viết này đọc thấy) rằng, cho dù
vị giáo hoàng này có làm phép lạ chăng nữa cũng là giáo hoàng giả,
có được người ta khâm phục đến đâu chăng nữa cũng là giả hình
v.v..” (nguồn: http://www.donggioanthienchua.net/but-nha-khong-thieng.html)
Khi đời sống của
chúng ta không bị con quái vật thành kiến chi phối, điều gì sẽ xảy ra? Thưa,
lòng bác ái, sự nhẫn nhục, lòng nhân hậu, sự từ tâm, tính hiền hòa… sẽ nảy nở trong chúng ta. Nói, theo cách nói
của thánh Phao-lô, đó là “hoa quả của Thần Khí”
ngự-trên-chúng-ta.
Một khi hoa quả
của Thần Khí “ngự trên chúng ta”… Thưa quý vị, hãy tin, đó chính là lúc chúng
ta đủ sức tiếp nối Đức Giê-su ra đi, ra đi
“loan báo Tin Mừng cho người nghèo… đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết
họ được tha… cho người mù biết họ được sáng mắt”. Và, cuối cùng là “công bố một
năm hồng ân của Thiên Chúa”.
Nói cách khác, một
khi Thần Khí Chúa ngự trên chúng ta, không một thế lực nào có thể ngăn cản
chúng ta làm cho Lời Chúa được ứng nghiệm.
Vâng, chính chúng
ta, phải là người làm cho “Lời Chúa, hôm nay được ứng nghiệm”
Petrus.tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét