Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Chạm lòng con Chúa ơi!




***
Chúa Nhật XIII – B – TN

Chạm lòng con Chúa ơi! 

Cuộc sống của con người, sống, không chỉ là ăn, uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí, nhưng còn là nhờ vào niềm tin, niềm tin vào một Đấng thiêng liêng nào đó.

Ngay từ thời xa xưa, niềm tin vào Thượng Đế đã có nơi con người. Sách Thánh kể rằng: “Ông Sết sinh được một con trai và đặt tên là E-nốt. Bấy giờ người ta kêu cầu danh ĐỨC CHÚA” (x.Stk 4, 26). Và cho đến hôm nay, có thể nói rằng, không một dân tộc nào trên thế giới mà không đặt niềm tin vào một Đấng Tối Cao. 

Nói, tôi tin có Đấng Tối cao… tôi tin có Chúa…. Vâng, một lời nói rất dễ dàng. Thế nhưng, nếu có ai hỏi, tại sao tôi tin? Và đức tin của tôi, đối với Đấng Tối Cao, ở mức độ nào? Vâng, có phần chắc, rất ít người có thể có câu trả lời thỏa đáng.

Tin hay đức tin là gì? Thưa, ĐHY Christoph Schönborn, trong một bài giáo lý, dạy rằng: “Đức tin là cửa ngõ dẫn vào sự sống thần linh. ‘Không có đức tin, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa’ (Dt 11, 6), vì đức tin kết hợp linh hồn với Thiên Chúa, tạo tình thông hiệp với Ngài. Người tin là người ‘chạm đến’ Thiên Chúa. Vì chúng ta không  thể sống và đạt đến sự sống đời đời mà không có Chúa, nên đức tin cần thiết để được ơn cứu độ, nghĩa là được sống”(nguồn: http://www.hdgmvietnam.org).

Với thánh Augustinô, nói về đức tin,  ngài chia sẻ: "Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin".

Người tin là người “chạm đến” Thiên Chúa!  Người tin là người “không thấy”, và phần thưởng của đức tin là “thấy” những gì chúng ta tin ư!  Vâng,câu chuyện “người đàn bà băng huyết và ông trưởng hội đường tên là Gai-ia” được chép trong Tin mừng thánh Mác-cô là một minh chứng điển hình. (x.Mc 5, 21-43).

**
Câu chuyện được kể rằng : Hôm ấy, khi Đức Giêsu đang ở trên bờ Biển Hồ, có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. 
Hội đường… Vâng, tưởng chúng ta nên biết, đây là một nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Do Thái giáo. Hội đường thường là một căn nhà lớn hình chữ nhật, quay về hướng của Đền thờ Jerusalem. Sinh hoạt tôn giáo tại hội đường là vào ngày Sabbat, gồm có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hebrew, sau đó là bằng tiếng Aramaic, cuối cùng là bài giảng cho đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Hội đường có một người trưởng nhiệm, người này có nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt tôn giáo, chỉ định người đọc Kinh Thánh và mời những người có khả năng lên giải thích Kinh Thánh. (nguồn: Wikipedia)

Gia-ia là một ông trưởng nhiệm, quyền uy như thế, thế mà… thế mà “vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoảng nài xin Ngài, rằng: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.

“Gần chết rồi sao!”.  Một lần kia, trong một lần giảng dạy cho dân chúng. Đức Giê-su đã nói rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được…”. Và hôm nay, đứng giữa một thực tế đầy bi ai, Ngài đã thực hiện đúng với lời dạy dỗ đó.  Thật vậy, sau lời thỉnh cầu của ông Gia-ia, nguời ta thấy Đức Giêsu “liền ra đi với ông”. (Mc 5, 24).

Đáng tiếc thay! Khi vẫn còn trên con đường đi, thì có mấy người từ nhà ông đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 

“Làm phiền Thầy chi nữa ư!”  Phải chăng, đây là một lời trách móc! Phải chăng đây là một lời giận hờn, giận hờn vì Ngài coi nhẹ sinh mạng một con trẻ “sắp chết” mà lại quan trọng hóa một con bệnh “băng huyết” chưa đến nỗi chết!

Thật ra, Đức Giê-su, rất yêu mến trẻ thơ. Trong những ngày còn tại thế, Ngài đã chẳng từng nói “Hãy để con trẻ đến cùng ta” đó sao!  Sau này, Ngài cũng đã chẳng từng cứu con trai của một bà góa tại thành Naim, đã chết nay được sống, đó sao? 

Vâng, hôm đó, khi trên đường đến nhà ông Gia-ia, có một người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã mười hai năm, bà ta “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”. 

Bà ta “Được nghe đồn về Đức Giê-su”. Đồn về chuyện gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô ghi chép ở đây, nhưng, có phần chắc, bà ta nghe đồn về một ông Giê-su “giàu lòng thương xót”, một ông Giê-su có thể chữa trị “mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền” v.v… Cho nên, bà ta “lách qua đám đông tiến về phía sau Người, và sờ vào áo của Người”.

Tại sao lại “sờ vào áo của Người” mà không nói với Đức Giê-su, như mọi người khác vẫn thường nói “Xin Ngài cứu con”? Thưa, không nói không có nghĩa là bà ta không tin vào quyền năng của Đức Giê-su. Trái lại, bà ta có một lòng tin rất mãnh liệt. 

Thật vậy, sờ vào áo Đức Giê-su, cùng lúc đó, với một lòng tin mãnh liệt, bà ta nhủ thầm: “Tôi mà sờ được vào áo Người là sẽ được cứu”. Quả đúng như bà ta nghĩ. Hôm đó, sau khi “sờ vào áo” Đức Giê-su, “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh”(x.Mc 5, 29)

Sau cú chạm của bà ta, Đức Giê-su thấy một năng lực từ mình phát ra và đó là lý do khiến Ngài lên tiếng “Ai đã sờ vào áo tôi?”. 

Theo diễn biến câu chuyện, các môn đệ  đều ngạc nhiên, vì điều Thầy mình hỏi, nhưng, người đàn bà bị bệnh băng huyết thì không, bà ta đã “sợ phát run lên” vì sự thắc mắc của Đức Giê-su. Trước một nỗi sợ không thể che dấu, bà ta đã “đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người”. 

Trước lòng tin mãnh liệt của bà, Đức Giê-su nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Vâng, nếu được phép, có thể nói, bà ta đúng là một con người mẫu mực của niềm tin. 

Tất cả sự việc, xảy ra rất nhanh, chẳng có gì ảnh hưởng đến việc Đức Giê-su chậm trễ đến nhà ông Gia-ia. 

“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Không, với Đức Giê-su, không có chi phiền cả. Có “phiền” đó là phiền trước sự “chế nhạo” cũng như “lòng tin” của những thân nhân trong gia đình ông Gia-ia. Họ nghi ngờ về quyền năng của Đức Giêsu. Đứa bé đã chết rồi, Ngài có phải là thần thánh đâu mà chỉ cần “đặt tay lên cháu, để nó… được sống” ... như lời khẩn khoản của ông Gia-ia!

Có lẽ họ chưa nghe nhiều về quyền phép của Đức Giêsu, chưa chứng kiến người đàn bà băng huyết chỉ một động tác “sờ vào áo của Người” thế mà đã được “khỏi hẳn bệnh”. Chính vì thế, Đức Giêsu lịch sự mời họ ra ngoài, sau khi Ngài nói “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, … 39).

Đứa bé ngủ ư! Thì nhìn đấy, nếu đứa bé chết, Đức Giêsu cần gì bảo với họ “cho con bé ăn”. Và hãy nhìn kìa, biết bao người đang ở đó, họ đã phải “kinh ngạc sững sờ” khi thấy Đức Giêsu cầm tay đứa bé và nói: “Talithakum… Thầy truyền cho con trỗi dậy”. Vâng, câu chuyện được ghi lại rằng “lập tức con bé đứng dậy và đi lại được”.  

***
Qua hai phép lạ nêu trên, quả đúng là, Người tin là người “chạm đến” Thiên Chúa. Người tin là người “không thấy”, và phần thưởng của đức tin là “thấy” những gì họ tin.

Cũng qua hai phép lạ nêu trên, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy, Ngài chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa, với đôi tay của mình, đã tạo dựng sự sống, nay, cũng chính trên đôi tay đó, Người có quyền trên sự sống. 

Chưa hết, hai phép lạ đó còn muốn chuyển tải một thông điệp, thông điệp chính Đức Giê-su công bố, rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.

Thưa bạn, bạn có tin điều Đức Giê-su đã nói không? Nếu còn nghi ngờ , mời bạn thưởng thức câu chuyện sau đây.  Câu chuyện do một tác giả người Mỹ đã ghi lại nói về niềm tin, như sau:

“Tại một vùng bên Hoa Kỳ, những tháng ngày nắng hạn kéo dài đã làm cho những cánh đồng nứt nẻ vàng úa. Ngày nào người dân trong vùng cũng ngước mắt nhìn lên trên trời với niềm mong đợi sẽ có một tín hiệu tốt, nhưng đất vẫn khô cằn, mưa vẫn không chịu rơi.

Một ngày Chúa Nhật nọ, tất cả các vị mục sư tại các nhà thờ trong vùng kêu gọi mọi người đến tham dự một buổi cầu nguyện chung tại quảng trường thành phố để xin trời đổ mưa. Mọi người được yêu cầu đừng mang theo bất cứ điều gì ngoài niềm tin của mình.

Vào giữa trưa một ngày thứ Bảy, tất cả mọi cư dân trong vùng tập trung tại quảng trường. Mọi người đều tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện. Họ đến đó tràn trề hy vọng. Các vị mục sư rất cảm động khi nhìn thấy đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ. Từng đám đông đứng sát bên nhau, nắm tay nhau liên kết với nhau trong cùng một niềm tin và hy vọng. 

Những bài thánh ca được cất lên một cách sốt sắng. Mọi người đều tin tưởng và chờ đợi phép lạ. Khi buổi cầu nguyện vừa kết thúc, như có một lệnh thần diệu nào đó, những giọt mưa nhỏ đã bắt đầu rơi, những tiếng reo hò cũng bắt đầu vang lên. Mọi người đều phấn khởi trước phép lạ tỏ tường. Cầm trong tay bất cứ đồ vật gì, người ta cũng giơ lên để biểu lộ niềm hân hoan”. (nguồn: www.catholic.org)

Vâng, đúng như lời Đức Giê-su nói: “Chỉ cần tin thôi”.

**** 
Hôm nay, chúng ta được thừa hưởng một nền y học tiến bộ. Những căn bệnh liên quan đến thể lý, trước kia được cho là nan y, nay đã có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm. Với căn bệnh băng huyết, chỉ cần một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không còn phải khổ sở về nó nữa.   

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lo sợ, đó là những căn bệnh liên quan đến tâm linh, những căn bệnh làm cho ta “băng huyết” niềm tin, mất đi sự sống đời đời. 

Đó chính là những căn bệnh “thuộc linh”, những căn bệnh như:  bệnh “dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, phù phép”, nó làm cho ta “băng huyết” sự bình an và hoan lạc. 

Đó chính là những căn bệnh như:  bệnh “hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa” v.v… nó làm cho ta “mất máu” lòng bác ái, sự nhân hậu, tính từ tâm, sự trung tín, tính hiền hòa và tiết độ.

Người xưa có nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thế nên, chúng ta rất cần những phút hồi tâm để xem lại tâm hồn mình có bị những căn bệnh nêu trên xâm nhập hay chưa!

Làm sao để biết tâm hồn mình bị những căn bệnh nêu trên xâm nhập? Thưa, hãy “chạm” đến Đức Giê-su. Nói rõ hơn, đó là hãy chạm đến “Lời” của Ngài. Lời Ngài ở đâu? Thưa, ở trong Kinh Thánh. Tác giả sách Do Thái cho biết: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (x.Dt 4,  12)

“Phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” có phần chắc sẽ lòi ra ai là người bị những căn  bệnh nêu trên, ai là người không, phải không, thưa quý vị?

Thế nên, thật phải đạo khi “Chạm” đến Chúa bằng chính “Lời” Ngài. Chưa hết, ta còn phải để Chúa”chạm” lại ta, như Ngài đã chạm vào đứa bé con ông Gia-ia năm xưa. Vì như thế, ta mới có thể “đứng dậy mà đi”. 

Để Chúa chạm vào ta bằng cách nào? Thưa, thật giản dị, đó là chúng ta hãy đến tham dự vào bàn Tiệc Thánh Thể, đó chính là cách  để  Chúa “chạm” đến ta.. 

Thưa Bạn… Bạn có tin không? Nếu tin, tôi và bạn hãy lấy ngay một cuốn Kinh Thánh, ít nhất là cuốn Tân Ước làm cuốn sách “gối đầu giường”. Thứ đến, hãy tham dự Tiệc Thánh Thể, mỗi khi có thể, và đừng quên… đừng quên bên bàn Tiệc Thánh, ta hãy cất tiếng nguyện xin, rằng: “Chạm lòng con Chúa ơi ngay giờ này. Chạm lòng con để con không xa Ngài... Vực con vươn lên, khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng. Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não… Chạm lòng con Chúa ơi ngay giờ này. Chạm lòng con để con luôn tin Ngài”.

Vâng… Lạy Chúa, xin Chúa “Chạm lòng con Chúa ơi”. 

Petrus.tran



Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Đức Giê-su - Ngài có “đang ở sẵn trong thuyền”?




Chúa Nhật XII – TN – B

Đức Giê-su - Ngài có “đang ở sẵn trong thuyền”?

Sợ hãi là gì? Thưa, “Sợ hay sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại căn bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, ví dụ như: đau, hoặc bị đe dọa, hoặc nguy hiểm đe dọa. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại nó” (nguồn:Wikipedia)

Nói tới sợ hãi ư! Vâng, có trăm ngàn thứ sợ. Có người sợ bóng tối, có người sợ ma, có người sợ cô đơn, có người, rất giản dị, họ sợ chuột hay con gián v.v… Ngoài những nỗi sợ tự nhiên đó, còn những nỗi sợ phát xuất từ thiên nhiên như: lụt lội, giông tố, và những nỗi sợ do con người gây ra như chiến tranh chẳng hạn. Nói tắt một lời, trong cuộc sống, từ khi sinh ra cho tới lúc chết đi, không ai mà không có một nỗi sợ riêng tư nào đó.

Dale Carnegie, là một nhà văn và cũng là một diễn giả, khi nói tới sự sợ hãi, qua cuốn “lời hay ý đẹp”, ông đã cho nhiều lời khuyên giúp vượt qua nỗi sợ hãi. Chẳng hạn như:  "Bạn có thể chế ngự được bất kỳ nỗi sợ hãi nào nếu bạn quyết chí làm như vây. Hãy nhớ rằng, nỗi sợ không tồn tại ở đâu cả ngoại trừ trong tâm trí bạn."  Hoặc như câu: "Sợ hãi là một kẻ bốc phét và hèn nhát; để chế ngự nỗi sợ hãi, ta chỉ cần quên đi sự có mặt của nó. Bạn có thể làm được việc đó" (Carnegie 27)

Vâng, quả là  ý đẹp lời hay. Thế nhưng, trong thực tế, có mấy ai đã vượt qua nỗi sợ hãi khi áp dụng lời khuyên này cho trường hợp của mình!

Với Phật giáo, để giúp cho con người chiến thắng nỗi sợ hãi, đạo Phật đã dùng giáo lý “Vô úy thí” như là một phương pháp để vượt qua. Theo lời giải thích của một người trong “tổ tư vấn”, thì, “Vô úy là không sợ hãi, cũng còn gọi là Vô sở úy, Vô bố úy. Bố thí vô úy tức là trang bị cho mọi người, cho chúng sanh năng lực không còn sợ hãi. Muốn thực hiện pháp thí này, yêu cầu trước hết là hành giả phải tự trang bị cho mình khả năng thắng vượt tất cả những nỗi sợ hãi. Muốn thoát khỏi lo sợ, điều đầu tiên là phải biết nguyên nhân, nguồn gốc các nỗi sợ và can đảm đối diện với chúng” (nguồn: internet). Vâng, “hành giả phải tự trang bị cho mình khả năng thắng vượt tất cả những nỗi sợ hãi” quả là một yêu cầu khó thực thi.

Với người vô thần thì sao? I don’t know. Tôi không biết, có lẽ đối với họ, trên thế gian này chẳng có gì làm cho họ sợ hãi!!!

Còn Ki-tô giáo thì sao? Thưa, không gì tốt hơn là đặt niềm tin phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Thật vậy, Lời Chúa được ghi lại trong sách Thánh Vịnh cho biết, rằng: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”(x.Tv 37, 5). Và, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa cũng đã phán: “Đừng sợ… Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn… Vì chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 43, 2-3)

Đặt niềm tin phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa ư! Thưa, đúng vậy, chính Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã dạy cho các môn đệ bài học này trong một lần Thầy và trò cùng nhau thực hiện một chuyến hải hành vượt qua Biển Hồ Ga-li-lê.

Câu chuyện đã được kể lại rằng: Hôm ấy, khi chiều xuống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Vâng, đây là một cuộc hành trình như bao cuộc hành trình khác của Đức Giê-su và các môn đệ.

“Sang bờ bên kia” ư! Có lẽ… vâng, có lẽ các môn đệ đã coi  cuộc hải hành này như một cuộc “dạo mát trên Biển Hồ”, một cuộc đi mà các ông vẫn thường đi mỗi ngày.  Thì đây, với cái biển dài non hai mươi cây số, rộng khoảng mười một cây số thì có gì trở ngại với những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm như các ông!

Thế nên, rất tự tin, tuân theo lệnh truyền của Thầy mình, các môn đệ lên thuyền “chở Người đi”. Thế nhưng, như người Việt Nam chúng ta thường nói: “Người tính không bằng trời tính”.  Và quả thật, chuyến hải trình của các ông hôm đó không suôn sẻ chút nào.

Hôm đó, khi chiếc thuyền của các ông còn đang lướt sóng  giữa Biển Hồ, chuyện chép lại rằng: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”.

Dù là những chàng “kình ngư” lão luyện, nhưng Phê-rô, An-rê, Gioan, Gia-cô-bê và những đồng môn khác đều hoảng sợ. Các ông chạy đến “đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Vâng, lúc đó, Đức Giê-su “đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”(x.Mc 4, 38)


Khi câu chuyện được kể  tới đây, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao các môn đệ, là những người kinh nghiệm về biển, lẽ ra họ phải biết cách để lèo lái con thuyền vào bờ an toàn, chứ sao lại phải kêu cầu đến Đức Giê-su, Ngài chỉ là một người “thợ mộc”?
Vâng, Đức Giê-su đã cho ta câu trả lời thỏa đáng khi Ngài nói với họ rằng: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh  em vẫn chưa có lòng tin?”. Hôm đó,  bằng quyền năng  của Con Một Thiên Chúa, Đức Giê-su  thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”. Thật nhiệm mầu, “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (x.Mc 4, 39)


Sự nhiệm mầu đó đã khiến các ông hoảng sợ và thốt lên “Vậy người này là ai, mà cả đến gió  và biển cũng tuân lệnh”.
“Người này là ai?” Vâng, có phần chắc, sau này, các môn đệ cảm nghiệm được rằng, với quyền năng trên thiên nhiên, Ngài phải là Thiên Chúa của vũ trụ này, và hơn thế nữa, Ngài chính là người để các ông “tin tưởng ký thác đường đời” mình.

**
Thưa Bạn, như người ta thường nói, cuộc đời ta là một con thuyền - “con thuyền cuộc đời”. Quả đúng là vậy. Và có con thuyền cuộc đời của ai mà không hơn một lần gặp phong bao bão táp.

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với bão táp của sự suy thoái kinh tế, dẫn đến thất nghiệp để rồi ta chán nản. Có những lúc, con thuyền cuộc đời của ta phải đối diện với những cơn sóng thần bệnh tật, để rồi dẫn ta đến sự tuyệt vọng. 

Có những lúc,  con thuyền cuộc đời của  ta phải chống chỏi những trận cuồng phong của mất mát, chia ly, của tử biệt v.v.. để rồi  ta cứ phải “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”.

Có những lúc, con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với những cơn bão táp của sự trống vắng, của sự cô đơn, để rồi ta phải tự hỏi: Tại sao tôi không có sự bình an! Tại sao tôi luôn phải bất an?


Đừng quên, khi còn tại thế, Đức Giê-su không hứa cuộc đời của những ai theo Ngài sẽ phẳng lặng. Trái lại, Ngài còn cảnh báo rằng, “các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.
Tuy nhiên, Chúa không bỏ mặc chúng ta. Thật vậy, tác giả sách  Thánh Vịnh, với kinh nghiệm của mình, đã nói: “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.

Thế nên, đừng ngần ngại mà  không “kêu cầu Chúa”. Có một câu nói rằng “No Jesus… No life - Không Chúa Giêsu… Không có cuộc sống”. 

Nói cách khác, tin Chúa, cuộc sống của ta dù có gặp gian truân, Chúa cũng sẽ gửi đến ta những “tín hiệu” để ta biết làm thế nào để vượt qua được những gian truân đó.

Câu chuyện tông đồ Phê-rô “đi trên mặt nước” như là minh chứng điển hình. Chưa thật sự tin vào quyền năng của Chúa, Phêrô “bắt đầu chìm”. Nhưng  khi Phêrô đã tin Chúa với lời cầu khẩn “xin cứu con”. Vâng, lúc đó ông mới có thể cùng Thầy Giêsu bước “lên thuyền”.

Thưa Bạn, Bạn đã làm gì trong những “cơn bão tố” của cuộc đời mình? Nên chăng, chúng ta hãy làm như những môn đệ xưa đã làm là “đánh thức Chúa” với lời khẩn nguyện: “Thầy ơi! - Chúa Ơi”?

***
Trên đây, chúng ta đã nói tới những cơn bão ảnh hưởng đến “thể xác”, thế còn những cơn bão ảnh hưởng đến “tâm hồn”, hay nói rõ hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đức tin của chúng ta,  thì sao? Vâng, đó là những cơn “bão lòng” xuất phát  từ trong tâm lòng chúng ta. Và đó chính là những cơn bão đáng sợ nhất.

Thế nên, hãy tự hỏi, tôi có để cho những cơn bão “Cơn-bão-dâm-dục… Cơn-bão-hận-thù… Cơn-bão-ích-kỷ… Cơn-bão-phóng-đáng… Cơn-bão-bè-phái… Cơn-bão-ganh-tị… Cơn-bão-say-sưa… Cơn-bão-thờ-quấy v.v.. xâm nhập và quậy nát tâm hồn tôi không?

Chính những cơn bão này nó làm cho lý trí ta bị lu mờ, làm cho nhận thức của ta méo mó, để rồi, ta mất phương hướng không còn biết đâu là đường dẫn ta đến chỗ Đức Giê-su, nơi ta có thể nhận được tấm phao cứu sinh, cứu ta, trước là có được một cuộc sống bình an ở đời này, sau là, một cuộc sống đời đời mai sau.


****
Vâng, chia sẻ về câu chuyện “Đức Giê-su dẹp sóng gió”, Lm.Charles E Miller có nói về chuyện chiếc tàu Titanic, rằng: “Chiếc Titanic được gán cho là chiếc tàu “không thể đắm”. Vậy mà, sau khi va chạm với một tảng băng trôi trong chuyến hải hành đầu tiên, nó đã chìm nghỉm xuống đáy Đại Tây Dương chỉ trong vài phút, theo nhận xét của một vài hành khách còn sống xót. Đại dương hùng vĩ hơn bất cứ con tàu nào, đã nuốt trửng chiếc Titanic như thể nuốt một hộp cá mòi”. 

Nói đến câu chuyện chiếc tàu Titanic để làm gì? Thưa, là để nói tới con thuyền cuộc đời của ta. Ai… ai dám khẳng định là nó sẽ không bao giờ va chạm một tảng băng nào đó, đại loại như tảng-băng-tiền-bạc, tảng-băng-quyền-lợi, tảng-băng-lừa-lọc, tảng-băng-dối-trá, giữa “biển đời” hôm nay!

Làm sao để con thuyền cuộc đời của ta, không bao giờ va chạm vào những tảng băng đó? Thưa, một cách tốt nhất, hãy thiết kế con thuyền cuộc đời của ta bằng một chất liệu “2 in 1”, đó là chất liệu “Thánh Kinh và Thánh Thể”. 

“Thánh Kinh” chính là “ngọn đèn” soi con thuyền cuộc đời của ta đi. Còn Thánh Thể ư! Vâng, đó chính là lương thực cho cuộc hải hành, một cuộc hải hành về Thiên Quốc, và hơn thế nữa, nó bảo đảm con thuyền cuộc đời của ta luôn luôn có Đức Giê-su “đang ở sẵn trong thuyền”.

Thưa Bạn, bất luận bạn và tôi là ai, chúng ta cũng đang là những người lèo lái con thuyền cuộc đời của mình. Và điều khôn ngoan hơn hết, đó là xem lại con thuyền cuộc đời của ta, có “ngọn đèn Thánh Kinh” và nhất là có Giê-su, Ngài có  “đang ở sẵn trong thuyền”, hay chưa?

Petrus.tran



Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

tổ ấm của đời mình?

***********

Giáo Hội: tổ ấm của đời mình?

Những ngày vừa qua, các em học sinh đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Nói tới nghỉ hè, có lẽ những người lớn tuổi, không ai lại không biết đến bài tình ca “Nỗi buồn hoa phượng” với lời mở đầu nặng trĩu u buồn, rằng “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”.

Vâng, những nỗi buồn của tuổi học trò ngày xưa đúng là những nỗi buồn man mác. Man mác buồn vì  “Ngày mai xa cách hai đưa hai nơi... Những chiều hẹn nhau lúc đầu. Giờ như nước trôi qua cầu”.

Thế nhưng, với tuổi học trò ngày nay, có lẽ, nỗi buồn của họ không còn “man mác” nữa, mà là một nỗi buồn lo với những thực tế trong cuộc đời của một người học trò hôm nay. Đó là nỗi buồn lo về những cuộc thi, thi hết cấp – chuyển cấp – cao đẳng – đại học  v.v… Nói chung là nỗi lo  về “kết quả” cho những năm tháng dùi mài kinh sử.

Thật ra, không chỉ trong lãnh vực học hành, mà trong bất cứ lãnh vực nào, khi thực hiện, người ta đều lo nghĩ tới kết quả của nó. Người thương gia chẳng hạn, có ai lại không mong muốn một thương vụ nào đó của mình đạt kết quả mỹ mãn. Còn người nông gia thì sao? Thưa, cũng vậy, không một nông gia nào lại không muốn kết quả sau những ngày gieo trồng là một vụ mùa bội thu.

“Kết quả”. Vâng, Thiên Chúa cũng muốn nhìn thấy kết quả trong đời sống đức tin của những ai tin vào Người. Thật vậy, Đức Giê-su, trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Ngài đã tỏ rõ hàm ý đó cho các môn đệ, qua lời nhắn nhủ tha thiết, rằng: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (x.Ga 15, 8) .

Nói cách khác, đã tin và theo Chúa, người môn đệ của Ngài phải “sinh nhiều hoa trái”, vì đó chính là dấu chỉ để mọi người thấy “kết quả trong đời sống đức tin”.  

Trong một lần rao giảng tại Biển Hồ, qua dụ ngôn “người gieo giống”, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy thế nào là người có kết quả trong đời sống đức tin.

Vâng, dụ ngôn đã được kể rằng: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi vào vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt rơi nhầm đất tốt, nó mọc lên và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm” (x.Mc 4, 3-8). 

Dụ ngôn tuy ngắn gọn nhưng đủ làm sáng tỏ, ai… ai là người, khi đến với niềm tin, đã sinh kết quả trong đời sống đức tin. Vâng, như lời Đức Giê-su đã giải thích, đó là “… những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm”.

Về dụ ngôn này, Lm. Charles E. Miller chia sẻ rằng “Chúa Giê-su không định dạy chúng ta một bài học về nông nghiệp hay vật lý, mà thôi thúc ta chiêm ngắm một mầu nhiệm sâu thẳm hơn, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội.

Lm. Charles chia sẻ như thế, vì hôm đó, Đức Giê-su không chỉ nói đến kết quả trong đời sống đức tin của một cá nhân, nhưng qua hai dụ ngôn kế tiếp, “Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên”  và “Dụ ngôn hạt cải”, Ngài muốn hướng mọi người đến kết quả trong đời sống đức tin của cộng đồng dân Chúa tức là Giáo Hội.

Đức tin của cộng đồng dân Chúa tức là Giáo Hội có được là do kết quả trong đời sống đức tin của từng cá nhân. Và khi kết quả trong đời sống đức tin của cộng đồng dân Chúa tức là Giáo Hội nảy nở, một sự mầu nhiệm sẽ xảy ra, đó là “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội” sẽ lớn lên, lớn lên tương tự như sự ví von của Đức Giê-su, qua dụ ngôn hạt cải, rằng “như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (x.Mc 4, 31-32).

Sự ví von này, đã xảy ra đúng như thực tế trong lịch sử Giáo Hội. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội tiên khởi cho  chúng ta thấy, thoạt đầu mười hai người môn đệ chỉ là một nhúm nhỏ “hạt giống”. Thế mà, khi được gieo trồng tại Giê-ru-sa-lem, nhớ đức tin, nó lan tỏa lên phương bắc tới An-ti-ô-khi-a xứ Xyri, kế tiếp, vượt qua Địa Trung Hải để đến Rô-ma… Châu Âu và cuối cùng là “cho đến tận cùng trái đất”.

**
Theo số liệu gần đây, cho đến cuối năm 2013, Giáo Hội Công Giáo đã có tới một tỷ hai trăm năm mươi ba triệu tín hữu, họ đã đến để “làm tổ dưới bóng” ngôi nhà Vatican.

Vâng, chắc hẳn, nếu có sống lại, “anh cả Phê-rô” cũng không thể tin được sự kỳ diệu của mười hai hạt cải đầu tiên, trong đó có ngài, được gieo ở Giê-ru-sa-lem năm xưa, nay đã mọc lên và tràn lan khắp thế giới trong đó có Việt Nam, một quốc gia đứng thứ năm ở Châu Á về số lượng tín hữu, với số lượng linh mục  và tu sĩ đông đảo, với hàng trăm ngôi thánh đường lớn nhỏ.
Ôi! đúng là một mầu nhiệm, mầu nhiệm “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”.

Tuy nhiên, đừng vội mừng… đừng vội mừng về những “kết quả” đó. Tại sao? Thưa, là bởi cần nhìn lại xem, những kết quả đó, có phải là những kết quả đến từ Thánh Thần, hay không!

Đã có không ít những "Hội Thánh" với những ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ, như Hội thánh Crystal Cathedral với ngôi thánh đường người ta quen gọi là "nhà thờ kiếng" với ba ngàn chỗ ngồi, vậy mà nay, không hiểu vì lý do gì nên đã phải tuyên bố phá sản, và đang phát mãi ngôi nhà thờ của họ để trả nợ.

Làm sao để có thể nhận ra đâu là “kết quả đến từ Thánh Thần?” Thưa, xem quả biết cây, Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã dạy rằng: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?” (x.Mt 7, 16)

***

Thưa Bạn, lời Chúa dạy là thế. Thế nên, đừng vì một thiếu xót hay sai lầm nhỏ của một ai đó trong Giáo Hội mà chúng ta vội vàng rời xa Giáo Hội.
Chúng ta chỉ cần nhớ một điều, rẳng: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (x.2Cr 5, 10)

Thế nên, điều tốt nhất, đó là, hãy xác định, tôi là một Ki-tô hữu, là một phần của “Nước Thiên Chúa trong Giáo Hội”, và  hãy tự hỏi lòng mình rằng: “tôi đã sinh hoa kết trái” và “hoa trái” đó có phải là hoa trái của Thần Khí?

Nói cách khác, tôi có sinh hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Hãy thử tưởng tượng xem, trong phạm vi nhỏ là gia đình, nếu chúng ta sinh hoa trái “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, có phần chắc gia đình chúng ta  sẽ là một “tổ ấm”, một nơi mà vợ chồng chúng ta sẽ “ý hợp tâm đầu”, anh em chúng ta sẽ “hòa thuận” và cuối cùng,  con cái chúng ta sẽ không ngần ngại coi đó như là nơi “có thể làm tổ dưới  bóng” cha mẹ của mình.

Còn trong phạm vi lớn hơn là xã hội cũng như giáo hội thì sao? Thưa, cũng với những hoa trái  nêu trên, có phần chắc, ít nhất là nơi chúng ta cư ngụ, hàng xóm láng giềng sẽ thân thiết. Giáo xứ chúng ta sẽ là một nơi mà mọi người “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”(x.Cv 2, 42)
Đừng bao giờ quên rằng,  “Anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, Kinh Thánh dạy “cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa”.
Còn siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, thì sao? Thưa, đó là cách tốt nhất để chúng ta “Ở lại trong Chúa”, mà như lời Đức Giê-su đã nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.

Giờ đây, chúng ta hãy trở về trong thinh lặng và tự hỏi, suốt bao năm tháng qua, những năm tháng được trở thành môn đệ Chúa, tôi đã thật sự “Làm đẹp lòng Chúa và ở lại trong Chúa…?”

Vâng, nếu chưa thì hãy bắt đầu làm ngay hôm nay, bởi vì,  “làm đẹp lòng Chúa và ở lại trong Chúa” đó chính là dấu chỉ cho mọi người thấy kết quả trong đời sống đức tin của ta. Hơn thế nữa, nó còn làm cho mọi người nhìn Giáo Hội như  là một nơi họ “có thể làm tổ dưới bóng”. Nói cách khác, nơi mọi người có thể coi đó như là “tổ ấm của đời mình”.

Petrus.tran



Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...